Những người tôi yêu
Chương 5
Suốt mấy năm liền, tôi chỉ viết thư về nhà vài ba lá hỏi thăm bố mẹ và các anh chị em. Thư nào cũng dặn cái Bình là cậu Luân nhớ 2 anh em cu T và chị Liên. Cũng ngần ấy năm, tôi chỉ nhận được 3 lá thư của chị và 3 lá thư của anh hai tôi và của cái Bình. Thư chị viết bao giờ cũng có câu “Nhớ nhiều lắm”+ 2 chữ cái LL…
Sau ngày 30/4 năm 1975 tôi được cử ra Bắc, nói là cho đi học ĐH vì đã có giấy gọi ĐH từ trước. Nhưng vừa ra đến HN là tập trung lại nghe cán bộ quán triệt rằng không được báo tin cho nhà biết vì nhiệm vụ bí mật. Nhớ nhà, muốn nhào về mà sợ bị kỷ luật nên đành nín im. Học chính trị một tháng liền rồi đi học tiếng Nga 6 tháng. Cuối năm 1975, tôi sang Liên Xô học ĐH Quân sự kéo dài tới năm 1981 mới về. Trong 6 năm ở nước ngoài, không một lần về nước, tôi nhận được rất nhiều thư. Phần lớn là thư của chị gửi từ địa chỉ tỉnh Thái Nguyên. Lạ là chẳng lá thư nào chị nhắc tới chồng chị và cu T, mà phần lớn kể và chụp ảnh cu Lâm với hai đứa con gái sau tên Tâm và Minh. Nhìn ảnh cu Lâm, tôi thấy giống tôi thế.
Năm 1981, về nước và được về thăm nhà sau 12 năm đằng đẵng. Về nhà, thấy bố mẹ, các anh chị và em gái khỏe mạnh, tôi mừng lắm. Chị cả đã lên chức bà ngoại rồi, anh thứ 2 đã có vợ và hai đứa con trai, anh & gia đình nhỏ của mình hiện có nhà trên tỉnh. Ở quê chỉ còn bố mẹ tôi với cái Bình ở trong ngôi nhà xây 5 gian rộng rãi đến hiu quạnh. Bố tôi bảo: “Luân lấy vợ đi, ở nhà này, đất này, vườn này con phải quản lý của ông bà, tổ tiên để lại…”. Tôi chỉ cười mà không nói gì. Tôi hỏi đến vợ chồng chị Liên và các cháu. Bố tôi kể…
“Sau khi nó (chồng chị Liên) được giải ngũ, ở nhà với vợ được hơn tháng thì lên HB nơi nó đóng quân xin vào làm công nhân, được cử đi học lái xe ô tô. Vợ ở nhà chửa kềnh càng cũng chẳng một lần về thăm. Khi vợ đẻ thì có về mấy hôm và xin đưa cu T sang ở cùng bố. Tưởng nó thương vợ nên chia cái vất vả chăm con cho vợ. Ai dè nó bội bạc…”
Ông rít thêm điếu thuốc lào, rồi kể tiếp…
“… Hai cái Tết sau đó cấm thấy bố con nó về. Hỏi ra mới biết là nó có vợ khác từ hồi còn ở bộ đội đóng quân bên ấy. Con vợ cũng gái nông trường. Đứa con gái cũng nhỏ hơn thằng T một tuổi. Thảo nào từ khi đi bộ đội, cấm thấy về. Chỉ một lần khi được phục viên, ở nhà gần tháng, vợ có chửa cái là đem con lớn đi. Cho đến khi toà án huyện xử ly hôn mới về đòi bán nhà để chia. Đúng là loại người ác nghiệp…”
Mẹ tôi thêm vào câu chuyện: “Nhà của nó đâu mà đòi bán, đòi chia? Đất thì chú thím (bố mẹ tôi) cắt đất vườn cho cháu gái, nhà thì chú chặt tre, xoan ngâm và thuê thợ dựng cho chứ có phải của bố mẹ nó đâu mà đòi. Đất của bố mẹ nó thì chị em nó (anh có một bà chị gái cùng mẹ khác bố) bán đi từ lâu chia nhau hết còn có gì nữa đâu. Chỉ thương hại con bé Liên, hiền quá hóa đần…”
Bố tôi kể, khi xử ly hôn xong, chị bế con sang nói với bố tôi: ” Chúng con chẳng còn là vợ chồng nữa. Thằng lớn do ông bà, mẹ cháu và các cậu, các dì chăm bẵm thì giờ coi như con mất con. Còn thằng Lâm này, con xin ông cho nó mang họ mẹ.”. Bố tôi bảo chị: ” Cũng được! Họ Lưu thêm một xuất đinh. Tao cấm từ nay không ai được nhắc đến tên hai bố con nó ” Thế là thằng con thứ 2 của chị mang họ Lưu của mẹ nó.
– Thế còn 2 đứa con gái sau? Tôi hỏi.
Mẹ tôi kể:
– Sau khi bỏ nhau, Liên được người bạn gái học cùng với chị ở Trường Trung cấp nông nghiệp giới thiệu cho ông anh họ góa vợ, làm giám đốc nông trường chè trên Thái (Thái Nguyên). Cưới nhau cuối năm 1971 thì cuối năm 1972 chồng nó về Hà Nội họp. Đúng lúc máy bay Mỹ oanh tạc Hà Nội. Bị bom đánh trúng mất cả xác. Khổ! Con bé con mới chưa đầy một tuổi. Mà thấy lạ, bố con bé Tâm cũng là họ Lưu. Con bé nhìn rõ khéo gái. Trắng trẻo, nét mặt giống mẹ…
– Thế đứa con gái sau, cái Minh… Tôi chưa hỏi hết câu thì cái Bình, em gái tôi bảo:
– Chị ấy bị lừa. Có trại thương binh an dưỡng đóng quân gần nông trường chị, thấy chị đơn chiếc nuôi hai đứa con nên thường sang giúp, lân la tán tỉnh, lừa sẽ lấy chị ấy. Phần vì hoàn cảnh khó khăn, phần vì tin tưởng anh ta sẽ lấy mình nên chị ấy mới khổ…
Tôi hỏi: Sao bố mẹ không bảo chị ấy về đây mà ở có hơn không?
Mẹ tôi chép miệng:
– Bảo mãi rồi! Bố anh cất công lên tận trên Thái đón cả mấy mẹ con về ăn Tết và thúc ép về quê mà ở. Nhưng nó nhất định không. Chỉ thỉnh thoảng đưa con về quê thăm thôi.
Tôi hỏi:
– Năm nay chị ấy đã về lần nào chưa?
– Chưa! Tháng sau giỗ bác (bố của chị) thì có khi chị con mới về. Còn không thì phải đến Tết.
Tôi hỏi cái Bình xem nó có biết địa chỉ của chị không để mai, ngày kia hai anh em lên thăm chị và các cháu. Cái Bình lấy giấy bút ra ghi địa chỉ nhà chị “Khu gia đình công nhân đội 8, nông trường… X, ở xã Y, huyện Đ tỉnh Bắc Thái” và bảo là em đang bận làm luận án Tiến sĩ và 2 đứa cháu còn bé, bố nó thì ở ngoài biển khoan dầu, chẳng ở nhà…
Thế là tôi quyết đi một mình. Ngoài mấy mét vải hoa, khăn len, áo lông và quà bánh tính làm quà tặng chị cùng các cháu mà tôi chưa một lần gặp mặt. Và tôi không thể quên mà không đem theo kỷ vật tình yêu thiêng liêng mà tôi đã luôn mang bên mình suốt bao năm là cái túi áo của Liên trong có cái khăn thêu 2 con chim với 2 chữ L lồng vào nhau. Ý tôi chỉ muốn chứng minh với chị tình yêu của mình.
Đúng dịp có xe đơn vị đi công tác trên Quân khu, tôi cũng có tên trong đoàn cán bộ. Tôi mừng úm vì nếu không sẽ phải chen chúc tàu xe (những năm đó đi lại khó khăn chứ không như bây giờ).
Hai ngày làm việc và đi khảo sát kiểm tra các đơn vị trong Quân khu. Vào ngày Chủ nhật được nghỉ, tôi mượn xe đạp của đồng chí tiếp phẩm để đi sang nông trường sau khi hỏi thăm biết nơi mấy mẹ con chị ở chỉ cách chừng 5 cây số đường núi đồi. Đeo ba lô đựng quà cáp trên lưng, tôi hồ hởi đạp xe đi. Đường dốc nhưng cứ đạp phăng phăng, bon bon… Trong đầu chỉ nghĩ đến cảnh gặp lại người của tôi. Vào đến khu gia đình công nhân đội sản xuất số 8, vừa gặp một chị cỡ tuổi chị tôi, nhìn quen quen hình như đã gặp ở đâu đó. Mới cất tiếng hỏi và nhắc đến tên chị Liên, chị ấy nhìn tôi chằm chằm một lúc rồi hỏi:
– Chú là chú Luân, em chị Liên à? Chắc chú không nhận ra chị đâu, lâu quá rồi. Chị là chị Lan đây! Chị học cùng chị Lan hồi ở trường trung cấp nông nghiệp. Chị đã gặp chú mấy lần…
Từng thước phim cách đây hơn chục năm lại hiện ra trong đầu tôi. Đúng rồi! Những lần đưa chị tôi lên trường, tôi đều gặp chị ở cùng phòng với chị Liên tôi.
Tôi mừng rỡ và nhận ra chị. Tôi hỏi nhà chị Liên. Chị Lan bảo tôi ghé vào nhà chị đã. Tôi theo chị vào nhà. Một mái nhà tuềnh toàng như tất cả những căn nhà thời bao cấp. Có 4 đứa trẻ đang chơi trong sân, đứng trơ mắt nhìn chú bộ đội, quên cả câu chào. Đến khi chị nhắc thì chúng mới rối rít chào tôi. Chị chỉ vào hai đứa con gái bảo tôi:
– Đây là cái Tâm và cái Minh con chị Liên đấy. Hai đứa chào cậu Luân đi. Tôi nhìn kỹ gương mặt hai đứa thấy nét của Liên trên từng khuôn mặt. Tôi mở Balô lấy kẹo chia cho cả 4 đứa và hỏi chị rằng hai đứa con trai là con của chị à? Chị lắc đầu:
– Không phải đâu. Mấy đứa con cô hàng xóm gửi đấy. Con chị lớn rồi, các cháu đi học cấp 2 chiều mới về.
Chị vồn vã pha nước chè mời tôi. Tôi uống nước mà không yên lòng, muốn chị dẫn sang nhà chị tôi ngay. Rót thêm nước trà nóng vào chén của tôi. Chị chậm rãi:
– Chị Liên với thằng Luân về quê từ sáng sớm rồi. Hai đứa bé không đi được vì còn nhỏ, tàu xe khó khăn nên gửi chị trông hộ mấy hôm. Mà chú còn công tác trên đây mấy ngày nữa?
Tôi ngán ngẩm thở dài và trả lời rằng mai tôi phải về xuôi rồi. Chị bảo tôi:
– Thế thì ở đây ăn cơm với anh chị và các cháu nhé. Lát chị đưa sang nhà chị Liên tắm rửa và chơi với hai đứa cháu gái. Chị nấu cơm và đợi anh về thì chị gọi sang. Chị quay ra sân gọi:
– Con Tâm, con Minh đâu rồi. Vào đây đưa cậu về nhé.
Hai đứa trẻ líu ríu vào. Tôi bế đứa bé chừng 5 – 6 tuổi và dắt đứa chị đi theo chị Lan. Cách chừng 3 – 4 nhà, chị rút chìa khóa mở cổng, mở cửa cho tôi và lũ trẻ vào. Chị bảo tôi tắm rửa và tắm luôn cho 2 cháu để chị về nấu cơm.
Tôi nhìn quanh trong nhà. Nhà chỉ có 3 gian lợp bằng giấy dầu. Bếp thì tách riêng thành một nếp ngang nối đầu hồi với nhà chính. Trong nhà chả có gì. Một cái tủ gỗ ọp ẹp và 2 cái giường. Một cái bàn thấp ở gian giữa và hai bên là ghế băng. Bộ ấm chén sứ cũ kỹ và sứt mẻ. Xuống bếp thấy trên kiềng có nồi cám lợn còn ấm hơi và một nồi cơm đã ăn gần hết. Lũ gà và đàn lợn thấy người là kêu và chạy lại chờ. Tôi múc cám và xúc hết cơm nguội ra cho lợn và gà ăn. Đoạn, gọi hai đứa cháu ra tắm. Tôi bảo chúng cởi quần áo ra. Con bé Tâm đã biết xấu hổ nên bẽn lẽn, ngần ngừ. Còn con Minh cởi hết, tồng ngồng chờ tắm. Tôi lấy trong Balô ra bánh xà phòng thơm mang từ nước ngoài về tắm, gội cho hai đứa. Nước mát, xà phòng thơm làm cho hai đứa trẻ thích thú. Sự ân cần của tôi khiến chúng hết sợ và cảm mến cậu.
Xong, tôi tìm hai bộ quần áo con gái mà tôi mua ở Hà Nội ướm cho chúng. Hay cái là tôi chỉ nói tuổi áng chừng của chúng mà cô Mậu dịch viên chọn đúng cỡ, vừa vặn. Mặc quần áo mới vào cái là chúng chạy biến ra ngoài ngõ. Một mình tôi trong nhà. Tôi tò mò xem từ thùng gạo, chai dầu, đống củi đến các bóng điện. Hồi đó, các nông trường đã có điện nhưng cứ đỏ loè và hay bị cúp, đến một lúc nào đó thì mới có điện. Tôi soạn mọi thứ quà: Vải, 6 bộ quần áo trẻ con, 3 cái áo lông cho 3 cỡ trẻ em và một cái cho người lớn, mấy cái khăn len, chục bánh xà phòng giặt loại 72%, chục bánh xà phòng thơm, 1kg lương khô dành cho quân đội, 3 cân đường, 3 hộp sữa đặc, túi bánh kẹo… Tìm quanh, không thấy cái gì gói được. Suy nghĩ rồi quyết định để nguyên trong Balô. Chỉ lấy ra mỗi thứ 2 bánh xà phòng, chục phong lương khô, bánh kẹo và cắt ra 2 m vải để sẽ mang tặng chị Lan.
Vừa rửa mặt mũi xong thì đã sang chiều. Chị Lan sang gọi tôi. Tôi bảo chị vào nhà, đưa những thứ tôi chọn ra để làm quà cho gia đình anh chị. Chỉ vào cái Balô, tôi nói với chị:
– Một số thứ em gửi nhờ chị đưa cho chị Liên em nhé. Em sẽ viết thư lại cho chị ấy. Có khi ăn xong em phải về đơn vị trả xe cho họ, tối nay còn họp để mai về Hà Nội chị ạ. Hai đứa trẻ con em tắm, giặt cho chúng nó rồi. Chả được gặp chị Liên em với cháu Lâm, em buồn lắm. Nhưng…
Chị Lan ngồi xuống băng ghế đối diện với tôi. Chị kể:
– Chị Liên lấy bố cái Tâm là do chị. Anh ấy không may bị hy sinh khi máy bay Mỹ ném bom Hà Nội. Là Giám đốc nông trường mà vợ con cũng chẳng hơn gì người khác. Chị Liên là đội trưởng sản xuất nhưng cũng như mọi người, cũng khó khăn, túng thiếu… Khổ nhất là bị thằng bố con Minh nó lừa, chửa đẻ mang tiếng nên bị kỷ luật lên, kỷ luật xuống thật cơ cực em ạ. Cũng may mọi người ai cũng thương cảnh mẹ con chị ấy nên cũng đỡ vất. Tuổi mới thế mà phải mang tiếng 3 đời chồng mà chả đâu vào đâu. À! Mà nhìn thằng Lâm thấy giống cậu nó thế. Càng nhìn càng giống. Đấy hôm nào gặp nó, chú xem. Nhìn cứ như hai bố con chứ ai bảo là hai cậu cháu. Cả hai đứa con gái cũng giống y chang mẹ. Chị cũng đã về quê nhà em mấy lần đấy. Thấy mấy anh chị em cứ nhang nhác nhau. Ai cũng rõ đẹp. Thật đấy! Chị cảm ơn chú cho quà nhé. Còn các thứ cậu gửi chị Liên thì cứ cho hết vào Balô, buộc chặt lại, chị sẽ đưa nguyên đủ cho chị Liên. Cậu tin chị đi. Giờ thì sang nhà ăn cơm với anh chị và các cháu mà có phải đi thì đi cho sáng sủa, đường xá khó đi lạng quạng mà ngã thì khổ.
Tôi theo chị sang nhà.
Anh chồng chị cũng kiếm đâu ra cút rượu, hai anh em nhấm nháp với lạc rang. Cơm xong, tôi dắt hai đứa về bên nhà dặn dò và ôm chúng nằm trên giường nghỉ chút để đi. Nằm mà nghĩ luẩn quẩn, loanh quanh. Mọi suy nghĩ đều hướng về hình dáng của Liên và nhớ đến cồn cào, đến rơm rớm mắt, đến cay cay sống mũi. Và mường tượng khuôn mặt cu Lâm. Nó đúng là con của tôi chăng? Liên ơi! Không gặp được em hôm nay thì nhất định tuần sau anh sẽ lên. Tôi ngồi dậy, định viết mấy lời như tâm trạng. Nhưng nghĩ lại, nếu ai khác đọc được thì chết, nên chỉ ghi vội mấy câu:
Chị L YÊU (tôi viết in hoa chữ YÊU), em lên mà không gặp được chị và C Lâm (Tôi cố tình viết tắt chữ C). Rồi em sẽ gặp!!
Ký tên L. L của chị L.
L và tôi ghi thêm số địa chỉ hòm thư của đơn vị mình, rồi ghi thêm “Nhớ gửi bằng thư bảo đảm nhé!”
Nhìn hai đứa cháu gái ngủ ngon lành. Tôi ghé môi hôn chúng nhiều lên má và trán. Muốn gửi thêm trong đó cả những nụ hôn cho mẹ Liên và anh Lâm của chúng. Rồi ghé xuống nằm giữa cho hai đứa nằm hai bên. Ba cậu cháu ngủ ngon lành.
Tới xế chiều, tôi thức dậy. Hai đứa cũng dậy theo. Đứa lớn hỏi:
– Cậu ơi! Cậu đi à?
Đứa nhỏ nhệch miệng khóc…
– Ứ cho cậu đi đâu, cậu ơi bế cháu.
Tôi ôm chặt cả hai đứa vào lòng như sợ bị rơi mất khỏi cuộc đời.
Tôi dắt chúng sang nhà chị Lan để chào anh chị. Anh đã đi làm trong xưởng cơ khí rồi. Chỉ còn chị ở nhà. Tôi mở ví lấy ra 150 đồng (tiền những năm đó còn giá trị, gần bằng 2 lương tháng đại uý của tôi) và 10kg tem lương thực quân đội đưa nhờ chị Lan “chuyển cho chị Liên của em”.
Rồi tôi dắt xe ra, đi thẳng không dám nhìn lại vì nghe tiếng khóc nhè của hai đứa cháu gái. Mà lạ thật! Chưa hề gặp chúng bao giờ mà sao chúng không xa lạ, mà quấn quýt như cậu cháu ở cùng từ ngày chúng được sinh ra.
Lại một đêm trắng thức và nhớ. Sáng hôm sau chúng tôi quay về Hà Nội. Cứ sốt ruột và thấp thỏm chờ thư.
Bẵng đi gần một tháng, đúng hôm tôi trực tác chiến thì bưu tá đến trao giấy báo của Bưu điện thành phố ra nhận thư đảm bảo. Đổi ca xong, tôi bỏ cơm trưa phóng xe ra bưu điện.
Đúng như mong đợi, Liên gửi thư cho tôi. Trên phong bì, mục người nhận ghi rất rõ: “Em Lưu Thanh Luân. Hòm thư xxxxx”.