Tiểu Mai - Quyển 3

Chương 62



Phần 62

Thi thoảng, tôi còn nhớ vào những lúc thức khuya học bài nếu khi đó vụt đứng dậy đột ngột thì đầu óc tôi bất chợt cảm thấy váng vất, xây xẩm đến chóng mặt, không tự chủ được phải ngồi xuống trở lại. Có đôi khi mắt lại nổ đom đóm, nhìn đâu cũng thấy những chấm sáng nhập nhoạng. Nhưng đó là tình trạng xảy ra sau cái đợt tôi nhập viện vì sốt xuất huyết, và bác sĩ bảo là do tôi bị thiếu máu não.

Cái này là tình trạng cơ thể suy nhược nên có thể cải thiện bằng cách ăn các thực phẩm giàu đạm và sắt như cá hồi, trứng gà, đặc biệt là thịt bò. Vì vậy cả tháng sau đó tôi được mẹ đặc cách tẩm bổ bằng các món bò xào, phở bò, bò hấp… tất tần tật các món bò mà mẹ tôi có thể nấu được. Và tất nhiên là trừ bò khô ra, mẹ cấm tiệt tôi đụng vào. Ăn gì bổ đó, quả thật chỉ sau một thời gian ngắn thì tôi đã tha hồ chạy nhảy trở lại, triệu chứng thiếu máu lên não hoàn toàn biệt tăm mất tích.

Thế nên khi Tiểu Mai bảo rằng bây giờ nàng đang cảm thấy chói mắt, tôi liên tưởng ngay đến biểu hiện thiếu máu não trước đây của mình. Bởi tình huống vừa nãy là hai đứa tôi sau lúc nghe chuông reo vào lớp thì đứng bật dậy khá đột ngột, vì vậy rất có thể đây là lý do.

– Có khi nào em bị thiếu máo não không? Anh hồi đó cũng bị vậy, mỗi lần đứng dậy là thấy đầu óc xây xẩm, chóng mặt hoa mắt!

Tiểu Mai trầm mặc một hồi rồi mới gượng cười:

– Em cũng mong vậy!

– Ngốc quá, ai lại mong mình bị bệnh chứ! – Tôi nhăn mặt phản bác, rồi chuyển sang bông đùa. – Bình thường kêu ăn thịt bò nhiều vô không nghe, giờ bị như anh rồi đó rồi thấy chưa. Anh có phải ham hố gì cái thịt bò đâu, chẳng qua là vì muốn tốt cho sức khỏe thôi!

Nhưng nàng không phản ứng gì trước mấy lời bá láp của tôi mà chỉ lặng im, đưa mắt nhìn lên những tán cây me tây đang rũ bóng mát xuống sân trường.

– Nói chói mắt rồi thì còn nhìn lên trời chi nữa? – Tôi thắc mắc.

– …

Rồi tôi cũng nhìn theo, nhưng chỉ thấy bên trên là những tia nắng xuyên qua các kẽ lá đang khẽ rung rinh trong gió. Và chúng dịu nhẹ chứ chẳng hề gay gắt chút nào.

Tiểu Mai bất thần nói:

– Vào lớp thôi, anh!

– Hử? Em hết chói mắt rồi à? – Tôi ngạc nhiên.

– Có lẽ! – Nàng lắc đầu đáp.

– Ổn thì vô học, không thì… trốn hết tiết này đi! – Tôi mạnh dạn đề nghị.

Đây là tôi học hỏi từ ba tôi, chiêu này gọi là kế giương đông kích tây trong binh pháp. Vì từ nhỏ đến giờ, mỗi khi trong nhà hễ mẹ hay anh em tôi bị bệnh là ba ngoài việc chăm sóc thì sẽ thi thoảng lại nói đùa hay đưa ra một vài lời đề nghị tầm xàm mà vừa nghe đã thấy hoang đường không tưởng. Nhưng cũng nhờ vậy mà “bệnh nhân” sẽ phải chú tâm vào để phản bác lại, tránh tập trung lo lắng không đâu vào bệnh trạng của mình.

Vì thế khi đưa ra lời xúi dại trốn học, tôi cốt chỉ mong Tiểu Mai sẽ lại nghiêm giọng nạt tôi như mọi khi. Nếu được như vậy thì tức là nàng vẫn còn ổn.

Nhưng lúc này thì không, Tiểu Mai thoáng suy nghĩ một chút rồi nàng gật đầu:

– Anh vào học tiếp đi, em chắc xin phép thầy cho về sớm thôi!

Tôi há hốc mồm:

– Vậy đâu… đâu được, em đi xe gì về? Anh chở em mà!

– Em tự đạp xe về được, tan học rồi anh nhờ Khang hay bạn nào đó chở anh tới nhà em nha! – Nàng thở dài, miễn cưỡng nói.

Một khi Tiểu Mai đã quyết ý thì có cách trời mà cản được, thế cho nên quãng đường từ căn tin trở lại lớp học hai đứa đã đi hơn một nửa mà tôi vẫn chả biết phải nói gì cho phải. Không lẽ nàng đang trừng phạt hay thử tôi vì cái tội dám xui bậy trốn tiết.

Lúc hai đứa bước lên hành lang dãy phòng sinh hoạt Đoàn và phòng y tế thì tôi mới khẩn khoản xuống nước:

– Nãy anh giỡn mà, làm gì tới mức em nghỉ học thiệt vậy?

– Em biết là anh giỡn rồi… – Tiểu Mai thở dài, hạ thấp giọng đáp.

– Vậy sao còn phải nghỉ nữa? Em hết chói mắt chưa, vô lớp không có nắng nữa đâu thì làm sao mà chói nữa! – Tôi hỏi dồn.

Thay vì trả lời những câu hỏi tới tấp như hắt nước vào mặt của tôi, Tiểu Mai lại bỗng đứng sững lại, khẽ nhíu mày rồi bất thần một tay nàng hụt hẫng quờ quạng giữa không trung như tìm điểm tựa, một tay ôm lấy đầu.

Mất nửa giây để tôi ngừng thở vì ngạc nhiên và rồi sau đó cử động cơ thể hoàn toàn là của phản xạ, hoảng hốt bước nhanh tới đỡ lấy nàng đang loạng choạng. Bởi tôi đang thất kinh hồn vía, hoàn toàn không thốt ra được câu từ nào hay nghĩ được bất cứ gì. Cảm giác có một cỗ ngạc nhiên cường đại từ đâu đến bỗng chốc như sóng thần ập vào nhận chìm tâm trí, ngập ngụa trong mớ dự cảm bức bối không lành.

Vài mươi giây nữa trôi qua trong im lặng, Tiểu Mai nhắm nghiền mắt như cố gắng chịu đựng một điều gì đó bất thường. Rồi nàng mới khó nhọc cười gượng, trả lời mớ câu hỏi vừa nãy của tôi:

– Vì thường sau khi chói mắt, em… sẽ bị đau đầu!

Lần này Tiểu Mai không cần phải nói “như lúc này vậy” nữa, tự tình trạng hiện tại của nàng cũng đã giải thích thay cho câu trả lời.

Để miêu tả lại trạng thái của bản thân lúc đó thì với vốn liếng từ vựng của tôi hiện tại cũng chỉ có thể diễn tả bằng một câu ngắn ngủi. Là ai đó lôi tim tôi ra khỏi lồng ngực và bóp nghẹt nó lại. Tôi hoàn toàn ngừng thở vào thời điểm ấy mà cũng chả hiểu vì sao cơ thể mình lại phản ứng bạo liệt đến vậy.

Nhưng dẫu thần hồn có nát thần tính thì tình yêu là thứ duy nhất không thể vỡ tan, nó vẫn còn ở đâu đó trong cái vực thẳm đen ngòm vô định ngập đầy những câu hỏi. Nó cho tôi một phản xạ của bản năng, dù có điếng hồn thì thằng Nam của năm lớp 12 vẫn biết làm điều phải làm.

Tôi choàng tay Tiểu Mai qua vai mình rồi dìu nàng vào thẳng phòng y tế trên hành lang. Khi ấy tôi chỉ nghĩ được trời phật còn thương, còn cho hai đứa đi về lớp bằng hành lang bên phải, chứ nếu đi bên trái thì chỉ e Tiểu Mai đau đầu, và tôi đau tim đến chết.

Phòng y tế cách chỗ bọn tôi dừng lại chỉ vài bước chân mà khi ấy như xa vạn dặm, vì mỗi bước tôi dìu Tiểu Mai là mỗi lần nàng khuỵa người xuống. Tôi muốn la hét lên nhưng lại không thể hoảng loạn. Tôi vẫn hằng mong được ôm nàng, nhưng lại không phải là theo cách như thế này, không phải ở vào tình huống này. Tôi cố xốc nàng lên vai, nhưng càng cố lại càng cảm thấy nàng như nặng hơn vì vô lực.

Cô giáo trong phòng y tế đang ngồi nói chuyện với một giáo viên khác, và đón hai đứa chúng tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên rồi rất nhanh, cô phụ tôi một tay dìu Tiểu Mai đến chiếc giường ở sát cửa sổ.

– Em này bị làm sao thế? – Cô hỏi.

Tôi há mồm ra nhưng lại không thể thốt nên lời, cảm giác như lưỡi mình trôi mất tận đâu và cơ thể như hoàn toàn chưa hề biết tới cái chức năng gọi là “phát âm”. Ú ớ một vài tiếng, tay tôi mới chỉ được lên đầu mình, mặt mũi trở nên nhăn nhó đến cố gắng biến thành khó coi, rồi mới lắp bắp mấy từ đứt quãng:

– Bạn… bạn em… đau đầu… cô giúp… em!

Biết không thể trông coi gì ở thằng học sinh trước mặt nữa, cô giáo mới lắc đầu tặc lưỡi rồi mới hỏi Tiểu Mai:

– Em cảm thấy sao rồi?

Nhưng Tiểu Mai chẳng thể trả lời được, mà thay vào đó tay tôi lại bất thần đau nhói lên. Nàng nhắm chặt mắt lại, bàn tay thanh mảnh siết lấy cổ tay tôi đang ở cạnh bên như chỉ để biết rằng tôi vẫn còn ở đó, ở lại với nàng.

Sức lực nào có thể khiến Tiểu Mai siết được cổ tay của một người học võ trở nên đau đớn khôn cùng?

Hay tim tôi khi đó cũng đang đồng bệnh tương lân?

Cô giáo bị bất ngờ trước tình hình hiện tại, vội đưa tay sờ trán Tiểu Mai:

– Trời, trán nóng quá. Bị sốt rồi!

Cô nói như tự thoại bản thân rồi tất tả đi đến tủ thuốc trên tường, bắt đầu nhẩm tính các lọ thuốc trước mặt.

Tôi lắp bắp:

– Nhưng… sáng nay vẫn còn bình thường mà cô?

– Đang dịch sốt mấy hôm nay, em không xem ti vi à? Vừa hết mùa mưa là muỗi dữ lắm!

Nhà Tiểu Mai trước giờ thì làm gì có muỗi, tôi là người biết rõ hơn ai hết chứ. Nhưng tôi cũng không có thời gian để phân bua, hết nhìn cô giáo lấy thuốc trên bàn rồi lại nhìn sang Tiểu Mai, mồ hôi trên trán nàng đã túa ra, những lọn tóc mai dán bệt lên má.

– Hai đứa học lớp nào? Báo giáo viên chưa? – Người còn lại trong phòng hỏi.

– Dạ chưa, tụi em học 12A1! – Tôi nói nhanh.

– Vậy em về lớp báo cáo đi rồi xin phép cho bạn, ở đây để hai cô lo cho!

Tôi còn đang ngần ngừ chưa quyết thì đã cảm nhận được Tiểu Mai lại càng siết chặt tay tôi hơn nữa. Và đó cũng là câu trả lời của tôi.

– Em không về được!

– Hở? – Cả hai người cùng ngạc nhiên.

– Em cũng đau…

Rồi tôi đặt bàn tay còn lại của mình lên bàn tay Tiểu Mai đang nắm, khi đó mới cảm giác được nàng như lơi tay ra một chút.

Như hiểu ra vấn đề, người cô còn lại mới thở dài nói:

– Được rồi, để cô về lớp hai đứa nói giùm cho. Là 12A1 phải không?

– Dạ, em cảm ơn cô… – Tôi chầm chậm gật đầu.

Cô giáo đưa cốc nước có viên Panadol sủi còn chưa tan hết, khuyên Tiểu Mai cố ngồi dậy uống thuốc vào cho đỡ bớt đau đầu.

Tôi thấy nàng vẫn đau đến không mở mắt nổi, bèn vỗ nhè nhẹ lên tay nàng, cố thủ thỉ:

– Em dậy uống thuốc đi, nha…

Tiểu Mai lắc đầu, nàng lại càng siết chặt tay tôi mạnh hơn nữa.

– Uống vào mới đỡ đau, nha…

– …

Tôi quay sang cô giáo, nói như mếu:

– Thuốc này… uống vô có hết đau thiệt không cô?

Bộ dạng tôi lúc đó y chang thằng con nít lần đầu đi tiêm thuốc mà thút thít hỏi bác sĩ rằng mũi tiêm này có đau hay là không. Và có lẽ không muốn thấy thằng con trai kia khóc trước mặt mình, cô giáo mới gật gật đầu:

– Sẽ hết, vừa giảm đau vừa hạ sốt!

– Em nghe chưa, cố uống thử đi… – Tôi cúi người, khẽ khàng nói vào tai nàng.

– …

Lúc ấy không hiểu sao tôi lại nhớ đến khoảng thời gian Tiểu Mai chăm sóc tôi trong bệnh viện, cái thời mà nhờ cơn sốt xuất huyết tai vạ đó đã đẩy đưa tôi với nàng một bước đến gần nhau hơn.

– Em mà không uống, tối lỡ nhập viện lại gặp ông già đòi hái dưa leo ở tầng 7 rồi làm sao?

– …

– Bây giờ chắc ổng cũng lên tầng 10 rồi… Uống đi, nha…

Nàng càng im lặng chịu đau, tôi lại càng trở nên hoảng loạn nói lảm nhảm. Nhưng hay không bằng hên, chính những lời tầm xàm ấy lại khiến Tiểu Mai trở mình dậy được, mấp máy bảo:

– Ngốc, anh không biết đóng cửa sổ lại sao chứ…

Rồi nàng cố gượng uống hết ly thuốc nước Panadol sủi, tôi lại dìu nàng nằm xuống giường. Kể từ lúc ấy, trong phòng y tế chỉ có tiếng cô giáo soạn thuốc và ghi biên bản. Còn lại hai đứa chẳng ai nói được gì, chỉ có tay chẳng rời tay, ngổn ngang trăm mối.

Chương trước Chương tiếp
Loading...