Bến gỗ
Chương 2
Đêm bìa rừng tối mịt, tôi lần mò theo đường mòn đi về nhà. Gọi cho nhà nghe cho sang, chỉ là túp lều, loại trước đây dành riêng cho lính chiến, chính Bảy Súp đã đưa khi biết tôi thích sống độc lập.
– Chú mày lấy cuốc giãy sạch chỗ này đi, cái lều cũ bạc rồi nhưng còn tốt lắm. Giăng ra ở đây, sáng đi làm cũng gần.
Rúc người chui vào trong lều, tôi nghiêng người đặt mình xuống, đặt đầu xuống mấy cái áo đã gấp nhỏ để làm gối tựa. Lăn qua lăn lại hoài cũng chẳng nhắm mắt ngủ được, gác tay lên trán, tôi thở dài. Hết nghĩ cho mình, cho mấy người tôi quen đang sống nơi Bến Gỗ này. Trong đó có anh Bảy Súp, nhớ câu chuyện anh kể tôi nghe hồi chiều.
Ngày đó, anh xuất thân là một võ sinh trong một võ đường có tiếng tại Sài Gòn Chợ Lớn. Sư phụ anh luôn căn dặn người học võ để luyện tập cơ thể và làm những việc hiệp nghĩa cho đời. Khắc cốt ghi tâm lời dặn dò của thầy, anh là người học trò được sư phụ thương nhất trong võ đường.
Trong đám huynh đệ đồng môn, đại sư huynh Tạ Lân là người được sư phụ chân truyền gần hết võ nghệ với ước mong sau này là người kế thừa chức trưởng môn nhân của võ đường. Lúc anh được sư phụ nhận là đệ tử, đại sư huynh đã có mặt ở đó gần mười năm trời.
Lại nói về đại sư huynh Tạ Lân của anh, một người trầm tính ít nói, gương mặt có phần lạnh lùng. Bởi lý do này, anh ít khi trò chuyện với đại sư huynh. Anh vâng lời, chăm chỉ luyện tập. Ý chí cần cù, siêng năng của anh đã làm cho sư phụ ngày càng yêu thương anh thêm. Duy có một điều anh không mảy may biết, tỉ lệ nghịch với tình yêu của sư phụ, anh vô cớ trở thành nỗi bực dọc của đại sư huynh…
Tiếng chim líu lo đủ làm tôi bừng tỉnh. Giấc ngủ dù thế nào, đồng hồ sinh học của tôi vẫn luôn đúng giờ. Bung người khỏi lều, tôi vung tay múa quyền cho giãn gân giãn cốt. Đây chính là một trong một số thứ hay ho tôi học được từ Bảy Súp. Anh dạy tôi nhiều thế võ phòng thân.
– Sống ở đất này, chú mày không biết điều gì bất trắc có thể đến với mình đâu. Anh dạy chú mày cách quơ tay chân, không thằng nào dám làm khó dễ chú mày nữa.
Đầu óc ù lì của tôi tập trước quên sau, nhưng cứ nghĩ đến cảnh đang sống ở nơi đầy rẫy đám giang hồ tứ chiến thập phương tụ về, cứ hễ mỗi sáng thức dậy tôi đem ra khổ luyện. Thời gian cứ trôi, bài võ đã thuộc làu.
Tôi kêu một ly cà phê, một thứ màu đen như hắc xì dầu, rồi ngồi nhìn xung quanh. Buổi sáng, tiếng chim ríu rít nghe vui tai khiến lòng người cũng thêm phần thanh thản. Một cậu nhỏ ngồi gần cứ chằm chằm nhìn tôi như cố nhận ra điều gì đó.
– Ê nhìn gì hả nhóc? Bộ tao giống người quen nào của nhóc hay sao?
Cậu nhỏ vẫn chẳng thèm mở miệng, tôi bực mình búng vèo phần điếu thuốc lá còn cháy dở bay ngay đến chỗ nó ngồi. Cu cậu mới lên tiếng.
– Tại chú giống ba của thằng bạn con.
– À. Mà bạn nhóc ở đâu?
– Lagi.
– Bình Thuận?
– Đúng rồi chú.
Tôi lục tung trí nhớ coi thử từng có người bà con nào từng sinh sống ở đó, vẫn chẳng thấy có bất cứ một người nào. Cuối cùng đưa ra lời phán.
– Người có thể giống người.
Rồi kéo cái ghế còn trống nằm gần mình, tôi ngoắc cậu nhóc.
– Nhóc qua đây, chú hỏi chuyện.
Thằng nhỏ chạy ngay qua, ngồi ngay ngắn nghe tôi chất vấn. Tôi hỏi:
– Nhóc hết chỗ đi?
Nó ngước nhìn tôi, mặt ngu rõ ràng chưa hiểu ý tôi. Tôi phải diễn giải lại:
– Gia đình nhóc đâu? Sao chui vô đây?
– Ba con đi biển, bị bão mất tích rồi. Mẹ thương nhớ, đổ bệnh rồi chết.
– Không có cô dì, chú bác gì hả?
– Có, nhưng ai cũng nghèo.
Tôi vỗ cu cậu, an ủi nó. Ngày nay, tình nghĩa gia đình, bà con giảm sút so với hồi xưa nhiều. Ngó từ đầu xuống chân thằng nhỏ, chợt tôi xót. Nó cao dong dỏng, đôi mắt sáng tinh anh nằm ẩn khuất dưới mái tóc rối bù. Xót thì xót, thân tôi chỉ mới lo bữa, lấy đâu làm gì khác. Chỉ có vài lời khuyên thằng nhỏ, tôi đã có sẵn.
Kêu chị Bảy bán cho một gói thuốc lá, tôi liếc nhìn sâu vào trong quán, không thấy bóng dáng Bảy Súp.
– Anh Bảy đâu chị?
– Sáng sớm đi lấy hàng rồi.
Trả tiền xong, tôi vội đi thẳng ra Bến Gỗ, sắp đến giờ của đám thợ rừng. Tiếng chân theo sau, tôi đảo ngược người ngay. Thằng nhóc lẽo đẽo theo tôi. Giọng tôi nửa bực nửa lo.
– Đi theo chú làm gì nhóc?
– Con… con…
Nó ấp úng nói lắp. Tôi hiểu ra mọi chuyện. Nó mới đến Bến Gỗ chiều tối qua, ngủ lang ngoài mái nhà người ta. Sáng nay tôi nhìn thấy, nó vẫn chưa có gì bỏ vào trong bụng. Tôi lại xót, kéo nó quay lại quán Bảy Súp. Chị Bảy ló mặt nhìn tôi, ngạc nhiên, tôi không để chị lên tiếng trước:
– Chị Bảy có gì ăn no được, cho thằng nhóc này. Chiều tôi ra trả tiền.
Bóng chị Bảy khuất sau vách nhà, nhưng giọng vẫn kịp vang đến tai tôi:
– Khổ, lại cái tật bao đồng cho thiên hạ.
Vậy đó, khổ, tôi biết mình khổ mới đặt chân đến cái đất này. Thấy ai đó khổ hơn mình, tôi lại lo. Bước dài bước chân như chạy, tôi đang muốn chạy trốn lời chua chát của chị Bảy nói xéo.
Cùng khiêng khúc gỗ cuối cùng xuống xe, tôi kéo mũ tai bèo đang đội mà quạt vội, mồ hôi chảy dài trên mặt mát lạnh.
Lại nữa, bộ mặt thằng nhóc đeo bám tôi thế này. Nó ngồi dưới gốc cây, chốc chốc lại nhìn tôi, vẻ mặt cầu cứu. Đang mệt, tôi đi đến gần mà sẵng giọng:
– Nhóc không nên ở đây. Theo xe ra ngoài chợ tìm việc mà làm.
Mặt nó đỏ như khóc, ngồi thừ ra. Bực chồng thêm bực, tôi gắt gỏng:
– Đi đi, đừng bám theo chú nữa, không có cơm ăn đâu.
Thằng bé bật dậy như lò xo, chạy nhanh xa khỏi tôi. Hình như tôi nghe được tiếng khóc, thấy mình hơi quá đáng nhưng cũng đáng. Tôi thả người nằm xuống bãi đất bằng, mắt nhìn thẳng lên trời. Mây xanh ngắt, bầu trời nắng vàng rực, tôi ước mình như cánh bướm vừa chập chờn lướt qua mắt tôi.
Trời nắng loá. Trông ra Bến Gỗ, mặt đất dường bốc hơi thành gợn sóng. Những xe be đã bắt đầu rục rịch, chuẩn bị rời bãi.
Cô Mỹ nói:
– Em phải về. Dạo này ế ẩm quá. Mà anh có muốn em ở lại không?
– Anh không có tiền.
– Miễn phí cho anh.
– Anh ở trong cái lều nhỏ xíu chật chội lắm. Thôi, em về đi.
– Đuổi em hả? Về lần này, có lẽ em không trở vô nữa. Em muốn đổi nghề, kiếm chuyện khác làm ăn.
– Ừ, được đấy. Em cũng lớn tuổi rồi. Phải nghĩ tới tương lai.
Cô than thở:
– Em muốn về quê cũ, làm lại cuộc đời. Nhưng em hư quá, vô phương quay về.
– Thì đi nơi khác. Buôn gánh bán bưng gì cũng được.
– Phải có một căn bản gia đình, mà em thì cô đơn, anh ạ.
Cô thở dài. Tôi an ủi:
– Từ từ, em cũng sẽ kiếm được người thương em.
Ngoài bãi, có tiếng kêu ơi ới. Xe sắp rời Bến Gỗ.
Cô đứng dậy:
– Em đi nhé. Chắc mình không gặp nhau nữa đâu.
Cô bước đi xa, còn ngoảnh đầu ngó lại. Bỗng cô trở gót, quay vào cầm tay tôi:
– Coi… kìa… cái mặt buồn buồn, dễ ghét. Bộ thương em hả?
– Thôi mà, đừng có đùa. Bao nhiêu người dòm ngó.
“Chụt”.
Cô hôn mạnh lên bên má tôi rồi ù chạy. Bất giác, tay tôi xoa lên chỗ nụ hôn vội vừa rồi. Cảm giác lạ mà quen.
Chị Bảy bước ra hiên, dọn những ly tách trên bàn, nói:
– Cặp kè với loại người ấy, chỉ mất mặt.
– Nói chuyện thôi. Đã có gì đâu?
– Còn muốn có gì nữa hả? Anh Bảy Súp giúp anh có cơm để sống, chứ không phải để anh đem tiền bao gái.
– Chị thấy tôi có lạng quạng với ai không?
– Chuyện khuất lấp ban đêm, chỉ có trời biết. Còn chuyện ban ngày, đã rõ trắng đen. Bạ ai cũng tán tỉnh, thượng vàng hạ cám không chừa thứ nào.
Thái độ và lời lẽ của chị Bảy làm tôi ngạc nhiên. Chị đâu có quyền nói những lời gay gắt như thế với tôi. Nghĩ tới tình nghĩa anh Bảy Súp lâu nay, tôi không nỡ phản ứng làm mất lòng người vợ của anh.
Tôi nói:
– Chị hơi nặng lời đấy.