Chuyện đời lính

Chương 23



Phần 23: Trầm hương và bùa ngải

Hôm trước ở Lào tôi được gặp lại bạn cũ, anh tên Xơng một pathet(sĩ quan quân đội) “thứ thiệt” giờ đã về hưu, anh chuyển sang làm du lịch, theo lời anh nói, và anh Heng người Cam gốc Ấn, nhưng sống và làm việc tại Lào, cùng một sỉ thet (sĩ quan công an), tôi đi cùng hai cậu em…

Tôi được tham dự một cuộc tắm rượu thực sự, Uytsky Lào công lực khá mạnh…

Đủ thứ chuyện lan man, anh em lâu không gặp lại ôn chuyện cũ, anh Xơnh thì do công việc có chút liên quan nên tôi một hai năm lại gặp gỡ một lần, còn anh Heng thì có tới gần 15 năm chưa gặp lại… đó là một con người đặc biệt, từ hình hài cho tới số phận. Cha anh người Ấn nên anh thừa hưởng từ cụ bộ râu quai nón rất dầy, dài tới ngang ngực và vuốt nhọn vểnh ra ngoài giống như một chiếc lưỡi cày vậy, cặp lông mày rậm đen, dài như che kín đôi mắt, đôi mắt đặc trưng người Trung Đông, đen sâu thăm thẳm và xa lạ…

Anh Heng từng là cựu lính Ponpot sau bỏ ngũ đi cướp bóc dọc biên giới Thái Cam những năm 80 – 90, rồi anh chuyển qua buôn lậu cổ vật và trầm hương.

Tôi và anh có “giao lưu súng đạn” với nhau hai lần, kết quả anh em tôi không sao còn anh mất hai ngón tay và bị tôi túm sống trong một rẫy trồng cam ở Am piar, dưới chân dãy Dăng reck, hướng Sam rong, anh Heng cùng hai anh em nữa…

Cha mẹ và nhiều người anh em của anh Heng đều đã mất trong chế độ Khơ me đỏ, anh chỉ còn hai cô em gái hiện buôn bán ô tô tại Viêng Chăn (Vientiane) anh Heng cũng sinh sống tại đó cùng gia đình, anh mua đất rừng ở Phon Hong, gần Viêng Chăn để mở trang trại trồng dó bầu (cây trầm hương).

Cuộc đời anh Heng chìm nổi, lênh đênh và nhiều kỳ lạ, gia đình anh bị Khơ me đỏ giết gần hết, anh thì bị chúng bắt đi lính, trong một lần đi gác những người dân trong trại tập trung đi lao động, anh đã sách súng bỏ trốn vì thấy quá kinh sợ với chế độ Khơ me… anh lẩn trốn trong những cánh rừng già dọc biên giới Thái Cam, rồi ra đường biên lập một nhóm toàn đào binh đi cướp bóc.

Sau khi Khơ me đỏ bị đánh tung tóe chạy thì anh lại vào Sê rây ka thường gọi là bọn Para, lính nhảy dù cơ, oai lắm. Một lực lượng thứ ba trong cuộc chiến Khơ me đỏ, lũ này được Thái lan “nuôi” và CIA “dạy”, tuy “màu mè” hầm hố như thuỷ quân lục túi mẽo nhưng bất tài và nhát như cáy ngày thỏ đế, có lần mình tôi lùa 5 thằng chạy tụt cả giày, rớt cả súng, oánh nhau thì thua lính Việt, nhưng chạy nhanh hơn. Thời gian sau chán Para anh lại bỏ đi cướp bóc và rủ thêm chiến hữu, mang nguyên quân phục vũ khí vào rừng lập Lương sơn bạc, và đụng bọn tôi rồi bị tôi túm sống với một ba lô tiền, vàng, ngọc… cỡ tới hơn chục ký lô.

Kiến thức về sinh tồn, cổ vật, trầm hương và… buôn lậu của anh như một cái kho thật sự, qua bao năm tháng lăn lóc trong “yang hồ” tích luỹ được.

Thấy tôi than phiền và thắc mắc chuyện lạ, là tôi có một chuỗi hạt trầm hương do một anh bạn Lào tặng, hạt nhỏ như hạt ngô và thỉnh thoảng tôi lôi ra đeo chơi, nhưng rất lạ là chỉ đeo được tay phải, cứ đeo tay trái là cổ tay sưng vù ngứa điên loạn…

Anh ngồi vuốt râu trầm ngâm rồi bảo, Một là sợi dây đó bị “sên” (yểm bùa chú) hai là đó là trầm giả…

Tôi ra xe lục tìm sợi dây mang vào cho anh xem, chưa cần cầm chỉ nhìn anh đã phán ngay, hàng giả…

Theo lời anh Heng nói, trên thị trường có tới mấy chục phần trăm là trầm giả, đó vẫn là gỗ dó bầu và các anh tàu khựa úm ba la cho nó thành trầm…

Trầm là một thứ nhựa của cây dó bầu, khi cây bị thương tích gì đó sứt sẹo thì nhựa cây dó sẽ tiết ra chỗ sẹo đó như một cách tự chữa vết thương, nôm na như con trai tạo ngọc vậy.

Tôi thì chưa từng đi tìm trầm, đi buôn trầm, hay trồng cây dó bầu. Tôi chỉ lang thang trong rừng và từng nhiều lần gặp những cây dó rất to, dáng vẻ kỳ quái 100% là có trầm. Dó bầu là cây sinh ra trầm hương chứ không phải là cây trầm hương, và không phải cây nào cũng có trầm dù có khi nó cả trăm năm tuổi…

Trầm hương đã là một thứ lạ lùng thì Kỳ nam còn lạ lùng hơn nữa.

Kỳ nam là thứ cao cấp hơn trầm hàng trăm lần về độ quý hiếm khó tìm của nó. Kỳ nam không có nhiều và không còn nhiều trong dân gian (trừ trên Shopee là còn rất rất nhiều thôi).

Phu trầm đi tìm trầm tự nhiên trong rừng già đã là một sự khó khăn may rủi rồi, vì tìm được cây dó nhưng chưa chắc đã có trầm, những cây có trầm thường trong sâu hút đại ngàn, những nơi hoang vu thâm sơn cùng cốc, đầy rẫy nguy hiểm tai ương, chết chóc rình rập xung quanh.

Phu trầm là những người cực kỳ duy tâm và họ tin tưởng vào tâm linh, với những lời nguyền lời hứa, nghi thức, kiêng kỵ… vv sống để bụng chết đem theo khi làm công việc này, và ngay cả khi đã giải nghệ cũng không dễ gì họ tiết lộ cho người ngoài.

Với những gì mà phu trầm thấy khi đi tìm trầm trong rừng sâu thì không tín cũng phải tin…

Trầm hương là một thứ “duyên”

Cùng là một khoảnh rừng đó, nhưng bao người qua không gặp dó, mà có người vô tình lại thấy.

Có cây dó khi hạ xuống lấy được rất nhiều trầm nhưng kỳ nam thì tuyệt nhiên không có.

Khác với trầm, trầm ở trên thân cây nhưng kỳ nam thì nằm ở phần phía dưới gốc hoặc rễ.

Và kỳ nam cũng không phải ai cũng có thể lấy được dù đang ngồi trên nó…

Tôi từng nghe khá nhiều chuyện của các phu trầm (những phu trầm không nói tục chửi bậy, không nói dối nói dóc và rất kiệm lời, luôn giữ chữ tín) kể lại, có cánh thợ tìm được dó hạ cây lấy được cả chục ký trầm, họ dựng lều ở lại tới chục ngày đào hết cả gốc rễ cây dó hàng trăm năm tuổi đó lên tới khi không còn một chiếc rễ nào còn sót lại nhưng tuyệt nhiên không thấy kỳ nam, phu trầm lão luyện nhìn cây biết có trầm, và nhìn trầm biết có kỳ… nhưng vẫn không thể lấy được.

Cũng hố trầm đó vài ngày sau cánh thợ khác đi ngang quá ghé vào xem cái hố tiền tỷ một chút, chỉ đứng nhìn tiếc rẻ và thò tay bới đất xem sao thì lại gặp kỳ…

Hoặc khi đào gốc cây, đất đá cành mục được chuyền tay nhau kỹ lưỡng rồi, và toàn con mắt thợ nhưng không hiểu sao vài ngày sau lại có người khác nhặt được cả tảng kỳ ở chỗ đất được đổ ra…

Kiến thức về kỳ nam thì mọi người hẳn ai cũng biết rồi, nó được phân thành 4 thang bậc rõ ràng và giá trị cũng chênh nhau rất nhiều từ vài chục tới vài trăm lần, trầm thì nổi trên nước, còn kỳ nam thì chìm, đốt lên khói bay lên cũng khác nhau, khói kỳ xanh lét bay thẳng đứng khói trầm đục hơn bay tỏa xung quanh…

Trầm và kỳ cùng sinh ra trên một cây dó, nhưng nó lại hoàn toàn khác nhau về nhiều mặt kể cả đặc tính lý hóa, tôi nghĩ nó giống như con người sinh ra trên cây đời nhưng người sống, là trầm. Khác với người chết là kỳ… vậy đó…

Có một thứ “duyên” khá lạ lùng và tương đồng… người sống không phải dễ gặp và người chết không phải ai cũng thấy…

Trầm bây giờ được các anh tàu khựa úm ba la nhiều, và kỳ các anh ấy cũng hóa phép luôn, nhựa thông sam và sáp ong thêm nhiên liệu hóa học vào cùng một vài công đoạn biến hóa, “làm giàu” nữa vậy là các anh ấy có “vũ khí hột nhân” thêm công đoạn tiếp thị, mỵ dân… vậy là thu về một mớ xiền, thật chán nản…

Người ta vẫn quan niệm, trầm hương, ngà voi, hoặc răng hổ… vv là những thứ thuộc dạng “phong thuỷ” xua đuổi tà ma… nhưng theo anh Heng thì, trầm không có tác dụng trừ tà, mà là kỳ… kỳ mới có tác dụng đó.

Anh Heng là người luyện bùa từ năm 17 tuổi, tới nay cũng đã gần 40 năm, anh vẫn xông trầm mỗi khi luyện bùa…

Tôi suy nghĩ nhiều khi viết ra những điều này, tôi đã xin phép cả anh Heng và anh Vát là những thầy bùa, tôi xin đổi tên các anh vì lý do tế nhị, và các anh đồng ý cho tôi viết. Nhưng chỉ sợ một điều, bà con sẽ cho là nhảm nhí và tào lao… với tôi thì không sao cả, chỉ là câu chuyện cho bà con đọc cho vui thôi, còn tin hay không tôi không xúi giục và bắt mọi người tin. Tôi thì không phải thầy bùa, cũng không dùng những thứ đó, chỉ nghe từ chính miệng các anh nói lại, và mắt nhìn thấy, không dám nói hơn, và xin lược bớt những chi tiết mà tai chỉ nghe về tính hoang đường, mơ hồ của nó…(nếu có nhớ nhầm mong anh Vát, và anh Heng, anh Thông, thông cảm nhé các anh ?.

Anh Heng đưa tôi vào căn phòng như căn phòng thờ, được ốp gỗ xung quanh, toàn gỗ gụ và mun, một màu đen từ trần đến tường, có một kệ thờ to được làm từ một gốc Sảng cổ thụ, có nhiều bình gốm đựng những thứ gì đó tôi không thể nhìn kỹ, nhưng rõ nhất là những tờ giấy như những lá bùa, và những búi tóc rất dài xõa cả ra ngoài bình, có tới năm hộp gỗ đen như những chiếc quan tài của người Hoa, đóng nắp. Anh khoác áo choàng, đội mũ thông Thiên, đốt một cây nhang to và mở nắp những chiếc hộp gỗ đó, rồi ngồi xếp bằng mắt lim dim miệng quát một tràng những câu gì đó tựa như lời khấn hay tế gì đó… nhìn khung cảnh và diện mạo của anh với bộ đồ tôi thấy lạnh…

Ngồi nói chuyện tới 5 giờ, anh đứng dậy đốt trầm (để gọi binh, theo lời anh nói, có muốn đi mà nhớ trầm cũng không đi được) rồi lại khoác áo đội mũ ngồi xếp bằng miệng đọc lẩm nhẩm cuối câu hét to lên mấy tiếng rồi vung tay lắc chiếc chuông nhỏ bằng đồng, âm thanh rất chói tai… rồi đóng nắp những chiếc hòm…

Trong khoảng thời gian chừng vài chục giây, tôi thấy rõ cảm giác của gió lùa, và âm thanh của những chiếc chuông gió khẽ leng keng, có những tiếng gì như tiếng nói thầm thì thanh âm của đàn bà con gái, và một mùi tanh tanh hăng hắc liên tục thoảng qua mũi, ngọn lửa ở chiêc đèn mỡ bập bùng liên tục… và cảm giác nhột nhột như có tóc ai lòa xòa qua mặt mình…

Tôi chưa bao giờ dám hỏi các anh luyện bùa gì, mà tự các anh nói cho tôi, và chia sẻ một chút xíu cho sự tò mò của tôi…

Như anh Vát, lúc mới làm việc cùng anh, mấy ngày đầu (xin lỗi anh Vát) tôi vẫn kín đáo quan sát anh, có vẻ như anh biết điều đó (sau này anh em tâm sự thì đúng là anh biết thật) anh vẫn bình thản làm những việc thuộc tín ngưỡng của mình, lúc ăn cơm anh thường để chén cơm hoặc nắm cơm đó lầm rầm khấn vái gì đó rồi sau đó đứng lên vãi chút cơm ra xung quanh chừng 5 – 10 mét.

Nhiều lần khi chuẩn bị làm một việc quan trọng gì bao giờ cũng vậy, anh Vát nhắm mắt, hoặc mắt trợn trắng vào ban đêm rồi tay chỉ như vô thức về hướng sẽ xuất hành. Tôi vẫn thường xua anh em khác im lặng chờ anh, và nghe theo tư vấn của anh, nhiều lần thoát chết trong gang tấc, và tôi từng cúi đầu cảm ơn anh Vát nhiều lần, khi bắt và hỏi cung tù binh, anh Vát chỉ cần nói câu đừng nghe thằng này là tôi biết sau đó phải làm gì…

Có những lần mà sau này tôi hỏi anh Vát thừa nhận là đó là “binh” của anh… đó là một lần anh nằm ngủ cùng bọn tôi, giữa một lùm tre gai rậm rạp, gần sáng tôi bò dậy soi đèn thì chính mắt tôi thấy gần như tất cả những lá tre rơi quanh anh Vát gần như dựng đứng và nghiêng ngả ngoe nguẩy như những con vắt ngóc lên vậy… tôi đã suýt hét lên vì tưởng đó là những con sâu lông, con vật mà cuộc đời tôi kỵ nhất, sợ nhất…

Những khi có hai anh em nằm võng với nhau, tôi vẫn nhớ là cảm giác võng đung đưa chao đảo như có ai đụng vào, rồi lá, cỏ, cây xung quanh loạt soạt lào xào liên tục lúc gần sáng, nhiều lần tôi tưởng mưa hay sương… nhưng ngồi dậy thì không phải.

Một lần khi bắt được hai thằng lính ốm nhom gầy nhẳng như hai con ma đói ở một khe suối cạn, anh Vát kinh hãi không dám lại gần chúng, ban đầu tưởng chúng hôi thối anh ngại, nhưng không phải. Khi mới nhìn hai thằng đó tôi cũng có chút gai gai người vì thấy ruồi xung quanh đó cứ ù ù cả đàn, nghe các anh trước kể lại, bọn này đã ăn thịt người rồi là ruồi theo rất nhiều, không hiểu sao lại vậy… tới lúc hỏi cung, và thấy chiếc nồi đựng đồ ăn của chúng tôi gai thực sự, chúng có 4 thằng một thằng chết vì đói khát dọc đường, còn ba thằng lết tới đây… một thằng chết nữa, quá đói nên hai thằng còn lại đã xẻ xác thằng chết ra nấu ăn với nhau… đáng ra cho mỗi thằng một viên để giải thoát cho chúng, nhưng tôi không nỡ làm, cho chúng ít nước, chỉ đường cho chúng rồi quay đi.

Đêm mới hỏi anh Vát tụi nó thối quá anh không dám lại gần à? Anh bảo không, nó ăn thịt người đó… chúng tôi ngơ ngác vì không biết bằng cách nào mà anh Vát lại biết điều đó trước khi hai thằng kia chưa khai nữa…

Một lần, lúc mới vào Anlongveng tôi gặp một tử sĩ của Công an xung phong đang trên đường rút ra thì vướng mìn hy sinh, xác anh bị thú rừng ăn quá nửa, chỉ còn phía trên ngực, bộ quần áo rách nát… tôi đã lấy chiếc quan tài của mình đựng xác anh vào rồi đem chôn, trong ba lô lính có một túi nilon dày dài tầm gần hai mét, mới đầu không hiểu nó để làm gì, sau mới biết đó là túi đựng xác khi nằm xuống, chúng tôi vẫn vác những chiếc quan tài của chính mình trên lưng lê bước khắp nơi như vậy.

Anh Vát nhìn thấy, lần đầu tiên tôi thấy anh vỗ vỗ vào lưng tôi, và ôm tôi lắc lắc như chúc điều gì đó… sau này hỏi anh, anh nói… số cậu thoát búa bao lần là vì không phải số bó chiếu, có mỗi cái quan tài thì cho người khác rồi thì làm sao chết được… Tôi nghĩ lan man cũng lạ là sao mình không chết trước bao phen ngàn cân treo sợi tóc, kể cả khi anh em nằm xuống hết chỉ còn mình tôi mò mẫm gần hai tháng một mình trong rừng già trong tuyệt vọng chờ đợi anh em khác bổ sung lại.

Những thầy bùa có khả năng thật sự kỳ lạ, họ có thể đoán biết trước hung kiết, rủi may… họ biết ai là bạn ai là thù, và họ còn có khả năng khác người, tôi thấy nhiều, nhưng chỉ kể một chuyện nhỏ này…

Một lần ở chúng tôi ở tạm trong một ngôi chùa ngay bìa làng gì đó ở ngã ba Porpua sát biên giới Cam Thái phía cuối Dangreck hướng biển, gần đó có một đám cưới nhạc đì đùng tò te um sùm… bọn tôi ngồi ngển cổ nhòm rồi chép miệng ước giá được ăn đám cưới nhỉ? Anh Vát bảo vào ăn á? Hay ăn đồ thôi… Ăn đồ thôi chứ anh chứ vào đó biết tiếng người ta đâu mà nói chuyện, thèm đồ ăn thôi… Anh bảo thèm đồ ăn thì đơn giản, tối ăn…

Tới chập tối anh bấm tôi đi, hai anh em mò mẫm vào gần đám cưới, nói thật, ban đầu tôi nghĩ anh em tôi vào “thi triển nghiệp vụ đặc công” để chĩa đồ ăn thôi… ai dè, gần tới đám anh Vát chỉ tôi ngồi yên ở đống cây gỗ này, đợi anh…

Tôi tò mò trèo lên đống gỗ nghển cổ nhòm, thấy anh đi tỉnh bơ vào đám cưới lúc sau bê ra lủ khủ, cổ còn đeo chiếc gầu múc nước nữa, tôi vội chạy ra đỡ rồi hai anh em bê đồ về, chả bao giờ được ăn đồ đám cưới Thái Lan nên bọn tôi mừng húm, bu vào ăn… tôm lăn bột, thịt gà quay, cá từng khúc to, nước canh gì hổ lốn mà cay chết cha tôi không ăn được ớt nên không ăn canh, ngồi thắc mắc với nhau, sao tụi nó ăn cá sống cả khúc thế này nhỉ? Sau mới biết đó là lẩu, cá chưa thả lẩu còn sống để ở đĩa thì anh Vát đã bứng cả mâm rồi còn đâu…

Mà lạ nhất là cả đám cưới rất đông người đang nhảy nhót cả chó nữa mà sao anh đi vào tỉnh bơ bê đồ ra không phải bằng “nghiệp vụ” mà đi thẳng cổng kết hoa mới lạ…

Hỏi anh, anh chỉ cười nháy mắt không nói gì.

Có nhiều chuyện kỳ lạ hơn tôi từng nhìn thấy bằng mắt nhưng không dám kể ra sợ mọi người nói tôi nói dóc.

Kiến thức thì vụn vặt, hiểu biết thì hạn hẹp, nên tôi chỉ có thể kể lại mọi chuyện mà không biết giải thích đó là “sự” gì, hiện tượng gì…

Bà con đọc cho vui nhé. Vừa bệnh dậy hơi mệt chút xin lỗi vì để mọi người chờ lâu.

Chương trước Chương tiếp
Loading...