Chuyện đời lính

Chương 73



Phần 73: Mùa mưa

Thế là mùa mưa cũng đến, thời tiết dịu mát hẳn rồi, Đông Nam bộ nhiều nơi đêm và sáng còn lạnh…

Đêm mát mấy anh em rủ nhau đi câu cá, cần câu thì hiện đại mồi câu cũng phải mua rất cầu kỳ, nhưng rốt cục vẫn chả ăn thua, chắc do cá giờ khôn hơn ngày xưa mình câu chăng.

Ngày ở rừng không có lưỡi câu còn lấy cái lò xo trong hộp tiếp đạn mài thành lưỡi câu, rất sắc và nhọn nhưng không có ngạnh nên câu phải biết cách, không thì có khi giật lên khỏi mặt nước rồi vẫn văng ra rơi lại. Câu cá thì ở Biển Hồ là sướng nhất bà con ạ, lấy cái dây phanh xe đạp uốn móc câu, bốc một nắm cơm nguội theo, móc nửa hột cơm vào cái lưỡi câu là tha hồ cá bống, nhưng phải làm cái rổ như cái vợt để khi kéo cá lên là phải hứng không cá lại về nước ngay.

Ngoài cá bống biển ra thì tôi thấy cá bống ở Biển Hồ là to kỷ lục toàn cỡ ngón chân cái, cá biệt tôi từng thấy có con to gần bằng cổ tay người lớn, người ta ở đó gọi nó là bống hổ, vì trên người nó lớp vảy có hoa vằn vện như da hổ, loại cá này khá lạ, có thể thay đổi màu theo ánh nắng, khi nắng to nó có màu nhạt như màu nước phù sa, khi trời sắp tối nước chuyển màu tối sẫm thì nó cũng có màu đen như cá lóc vậy.

Cá ở Tonle nhiều, to và phong phú chủng loại, cá dữ như cá sấu, tượng long cũng có, tôi thì chưa hạ được con nào, nhưng có nhiều anh em khác đã từng hạ được loại đó, và cả cá quý hiếm như cá hô, ngày ở Stung Treng tôi cũng hai ba lần được ăn, dân vạn chài kéo lưới bắt được nó. Con cá hô giống na ná con cá chép nhưng màu khác và vảy rất to, có trứng thì vảy ở bụng có màu đỏ rực, khi đó thì nó cũng là loại cá hiếm nhưng chưa đắt đỏ như về sau này, dân chài lưới thỉnh thoảng bắt được nó và họ tổ chức thịt nó ăn nhậu luôn chứ ít khi đem bán, vì loại cá này nhanh chết và nhanh trương nếu không có đá cục bảo quản thì phải.

Tầm từ tháng 5 tới tháng 8 – 9 là mùa của cá hô, cứ sau mưa nước to và đục ngầu là dễ có cá đó, nửa đêm nó thường kêu cục cục cục rất rõ trên sông, người ta nói đó là tiếng nó đớp bọt sóng, tiếng kêu đó y như tiếng ta vỗ tay dưới nước.

Tuy nhiên có nhiều dân chài gốc Việt họ lại kiêng ăn loại cá đó, vì lý do tâm linh gì đó tôi cũng không biết. Ở Biển Hồ tôi từng gặp một vài thợ săn cá sấu, một công việc nguy hiểm và có nhiều chuyện ly kỳ xung quanh việc săn bắt loài cá nguy hiểm này.

Cũng giống như người đi rừng, những người làm công việc chài lưới sông nước rất tin tâm linh và nhiều kiêng kỵ, họ gặp nhiều chuyện lạ lùng nhưng hiếm khi họ kể lại những chuyện đó, có kể thì họ cũng khá dè dặt kiệm lời, dường như họ không quan tâm ai tin hay không tin, mà có vẻ như họ tránh không muốn nhắc tới cái thế lực siêu nhiên vô hình đó.

Lúc ở đó tôi gặp một chuyện khá lạ lùng.

Có một bà cô chuyên thu mua tôm cá và bán các thứ đồ tạp hóa và cả nước đá lẫn dầu cho tàu bè dùng, bà cô này tầm hơn 60 tuổi là người gốc Việt nghe đâu ở Kiên Giang thì phải.

Nhà cô ở gần ngã ba Ô túc ngay bên bờ sông Sang ke, từ ngày xưa tới tận bây giờ nơi đó người ta vẫn nuôi cá bè. Cô này tôi nghe gọi là cô Hai Rong, theo tên của chú chồng, chú Hai lấy cô là lẽ, chú Hai đã có gia đình ở Siemriep rồi nhưng đi tàu sông nước qua nơi này gặp cô là đồng hương nên gá nghĩa thêm lần nữa.

Cô Hai ban đầu buôn bán trái cây nhà cô cũng có vườn khá rộng sau lấy chú Hai thì mở rộng thêm buôn bán thêm nhiều thứ, vợ cả của chú Hai đó thì có tới 4 người con trai, đó là một trong số những gia đình may mắn thoát nạn diệt chủng pol pot vẫn còn giữ lại được mạng sống và tài sản vì lý do nào đó. Cô Hai thì cũng từng có chồng và một con gái khi lấy chú xong có thêm một con gái nữa.

Mọi chuyện đang yên ổn sau những biến cố chung thì lại xảy ra tai họa.

Tàu của chú Hai Rong bị chìm ngay cửa sông Sang ke, chẳng ai dám trục vớt cái tàu đó vì khi nó chìm thì mũi tàu quay vào phía trong bờ, tôi nghe nói từ những người làm nghề sông nước là đó là dấu hiệu “Bà Cậu” muốn bắt ghe…”Bà Cậu” là một khái niệm gì đó mang tính tâm linh rất kinh khủng với những người sông nước, và khi “Bà” muốn bắt ghe thì từ thợ lặn tới thợ kéo (những người chuyên làm công việc trục vớt tàu đắm) đều không dám trục vớt cái ghe đó, nếu mũi ghe quay ra sông thì người ta sẽ vớt, còn mũi quay vào thì họ sẽ bỏ cái ghe đó cho “Bà Cậu”…

Chú Hai đã bỏ mạng theo cái ghe, mất người và mất của rồi nhưng mọi thứ chưa yên, sau khi chú mất vài tháng thì người con trai cả của bà vợ cả cũng chìm ghe và chết mất xác theo, rồi tiếp tới người con trai thứ ba mới chỉ mười mấy tuổi bị tai nạn mìn cũng chết. Người ta nói bị “long ngọp” hay “lon ngọp” gì đó, na ná như kiểu “trùng tang” của ta. Lúc chú Hai bị nạn thì cô Hai cũng có mời thầy chùa về cúng “rước vong, gọi vong” cẩn thận lắm, nhưng chả hiểu sao vẫn không “cắt trùng” được, cô Hai uất quá quay ra chửi mấy ông sư ăn hại, vì theo cô mấy ông sư cứ nói không sao, không sao… nhưng cuối cùng tai nạn vẫn giáng xuống, giống như khi hỏi các ông sư xem ngày làm việc gì đó quan trọng, họ thường nói ngày nào cũng được, họ tỏ ra không mê tín vì họ ăn chay niệm Phật thì họ nghĩ ai cũng được độ như họ, và họ ẩu lắm, rốt cuộc thì họ chả sao chỉ tội nợ cho khổ chủ rước sư về làm lễ thôi, không tin vào “ma quỷ” nhưng lại tin có kiếp sau mới nực cười… cô Hai nói vậy.

Rồi cô hai cùng bà vợ cả phải nhờ tới thầy pháp cao miên khác làm lễ trấn yểm gì đó sau cái chết của cậu con trai thứ hai, cậu này đang yên lành bỗng như bị nhập điên điên dở dở moi đâu ra quả lựu đạn cầu mini ngậm vào miệng lặn xuống sông cho… nổ để bắt cá, cái xác bị bay hết phần đầu và ngực vì quả lựu đạn phát nổ.

Thường thì theo dân gian nói “trùng” chỉ bắt nội tộc, có nghĩa là con trai, còn con gái thì ít bắt hơn, nhưng lại bắt con dâu hoặc vợ… nên cô Hai sợ quá chuyển nhà đi lên lộ 6 Siemriep hướng đi Angkor Wat để ở và chuyển sang làm vườn trái cây và cà phê, sợ và tránh xa sông nước.

Nhiều người kể lại rất nhiều lần họ vẫn thấy chú Hai quanh quẩn về cái ngã ba nơi cô Hai ở cũ, hoặc đứng dập dềnh trên sóng trong đêm nhìn những ghe thuyền đi qua nơi chú chìm tàu ngày trước, tôi thì chưa bao giờ nhìn thấy nên không rõ có đúng vậy không nữa.

Bạn đang đọc truyện Chuyện đời lính tại nguồn: http://truyen3x.xyz/chuyen-doi-linh/

Khi ở ngã ba dưới, đường 68 đi hướng biên giới Thailand, ngã ba trên là hướng vào Ampil, ngã ba dưới rẽ phải vào thung lũng Rovieng, tôi được biết một câu chuyện thương tâm và ghê rợn, câu chuyện đó ám ảnh tôi tới tận bây giờ.

Một lần, một đơn vị quân báo của bạn luồn sang phía biên giới, lúc đó nơi đấy rất nhiều nguy hiểm vì lũ tàn quân được cha chú hà hơi đã ngóc đầu dậy và liên tục có những cuộc tấn công vào các đơn vị thuộc chính quyền mới, cùng những bãi mìn mênh mông bao la đầy chết chóc…

Ban ngày những người lính đặc nhiệm tìm nơi ẩn náu và quan sát tình hình địch quân, ban đêm thì cách một ngày họ từ cái khe sâu leo lên mỏm 408 để bật máy thông tin “lên đài” báo tình hình về trung tâm và cũng rà sóng nghe ngóng phía những đơn vị địch quân phối hợp hay liên lạc với nhau.

Ngày đó chưa hiện đại như giờ nên những phương tiện truyền tin còn đơn giản và lạc hậu, máy thông tin vô tuyến phải tìm điểm cao hay bắc cây đài mới có thể liên lạc tốt được, do mang vác máy lích kích và sợ mưa gió hư hỏng, nên họ đã giấu máy ở điểm cao đó, tới giờ hẹn thì lên liên lạc.

Khu vực đó mùa mưa thì mưa thối đất thối cát và đêm lạnh muốn đông máu lại, còn mùa khô thì khủng khiếp không kém, khắp nơi cây cối xơ xác cháy vàng dưới ánh nắng như thiêu, có khi lên tới bốn mấy năm mươi độ, đất nơi đó nhiều khoáng sản nên có nơi màu đen gần như than, những người lính rách rưới lê bước với đủ thứ trên lưng và đen xì như những con trâu vậy.

Nhóm quân báo ẩn náu tại một khe cạn, nơi có những ghềnh đá khổng lồ tách vỡ ra, họ phải trú ẩn ở đó vì nguồn nước, ở cái khe đó có một nguồn nước, có ngày nước chảy thành dòng nhỏ, nhưng có ngày nó chỉ ri rỉ ra đủ cho những người lính khỏi chết khát thôi, ăn ở sinh hoạt đều phải kín đáo ngụy trang và xóa dấu vết cẩn thận, đề phòng địch phát hiện và úp bất ngờ.

Họ cắm một thân cây tươi vào phía nước rỉ ra, và moi phía dưới đặt một chiếc vỏ dừa khô nhặt từ rừng cao su ra, phủ lá và rêu lên để che thứ quý giá đó.

Qua đêm cũng đủ khỏi chết khát, thế nhưng hai ba đêm, họ phát hiện những dấu vết lạ và nước bị mất, nghi ngờ biệt kích Thái hay đặc công pot hiện diện xung quanh, những người lính thận trọng phục kích tại đó để xem, tới đêm thứ hai thì họ phát hiện tiếng động lạ, cùng một hình bóng mờ mờ trong đêm đen, nhìn như một bóng ma, bóng đen này mò mẫm di chuyển và lòm khòm trông khá lạ lùng tới nơi có cái gáo dừa chứa nước kia, lấy nước trong đó và nhanh chóng bò đi, do lúc đó gần sáng, nó cũng khôn chờ gần sáng mới ra lấy nước mới có nhiều…

Hai quân báo bám theo được chừng hơn trăm mét thì nghe một tiếng “oành” của mìn Kp2 nổ, khi hai lính bò tới nơi phát ra tiếng nổ thì một hình ảnh kinh khủng, một con người đen thui tóc trùm tới gần rốn xoăn tít, mắt trắng dã… những mảnh quần áo rách rưới treo trên cái cơ thể gầy gò đó mới cho họ biết đó là con người.

Một người đàn ông gầy gò trơ xương, tóc tai như người rừng tay trái cụt và quấn một nùi giẻ cáu bẩn, hai chân bị mìn đã bay mất tới đầu gối, một chân tới gần bẹn… người này chưa chết, chắp tay lạy hai lính quân báo và thều thào nói xin hãy cứu con của ông ta đang ở một thân cây đổ ngang cách đó trừng trăm mét.

Những người lính đã tìm được đứa bé đó dưới cái gốc cây đổ ngang, nó đang ngồi nhặt những con kiến để ăn, và nhặt cả những cứt sâu đục thân đùn ra hay cứt giun đất đùn lên bỏ vào miệng nhai…

Người đàn ông cho biết, anh ta là lính thuộc trung đoàn cận vệ Nông pênh, (một đơn vị khét tiếng tàn ác) sau khi rút chạy về đây anh ta bị thương cụt tay trái, đơn vị anh ta đã bỏ rơi anh ta cùng đứa con gái nhỏ giữa rừng trước khi rút chạy qua Thái, anh ta đã phải lần mò với một bàn tay và đứa con nhỏ buộc lại đeo trước bụng tới gần hai tháng trời trong rừng nơi này…

Cái trung đoàn cận vệ này là nhóm lính đặc nhiệm chuyên truy lùng, giết chóc thanh trừng hay bảo vệ các “yếu nhân” lãnh đạo, toàn những “đặc nhiệm” thứ thiệt nên khả năng tồn tại trong tự nhiên cực cao nên anh ta mới có thể cùng cô con gái sống sót trong cái cánh rừng chết chóc này suốt bao ngày như vậy. Anh này đã kiếm từ giun tới dế, chim chóc, cây lá… bất cứ thứ gì có thể bỏ vào miệng để cố gắng cho đứa con khỏi chết, khi phát hiện ra đám lính quân báo đến lấy nước tại cái khe nước anh ta đã không dám ra mặt vì sợ bị giết mà chỉ lén lút đợi tới gần sáng mới ra lấy nước cho con uống…

Nếu không vì những tội ác mà đơn vị anh ta gây ra cho những người dân, anh ta ra hàng những người lính thì có lẽ đã không chết thảm như vậy.

Sau khi chôn lính pot đó xong, những người quân báo đã đem cô bé kia về, 9 tuổi nhưng nó chỉ như đứa bé 4 – 5 tuổi, gầy gò trơ xương và hôi thối bẩn thỉu, bụng trương to vì giun sán khi tắm và cắt tóc cho nó xong thì nhìn nó ngồi ai có mặt ở đó cũng phải quay đi, nó như một bộ xương với cái đầu và cái bụng quá khổ, xương sống nhô lên dọc theo lưng, chân tay người ngợm chi chít sẹo vì gai cào, nó nói rất ít và luôn sợ người lạ, nó luôn vồ lấy cái ca đựng nước khi ai cho uống và uống tới giọt cuối cùng, điều tôi bàng hoàng nhất là khi người ta hỏi nó cha lấy nước ở đâu cho uống, nó nói không có nước cha cho liếm máu ở tay cha chảy ra… thật khủng khiếp, nhưng cũng cảm phục tình thương của người cha đó dành cho đứa con của mình.

Sau đó thì một bà chủ buôn đã xin nuôi cô bé đó, bà chủ buôn là người Thái có chồng theo Lonnon và đã bỏ chạy sang Mỹ cùng cô con gái, còn mình bà kẹt lại.

Rồi bà chủ buôn bị lính pot lẻn vào nhà ném lựu đạn cướp hết tài sản, đứa bé đó vẫn may mắn sống sót và không hề bị thương tích một cách thần kỳ.

Sau đó thì một nhân viên UN người Đan Mạch hay Na Uy đã nhận nuôi cô bé này và đưa về nước họ.

Bạn đang đọc truyện Chuyện đời lính tại nguồn: http://truyen3x.xyz/chuyen-doi-linh/

Câu chuyện này là một trong rất nhiều những câu chuyện khủng khiếp mà tôi từng gặp hay chứng kiến mà chưa có dịp nhớ và kể lại.

Trong thâm tâm, thực lòng tôi rất thương và mong cô bé đó sẽ có một cuộc sống hạnh phúc hơn, một tương lai tươi sáng hơn.

Và tôi cũng cảm động ngả mũ trước tình thương mà người lính pot đó đã dành cho cô con gái của mình, đúng với câu hổ dữ không ăn thịt con, dù có thể ở đâu đó, thời điểm nào đó anh ta đã từng giết rất nhiều người…


Còn tiếp…

Cảm ơn bạn đã đọc truyện ở website truyen3x.xyz, trước khi thoát website làm ơn click vào banner quảng cáo bất kỳ để truyện được UPDATE nhanh hơn! Click xong nhớ xem tầm vài giây rồi mới tắt quảng cáo nhé các bạn.
Chương trước Chương tiếp
Loading...