Chuyện tình buồn

Chương 39



Phần 39

Kỉ niệm ấy, sao nó đẹp quá và ngoài tưởng tượng, một phút thăng hoa của cả hai đứa. Còn lại thì tôi không quan tâm lắm đến những điều khác.

Phương không biết hát, nói chung là hát rất là phô, còn hay sai nhạc. Kiểu như nếu em vào đúng một đoạn nào đó thì từ đó đến trở đi sẽ hát chuẩn, còn không thì cứ sai tè le đến cuối bài luôn. Nhưng tôi không quan trọng điều đó, hay chính xác hơn là tôi không còn tâm trí đâu mà nghĩ đến những thứ nhạc lý sâu xa đó, chỉ cần biết Phương đang đứng dưới bục và đang bước lên. Phải kiềm chế lắm thì một thằng con trai mang tiếng lạnh lùng bất cần như tôi mới không rới nước mắt trong cái khung cảnh này. Phương tiến lại gần và vẫn hát say mê, em nhìn tôi, mắt long lanh nước mắt, và tôi cũng thế. Tôi không nhớ từ đó đến cuối bài chúng tôi đã hát như thế nào. Cảm ơn tình yêu, thực sự cảm ơn tình yêu, một tình yêu đích thực.
Một bài hát giản đơn, nhưng với tôi thì nói lên nhiều thứ. Một cái siết tay thật chặt của Phương như minh chứng cho một người bạn đồng hành sẽ luôn bên cạnh, dù gian lao hay xa cách như thế nào đi chăng nữa.

Mọi người tất nhiên là sẽ hưởng ứng số đông, hô hào đòi ôm và hôn. Khắp khán phòng là những tiếng hô hào “hôn đi, hôn đi”….. nhưng nó không giống với cá tính của tôi và Phương. Hai đứa siết tay và ôm nhau thật chặt, người run bắn lên vì hạnh phúc. Còn nụ hôn kia hãy hy vọng vào một ngày không xa khi bên cạnh là bánh gato và champagne.

Huy đã đứng dậy đi về từ nãy, nhưng chẳng ai quan tâm đến lão nữa. Tôi chỉ thấy sợ cái độ chai mặt và nhâng nháo của một người mang tiếng học cao như Huy. Với cái trơ trẽn ấy, cộng thêm sự úy lạo từ bố mẹ Phương thì hắn sẽ còn dám làm nhiều thứ sến sẩm hơn nhiều. Giờ tôi ở nhà thì chẳng sợ, vì Phương vẫn còn chỗ để tìm đến, chỉ sợ khi tôi đi và bố mẹ bắt em về gần nhà.

– Í, anh quên, Huy mời mình đi uống cafe mà, sao để mình trả tiền nhỉ?
– Quên đấy, hihi. Để em nhắn tin cho ông ấy!

Đêm ấy ở trên đường, hai đứa cứ lang thang cho đến khuya, hết phố này đến phố khác, vừa đi vừa hát nghêu ngao. Thỉnh thoảng vô tình có một cặp đôi lướt qua nhìn chúng tôi như người ngoài hành tinh. Kệ. Cứ hát tiếp, mà còn hát to hơn nữa, giọng thuốc lào được phối hoàn hảo với giọng giấm chua lâu ngày, sau này có thất nghiệp thì chắc cũng không dám tay bị tay micro đi hát xin ăn đâu.

Thời gian cứ thế trôi…

Từ đó cho đến Tết, tôi với Phương cũng không cùng về nhà thêm lần nào nữa. Tôi muốn em phải xin phép bố mẹ đàng hoàng, mà như thế thì chẳng khác gì bảo em đâm đầu vào tường, thế nên em giận tôi. Em nói tôi tại sao không về xin phép bố mẹ em? Tôi không muốn làm điều mà biết trước kết quả, để rồi bị chửi vào mặt. Không nói đến chuyện hi sinh vì người yêu. Vì Phương tôi có thể chịu khổ được, nhưng tôi nghĩ đến những cách khác có ích hơn là về nghe một lời từ chối phũ phàng và những câu nói đầy ẩn ý của mẹ em.

Qua một thời gian tìm hiểu và nhờ bạn bè hỏi, tôi đã biết nhà Phương ở đâu, và nhà em cũng vậy, đã biết nhà tôi. 6km – đó là khoảng cách đường tắt giữa nhà tôi và nhà em – đó có phải là một quãng đường xa đến mức không muốn gả con gái không? Chẳng có lí do gì để biện minh cho chuyện bố mẹ em không biết nhà em rất gần nhà tôi. Vậy thì tại sao họ vẫn giữ thái độ thiếu thiện cảm với tôi như vậy? Một sự thật phũ phàng làm tôi phải suy nghĩ về bản thân mình hơn là cứ cố biện minh rằng bố mẹ em không thích tôi vì cái khoảng cách địa lí. Thêm một lần trong đời tôi thấy mình còn quá nông cạn và quá ngây thơ trong suy nghĩ.

Huy thường xuyên lên thăm Phương và lần nào cũng mang đủ thứ đồ của gia đình em gửi, gia đình Huy gửi. Chỉ là những chuyện nhỏ như vậy nhưng không hiểu sao nó làm cho chúng tôi áp lực ghê gớm. Như vậy có nghĩa là cả nhà Phương và nhà Huy đều đã ngầm hiểu với nhau về một mối quan hệ giữa 2 bên, họ âm thầm ủng hộ cho Huy và Phương. Cái tôi băn khoăn không phải về gia đình, mà về Huy. Tại sao Huy lại cố gắng bám trụ và chai mặt như vậy? Hắn yêu em thật lòng thì tôi tin, nhưng Huy thừa biết tôi với Phương đã yêu nhau và nghĩ đến tương lại mà vẫn còn cố chen vào. Tại sao lại thế? Vì hắn tin sẽ thành công khi tôi đi xa, Phương sẽ ngả vào vòng tay hắn à?

Có đôi lần Huy đợi trước cửa nhà Phương gần một ngày, từ sáng đến chiều tối để chờ em về và đưa đồ gia đình gửi. Cả 2 đứa tôi lang thang trên đường và vẫn làm những việc theo thói quen của hai đứa, nhưng không thể không suy nghĩ khi thỉnh thoảng lướt qua nhà vẫn thấy hắn ngồi đó. Không chỉ Phương mà chính tôi thỉnh thoảng cũng phải ngoái lại để nhìn xem hắn có thấy 2 đứa không. Tôi thấy sợ cái kiểu “quyết tâm” như vậy của Huy. Một người có công ăn việc làm ổn định, gia đình điều kiện, đẹp trai phong độ, chẳng hiểu sao cứ cố bám víu vào một cô gái bình thường như Phương. Tôi nói bình thường vì nếu nhìn trên bình diện xã hội thì em cũng chẳng có gì nổi bật, chỉ với tôi em mới thực sự là số 1.

Tôi không ngại đối mặt với Huy, nhưng cũng không thể dùng vũ lực với lão. Trước mặt chúng tôi, Huy không bao giờ tỏ thái độ gì rằng đang yêu Phương cả, cũng không bao giờ có lời lẽ nào tán tỉnh. Huy không bao giờ nhắn tin cho Phương ban đêm, không hỏi han, không quan tâm sến sẩm, dặn dò “hôm nay lạnh lắm…” hay “dậy chưa em?” mà các thanh niên tán gái vẫn làm. Huy chỉ hành động mà thôi. Đó là ngồi chờ trước cửa nhà cả ngày, hoặc đến nhà em ở quê từ sáng để làm vườn với bố, đèo mẹ đi chợ……. riêng trong chuyện xác định hướng đi và quyết tâm, tôi thua Huy một bậc.

Với cái phương thức “tấn công” kiểu ăn vạ như thế, Phương có thể chặn cuộc gọi được mãi không? Có thể suốt ngày lang thang ngoài đường được không? Nhất là khi em chịu nhiều hướng áp lực.

Chỉ còn 1 tháng nữa là Tết, và Tết xong 1 tuần thì tôi bay. Mọi thứ vẫn như thế, chẳng có gì biến chuyển. Gia đình em không nói gì, gia đình tôi cũng vậy. Còn tôi thì đầu óc cũng bị phân tán nhiều về chuyện chuẩn bị đồ đạc, sách vở và liên hệ với giáo sư để có chỗ ở trong KTX. Hai đứa vẫn đưa đón nhau và làm những việc như mọi đôi tình nhân khác, chỉ có một điều là chúng tôi tránh nhắc đến cái chuyện đi học dù vẫn âm thầm cùng nhau chuẩn bị đồ đạc, mua bán quần áo ấm để tránh cái tuyết rét bên Hàn. Nhìn cảnh Phương chạy đi chạy lại cầm từng cái áo phao ướm lên người tôi và cố gắng mỉm cười nhí nhảnh mà tôi đau như muốn khóc. Em xứng đáng được yêu thương và che chở hơn là phải chạy theo và chờ đợi một thằng như tôi. Những lúc như thế, cái câu “chia tay” lại xuất hiện trong đầu tôi, nhưng chẳng một lần nào tôi dám thốt nên lời.

Cuối tháng 12 âm lịch, trường tôi được nghỉ sớm, sinh viên đã về hết, chỉ còn mấy thằng GV trẻ như tụi tôi phải trực khoa và trông phòng thí nghiệm. Đã mấy hôm nay tôi và Phương không nói chuyện, em chắc cũng chẳng tha thiết gì nói chuyện với tôi thì phải. Còn tôi thì chẳng biết nói gì với em bây giờ nữa. Trong tôi giờ hai suy nghĩ cứ đánh nhau liên tục, một bên muốn đảm bảo chắc chắn và hứa hẹn thật nhiều với Phương, một bên là quyết tâm nói chia tay. Cuối cùng thì một bên đã thắng.

Tôi quyết định về nhà Phương. Khi tôi nói ý định đó của mình với em, Phương đã suýt hét lên trong điện thoại. Ít nhất thì với chuyện này em cũng đã tin tôi thực lòng với mối quan hệ giữa hai đứa, dù sao thì cũng có một thứ gọi là bước ngoặt chứ không phải em không tin tưởng tôi. Trước đó tôi cứ nghĩ nghiêm trọng, rằng nếu đã về nhà em thì nghĩa là chính thức đặt mối quan hệ, và sau này người bị tổn thương sẽ là Phương nếu như hai đứa không đến được với nhau. Nhưng càng ngày tôi càng thấy suy nghĩ đó của mình là cổ hủ và quá nặng nề. Chúng tôi cãi nhau cũng nhiều lần vì chuyện đó, Phương khóc, tôi bỏ ra ngoài đường hút thuốc.

Sau khi nói chuyện với tôi, Phương ngay lập tức thông báo với bố mẹ. Dĩ nhiên với phép lịch sự bố mẹ em sẽ không phản đối rồi. Tuy nhiên đằng sau cái tin nhắn “bố mẹ bảo anh cứ xuống” là bao nhiêu nỗi niềm em chẳng dám nói ra.
Trước đó một ngày, tôi gọi điện cho bố mẹ để thông báo tình hình và chờ đợi sự cho phép. Bố mẹ tôi là người từng trải, cũng đã biết rõ nội tình nên không đồng ý cho đi, nhưng cuối cùng cũng chiều theo ý muốn của tôi dù biết là con trai mình về đó sẽ chẳng nhận được một sự chào đón nào. Buông điện thoại xuống mà lòng tôi nặng trĩu. Từng này tuổi đầu, chưa mang lại cho cha mẹ một sự yên tâm nào, mà toàn là lo lắng và suy nghĩ. Từ ngày xưa với Mai, rồi Chúc, giờ là Phương…. khoan hãy nói đến chuyện đúng sai, chỉ cần biết bố mẹ phải bạc tóc vì tôi cũng đã đủ làm tôi thấy quặn lòng.

Chuẩn bị một túi quà, tôi lên xe đi. Thực sự thì ngoài tâm trạng lo lắng, tôi còn thấy háo hức và một chút gì đó hy vọng, một chút tự tin về bản thân. Dù sao thì tôi cũng không phải đến mức không có gì trong tay để đi xin cưới con gái nhà người khác. Trước khi lên xe, tôi gọi điện lại cho Phương để thông báo và nhận được một lời thủ thỉ ấm áp để lên tinh thần “Em yêu anh”. Hôm đó là ngày 23 tháng chạp – ông Công ông Táo.

Nhờ chỉ dẫn của Phương, tôi cuối cùng cũng đến được nhà em. Vừa đến sân tôi đã nhận ra chiếc xe SH quen thuộc của Huy. Phương ra mở cổng, em đã thì thầm vào tai tôi ngay “Bố mẹ em bảo cả ông Huy đến, nhưng cứ kệ lão ấy nhá”. Mỉm cười đáp lại Phương, tôi cầm túi quà rồi bước vào trong.

– Cháu chào bác ạ. Chào anh Huy – tôi khẽ gật đầu với Huy
– Chào cháu, vào ngồi uống nước.
– Chào Cường! Đi xa mệt không?
– Cám ơn bác, cám ơn anh, em cũng không mệt lắm, em chạy ngay bên nhà qua thôi mà – tôi nói dối mặc dù vừa ở trường về đây.

Lúc này mẹ Phương bước từ bếp ra, nhìn thấy tôi mặt bà không biến sắc.

– Cháu chào bác ạ
– Ừ, chào cháu – bà đáp lại mà không nhìn thẳng vào tôi. Rồi bà quay sang phía Phương đang líu ríu xách đồ.
– Phương chạy ra mua thêm mấy quả trứng, bảo anh Huy đèo đi cho nhanh.
– Thôi để con đi với anh Cường!
– Vâng, bác để cháu đưa Phương đi cho ạ – nói xong tôi mới thấy mình ngu vì không hiểu ý bà.
– Mày vớ vẩn, Cường nó vừa đến mệt để nó nghỉ. Thằng Huy đèo đi cho nhanh lên con.

Đó là cái tát đầu tiên mà mẹ Phương dành cho tôi. Cũng không sao cả, chẳng có gì dễ dàng. Nhìn Phương miễn cưỡng đi mặt nặng mày nhẹ mà tôi thấy buồn cười. Nhưng vẫn đủ tỉnh táo để quay sang phía bố mẹ em

– Cháu có chút quà biếu hai bác lấy thảo, mong hai bác nhận cho ạ.
– Ôi dào, giáo viên lấy đâu ra tiền mà cứ vẽ vời – bác nói nghe mà khách sáo quá, chẳng lẽ ông kia không là giáo viên à? Hay là giáo viên giàu và giáo viên nghèo? – lúc ấy tôi nghĩ thế.

Ngồi nói chuyện với bác trai khá lâu, cũng loanh quanh chuyện hỏi han gia đình và công việc. Ấn tượng của tôi với bác cũng không có gì nhiều, vì cách nói chuyện của bác nó vô cùng “đo ni đóng thùng”, không biết có phải các ông bố có con gái đều có cái phương thức thử các anh chàng đến nhà bằng thái độ hờ hững ấy không, hay chỉ mình tôi bị đối xử như thế? Tôi chỉ nhớ rõ nhất một câu mà bác nói, có lẽ là câu duy nhất đả động đến chuyện của chúng tôi đó là: “con Phương tính cả thèm chóng chán, có được cái gì lâu đâu”. Một lời nhắc nhở sâu cay mà tôi còn nhớ mãi.

Lúc Phương và Huy về và vào nhà trong nấu cơm, tôi cũng xin phép bác trai để chạy vào hộ cùng. Tôi thì chẳng biết bếp núc gì nhưng dù sao thì đến nhà cũng nên tỏ chút thành ý. Thế nhưng đáp lại thịnh tình của tôi, bác cản lại không cho vào, cười nhẹ nhàng “để mẹ con nó làm” – “mẹ con” trong đó là có cả Huy luôn đấy. Thêm một hành động nữa để tôi biết mình chỉ như một người khách trong cái gia đình này.

Trong bữa cơm, mẹ Phương không nhìn tôi lấy một lần. Tôi đưa chén rượu lên để mời thì cũng phải đợi bác trai nhắc bà mới cầm lên vì bà cứ chối đây đẩy là không uống được. Đến lúc này tôi mới biết thế nào là cảm giác đắng cay của người thừa.

Có lẽ Phương cũng thấy sự khó xử của tôi nên em cứ ngồi bên cạnh và thỉnh thoảng bấu nhẹ vào hông. Tôi cũng đã bỏ ý định lấy lòng mẹ em, vì những câu trả lời nhát gừng, và ánh mắt thiếu thiện cảm của bà. Chưa bao giờ tôi phải nhún nhường và hướng ngoại như vậy để mong lấy cảm tình người khác. Phương cũng thế, em cố gắng để đưa mọi người lại gần nhau hơn, em cầm chén rượu vang lên và nói với bố mẹ.

– 2 đứa con chúc sức khỏe bố mẹ ạ!
Đáp lại sự hồi hộp của hai đứa là cái nhìn sắc lạnh của mẹ em:
– Hai đứa con? Hai đứa con là gì mà mời bố mẹ?
– Mẹ!…

Tôi chưa kịp cất lời thì bố Phương đã xen vào và khép lại không khí căng thẳng:

– Thôi, thế cả ba đứa đi, bố mẹ nhận của cả 3 luôn. Khà khà…

Tôi cũng không bất ngờ lắm vì hành động của mẹ em, chỉ thương Phương. Là con gái đã khổ, chuyện duyên số phải theo càng khổ hơn. Em cũng chỉ muốn được sự đồng thuận của gia đình, nhưng dường như mọi cố gắng là vô ích. Chắc em hy vọng lắm khi bố mẹ em chấp nhận để tôi về đây, nhưng những lời nói như dao đâm và thái độ không chào đón của bố mẹ Phương làm tôi đau một thì chắc em phải đau gấp nhiều lần.
Ngà ngà say, bố Phương vỗ vai tôi và cả Huy.

– Bác có một đứa con gái thôi, chỉ mong trước khi chết thấy nó lấy được thằng chồng.
– Bác đừng nói thế ạ
– Tiền quyền thì nhà bác không cần, miễn nó phải là thằng đàng hoàng….

Bác còn ngồi dạy dỗ chúng tôi nhiều điều lắm về tình yêu, cuộc đời, gia đình. Tôi không thích rượu nhưng phải thừa nhận là chén rượu đưa đường cho mọi thứ gần nhau hơn nhiều. Đó cũng là lần duy nhất tôi ngồi nói chuyện với bác, vì tháng 6 năm đó, nghĩa là chỉ vài tháng sau khi tôi sang Hàn thì bác mất vì ung thư gan, bác uống rượu nhiều quá.

Sau bữa cơm, tôi cũng xin phép về luôn vì có ở lại cũng không làm không khí vui vẻ hơn. Tôi lại không phải mẫu người cứ nằm ăn vạ ở đó để được việc. Đưa tôi ra ngoài sân, Phương vẫn còn cố níu ở lại với em một lúc. Hai đứa nói những câu vô thưởng vô phạt, cũng chẳng thành chuyện nữa vì đầu óc hai đứa đang đi chơi ở đâu rồi chưa về. Tôi cầm tay Phương nói nhỏ:

– Đừng khóc đấy nhé! Mai lên anh đón ở bến xe.
– Vâng – Phương rơm rớm – Chẳng có gì cản được em cả.
– Uhm. Biết rồi. Cứ phải nhắc đi nhắc lại thế à?

Lên xe, tôi vẫn ngoái lại cổng chờ em đi vào hẳn mới đi. Hai đứa cứ dùng dằng mãi, cuối cùng thì phải đợi Huy xuất hiện thì cái trò “anh đi trước hay em vào trước” mới kết thúc.

– Xong chưa em? Vào bố mẹ nói chuyện.
– Anh kệ em. Anh vào đi tí em vào sau – Phương giãy ra.
– Thôi Mèo vào xem bố mẹ bảo gì, mai lên anh đón. Chào anh nhé Huy! – tôi kết thúc.

Lên xe phóng về nhà với bố mẹ sau một buổi ra mắt không thể tệ hơn, tôi chắc mẩm về kiểu gì cũng bị hai ông bà cho nghe nhạc mệt nghỉ.

Tôi theo chỉ dẫn để đi cái con đường tắt kia xem hai nhà xa nhau đến đâu? – Đường thuộc tuyến liên xã, chỉ rộng khoảng 10 mét!, hai bên lại toàn là đồng ruộng heo hút thế này thì bố mẹ Phương không cho con gái đi là phải rồi…. *cười mỉm*

Sắp Tết, trời se se lạnh, kết hợp với mấy chén rượu sao mà hợp thế chứ. Tôi vừa đi vừa để gió xuân sớm táp vào mặt ran rát, hít căng ngực cái mùi đồng ruộng ngai ngái của quê mình, cố ghi vào trong óc để sau này sang bên kia thì còn biết có cái gì để mà nhớ.

Chương trước Chương tiếp
Loading...