Dân buôn đồ âm - Quyển 3
Chương 105
Viên Thụ San sinh năm 1881, trong gia đình làm nghề thầy thuốc và bói toán, ông đã có nhiều năm nghiên cứu về lá số tứ trụ, và lá số tử vi, có truyền thống bác học, được cho ăn học thành tài từ bé nhưng tiếc thay ông không đậu tú tài, vì thế ông học ở Đại học Bắc Kinh sau đó thì đi du học ở Nhật Bản theo ngành xã hội học, khi quay về vốn có nhiều cơ hội nghề nghiệp thành tài nhưng ông quyết tâm từ bỏ dù mang lại bao nhiêu tiền tài lợi lộc. Viên Thụ San quyết định theo nghiệp cha, hành nghề thầy thuốc và bói toán.
Nghe nói ông đã từng gặp Tôn Trung Sơn, ông phán Tôn “có tướng mạo cao quý”, không phải cái “phú quý” của phàm phu tục tử, mà là cái “thanh quý” lưu danh muôn đời của kẻ “coi thường ngôi thiên tử mà không thèm làm”. Quả vậy, Tôn Trung Sơn đã không muốn làm hoàng đế, nhưng được đại hội đại biểu các tỉnh họp ở Nam Kinh đề cử làm Đại Tổng thống lâm thời. Nhưng sau đó, ông nhường chức này cho Viên Thế Khải với điều kiện Viên phải ép vua nhà Thanh thoái vị để thành lập chế độ cộng hòa nhưng Viên Thế Khải đã phản bội, đàn áp lực lượng dân chủ cộng hòa.
Cho đến năm thứ 17 thời Trung hoa Dân quốc ban hành lệnh cấm hành nghề chiêm tinh, thầy thuốc, bói toán, điều này đồng nghĩa với việc đập vỡ bát cơm manh áo của rất nhiều người. Vì bất mãn thay những người hành nghề bị cướp đi miếng cơm manh áo, Viên Thụ San quyết định viết một cuốn sách “Trung Tây tương nhân thám nguyên”, dẫn chứng tranh luận, phân trần cho nghề đoán số và những người hành nghề này. Viên Thụ San vốn là người học rộng hiểu nhiều, tinh thông nhiều thứ, sách ông viết đã nói lên tài năng của ông khiến nhiều người nể phục, không còn nghĩ rằng đây chỉ là một thuật sĩ tầm thường mà chính là cao nhân. Một trong số đó có Viện trưởng hành chính Đàm Diễn Khải, ông hết lời khen ngợi cuốn sách này của Viên Thụ San. Không những thế, Viên Thụ San còn được giới Chiêm tinh học ca ngợi, ngày càng có chỗ đứng trong giới.
Có thể ít ai biết, tài tướng số của ông giỏi là do mắt nhìn người, cách ông quan sát biểu cảm, bắt mạch tâm tư của một người thật không tầm thường. Viên Thụ San từng nói: “Đến thỉnh giáo các nhà Chiêm tinh học thì chỉ có ba loại người: Một là nhận đả kích lớn, hai là mê hoặc danh lợi, ba là lâm vào đường cùng, vì thế phải quan sát sắc mặt, trông mặt mà bắt hình dong”. Có thể thấy Viên Thụ San hiểu rất rõ muôn vàn sắc thái biểu cảm của con người.
Đến năm 1930, Viên Thụ San quyết tâm theo đuổi con đường thuật toán mệnh, không còn theo nghề thầy thuốc nữa. Từ đó ông tạo được danh tiếng và chỗ đứng trong xã hội lúc bấy giờ, gần như không ai không biết đến kỳ nhân toán mệnh Viên Thụ San. Những nhân vật tai to mặt lớn cũng biết đến ông mà tìm gặp, đầu tiên chính là Hà Ứng Khâm – quan to của chính phủ Trung hoa dân quốc. Vì ngôn từ chính trực mà được Hà Ứng Khâm yêu thích hài lòng. Hà còn giới thiệu Viên Thụ San cho người lãnh đạo của Trung hoa Dân quốc lúc bấy giờ – Tưởng Giới Thạch. Những lời nói thẳng thắn của Viên rất được Tưởng tán thưởng. Từ đó về sau, từ những nhân vật quan trọng trong giới chính trị, đến các thương gia giàu có, đều tự hào nếu trong tay có được sổ đoán mệnh của Viên tiên sinh. Ngô Bội Phu, lãnh đạo quân phiệt Bắc Dương, tự mình cũng có thể đoán tướng số nhưng vẫn phái người đi nhờ Viên bói toán giúp. Sau đó tin phục, lại phái đặc sứ mang theo rất nhiều tiền để mời Viên xuất núi. Câu trả lời của Viên Thụ San là: “Được ngài yêu thích tôi cảm thấy rất vinh dự. Ngài tức giận thì tôi cảm thấy rất sợ hãi”. Viên Thụ San cũng trở thành mệnh lý đại sư được tín nhiệm nhất của Tưởng Giới Thạch.
Năm 1938, Nam kinh thất thủ, bốn người của Quốc Dân Đảng bao gồm vợ chồng sĩ quan Tùy đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng Quách Kỳ, phụ tá sĩ quan Tôn, sau thất bại đã rời đến Thượng Hải. Tùy đoàn trưởng rất tin vào thuyết vận mệnh và tướng số, và cho rằng cần phải đến gặp đại chuyên gia mệnh lý Viên Thụ San để được chỉ bảo. Quách Kỳ không tin vào vận mệnh, nhưng nghe mọi người khuyên cũng thấy xuôi tai, nên đành đi cùng. Viên Thụ San đã nói: “Quách tiên sinh là quân nhân, đến lúc 40 tuổi có thể được thăng làm Thiếu tướng. Sau đó đánh trận trên sa mạc, nhưng vì thua trận, nên sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, cuối cùng ngài vẫn thuận lợi thoát nguy hiểm trở về đơn vị, từ đó về sau xuôi buồm thuận gió, hạnh phúc đến mãi sau”.
Sau đó 4 người thuận lợi trốn khỏi Thượng Hải, qua Hong Kong đến Vũ Hán. Trở về đơn vị Quách Kỳ liên tục được thăng chức, năm 40 tuổi được thăng là Thiếu tướng, đóng giữ vùng Y Lê huyện Tinh Hà. Nửa đầu năm 1945, nổ ra cuộc phiến loại giữa ba vùng Y Lê, Tháp Thành, A Nhĩ Thái, toàn bộ binh lực của Quách Kỳ bị tiêu diệt. Nơi xảy ra chiến sự đúng là giữa vùng sa mạc. Vì thiếu nước, Quách Kỳ khát tới mức hôn mê, sau đó được kẻ thù cứu sống, sau chiến tranh khi trao đổi tù binh, lại trở về đơn vị. Sau đó, Quách Kỳ tới Đài Loan, cả đời thuận lợi, con cái đều thành đạt. Như vậy, từng lời của Viên Thụ San đều ứng nghiệm.
Năm 1951, Viên Thụ San lúc này đã di dân đến Hong Kong, từng đoán mệnh cho Mã Liên Lương – một trong ba bậc thầy kinh kịch của Trung Hoa Dân Quốc. Trước khi vợ chồng Mã Liên Lương rời khỏi Hong Kong đã nhờ Viên Thụ San bói quẻ. Kết quả Viên Thụ San nói: “Ông vẫn còn 15 năm đại vận”. Người vợ mơ hồ không biết lý giải ra sao liền truy hỏi đến cùng: “Vậy sau 15 năm ông ấy sẽ ra sao?”. Họ Mã trong lòng đã có chút tỉnh ngộ không đợi đối phương trả lời, liền kéo áo phu nhân nói: “Bà đừng hỏi nữa, chỉ cần may mắn trong 15 năm là được rồi”. Cách mạng văn hóa nổ ra, họ Mã vì sự kiện “Hải Thụy bãi quan” mà bị bức hại. Lúc đó, gia đình ông bị cướp sạch, bản thân lại bị cầm tù, gia quyến phải chịu liên lụy, thậm chí xếp hàng lấy cơm, mọi người còn nhổ nước bọt vào bánh bao của họ. Cuối năm 1966, ông ôm theo nỗi oan uổng mà chết, vừa tròn 66 tuổi. Quả nhiên, kể từ khi họ Mã rời Hong Kong trở về Bắc Kinh, đến lúc đột ngột qua đời, bấm đốt ngón tay nhẩm tính, thì đúng là tròn 15 năm.
Viên Thụ San sùng bái nhất là Vũ Huấn và Phục Hy, một người là thánh đồ hành khất để xây trường học, một người là khởi tổ của văn hóa Trung Hoa. Lý tưởng của ông là muốn thành lập một trường học tình nghĩa và xây dựng một ngôi miếu Phục Hy, sau khi có chút tiền tích cóp, ông đã noi theo Vũ Huấn tại hẻm Tiểu Viên ở quê nhà, đã dùng phòng ốc nhà thờ tổ họ Viên để làm lớp học, lập nên trường học tình nghĩa. Dựa theo điển cố “Viên an ngọa tuyết”, đặt tên trường là “Tiểu học Ngọa Tuyết”. Trong thời gian kháng chiến, kinh tế xã hội suy thoái, Viên Thụ San tài lực không đủ, tiểu học Ngọa Tuyết bất đắc dĩ phải thu phí học đường của học sinh. Viên Thụ San vô cùng hổ thẹn, đã đặc biệt làm một tấm biển cho trường học, đích thân viết bốn chữ “Không bằng Vũ Huấn”. Có thể thấy Viên Thụ San không phải một thuật sĩ giang hồ tầm thường, ông có phẩm hạnh và đam mê của riêng mình.
Con trai của ông là Viên Phúc Nho từng muốn nối nghiệp ông học đoán mệnh, ông phản đối nói: “Cha có hai bộ học thuật, một bộ là đoán mệnh, một bộ là y học, sau khi cha chết, con phá bỏ và đốt bộ đoán mệnh đi, tiếp tục kế thừa y học của cha”. Từ đó Viên Phúc Nho không động chạm gì đến mệnh lý nữa, mà chuyên tâm học y, sau đó đi du học ở Nhật, tiếp tục học y học và thành công trong việc quảng bá phát huy y học Trung Quốc, trở thành một chuyên gia y học của thời đại. Nhận thức của Viên Thụ San về sự nghiệp vận mệnh và tướng số vào thời điểm đó đều công bằng và khách quan. Viên Thụ San cho rằng, thuật bốc quẻ xem tướng có thể được coi là một trong những quốc túy của Trung Quốc, gần như được sinh ra cùng lúc với lịch sử văn hóa Trung Quốc, có nguồn gốc từ thời thượng cổ, nổi bật từ thời Ân Thương, và ngày nay trở nên hưng thịnh.