Đời học sinh - Quyển 3
Chương 115
Khi bước vào nhà, hình ảnh đầu tiền lọt vào mắt tôi là một bà cụ già ngồi trên chiếc ghế xếp, tay vân vê xâu chuỗi. Tôi được nàng cho biết đó là mẹ của mẹ nàng tức có thể coi là ngoại của Lam Ngọc. Tôi tính thưa, nhưng có vẻ bà đang ngủ. Lam ngọc cũng đẩy lưng tôi đi tới không có ý định làm bà thức giấc. Tuy nhiên chỉ mới bước gần, bà đã thều thào, tốc độ vân vê xâu chuỗi nhanh hơn:
– Ngọc tới chơi đó hả con?
Hết cách, Lam Ngọc đành nán lại cạnh mà hỏi thăm:
– Dạ phải ạ, ngoại dạo này sao rồi!
– Ừ, ngoại khỏe! Mà con dẫn bạn trai tới chơi đó hả?
Bà đột nhiên nhìn sang tôi dò hỏi, ánh mắt vẫn không lấy gì làm ngạc nhiên cứ như con gái đến tuổi sẽ dẫn người yêu về ra mắt gia đình. Thế nhưng bây giờ vẫn chưa phải. Ngọc Lam đỏ mặt lắc đầu ngay:
– Dạ không phải ạ, đây là bạn của con trên lớp!
– Ừ, thôi mẹ con đang trong bếp đó! Bà nghỉ một tí đã.
Bọn tôi thưa bà rồi tiếp tục tiến vào bếp. Một mùi thức ăn tỏa ra dịu nhẹ làm tôi thấy xốn xang cả người. Tôi có thể đoán được tên thức ăn thông qua mùi hương của nó. Cái mùi thơm nhẹ, kèm theo mùi hành tỏi chỉ có thể là mực xào cần cà. Còn mùi đăng đắng đi kèm với mùi hắc của tiêu có thể là canh khổ qua. Nói chung thì món nào cũng ngon cả.
Lam Ngọc đột nhiên bước nhanh hơn vào trong, ôm chằm lấy người phụ nữ đang đứng nấu ăn. Đó chắc chắn là mẹ của nàng. Một người phụ nữ hãy còn trẻ. Tôi nghĩ chỉ tầm trên 30 là cùng. Lam Ngọc và bà ấy đứng nói chuyện được một lúc rồi bước đến phía tôi. Bà ấy cười hiền:
– Con đói bụng chưa, giờ dọn cơm ra cô cháu mình nói chuyện nhé!
Thoáng thấy Lam Ngọc nhìn tôi nheo mắt mới biết dụng ý của nàng dặn tôi để bụng đói sang đây là vậy.
Chỉ thoáng chốc sau với đôi chân nhanh nhẹn chạy tới chạy lui của mình. Tôi đã dọn lên một bàn lình đình những món ăn thơm lừng. Lúc này ngoại nàng cũng chuyển từ ghế xếp sang chiếc ghế gỗ cạnh bàn ăn từ lâu. Sau khi dọn lên những món cuối cùng, Lam Ngọc và mẹ nàng cũng ngồi yên vị vào chỗ. Nàng quan sát một vòng quanh bàn rồi nói nhỏ với mẹ mình:
– Có cần đợi chú út về không mẹ?
– À, không cần đâu, chú ấy về trê nên bảo mình chưa cơm thôi!
Lam Ngọc gật đầu một cách ngoan ngoãn rồi ngồi xới từng muỗng cơm vào chén cho từng người. Đây là lần đầu tiên tôi thấy Lam Ngọc hiền thục đến vậy và chỉ có lẽ là duy nhất lần này thôi vì khi xới chén cơm cho tôi, nàng còn kèm theo cả cái lườm sắc lẽm. Nhưng ngay lập tức mẹ nàng dã biến tia nhìn sắc lẽm đó thành một tia nhìn khác bối rối hơn hướng về bà:
– Vậy ra đây là Phong, bạn trai của con phải không Ngọc?
– Không phải đâu mẹ, đây là bạn cũng lớp thôi! – Nàng đáp một cách đỏng đảnh không quên chỉa một tia nhìn về phía tôi như nhắc rằng không được hé môi một lời nào.
Bà lại quay sang tôi cười hiền:
– Bạn cùng lớp thôi mà Phong nhỉ?
– À, dạ! – Tôi cũng không biết trả lời gì hơn ngoài cười hền hệch rồi cắm đầu ăn.
Nói chuyện phím được một lúc mẹ nàng mới bắt đầu chuyện chính. Bà quay sang Lam Ngọc ôn tồn hỏi:
– Ba con vẫn khỏe chứ?
– Vẫn khỏe nhưng mà còn nhậu nhẹt nhiều lắm ạ!
– Ừm, biết bao giờ mới bỏ được tật xấu đây!
Bà thở dài rồi tiếp tục khua từng hột cơm vào miệng.
(Đến lúc này tôi xin phép được xưng mẹ của Lam Ngọc là dì Bích để tiện theo dõi nhé).
Bất ngờ dì Bích bỗng bụm miệng ụa lên một hơi. Hơi thứ nhất bà vẫn còn kìm được, đến hơi thứ hai bà phải chạy nhanh vào nhà vệ sinh. Lam Ngọc cũng lo lắng chạy theo sau. Cả hai ở trong ấy rất lâu. Một lúc sau thì Lam Ngọc cũng dìu mẹ mình vào phòng. Nàng đi ra với khuôn mặt chẳng biết vui hay buồn. Thấy thế tôi mới chạy đến:
– Có chuyện gì vậy Ngọc, mẹ Ngọc bị sao hả?
– Không đâu? – Nàng lắc đầu như một con rối.
– Vậy là chuyện gì mới được?
– Mẹ Ngọc… có thai rồi…
… Bạn đang đọc truyện Đời học sinh – Quyển 3 tại nguồn: http://truyen3x.xyz/doi-hoc-sinh-quyen-3/
Bây giờ thì tôi đã hiểu một phần vì sao mẹ của Lam Ngọc lại giận đến nỗi mà bỏ sang nhà ngoại đến vậy. Với một ông chồng suốt ngày say xỉn vì công việc thì vẫn chưa đủ để tức giận đến thế. Có lẽ dì Bích đã có thai trước khi rời khỏi nhà. Dì muốn cho ba của Lam Ngọc biết bí mật đó nhưng do ông cứ say xỉn nên chẳng có dịp nào để nói được. Chỉ có như thế mới khiến cho dì Bích tức giận đến nỗi bỏ về nhà thôi.
Tôi có nói ý nghĩ này cho Lam Ngọc biết. Nàng tuy còn có chút nghi ngờ nhưng cũng có thể tạm tin vào giả thuyết này. Duy chỉ có điều là cách giải quyết vẫn chưa được tìm ra. Chắc có lẽ tiếp tục thuyết phục ba nàng sang nhà ngoại xin lỗi là cách tốt nhất hiện giờ mà thôi.
Ăn cơm ở nhà mẹ nàng xong. Tôi với Lam Ngọc ở lại chơi với ngoại một tí rồi xin phép ra về. Trời giờ này vẫn còn sớm. Không phải sớm vì trời vẫn còn sáng mà sớm vì Lam Ngọc đã nói với dì vú rằng nàng sẽ đi về trễ. Nhìn nét mặt ưu tư, tôi có thể đoán nàng vẫn chưa muốn về căn nhà buồn bã đó. Tôi đã ăn cơm no, cũng không muốn về nhà sớm. Vậy nên đi đâu đây ta?
Tôi nhìn Lam Ngọc rồi lại nhìn dòng xe đang tấp nập qua lại trước mặt. Tôi ngó khắp nơi chỉ mong trong đầu sẽ nảy ra một địa điểm nào đó thật thú vị. Hết nhìn trời rồi lại nhìn đất, ngó sang trái rồi lại sang phải, cuối cùng tôi cũng phải trở về nhìn nàng như sự lựa chọn cuối cùng.
Tôi như ngây dại đi vì đôi má mủm mỉm đó. Nó cứ hây hây lên theo những lần mím môi của nàng. Dưới ánh chiều tà le lói sau những tòa nhà cao tầng. Gương mặt nàng càng nổi bật hơn làm cho cái mơ ước được làm tia nắng bám trên đôi má nàng càng dữ dội thêm.
Và trong một phút không thể kìm chế, tôi bỗng đưa tay lên như muốn nựng đôi má đó. Lam Ngọc rất nhanh nhẹn khi phát hiện ra cự động lạ của tôi. Nhưng nàng không làm gì cả, chỉ nhìn tôi với ánh rất đỗi ngạc nhiên và có vẻ như đang chờ đợi điều tôi sẽ làm tiếp theo.
Tất nhiên là tôi chẳng thể nào bạo dạn đến mức bẹo má trước mặt nàng được nhưng cũng phải tìm một cách gì đó để chữa cháy cho cánh tay đang đưa lên ngang mặt nàng.
Chợt thấy chiếc xe bus chạy ngang xả đầy khỏi đen, tôi mượn cớ khua tay liên tục:
– Chà, mấy chiếc xe bus ở đây khói ghê quá! Ngọc đứng lui một chút đi, hít phải nguy hiểm lắm!
Chẳng biết lúc đó tôi có diễn tệ lắm hay không mà Lam Ngọc lại lắc đầu cười mỉm. Tôi chỉ biết nàng chẳng đá động đến đôi tay lạc lõng của tôi nữa. Ánh mắt nàng cũng trở nên hiền hòa hơn. Nàng vỗ vai tôi:
– Giờ còn sớm Phong có muốn đi đâu không?
– Ừ, cũng muốn lắm, nhưng cũng chưa biết đi đâu nữa!
Việc mà tôi suy nghĩ nát óc từ nãy đến giờ bỗng được nàng giải đáp chỉ trong một nụ cười:
– Vậy đi uống cà phê với Ngọc đi!
– Ơ, đi uống cà phê à?
Tôi đơ mặt bất ngờ vì nhận ra Lam Ngọc cũng thích uống cà phê. Biết được thắc mắc đó, nàng cười xòa:
– Thường thì khi rảnh Ngọc cũng hay đi uống cà phê lắm. Nhưng do bận quá nên giờ rảnh đi uống để lấy lại mùi vị thôi.
– Nghe thú vị nhỉ. Vậy Ngọc tính uống ở đâu?
Không cần phải suy nghĩ một chút nào, nàng liền kéo tay tôi lên chiếc đạp điện:
– Cứ đi đi đã, nó ở gần đây thôi!
Nó mà Lam Ngọc nói là tiệm cà phê hai tầng nằm cách đó không xa. Tôi chỉ biết tiệm này qua lời kể của một số nhỏ con gái trong lớp chứ chưa bao giờ đến lần nào cả. Đây là lần ghé thăm đầu tiên ở tôi. Ấn tượng nhất khi đến đây chắc có lẽ là màu sắc xanh lá cùng với cách bày trí đặc trưng của nó.
Tôi với nàng chọn một bàn gần cửa sổ. Đây là đề nghị của nàng và cũng là sở thích của tôi khi vào một quán cà phê nào đó. Bởi khi ta uống cà phê thì cần phải thả hồn vào một việc gì đó, với tôi thì chỉ là cảnh vật nhộn nhịp ngoài đường.
Tôi cầm tờ menu trên tay và suýt tý nữa nhảy cẩn lên vì có nhiều loại cappuccino với nhiều hương vị khác nhau. Tôi chọn cho mình một tách cappuccino truyền thống. Đến phần Lam Ngọc tôi dò hỏi nhưng cũng đã mường tượng được trong đầu món nàng gọi có thể là cà phê sữa hoặc đại loại thế. Tuy nhiên tôi đã sai, nàng không cần nhìn vào menu nhưng lại đọc tên món khá rành rọt:
– Một cappuccino viennese.
Tôi như chết trân với món mà Lam Ngọc gọi. Hàng loạt câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi lúc này. Tại sao lại có sự liên quan mật thiết đến thế? Đây là trùng hợp hay do duyên số? Sao các cô gái xung quanh tôi đều ít nhiều biết đến cappuccino chứ?
Tôi cứ sững người ra đó cho đến khi Lam Ngọc vỗ thật mạnh vào vai tôi mới bừng tỉnh. Nàng nhìn tôi khó hiểu:
– Sao thế, làm gì mà đứng sững ra vậy, người ta chờ kìa?
– À ừ, cho 2 cappuccino nóng!
Tất nhiên với vẻ mặt lúng túng như thế, không ai trong quán đó có thể nhịn cười được. Chỉ có mình Lam Ngọc là vẫn nhìn tôi một cách khó hiểu, có lẽ nàng chưa bao giờ thấy tôi lúng túng đến thế. Nàng không biết bây giờ trong lòng tôi rối rắm đến mức nào. Nó như ta bỏ cuộn len xuống đất cho con mèo chơi đùa. Không biết đâu là đầu, đâu là đuôi, gút thắt ở chỗ nào.
Tôi thẫn thờ theo nàng lên cầu thang dẫn lên tầng trên như chú cừu ngoan ngoãn theo chủ.