Đời học sinh - Quyển 4
Chương 10
Vừa đi ngang văn phòng đoàn, bọn tôi bỗng nghe được vài tiếng nói phát ra từ đó. Không ai bảo ai, tôi và Toàn phởn đều biết đó chính là giọng của thằng cờ đỏ. Cái giọng khàn khàn chẳng lẫn đi đâu được.
Theo như tình hình hiện tại, có vẻ như nó đang nói chuyện với một ai đó trong văn phòng đoàn. Một thằng cờ đỏ bàn chuyện trong văn phòng đoàn là một điều hiển nhiên, chả phải điều khó hiểu gì. Bọn tôi có lẽ đã bỏ đi nếu như không tình cờ nghe được nội dung cuộc trò chuyện trong đó:
– Cái thằng Phong ấy hả, tao cho nó đi tong cùng với nhỏ Ngọc rồi!
– Có chắc là thành công không Đức?
– Đợi đến cuối tuần này tao nộp danh sách cho thằng bí thư đoàn trường thì biết ngay! Giờ đưa số tiền còn lại cho tao đi!
– Mày chưa hoàn thành xong thì đừng mơ có số còn lại! Giờ thì chờ cho đến thứ hai tuần sau đi! Tao muốn chứng mặt thấy hai đứa nó bẻ mặt trước toàn trường!
Nghe đến đây, cả người tôi đã nóng ran lên muốn nhào vào trong tẩng cho mỗi thằng một trận vì cái tội dám hãm hại tôi và Lam Ngọc. Nhưng Toàn phởn đã quá quen với cái tính bộp chộp này của tôi nên nó đã kịp ghì tôi lại trước khi tôi làm hỏng chuyện:
– Ậy, đừng! Phải thu thập thông tin đã, bình tĩnh!
– Bực thiệt, thì ra có người muốn hại tao!
– Giờ mày biết rồi thì bình tĩnh lại dùm kẻo hỏng hết thời cơ!
Lúc đó bọn tôi chỉ chú tâm đến cuộc trò chuyện bên trong mà quên bén đi sự có mặt của bé Phương. Tuy nhiên em cũng khá là biết chuyện khi ngoan ngoản nép sau lưng hai tụi tôi để theo dõi tình hình. Nhờ đó tôi với Toàn phởn với an tâm nghĩ tiếp việc mình phải làm tiếp theo.
– Bây giờ tao giả dạng người bình thường đi ngang văn phòng để xem mặt cái thằng chủ mưu đó, mày cứ ở đây đợi đi!
Toàn phởn nãy ra sáng kiến “giả điên khiên đồ Mỹ” khi muốn đóng giả người bình thường để thám thính tình hình bên trong. Dù gì thì bọn cờ đỏ kia vẫn chưa biết mặt của nó nên kế này hết sức là tuyệt vời.
Tuy nhiên đời thường không như là mơ. Kế hoạch thì chẳng bao giờ chịu trơn tru theo nhưng gì đã đề ra cả. Khi Toàn phởn đã rón rén tiến gần đến cửa văn phòng, bỗng chuông điện thoại của bé Phương vang lên rộn ràng như đại nhạc hội, kèm theo đó là tiếng gắt từ trong văn phòng vang ra:
– Ai đó?
Ngay lập tức, tôi với Toàn phởn hoảng hồn kéo theo bé Phương co giò chạy như bay ra khỏi chỗ đó. Chỉ khi bãi giữ xe đã hiện ra trước mắt bọn tôi mới chịu dừng lại mà thở hồng hộc như vừa tập cả mấy tiếng đồng hộ thể dục.
Hai tụi tôi con trai thì chả sao, chỉ có bé Phương là gần té xỉu nếu không có thằng Toàn nhanh tay đỡ lấy:
– Nè, em có sao không Phương?
Tôi phụ nó dìu bé Phương qua căn tin cho em nghỉ mệt.
– Em không sao, báo hại hai người không điều tra được chủ mưu rồi!
– Trời, giờ này còn quan trọng chi chuyện đó. Em không sao là được rồi!
– Đúng đó, kế hoạch tính sau cũng được chẳng hề gì! Cùng lắm thằng Phóng nó đứng trước cờ có buổi chứ nhiêu.
– Ê ê, còn Lam Ngọc nữa nha mày!
Chẳng biết thằng Toàn nó nói đùa hay thật nhưng đã làm được bé Phương cười trở lại thì cả hai thằng đều yên tâm. Chỉ tiếc có một điều là vẫn chưa thể biết được cái thằng cầm đầu đó là ai. Nếu biết được, thì mọi chuyện sẽ dễ hơn rất nhiều vì bọn tôi chẳng cần điều tra thằng cờ đỏ đó làm gì, nắm thó thằng cầm đầu là đủ. Tuy nhiên bọn tôi cũng được biết thêm thằng cờ đỏ đó tên là Đức. Đây cũng có thể coi như một chút gặt hái cho kế hoạch của cả bọn.
Ngày hôm sau y theo kế hoạch, trống tan học vừa đánh bọn tôi đã tranh thủ lao ra khỏi lớp để kịp theo chân thằng Đức đến nhà của nó.
Cơ mà chắc bọn tôi hơi lo xa, vào giờ ra về nó còn phải ở lại văn phòng đoàn viết báo cáo khoảng 30 phút. Do đó tôi với Toàn phởn phải chờ bục cả xương mới thấy bản mặt của nó ló ra khỏi cửa.
Và rồi khi nó nhấc bàn đạp lên đạp xe rời khỏi cổng. Kế hoạch theo dõi thằng Đức cờ đỏ chính thức bắt đầu. Lực lượng điệp viên gồm có tôi, Toàn phởn và… cả bé Phương nữa. Tất nhiên là bất đắc dĩ thôi.
Bọn tôi theo nó dọc đường Lê Văn Lương đến tận Nhà Bè. Có lúc bọn tôi phải khựng lại giữa đường giả bộ vào mua nước mía khi thằng cờ đỏ đó dừng lại giữa đường xem xét tình hình. Có lẽ nó linh cảm được có người đang theo dõi nó, nhưng rất may mắn là chúng tôi vẫn chưa bị phát hiện ra. Phần vì do giờ này học sinh về khá đông, cũng phần vì con đường toàn là chợ búa nên nó chẳng may mảy phát hiện ra bọn tôi được.
Do đó, bọn tôi theo dõi nó suốt một quảng đường khá dài. Lúc này trong đầu mỗi đứa bọn tôi đều hiện lên một nghi vấn thật to tướng. Nhà nó xa như thế sao không học ở một nơi gần hơn mà lại chạy một quãng khá xa để đến học ở quận 7 này. Chỉ thắc mắc đó thôi đã đủ để khiến bọn tôi nhức cả óc.
Tuy nhiên bọn tôi chẳng thể thắc mắc lâu, thằng Đức vừa qua khỏi cây cầu sắt nhỏ bắt ngang một con kênh thì nó bỗng dưng ngưng lại một lần nữa. Nhưng lần này nó chẳng ngoái đầu lại để xem xét giống như mấy lần trước mà là ghé vào một hàng bán bánh bao ở ven đường.
Tất nhiên việc nó mua bánh bao chẳng phải huyền bí gì, nhưng mua đến 3 cái bánh bao thì lại là một vấn đề khác. Tôi lúc thường chỉ ăn đến cái bánh bao thứ hai đã nghẹn cuốn họng. Thằng Đức này nhìn cũng xiêm xiêm với tôi nên chẳng thế nào ăn khỏe như vậy được.
Nhưng thôi, bọn tôi cũng chẳng suy nghĩ được lâu. Khi mua xong 3 cái bánh bao, nó lại bắt đầu chuyến hành trình trở về nhà của mình.
Lúc này, bọn tôi đã bắt đầu thấy mỏi chân, và cả đói bụng nữa. Đã quá giờ ăn trưa mà 3 đứa bọn tôi vẫn còn lang thang ngoài trời nắng như thế này thì đúng thật là một cực hình. Đáng lẽ giờ này có lẽ tôi đã nằm chiểm chệ ở nhà xem TV sau bữa ăn nó nê rồi. Nhưng vì quyết tâm làm rõ mọi việc nên tôi phải dấn thân như thế này. Khổ gì đâu!
Theo dõi chừng 5 phút nữa, thằng Đức bỗng dừng lại trước một dãy nhà trọ đã cũ. Lúc đầu bọn tôi còn tưởng đã bị nó lừa khi cả đám bị dẫn vào khu ổ chuột như thế này. Nhưng lúc sau khi xác nhận là nó đã đi vào dãy phòng trọ đó bọn tôi mới chắc chắn mình vẫn còn đi đúng đường.
Do dãy phòng trọ hơi tối nên chúng tôi đã bị mất dấu thằng Đức từ khi nó bước vào đây nên bây giờ phải lần từng căn phòng để do thám tung tích.
– Ê, đây là chỗ ở hay khu ổ chuột thế mày? – Toàn phởn khiều vai tôi thắc mắc.
– Tao cũng không biết, chắc là cả hai! Nhìn chỗ này giống mấy khu trọ cho người lao động ở gớm!
– Mà hổng lẽ thằng Đức nó ở chỗ này?
– Ai biết, lỡ nó thăm bà con nào ỏ đây thì sao, cứ…
– Ê, suỵt…
Đột nhiên Toàn phởn bịt miệng tôi lại. Tôi cứ tưởng nó đang giỡn nhưng sau khi nhìn kĩ lại vẻ mặt nghiêm nghị của nó cộng với tiếng động phát ra từ căn phòng cuối dãy, tôi mới biết nó đang nghe ngóng từ chỗ đó.
Vậy là cả ba đứa rón rén tiến lại gần nơi phát ra tiếng nói. Từng chút từng chút một, giọng nói càng hiện rõ hơn cho đến khi bọn tôi có thể nghe hoàn toàn cuộc nói chuyện bên trong căn phòng đó:
– Bánh bao hôm nay sao hông có trứng muối vậy anh hai?
– Ừ, ăn đỡ đi. Cuối tuần này có tiền rồi anh sẽ mua bánh bao trứng muối cho em!
– Thôi Đức à, đừng chìu em nó quá, mình còn đang thiếu tiền trọ tháng này đó!
– Dạ con biết rồi, rán đến cuối tuần sẽ có thôi ạ!
– Mà sao con biết sẽ có tiền vậy, ba đâu thấy con làm thêm gì đâu!
– Dạ… à… tại con làm cờ đỏ trong trường chuẩn bị được trả lương ạ!
– Trong trường cũng trả lương nữa hả con?
– Dạ, tại thấy con có cố gắng nên nhà trường thưởng cho!
– Ừ, nghe thế ba cũng yên tâm. Ba bị gãy chân nên phải để con lo hết, sợ con cực khổ nhiều quá lại sinh bệnh!
– Không đâu, ba đừng lo gì hết cứ lo dưỡng thương đi!
Đến lúc này bọn tôi có thể chắc nịch một câu rằng, nhà của thằng Đức chính là căn phòng ở cái khu ổ chuột này.