Dòng nhật ký buồn
Chương 3
* Nhật Ký Ngày…
Đêm nay là đêm thứ ba em ngồi viết những dòng ký sự anh à. Em hy vọng một ngày nào đó anh tỉnh lại và đọc được những dòng chữ này. Em sẽ nói ra hết, em không thể giấu mãi được nữa phải không anh? Em xin lỗi và em chấp nhận ra đi nếu như anh không còn cần em nữa.
Anh biết không, cái ngày em bắt đầu đi làm đã có nhiều sự thay đổi, đặc biệt là thay đổi trong suy nghĩ của em. Một cô gái xinh đẹp đã từng là hoa khôi của trường làm sao có thể chấp nhận một bộ dạng xấu xí đi ra ngoài được. Tuy trường mẫu giáo toàn là cánh con gái với nhau nhưng em vẫn nhất quyết phải thay đổi về ngoại hình. Là con gái ai chẳng muốn mình xinh đẹp, em đã đi làm tóc, ra đường chịu khó mặc váy, mặt mũi cũng trang điểm kỹ càng hơn.
Vì mặc cảm thân hình mình giờ béo ú nên em tìm mọi cách cố gắng khắc phục nhược điểm đó. Bạn bè ai cũng động viên và khích lệ em ăn mặc đẹp, tuy nhiên điều đó vô tình lại làm bố mẹ anh khó chịu. Mẹ anh khó chịu ra mặt khi thấy em son phấn đã đành bởi từ trước bà đâu có ưa gì một đứa con dâu nhà quê như em. Nhưng bố, người mà em luôn yêu quý và kính trọng cũng không thấy gì là vui vẻ khi nhìn em dành đến nửa tiếng đồng hồ trang điểm và mặc quần áo.
Có lẽ ông nhiều kinh nghiệm và hiểu được ngoài xã hội không phải cái gì cũng toàn màu hồng, ông lo lắng một ngày nào đó em sẽ cắm sừng anh… Mà nhìn anh đi suốt ngày như vậy thì cái việc ông lo lắng cũng là có lý lắm chứ. Rất may chỗ làm lại toàn trẻ nhỏ và phụ nữ với nhau nên ông bà cũng bớt lo phần nào. Anh là chồng mà mỗi khi anh về nhưng anh chẳng bao giờ chịu để ý hay kiểm tra gì vợ cả. Có lẽ anh tin rằng một con béo với cái bụng toàn mỡ thì làm gì có ai thích phải không? Chồng không lo nhưng đã có bố mẹ lo hộ. Anh sướng thật đấy, cái gì cũng
Được bố mẹ quan tâm và giúp nhiệt tình. Tháng đầu tiên em đi làm, ông bà cứ lấy cớ nhớ cháu để tạt qua tạt lại, nhưng em biết đấy là sự kiểm tra xem em có bồ bịch gì không. Nhiều lần khi anh đi công tác cùng sếp, ông bà thử em bằng cách bảo cho cu Dế ngủ lại nhà ông bà, nhưng đến 10h tối đã thấy ông đưa cháu về với lý do cu Dế nhớ mẹ không chịu ngủ với ông bà.
Ba tháng em đi làm là thời gian quá đủ để ông bà nhận ra em là đứa con dâu chung thủy anh ạ. Ông bà hài lòng lắm tuy không nói ra nhưng em biết. Mọi người nói cũng đúng, người ta cho rằng chẳng có điều gì là chắc chắn cả. Người đàn bà chưa ngoại tình không có nghĩa là họ sẽ không ngoại tình. Chẳng qua chưa ngoại tình là do chưa có cơ hội mà thôi.
Đúng thời điểm em lấy được niềm tin từ ông bà thì lớp em đón nhận một cháu bé gái chạc 5 tuổi. Cháu bé này rất ngoan và dễ thương anh ạ. Nhưng có điều người đàn ông, cũng là bố của cháu nhỏ mà hàng ngày hay đưa đón lại có bộ mặt rất hung tợn. Anh ta tên Hùng, trạc tầm ba mươi hai, ba mươi ba tuổi. Tại sao anh Hùng lại có khuôn mặt hung tợn là bởi trên mặt anh ấy có một vết sẹo rất dài nằm ở bên má trái.
Nó như một dấu tích cho việc đâm chém và nói lên rằng anh ta là một người giang hồ. Những ngày đầu, em và các cô giáo trong trường ai nhìn thấy anh Hùng cũng đều sợ sợ. Tuy nhiên em chỉ sợ chứ cũng chẳng có gì để mà coi thường anh ấy cả. Em bị mẹ và chị gái anh dè bỉu là một đứa con gái nhà quê rồi nên em không thích
Dè bỉu bất cứ một ai cả.
Hai tuần liền chỉ thấy người đưa đón cháu Mai là anh Hùng nên em có thắc mắc. Anh ta trả lời đầy cay đắng cho em biết rằng trong khi anh ấy ở trong tù, người vợ đã bỏ con lại đi theo trai vào miền nam sinh sống. Qua một thông tin nho nhỏ vậy thôi thì em đã dần đồng cảm với hoàn cảnh của anh ta, đã nhìn anh ta với đôi mắt khác. Bé Mai cũng được em quan tâm nhiều hơn bởi em thương nó sống thiếu thốn tình cảm.
Anh biết không, hàng ngày gặp nhau hai lần lúc sáng và lúc chiều tối nên khuôn mặt đầy sợ hãi của anh Hùng dần biến mất trong em. Nhìn nhiều cũng thấy bình thường, thậm chí em còn thấy anh ta rất đáng thương. Em có một sự ấn tượng rất lớn với anh Hùng, anh biết đó là điều gì không? Anh Hùng là người xã hội đen nhưng anh ấy vẫn yêu quý và lo lắng cho đứa con gái của anh ấy.
Cứ mỗi buổi sáng nhìn hai bố con bịn rịn chia tay mà em không kìm được nước mắt anh ạ. Lúc chiều đón về thì em nhìn thấy bé Mai chạy nhanh lao vào vòng tay anh ấy đầy vui mừng. Điều đó bỗng dưng em thấy thèm, thèm một gia đình đầm ấm bên các con anh ạ. Anh Hùng dù là người bị xã hội lên án, nhưng anh thấy không, anh ấy vẫn yêu và quan tâm đến con gái như vậy cơ mà?
Còn anh, cớ sao anh lại không như vậy? Nghĩ đến thì ban đầu em cũng trách anh nhiều lắm, nhưng sau đó em lại thôi không trách anh nữa, có trách thì trách chính bản thân em. Bởi vì em vẫn mông lung một điều thầm kín rằng không biết bố đẻ của cu Dế là ai!!! Quả thực điều này như một trái đắng và nó đã hành hạ em suốt cuộc đời.
Trong những bữa cơm tối hiếm hoi của hai vợ chồng, em chưa bao giờ nói cho anh biết một điều rằng trong đầu em đang có hình bóng của một người đàn ông khác. Khi cu Dế được gần hai tuổi, em không muốn mình bị ai kiểm tra cuộc sống riêng tư nên em đã nghĩ ra cách nói với bố mẹ cho cu Dế đến nhà trẻ nơi em làm việc. Bố mẹ có vẻ không hài lòng vì không muốn thiếu thằng bé, nhưng do em cương quyết nên ông bà đành phải nghe theo.
Lúc đấy em vẫn là một cô gái trẻ nên suy nghĩ trong em có phần hạn chế. Em cứ nghĩ đơn giản sống là sống cho bản thân mình nên cho dù bố mẹ không thích em ra đường son phấn, ăn mặc đẹp thì em cũng mặc kệ ông bà. Em đã suy nghĩ ấu trĩ như vậy đấy anh ạ. Ngày trước em quý bố bao nhiêu, giờ thì em cứ thấy ông khó tính, em thấy sợ sợ kiểu gì mà khó nói ra thành lời được.
Ngày đấy anh ở nhà thì chắc anh cũng thấy đúng không? Anh có thấy bố mẹ dỗi và giận cả hai vợ chồng không? Như mẹ nói thì chúng mình đủ lông đủ cánh rồi nên không cần ông bà nữa. Anh là đàn ông, là con trai trong nhà thì đáng ra anh phải đứng lên nói cho bố mẹ hiểu, nhưng anh chỉ ậm ờ rồi cũng chẳng nói gì và đâm ra mẹ lại càng thêm ác cảm với con dâu.
Thời gian đó em bị stress nặng bởi cuộc gia đình. Em thấy nó ngột ngạt đến khó thở, đôi lúc em muốn vứt tất cả để ra đi nhưng em không có bản lĩnh để làm điều đó. Em cố gắng làm mọi thứ để anh không bị mang tiếng có người vợ này nọ, nhưng mọi cố gắng đều không như em mong muốn. Mẹ và chị gái anh vẫn ghét em như mọi khi và càng ghét thì họ lại càng tìm mọi cách để làm cho em phải ra đi. Mẹ nghe theo lời chị gái anh, một hôm bà nói mỉa với em rằng giờ em đi làm rồi, có tiền mua son phấn, mua quần áo mới thì hãy trả cho bà tiền đi. Em ngạc nhiên nên hỏi lại:
– Tiền gì cơ hả mẹ?
Bà liền lôi một quyển sổ nhỏ ra mà trước đó em chưa bao giờ nhìn thấy. Trong cuốn sổ nhỏ đó, anh biết mẹ ghi những thứ gì không? Mẹ ghi tất tần tật các khoản chi tiêu ngày trước mà ông bà mua cho cu dế. Em nhìn mà hoa hết cả mắt, nào là bỉm, nào là sữa, nào là quần áo, nào là khoản chi chạy việc cho anh mấy chục triệu nữa. Bà ghi chép đến cẩn thận và không thiếu một thứ gì. Em đứng sững và bị sốc toàn tập bởi vì ngày trước cứ nghĩ ông bà thương cháu, thương con trai nên ông bà mới giúp đỡ nhiệt tình như vậy. Hóa ra mọi chuyện không hề đơn giản như em nghĩ. Em chẳng biết trả lời ra sao, bà nhìn em rơm rớm nước mắt thì nói tiếp như động lòng thương hại:
– Mẹ nói vậy thôi để cho các con biết, chứ mẹ không bảo hai đứa phải trả hết ngay. Giờ cả hai cùng đi làm, cùng có thu nhập nên liệu mà để ra một ít mà trả dần cho mẹ. Bố mẹ đã rút hết tiền tiết kiệm để lo cho hai đứa hơn hai năm nay rồi và bây giờ bố mẹ cũng chẳng còn đồng nào cả. Chúng mày như vậy thì chắc bố mẹ cũng chẳng nhờ được khi về già, thôi thì mẹ cứ cẩn thận phải tích cóp một chút, nhỡ may mai kia ốm đau còn có tiền mà đi viện.
Em chưa bao giờ dám cãi lại mẹ, và lần này cũng vậy. Em chấp nhận sẽ trả hết mọi khoản mà ông bà đã chi cho cu Dế, nhưng có một khoản mà em phải lên tiếng vì số tiền đó quá lớn đối với em:
– Nhưng mẹ ơi, sao cái khoản chạy việc cho anh Tuấn mẹ lại đòi con? Chuyện đấy con tưởng bố mẹ giúp anh Tuấn chứ? Mà nếu người phải lo trả khoản đấy thì phải là anh Tuấn. Mẹ cũng thấy đấy, anh ấy đi làm nhưng lương lậu về có đưa được cho con đồng nào đâu. Họa hoằn lắm tháng thì 1 triệu, tháng nào cao thì một triệu rưỡi. Giờ mấy chục triệu liền thì con lấy đâu tiền mà trả cho mẹ được.
Mẹ anh nghe em nói vậy thì bà quắc mắt lên mắng:
– Đấy là chuyện của vợ chồng hai đứa, tao làm sao mà quản lý được. Mày là vợ thì mày phải biết quản lý đồng lương của chồng mày chứ. Tao chỉ biết bỏ tiền ra ứng trước giúp xin việc cho chồng mày là tốt lắm rồi. Mà mày cứ kêu không có, thế tháng nào cũng quần mới, váy mới… Chúng ở đâu ra? Chẳng nhẽ trai tặng!
Nghe mẹ sừng cồ và xưng hô mày tao thì em biết bà đã không còn coi em là con nữa rồi. Nhưng em không dám cãi, em chỉ im lặng như chấp nhận từ nay mình sẽ có một khoản nợ.
Anh có nhớ ngày hôm sau em đã nói chuyện với anh về chuyện đó không? Em xin anh, xin anh hãy làm chứng cho em để tâm hồn em được trong sạch đôi chút. Em chỉ nói nhỏ nhẹ với anh rằng từ nay anh đi làm liệu liệu tiết kiệm mà trả cho mẹ khoản tiền chạy việc của anh, còn em sẽ lo trả các khoản vụn vặt khác mà ông bà đã mua cho cu Dế. Anh nghe em nói vậy thì đùng đùng đi đến nhà bố mẹ, và rồi hôm đó hai mẹ con anh cãi nhau vì tiền. Em có muốn như vậy đâu, nhưng em phải nói rõ ràng để cho anh còn biết mà bớt chơi bời đi. Ngay đêm hôm đó, tiếng tăm của em vang xa cả họ. Mẹ anh gọi điện hết cho chị gái, cho các cô, các chú trong họ kêu là em xúi bẩy anh về nhà mắng mẹ. Giờ em đã trở thành một đứa con dâu, một đứa cháu dâu
Đáng ghét với bên họ nhà anh. Em đã khóc cả đêm anh ngủ có biết gì đâu. Cuộc sống gia đình lúc đó đối với em còn hơn cả địa ngục: Chồng thì hờ hững có cũng như không, mẹ chồng thì càng ngày càng ác cảm với con dâu. Chính vì điều đó đã tạo điều kiện đẩy em gần đến với Hùng hơn anh ạ.
Thùy ngồi dậy con học bài suốt cả buổi tối, đến khi cu Dế đã say giấc nồng thì nàng mới đi vào căn phòng nhỏ nơi mà nàng vẫn hàng đêm ngồi viết nhật ký. Có lẽ sau Tuấn và Luận thì Hùng là người thứ ba trong đời chiếm được cảm tình của Thùy. Hùng đến thật nhẹ nhàng và ra đi cũng nhanh như một cơn gió. Khoảng thời gian ngắn ngủi bên Hùng cũng đã giúp Thùy có nghị lực đứng lên sau những chuyện căng thẳng trong gia đình, giúp Thùy thấy rằng cuộc sống này vẫn còn nhiều điều tốt đẹp.