Hồi ức: Ngày đó ta bên nhau
Chương 20
Mười năm phút, rồi hai mươi phút trôi qua tiếng nước vẫn róc rách chảy trong nhà tắm. Sốt ruột tôi đến cửa nhà tắm gọi chị… chị không trả lời… mà chỉ có những tiếng khóc thút thít khe khẽ vọng ra. Kéo cửa nhà tắm sang một bên tôi ngó vào… chị vẫn ngồi nhìn chậu nước khóc nức nở. Đau đớn và xót xa. Thương chị quá tôi không cầm được lòng. Bộ quần áo ướt nhoèn vì nước mưa khi đến đây vẫn còn nguyên trên người chị. Chị run lên bần bật không biết vì lạnh hay vì những cơn khóc khi tôi bước vào và kéo chị đứng lên:
– Có chuyện gì hả Phương? Sao không nói gì với anh? – Tôi hỏi chị.
Chị càng khóc to hơn, mếu máo chị nói:
– Mình chia tay anh nhé… hu… hu… hu… em khổ lắm, em không chịu được nữa… anh… – Chị òa khóc khi chưa nói hết câu.
Lặng người tôi buông tay chị ra. Tại sao, có chuyện gì… vì gì… sao chị lại đòi chia tay, ai đã nói gì làm chị buồn, chẳng phải sáng nay chị vẫn còn nhắn cho tôi nhiều lắm sao. Luống cuống và rối bời, mặc cho người chị vẫn còn ướt nhẹp tôi kéo chị về phía tôi và ôm chặt chị vào lòng. Chỉ muốn nói với chị rằng mọi chuyện lúc này tuy nghiêm trọng thật nhưng tôi vẫn cần và vẫn còn yêu chị nhiều lắm.
Chân tay luống cuống còn lòng dạ thì rối bời, mặc cho người chị vẫn còn sũng nước tôi kéo chị về phía mình rồi ôm chị thật chặt. Chị vẫn khóc thút thít, những hạt nước trên cổ áo chị vẫn không ngừng ngấm sang ngực áo tôi và len lỏi vào tận da thịt làm tôi khẽ rùng mình. Nước mắt lưng tròng chị khẽ ngước lên nhìn tôi rồi lại cúi gằm xuống. Đẩy tay tôi ra chị dứt khoát:
– Anh… anh đi ra đi.
– Có chuyện gì? Bố mẹ nói gì với em? Sao em lại… bỏ anh? – Tôi xót xa.
Chị lắc đầu rồi lại bật khóc. Dùng cánh tay còn lại tôi cố gắng nắm chặt tay chị rồi nói:
– Vợ đừng lo lắng nữa. Tắm xong vợ lên thăm Th cùng anh rồi anh sẽ nói với bố mẹ chuyện của chúng mình.
– Không… hu… hu… hu. Anh… anh đi ra đi. Em không thể chịu được nữa. Hu… hu… hu… em khổ lắm rồi.
– Sáng nay Th nó cũng đã tỉnh rồi. Vợ đừng lo lắng gì nữa. Ở nhà có chuyện gì? Sao em không nói gì với anh?
Cố gắng rút những ngón tay ra khỏi tay tôi, chị cay đắng:
– Em… em… không muốn yêu anh nữa… anh… anh ích kỷ lắm. Anh chỉ biết… anh… hu… hu… hu.
Đờ đẫn tôi buông thõng cánh tay đang đặt trên vai chị. Không còn đủ sức để kéo chị về phía mình nữa tôi chỉ còn biết đứng chôn chân ngửa mặt lên và cố đẩy nỗi tủi thân đang nghẹn cứng nơi cổ họng trôi xuống. Tôi thẫn thờ đi ra còn chị ngồi thụp xuống và lại khóc nức nở.
Tôi đã làm gì sai? Vì chuyện của tôi và chị, vì tình yêu tôi dành cho chị quá lớn tôi đã chấp nhận gạt bỏ thù hận, gạt bỏ bao đớn đau oán hờn với anh trai chị… Tại sao chị lại bỏ tôi? Vì bố mẹ chị, vì lão M hay vì điều gì? Hai ngày nay tôi biết chị buồn, chị khổ tâm lắm. Nhưng tôi… tôi cũng vậy. Chẳng lẽ chị không biết rằng tôi cũng đau, tôi cũng xót xa và lo lắng cho chuyện của tôi và chị lắm hay sao. Nhìn chị vất vả bao ngày qua lòng tôi đâu có yên. Nhưng vì nó nghiệt ngã quá mà tôi phải im lặng. Chẳng lẽ chị không biết… Sao giờ đây chị lại bỏ tôi? Ruột gan rã rời, lòng dạ tê tái, yêu chị nhiều lắm nhưng nghĩ đến lời chị nói sao đắng cay quá. Tôi ích kỷ, tôi ích kỷ ư? Tủi thân lắm chị có biết không?
Từ nhà tắm bước ra chị im lặng không nói với tôi lời nào. Mặc cho tôi nhìn chị chờ đợi, chị lẳng lặng đến cạnh chiếc tủ quần áo nơi có một góc tôi dành riêng cho chị để đồ kể từ khi chị chuyển đi. Đắng cay và đau đớn quá. Mỗi động tác của chị là một lần chị cứa vào tim tôi. Từng đôi bi tất, từng cái áo con, từng chiếc quần lót và cả những chiếc khăn len từ mùa đông năm trước… lần lượt được chị xếp vào túi xách rồi mang ra xe. Nhìn theo chị mà lòng tôi tê tái. Tủi thân cùng một chút hờn giận vì nghĩ mình bị chị bỏ rơi tôi móc chiếc điện thoại sáng nay chị để lại rồi đưa cho chị. Sững sờ và một thoáng khựng lại chị đưa bàn tay run rẩy đỡ lấy rồi ngước lên nhìn tôi, chua xót chị bật khóc.
– Em đi về…
Chị khẽ chào tôi rồi quay đầu bước đi.
– Phương…
Không để ý đến lời nói của tôi chị quay xe rồi nổ máy. Khóe mắt cay cay, tôi muốn chạy theo kéo chị lại nhưng dường như có ai đó níu chân tôi xuống. Chân tay rụng rời và tê tái, nhìn chị đang rời xa mình mà tôi vẫn loay hoay chẳng biết làm gì. Gục mặt xuống bàn tôi nhớ lại mọi chuyện kể từ buổi tối hôm qua khi về nhà chị… đến khi chị đưa tôi lên viện… rồi về phòng trọ… đêm qua và cả sáng nay… tôi không biết tôi đã làm gì sai, tôi không nhớ ra được tôi đã làm gì để chị buồn để tôi trở thành kẻ ích kỷ trong mắt chị… Những lời nói của tôi sáng nay? Vì tôi đã nặng lời? Vì tôi đuổi chị về? Vì lý do này ư? Chị có biết tôi đuổi chị về chỉ vì tôi không muốn có thêm bất cứ một rắc rối nào vây lấy chuyện của tôi và chị nữa hay không? Chị có biết tôi đuổi chị về chỉ vì tôi sợ bố mẹ chị sẽ nghĩ rằng vì tôi mà chị không có mặt trong ngày trọng đại nhất của chị gái chị hay không?
Tôi lo lắng cho chuyện của tôi và chị nhiều lắm chẳng lẽ chị không biết hay sao??? Không phải, nếu vì lý do này thì tại sao trưa nay chị vẫn còn gọi cho tôi? Chẳng phải trưa nay chị vẫn còn nói với tôi khi nào xong việc ở nhà chị sẽ lên luôn và ở lại chăm sóc cho tôi hay sao? Chị nói thương tôi đau đớn, chị nói chị không yên tâm khi để tôi ở một mình cơ mà? Tại sao, vậy thì tại sao? Tại sao giờ chị lại để tôi một mình? Tủi thân và tuyệt vọng đến cùng cực. Nhưng rồi tôi lại hy vọng. Hy vọng những lời chị nói chiều nay không phải xuất phát từ suy nghĩ của chị mà chỉ vì thời gian này chị đang phải chịu quá nhiều áp lực và bởi vì có quá nhiều sóng gió đang cố quấn lấy cuộc đời vốn không yên ả của chị khiến chị thêm khổ tâm, mệt mỏi và tuyệt vọng. Và đó chỉ là những lời nói trong một phút tủi thân và hờn giận khi chị thấy cuộc sống quá khó khăn với mình.
– Anh T, anh T ơi. Tạnh mưa rồi anh đưa em lên thăm thằng Th với.
Tiếng H gọi làm tôi sực tỉnh.
– Ừm, em về chuẩn bị đi rồi đi.
Vừa bước vào phòng bệnh những hờn dỗi và tủi thân lại khẽ trào lên trong tôi khi nhìn thấy chị đang ngồi cùng mẹ và hỏi han cu Th. Quay ra thấy tôi và H chị bối rối.
– Mẹ… Phương. – Tôi khẽ chào.
– T… H. – Chị lí nhí rồi lại quay đi.
Chào mẹ tôi và chị xong H ngồi xuống hỏi thăm cu Th. Nhìn chị rồi nhìn sang cu Th tôi lại thấy tưng tức và uất ức trong lòng. Giờ đây nó đã tỉnh hẳn nhưng mọi cử động và phản ứng vẫn còn chậm chạp và rất mệt mỏi. Không nói được to, Th đưa ánh mắt đã mất hẳn sự tinh nhanh nhìn tôi rồi khẽ gật đầu ra hiệu như muốn nói gì đó với tôi. Thấy tôi ghé sát tai vào miệng nó, Th thều thào nặng nhọc:
– Anh… có… làm… sao… không?
Nắm tay Th chua xót, tôi lắc đầu rồi cố cười với nó. Th gật đầu tỏ vẻ yên tâm rồi nhắm mắt vào ngủ tiếp. Bên cạnh thi thoảng chị quay sang nhìn tôi rồi lại vội vã quay đi.
– Bố con đâu? – Tôi hỏi mẹ.
– Lúc nãy mấy chú ở Công An Hà Tây biết tin tới thăm vừa về. Bố mày xuống cổng tiễn các chú ấy chắc là quay lên bây giờ đấy. Thế tay chân thế nào rồi? Phải chịu khó ăn mà uống thuốc kháng sinh không có nhiễm trùng con nhé. Uống kháng sinh mệt lắm nên phải cố mà ăn nghe chưa. Thế trưa nay anh T ăn được mấy bát hả H?
H ngượng ngùng:
– Cháu giục mãi anh ấy mới ăn được một bát bác ạ.
Quay sang nhìn tôi mẹ nói:
– Cố gắng mỗi bữa ăn lấy hai bát. Uống kháng sinh liều cao mệt lắm con ạ.
– Vâng. – Tôi khẽ trả lời.
– Quần áo thay ra thì cứ để đấy. Tranh thủ buổi sáng mẹ xuống giặt cho. Đừng có động tay vào, tay đang thế kia phải giữ gìn cẩn thận không có nhiễm trùng thì nguy hiểm lắm.
– Vâng.
H quay sang rụt rè:
– Thôi bác ạ. Để lúc nào cháu giặt thì cháu giặt luôn cho anh T cũng được.
– Ừm, hôm nào bác không xuống được thì cháu cố gắng giúp bác nhé. Khổ thế đấy, bao nhiêu người phải khổ lây vì chúng mày, con với chẳng cái.
Những lời than vãn của mẹ tôi vô tình làm chị bối rối. Ánh mắt chị buồn bã và vẫn còn hoe đỏ. Ngồi thêm một lúc chị chào tôi và H rồi xin phép mẹ tôi ra về.
– Phương…
Tôi chạy theo chị ra ngoài hành lang phòng bệnh. Quay lại chị đứng chờ tôi. Nhìn tôi ngập ngừng chị định nói gì đó nhưng thấy bố tôi đang từ cầu thang đi lên nên chị lại thôi. Gặp bố tôi chị lễ phép:
– Cháu chào chú.
Bố tôi mỉm cười với chị rồi đi vào phòng. Nhìn tôi chị nói khẽ:
– Anh đi vào đi. Em phải… đi về.
– Từ từ đã. Em quay lại phòng bệnh cùng anh một lúc đã. – Tôi năn nỉ.
– Em… thôi, anh đi vào đi. Có gì tối em gọi điện cho anh. Giờ em phải đi về.
Rồi chị vội vã bước xuống cầu thang. Thương chị nhiều lắm. Dù chiều nay giận chị và tủi thân lắm, rồi cả chuyện anh trai chị làm cho em tôi phải như thế này cũng làm tôi uất ức lắm. Nhưng nhớ lại từ những ngày đầu tiên tôi và chị yêu nhau đến nay… Chỉ vì tôi chị đã phải chịu bao cực khổ, bao vất vả nên lúc này đây tôi chỉ còn thấy thương chị và yêu chị nhiều hơn. Chỉ mong cho những khó khăn trong thời gian này sẽ sớm qua đi để chị được vui vẻ, để chị được bình yên thanh thản. Để rồi tôi và chị lại được ở bên nhau. Dù có chuyện gì tôi cũng sẽ vẫn ở bên chị, chở che và lo lắng cùng chị.
Nhìn chị đi hết cầu thang tôi mới quay trở lại phòng bệnh. Ngồi xuống cạnh cu Th, tôi với tờ báo Bóng đá đọc tin tức Euro 2004. Còn mẹ tôi bổ cam mời các bác bệnh nhân trong phòng cùng ăn. Bên chiếc giường trống bên cạnh bố tôi đang hỏi H về việc thi cử và nhờ H lấy giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho cu Th (Có lẽ bố tôi vẫn hy vọng Th kịp bình phục để đi học trung cấp công an). Bỗng bố mẹ chị cùng ông M và hai người nữa trạc tuổi bố mẹ tôi bước vào. Nhìn thấy ông M những bực tức và oán hận trong tôi lại trào lên. Sôi máu tôi chỉ muốn lao vào hắn ngay tức khắc nhưng rồi lại cố gắng kiềm chế. Chào bố mẹ chị và 2 người kia xong tôi quay đi. Bố mẹ chị chào hỏi bố mẹ tôi rồi hỏi thăm tình hình cu Th và tôi. Lão M thì nấp sau bố mẹ chị và lấm la lấm lét. Còn hai người kia sau khi chào hỏi bố mẹ tôi thì quay sang tôi cười cười. Hai người họ… tôi thấy quen quen… mất một hồi lâu ngờ ngợ tôi mới nhận ra. Đó chính là hai người đã cứu anh em tôi đêm hôm đó.
Sau khi hỏi han tình hình của tôi và cu Th, quay sang bố mẹ tôi bố chị mở lời:
– Thưa thật với hai bác. Hai ngày nay nhà chúng tôi có việc nên không ở đây chăm sóc cháu nhà mình được. Chúng tôi cũng thấy áy náy lắm, vì thế lo chuyện của đứa lớn xong vợ chồng tôi lập tức dẫn cháu lên đây để tạ tội với hai bác. Chúng tôi biết lỗi lầm mà cháu nhà tôi gây ra là rất lớn, nhưng mong các bác nể tình mà bỏ qua cho cháu nhà tôi. Cháu nó có lớn mà không có khôn, thôi thì con dại cái mang, mong hai bác thương vợ chồng tôi mà rộng lượng bỏ qua và không truy cứu các cháu. M… ra đây con.
Ngồi nép sau bố mẹ chị từ khi vào lúc này hắn mới hé mặt ra và mấp máy môi. Tôi không nghe rõ hắn nói gì nhưng theo tôi hắn chẳng nói gì, có chăng chỉ là câu chào nhưng không ra hơi. Nghe bố mẹ chị nói xong rồi lại nhìn thấy lão M, nỗi bực tức hiện rõ trên khuôn mặt bố mẹ tôi. Nhìn chằm chằm vào mặt hắn một hồi lâu mà không thấy hắn ngước mắt lên, cúi xuống trầm ngâm bố tôi thở dài. Lấy tay xoa quanh vầng trán rồi bóp nhẹ 2 bên thái dương bố tôi trả lời.
– 18 Tuổi là người ta đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cho mọi hành vi của mình. Đằng này cháu nhà bác đã 25 tuổi. Ở tuổi của nó không thể nói là nó hành động vì dại dột hay vì còn nhỏ dại được. Mọi hành động của con người ở lứa tuổi này đều là có chủ đích và động cơ rõ rệt.
Quá bực tức bố tôi quay sang nhìn thẳng vào mặt hắn rồi nói tiếp:
– Mày không bị thần kinh, mày không bị thiểu não có đúng không?
Hắn vẫn im lặng, không dám hé răng nói nửa lời. Quay sang bố mẹ chị bố tôi nói dứt khoát:
– Hai bác phải biết, các bác thương con thì vợ chồng tôi cũng thương con. Vì vậy hai bác không phải lên đây gặp vợ chồng tôi vì việc này làm gì nữa. Nó hư nó mất dậy, hai bác không dạy được thì để cho pháp luật dạy dỗ, có như thế con bác mới thành người được. Còn con tôi… đây… hai bác nhìn nó đi. Thử hỏi nếu con tôi gây ra cho con bác như thế này các bác có rộng lượng, các bác có tha thứ cho nó không?
Vừa nói bố tôi vừa chỉ xuống cu Th rồi lại cầm cánh tay vẫn còn kín mít băng bông của tôi đưa lên trước mặt bố mẹ chị. Lục trong túi áo, bố tôi lấy ra chiếc phong bì và để xuống giường rồi ông nói tiếp:
– Đây là chiếc phong bì hai bác mang lên và để dưới gối con tôi nằm đêm hôm trước. Sáng nay nhà tôi nói tôi mới biết. Tôi không biết ở trong đó có bao nhiêu tiền vì vợ chồng tôi chưa mở ra nhưng chắc chắn một điều vợ chồng tôi sẽ không nhận bất cứ một đồng bồi thường nào từ các bác. Hai bác cất đi.
Bố mẹ chị nài nỉ:
– Xin hai bác hiểu cho, vợ chồng tôi không có ý đó. Vợ chồng tôi có một ít gọi là thăm cháu thôi hai bác ạ.
Bố tôi dứt khoát:
– Nếu hai bác lên thăm cháu vì tình cảm với hộp sữa cân đường thì vợ chồng tôi không từ chối. Nhưng nếu vì việc xin xỏ cho cháu nhà bác và chuyện đền bù hay khắc phục gì đó… thì như tôi đã nói rồi đấy, vợ chồng tôi không chấp nhận bất cứ thứ gì cả. Còn việc xử nặng hay nhẹ là do pháp luật, họ sẽ điều tra và căn cứ vào các tình tiết để định tội. Về phía vợ chồng tôi, ngoài yêu cầu công an can thiệp vợ chồng tôi sẽ không làm thêm bất cứ điều gì nữa kể cả là tăng nặng hay giảm nhẹ cho cháu nhà bác đâu. Pháp luật đã quy định hết cả rồi. Bác cất cái này đi.
Quá căng thẳng bố tôi quay sang bác người nhà bệnh nhân giường bên cạnh xin thuốc lá. Định châm thì mẹ tôi can vì trong phòng có nhiều bệnh nhân. Vân vê điếu thuốc trên tay bố tôi định đi ra hành lang đứng hút thì hai bác đi cùng bố mẹ chị lên tiếng:
– Xin phép hai bác cho tôi có ý kiến.
Ngồi lại cạnh mẹ tôi, bố tôi nói:
– Xin lỗi hai bác. Mải việc mà em chưa hỏi được. Hai bác là…
– Chúng tôi là người đầu tiên phát hiện ra cháu nhà mình sau khi bị đánh rồi gọi mọi người đến sơ cứu cho hai cháu.
Nghe thấy vậy mẹ tôi liền quay sang cảm ơn rối rít:
– Thật sự là phúc đức cho vợ chồng em. Nếu không gặp được hai bác không biết rồi con nhà em sẽ thế nào nữa.
Đưa tay ra bắt tay bác trai, bố tôi hỏi lại:
(Thật ra thì sau này khi cu Th ra viện và trong một bữa cơm mẹ tôi hỏi bố tôi tại sao người ta cứu con mình mà hôm ở viện bố tôi lại hỏi nhiều thế. Bố tôi nói: Bệnh nghề nghiệp. Nghi ngờ chúng nó đánh xong thấy hậu quả nghiêm trọng nên nhờ người từ nhà ra cứu rồi hôm nay lại cho người đó lên xin nhằm giảm nhẹ tội vì thế bố tôi mới hỏi rõ thời gian hai bác kia gặp anh em tôi sau khi anh em tôi bị đánh và khoảng cách từ đám cưới ra chỗ chúng tôi bị lão M chặn đánh xem có khớp thời gian không nhằm xác định xem hai vợ chồng bác kia cứu anh em tôi là ngẫu nhiên hay do sắp đặt trước).
– Xin lỗi bác, em muốn hỏi một chút. Hai bác phát hiện ra con nhà em khi nào? Sau khi con nhà em bị chúng nó đánh bao lâu?
– Tôi nghĩ chắc tụi nó vừa rút về thì vợ chồng tôi đi đến.
– Vậy là khoảng chưa đến 1 phút hoặc 1 phút phải không bác.
– Vâng.
– Xin phép bác cho tôi hỏi thêm là từ đám cưới ra chỗ hai cháu nhà tôi bị chúng nó đánh là bao xa bác nhỉ?
– Cũng phải đến gần 2km đấy bác ạ.
Quay sang tôi bố tôi hỏi:
– T, có phải không con? Con nhớ hai bác này chứ?
– Vâng, con nhớ ạ. – Tôi trả lời.
Bác trai lại xin phép nói tiếp:
– Tôi lên đây không phải là để báo công hay đòi hỏi gì vì đã cứu hai cháu nhà mình. Thật ra thì trong hoàn cảnh đó ai cũng làm vậy cả thôi. Thấy các cháu như thế thì cũng phải dừng lại mà cứu giúp chúng nó. Tôi cũng chẳng nói giấu gì hai bác. Tôi là chú ruột của con Phương và thằng M đây. Hôm đó vợ chồng tôi cũng đang trên đường từ đám cưới chị gái thằng M về thì thấy cháu nhà mình nằm vật bên đường, thấy nó lết đi tôi nghĩ là nó cố đến cái xe để đi về nhưng đỗ xuống mới thấy nó chỉ xuống thằng cu này đang vẫy vùng dưới máng nước. Vớt được thằng cu dưới máng lên thì thằng này ở trên đã ngất lịm rồi.
– Vâng. Bác cứ nói tiếp đi. – Bố tôi chăm chú.
Bác trai kể tiếp:
– Hai thằng đều bất tỉnh nên tôi không biết được chúng nó là người thôn nào để mà thông báo. Quay ra xem biển số xe thì tôi mới ngớ người ra vì đó là xe con Phương nhà anh chị tôi đây. Tôi mới điện về cho cái Phương. Rồi anh chị, cô dì, chú bác thằng M đây mới ra sơ cứu cho 2 cháu nhà mình. Chứ một mình vợ chồng tôi thì… thú thực là cũng không làm gì được. Nhìn thấy các cháu như vậy vợ chồng tôi cũng bạt hồn bạt vía hết cả rồi.
– Vợ chồng em vô cùng biết ơn hai bác. Chẳng biết đền đáp hai bác như thế nào. – Mẹ tôi chen vào.
Bác trai nói tiếp:
– Thôi giờ thì mọi chuyện cũng đã qua. Cháu nhà mình cũng qua cơn nguy kịch rồi. Tôi thì tôi cũng không bao che cho thằng M làm gì. Có như nào tôi nói hết với hai bác rồi. Hai hôm nay anh chị tôi đây cũng chửi cũng mắng nó nhiều lắm. Thật chẳng cái dại nào giống cái dại nào. Thôi thì nó chót dại thì xin hai bác cho nó cơ hội sửa chữa. Coi như vì nể tình tôi và anh chị tôi mà tha cho nó. Còn đây là điện thoại của hai cháu. Chắc nó bị văng ra lúc chúng nó va chạm với nhau. Tôi nhặt lại rồi đưa cho con Phượng nhưng có lẽ nó quên nên hôm qua nó không đưa cho cháu nhà mình được.
Đắn đo suy nghĩ một hồi lâu, thở dài bố tôi nói:
– Trước hết em cảm ơn hai bác đã cứu con em và còn lên đây thăm cháu nhà em. Còn chuyện của tụi này thì… tạm thời vợ chồng em sẽ chờ cho cháu nhà em bình phục rồi tính tiếp.
Thở dài bố tôi nói tiếp:
– Con cái, mình đẻ nó ra thì mình cũng phải giáo dục cho đến nơi đến chốn. Có thể ở nhà anh chị vì thương con mà chiều chuộng chúng nó để rồi chúng nó sinh hư và nghĩ mình làm gì cũng được, bắt nạt bố mẹ anh chị em trong nhà quen rồi. Nhưng nếu anh chị không giáo dục cho nó cách ứng xử bên ngoài thì nó sẽ mang những thói hư tật xấu từ trong gia đình đó ra và ứng xử với người ngoài. Như vậy không sớm thì muộn anh chị cũng sẽ nhận hậu quả. Trước tiên là khổ nó rồi sẽ khổ đến anh chị. Vì xã hội có quy luật đào thải, và xã hội thì không bao giờ chiều chuộng ai cả. Thôi giờ em phải về nhà xem qua nhà cửa thế nào. Mọi việc ngày hôm nay vợ chồng em sẽ suy nghĩ.
Có lẽ hiểu được như vậy là bố mẹ tôi đồng ý bỏ qua cho lão M vì vậy bố mẹ chị không còn quá căng thẳng và lo lắng như khi vừa đến đây. Cảm ơn bố mẹ tôi xong, một lần nữa bố chị lại đưa cho bố tôi chiếc phong bì hôm trước và thêm một chiếc hôm nay nhưng bố tôi kiên quyết không nhận. Chào bố mẹ chị và hai bác kia, không thèm nhìn mặt lão M bố tôi xuống lấy xe đi về.