Hương tình đầu
Chương 41
Em của tôi là vậy đó, nàng rất biết cách khiến tôi phải bật cười rồi xí xóa cho dù người có lỗi trước lại là nàng. Nói chuyện với em, tôi cảm thấy vui và ấm áp. Đôi khi trong lớp, tôi cười một mình vì chợt nhớ đến những câu nói hài hước và chọc ghẹo của em. Thằng bạn thấy tôi đang nham nhở một mình, đập đập vai tôi “uống nhầm thuốc hả”. Tôi nhìn nó, mắt long lanh, trong khi miệng cười vẫn không khép lại được “tao đang hạnh phúc quá”. “Thằng dở người”, nó gằn lên. Bình thường thì tôi cho nó một gậy rồi, nhưng hôm nay thì tôi tha cho nó. Ôi tình yêu! Khi đang yêu con người ta sẽ trở nên bao dung và dễ dàng tha thứ. Chắc tôi thích em thật.
Tôi thích em, một phần vì em nói chuyện hài hước thật, một phần vì tôi ấn tượng bởi cái profile mê li mà bạn em nói. Điều quan trọng hơn cả, là em hiểu tôi, và rất tâm lý. Tôi nghĩ đây mới là điều thứ yếu để tôi thích em. Hiểu được và chia sẻ được. Đôi khi là một câu động viên an ủi khe khẽ, đôi khi là một hành động quan tâm rất nhỏ hoặc có khi là những tâm sự về cuộc sống, gia đình, và bạn bè. Những điều đó kéo tôi lại gần em hơn.
Em quan tâm tôi theo kiểu “mùa này mùa mưa đó anh, đi học nhớ mang theo áo mưa đừng để ốm”, “ngủ sớm nhé, đừng thức khuya”, hay như “em có việc phải đi ra ngoài chút, anh học bài đi” vì lúc đó đã gần 10h, em sợ tôi mải nói chuyện với em, quên ôn bài ngày mai…
Em kể chuyện về gia đình em. Mẹ em sinh ra ở Huế. Con gái Huế nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Chắc ba yêu mẹ vì điều đó. Mẹ em xinh lắm. Ba yêu mẹ vì điều này nhiều hơn :cười lớn:. Hồi đó ở Huế có đại học nhưng mẹ em không chịu học ở gần nhà, mẹ quyết định ra Hà Nội để học sư phạm. Ngày mẹ đi, bà khóc hết nước mắt. Bà thương mẹ lắm. Tuy mẹ là con út, nhưng lại đảm đang, nhân hậu và chịu thương chịu khó nhất nhà. Hồi đó, làng chấm công theo từng nhà để cuối tháng phát gạo, thịt và thức ăn. Trong khi các bác của em chỉ làm đúng chỉ tiêu đề ra, mẹ em sáng ra đồng sớm, tối về muộn hơn mọi người, buổi trưa nhiều khi mọi người nghỉ chuẩn bị đi ăn, mẹ em cũng nán lại để làm thêm chút. Nhiều khi ông bà thương mẹ quá gắt lên “Kệ cha nó! Nói mà không nghe. Để cho nó làm cho nó chết m nó đi”.
Em tiếp. Tết đến khi mọi người xúng xính áo quần mới, mẹ không đòi hỏi cho mình. Mẹ em nói với ông bà “Quần áo con còn mới. Bố mẹ để dành vải may quần áo cho mọi người”. Bà yêu mẹ em nhất trong số các anh chị em. Biết mẹ thích ăn cơm khô, trong khi bà và cả nhà lại thích cơm hơi nát, nên mỗi lần nấu cơm bà đều ngồi trông nồi cơm. Bà giữ cho nồi nghiêng sang một bên để một bên nhiều nước, một bên ít nước, mặc cho lửa nóng phừng phừng bên cạnh. Mùa đông thì không sao, gặp mùa hè mỗi lần nấu cơm xong mồ hôi của bà túa ra như đi tắm. Đi đồng về thấy bà cặm cụi ngồi giữ nồi cơm, mẹ chảy nước mắt.
Mẹ kể với em. Đời này của mẹ có hai người yêu mẹ nhất, là bà ngoại và ba em. Khi bà ngoại mất, mẹ nhịn ăn suốt một tuần, ai nói cũng không nghe. Đến khi ông ngoại không chịu được, bật khóc và lên tiếng “ba mất mẹ con rồi, giờ ba không muốn mất thêm con nữa”. Nghe đến đó mẹ em khóc nức nở và nấc lên “ba phải sống nhé ba, ba phải sống thật lâu nữa”.
Rồi em kể về ba em và tình yêu của ba mẹ. Bên đằng nội, ông bà giàu có, ba em từ nhỏ đã được cưng chiều rồi. Nhưng ông bà nội rất nghiêm khắc, vì thế ba em được dạy dỗ tử tế. Ba em học giỏi, điển trai nên ông bà rất tự hào về ba. Học đại học bách khoa ở nhà, sau đó ba em được ông bà cho sang Mỹ học cao học. Trong thời gian đại học ba quen mẹ. Ba kể, hồi đó mẹ con nổi tiếng xinh đẹp và ngoan ngoãn, nên rất nhiều người theo. Nhưng nhờ lần ba sang bên trường sư phạm thăm một người bạn, ba quen mẹ. Lúc đó ba đi xe đạp vào trong trường. Cửa trường hẹp mà ba lại đi nhanh, nên ba không kịp phanh lại khi thấy mẹ con đang đi bộ ra. Xây xát cũng bình thường, nhưng ba cố tình ra vẻ nghiêm trọng rồi bế mẹ con chạy vào trong phòng y tế. Thấy ba tủm tỉm cười, nhưng mẹ con cũng để yên như vậy. Mẹ con lúc đó mặt đỏ ửng nhìn đáng yêu lắm. Ba cười lớn. Ba quen mẹ con từ đó.