Làng chài
Chương 9
Con tàu đánh cá quen thuộc từ từ tiến vào bến, tiếng cót két khi nó đánh bánh lái để tiến sát vào bờ khiến Trinh rợn người. Ngước mắt nhìn lên boong Trinh không thấy cái bóng dáng thân thương của bố đâu cả chỉ thấy từng người từng người trên tàu hướng về Trinh với khuôn mặt ảm đạm vô cảm làm đôi bàn tay đang đưa lên vẫy tàu phải buông thõng xuống. Tàu cập bến, chẳng ai đi xuống cho dù Trinh và đám người ở dưới đã nhao nhao chuẩn bị lên boong xếp cá. Chú Long quét tia nhìn lạnh lẽo xuống từng khuôn mặt háo hức lên boong trầm giọng:
– Chuyến này không có cá đâu! Mọi người tản ra xem nào!
Mặc những tiếng xôn xao đang rộ lên bởi câu nói của mình chú Long âu yếm quay sang Trinh nhỏ nhẹ:
– Trinh! Lên đây với chú!
Bước từng bước trên cái miếng ván bắc vội từ thành tàu vào bờ đá, Trinh bước thoăn thoắt lên boong tàu dù miếng ván không ít lần tròng trành bởi con sóng biển xô vào thân tàu bắn lên những bọt trắng xóa. Boong tàu hôm nay sạch sẽ lạ thường, chẳng có đám dây thừng vứt bừa bãi, chẳng vảy cá trắng tinh, ngay cả những chiếc lưới cũng được nằm gọn gẽ phía đuôi tàu. Trinh ngơ ngác đảo mắt vào phòng lái tìm bố thì chú Long đã đến bên cạnh vuốt lên mái tóc chưa kịp chải vì vội vàng ra đón bố:
– Mẹ đâu cháu?
Trinh im lặng nhìn chú rồi lắc cái đầu:
– Mẹ cháu bảo bố cháu bắt ở nhà nên nhất quyết không ra khỏi nhà đâu ạ!
Chú Long quay sang chú Thắng đứng gần đấy như hội ý rồi gật nhẹ với nhau một cái. Sau đó chú hít vào một hơi thật dài dù không khí của biển hôm nay vô cùng trong lành. Ngồi xuống trước mặt Trinh, đôi bàn tay rắn chắc của chú ôm nắm chặt vào hai bả vai Trinh nghiêm giọng:
– Cháu phải hết sức bình tĩnh nhé! Bố cháu…
Trinh không chờ chú nói hết mà ngắt lời:
– Bố cháu ốm hả chú! Sao cháu không thấy bố đâu…
Chú Long mím chặt bờ môi, đôi mắt đỏ hoe, những chiếc răng xỉn vàng cắn chặt vào nhau bật từng tiếng ngắt quãng nhưng với Trinh nó chẳng khác nào sét đánh:
– Bố cháu… mâ… t rồ… I Trinh ơi! Chá… u và… o đó… n bố về đi!
Tai Trinh ù đi, lắp bắp:
– Chú… nói… gì c… ơ ạ!
Chú Long không nói nữa chú gục mặt xuống để tránh cái nhìn của Trinh bàn tay run run chỉ vào khoang nghỉ giữa tàu.
– Chá… u và… o…
Trinh chẳng chờ được đến hết câu nói, lao vào khoang nghỉ như một cơn lốc, mùi tanh nồng của cá quen thuộc không làm tan đi cái mùi của tử thi xộc vào mũi. Nơi góc khoang Bố Trinh nằm yên bất động đôi bàn tay đặt hờ lên ngực cứng nhắc, cánh mũi thẳng đơ không phập phồng, đôi gò má gầy gò bữa nào giờ phồng lên vì bị chương, gương mặt đen đúa giờ trắng bệch khiến Trinh bất động. Đôi môi run rẩy nhìn người bố thân yêu ngày nào định cất tiếng gọi nhưng đầu óc Trinh quay cuồng, bàn chân Trinh run rẩy, đôi mắt hoa lên và cả người Trinh đổ sập xuống. Cái thân thể bé nhỏ của Trinh dường như không đứng vững trước sự mất mát này.
Tỉnh dậy trong tiếng khóc, tiếng quát tháo om sòm, tiếng xỉ vả cãi cọ. Trinh hé dần đôi mắt nhìn ra. Ngọc đội khăn tang ôm lấy cái quan tài gào thét “bố ơi! Sao bố bỏ con đi thế này!”, Mẹ đứng bên quan tài đôi mắt vô cảm nhìn ra cửa để mặc các cô các chú đay nghiến trong nước mắt:
– Tại cái con đĩ này! Mà anh phải chết anh ơi! Nó có thèm nhỏ giọt nước mắt nào đâu cho anh tôi đâu!
– Anh ơi là anh! Sao anh lại vì nó ra khơi để rồi phải trúng gió ngã xuống biển thế anh ơi.
Và cô út dường như không chịu nổi lao vào mẹ Trinh cào cấu:
– Chính mày! Mày giết anh tao, mày biết anh tao yếu như thế chỉ vì suốt ngày rượu từ những đồng tiền nhơ bẩn của mày, mà mày còn ép anh tao phải ra khơi ah. Giờ anh tao chết thảm mày đền mạng cho anh tao.
Các chú phải xúm vào kéo cô út vào tận buồng trong mới giúp mẹ Trinh có thể đứng cúi đầu bên linh cữu bố. Trinh cấu mạnh vào tay mình, cố nhắm mắt lại và tự nhủ “có lẽ đây là giấc mơ! Mình phải mau tỉnh để còn đi đón bố” nhưng cái cảm giác đau từ chỗ véo vào làm Trinh biết nó không phải giấc mơ. Chiếc khăn tang ai đó đeo cho Trinh buông thõng xuống cổ làm Trinh trở về với thực tế. Lao cái hộp gỗ tạo bởi những miếng ván Trinh ôm chặt lấy gào nức nở:
– Bố ơi! Bố đi rồi! Chích Chòe đi rồi! Sao không mang con theo! Bố ơi giờ con biết sống thế nào! Ai động viên con học nữa! Sao bố nỡ để lại đứa con gái của bố.
Rồi Trinh lại ngất đi, nhưng cứ tỉnh là Trinh lại lao vào chiếc quan tài của bố mà khóc, đôi chân tê dại không cản được đôi bàn tay Trinh bám xuống nền nhà lết từng đoạn về áo quan bố mà khóc. Đôi bàn tay bé nhỏ cố níu vào miếng ván lạnh lẽo để kéo bố lại. Trong cơn mơ màng bởi mệt mỏi và đau đớn Trinh thấy gió biển từng cơn nhẹ nhàng lướt qua người như vỗ về, tiếng sóng rì rào đâu đó vọng đến tai Trinh như muốn an ủi. Nó khiến Trinh như chiếc đèn sắp cạn dầu vụt sáng “Phải rồi! Chính biển! Chính những cơn sóng, những ngọn gió đã đánh cắp hạnh phúc của gia đình Trinh! Lấy đi Chích Chòe bé bỏng! Cướp đi người bố thân yêu” Trinh hận biển và Trinh muốn rời xa khỏi biển, tránh xa nó càng xa càng tốt…
Thêm một lần nữa dân xóm chài lại tụ tập ngoài nhà Trinh để chia buồn, để thắp cho bố Trinh nén nhang và đưa tiễn người con của biển về với cát bụi, có tiếng chép miệng đầy ai oán “Sao cái nhà này khổ thế! Hơn một năm thôi mà cả cha và con trai duy nhất kéo nhau rời cuộc sống”. Tiếng kèn tiếng trống thê lương vọng ra liên hồi khiến ai cũng thương cảm ngậm ngùi. Đoàn người nối đuôi nhau mang theo tiếng nức nở hờn trách, tiếng khóc thảm thương, tiếng kèn trống ai oán. Ngôi làng bé nhỏ trở lên yên tĩnh lạ thường khi đoàn đưa tiễn khuất bóng. Gió vẫn thổi vào những hàng phi lao, sóng vẫn rì rào vô tri giác xô bờ cát ngoài xa, thiên nhiên vẫn là chính nó vẫn lạnh lùng và đôi khi rất tàn nhẫn.