Mùa hạ đầu tiên
Chương 29
Buổi họp hôm đó kết thúc khá nhanh. Chủ yếu nộp bản đăng ký của các lớp. Riêng tôi vì lơ mơ thế nào đó mà quên mất phải nộp đầy đủ thông tin thí sinh dự thi bao gồm họ tên, chiều cao, cân nặng, sở thích… Vậy nên tôi tự đưa ra chiều cao, cân nặng cho Diệp luôn. Thêm đôi giày khoảng 3 phân thì đứng ngang cằm tôi nên tôi ghi đại 1m58, dáng khá chuẩn, tôi cho 47kg. Về sở thích tôi cứ đánh mấy cái “bình dân học vụ” kiểu ai cũng thích, nào là đọc sách, nghe nhạc, xem phim… các kiểu con đà điều. Quay qua thấy Thương cũng đang bối rối vì quên điều này, tôi nói Thương cứ ghi đại vô, chuyện này cũng chẳng ảnh hưởng gì tới thành tích đâu.
– Nhưng Thương không biết con trai hay thích gì?
– Lấy V làm mẫu đi. Đá bóng, chơi game, đọc sách, đánh cờ…
– Viết thư nữa chứ?!
– … Đâu… đâu phải ai V cũng viết đâu…
– Vậy Diệp V có viết không?
– … không, chưa bao giờ… chỉ là bạn thôi.
– Thế nào thì “là bạn thôi”, kiểu như Trâm vậy hả?
– …
– V gửi thư cho Thương để làm gì?
– … lát V về chung với Thương nhé.
Thấy xung quanh đầy tai vách mạch rừng, tôi tìm kế hoãn binh. Vừa để “tên tuổi” bớt bay cao bay xa theo những đồn đoán thị phi của tụi bạn, vừa để có thêm thời gian tìm những lời giải thích hợp lý đặng nói rõ cho Thương hiểu.
Nhưng liệu tôi với Diệp có phải chỉ “là bạn thôi” không? Chắc chắn là không. Tình cảm tôi dành cho Diệp luôn cao hơn các bạn gái khác một mức nhất định. Và nếu đúng như những gì tôi nghĩ, tình cảm Diệp dành cho tôi cũng không chỉ dừng lại ở hai chữ “bạn bè”. Vậy “tôi gửi thư cho Thương để làm gì?” Không phải trước đây tôi cũng từng mong muốn ở Thương một tình cảm gì đó thật đặc biệt sao? Tại sao bây giờ, khi mọi thứ gần như đi đúng theo ý muốn của mình tôi lại đột ngột khó xử đến thế?
Rốt cuộc giữa hai cô bạn này tôi có cách nào để giải quyết mọi chuyện không? Nếu tôi cứ mãi né tránh, một ngày bất chợt nào đó giống như hôm nay, tôi sẽ lại rơi vào tình thế khó xử, thậm chí còn khó có thể khó xử hơn rất nhiều.
Cả Thương và Diệp, tôi chưa từng gửi gắm một lời nào tỏ ý định ngóng đợi một điều gì cho cả hai kiểu như “giếng Ngọc Hà, vườn Ngọc Hà” thuở trước. Diệp đến với tôi thật tự nhiên vì vốn là bạn cùng lớp, lại ngồi gần. Còn Thương quen tôi qua những lá thư “kết bạn” tôi gửi nhờ “con chim xanh” Tuyết Linh. Gom tất cả lại, tôi vừa có thể xem như đang sở hữu điều gì đó, vừa lại coi như chẳng có gì. Và nếu đã có thể xem như chẳng có gì thì tôi cứ cố làm ra vẻ như vậy đi. “Theo tình tình trốn, trốn tình tình theo”, thử một lần “trốn” xem thử tình có theo đuổi không. Nghĩ đến đây tôi bỗng tự tin hẳn.
– V gọi Thương về chung làm gì? – Em hỏi tôi khi hai đứa đạp xe song song nhau trên con đường đầy những khóm hoa vàng đang rũ xuống.
– Cười thật tươi, tôi đáp – Ngoài V ra còn ai gửi thư cho Thương nữa không?
– Bị tôi hỏi bất ngờ, em ấp úng – Thương không nhớ…
– V nghe Linh nói rồi, chắc Thương được nhiều người để ý lắm nhỉ. – Tôi vừa nói vừa cố gắng cười buồn.
– Mà V quan tâm đến điều đó làm gì?
– V quan tâm chứ. Vì ngoài điều đó, V không còn gì khác để quan tâm nữa.
– V còn nhiều điều để quan tâm lắm. Ví như hôm nay đi về cùng ai, hay đi ăn bánh kẹp với ai chẳng hạn, hoặc viết thư gửi ai đó.
– Thương có quan tâm đến điều đó không?
– Không, Thương quan tâm làm gì?
– Ừ. Thương đừng nên quan tâm làm gì, vì V toàn gắn liền với tin đồn. Còn sự thật, sự thật là chúng ta đang đi cùng nhau!
Không gian chợt bỗng nhiên lắng xuống. Khi con người ta tràn ngập sự tự tin lan tỏa đến từng ngóc ngách trong cơ thể, chúng ta có thể làm những điều thậm chí chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến. Và tôi vừa làm một điều như vậy. Những lời nói, những câu hỏi, những câu trả lời tôi chưa từng một lần hình dung trong đầu.
Dưới những khóm mây còn vương chút vẻ uể oải của tiết đông còn sót lại, bên những làn gió cuối mùa thổi nhè nhẹ, làn tóc mai em lay lay như vui đùa, như tíu tít, đuôi mắt vẫn ánh lên một điều gì đó bí ẩn, sâu thẳm mà tôi không tài nào thấu hiểu được. Em chợt lên tiếng phá tan không gian tĩnh lặng:
– Bây giờ hai đứa đi chung, còn ngày mai, ngày mai đâu còn nữa…
… Bạn đang đọc truyện Mùa hạ đầu tiên tại nguồn: http://truyen3x.xyz/mua-ha-dau-tien/
Cảm xúc là thứ gì đó quá khó để chúng ta có thể điều khiển nó. Tôi dần nhận ra rằng, khi bên Thương, tôi nghiêng hẳn về em, còn khi bên Diệp, tôi cũng vậy.
Chiều hôm nay là một buổi chiều hay ho để tôi nhận ra điều đó. Khi cảm xúc lúc tôi bên Thương còn nóng hổi, khi những suy nghĩ của tôi vẫn không đầu không cuối, thì lúc cầm tay Diệp, tất cả đều thành thinh không.
Vâng, tôi cầm tay Diệp! Cầm thật lâu và thật chắc. Tay còn lại tôi đưa ra sau lưng, đặt nhẹ lên vòng eo bé xíu đó. Nhạc bật nhè nhẹ, “gió vẫn hát thì thầm, đến bên tôi như thật gần, gió muốn nói điều gì… tha thiết… Gió vẫn nhắc một người, đã ra đi không trở lại, để mất chuyện tình không thể quên… Bước những chuỗi ngày dài, ấp ôm bao đêm huyền diệu, ánh mắt ấy giờ này, xa lắm… Gió vẫn hát rì rào, gió ru tim tôi ngày ngày mãi xôn xao”, “… Đường về canh thâu, đêm khuya ngõ sâu như không màu… đường dài không bóng, xa nghe tiếng ai ru mơ màng… màn đêm tịch liêu, nghe ai thoáng ru câu men chiều, nghe không gian tiếng yêu thương nhiều, hứa cho đời thôi đìu hiu…” lời Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên trên nền nhạc Rumba như dồn dập, như tha thiết, như gửi gắm, như say mê.
Tối hôm qua về phòng, tôi bắt đầu lên kế hoạch thật cụ thể cho cuộc thi sắp tới. Không có ku Nhân, chuyện ca hát gần như không thể nghĩ đến. Còn việc Diệp hát để tôi múa may cái gì đó sao thấy “thường” đến không thể “thường” hơn. Vậy chúng tôi phải thi gì đây?
Những năm 2005 – 2010, lúc đó, phong trào đoàn đội chưa có nhạc Dân Vũ như bây giờ với các điệu thông dụng như Té Nước, Sara Sayang, Chu Chu Wa, đặc biệt là Việt Nam Ơi. Lúc đó thủ lĩnh thanh niên như bọn tôi, ngoài việc phải thuộc 12 bài múa hát tập thể còn phải học thêm các điệu khiêu vũ cơ bản như Tango, Rumba, Chachacha… Vì trong các buổi hội họp, lửa trại, đó là sự kết nối không thể thiếu.
Nhảy là sở trường của tôi. Diệp nhảy được hay không, tập rồi mới biết. Nhưng nhìn dáng đi và sự tinh anh của em, tôi chắc chắn em nhảy không tồi. Dưới ánh đèn xanh vàng đỏ lập lòe, một chàng trai với đôi chân thoăn thoắt, đôi tay khéo léo, nhẹ nhàng, dìu một thiếu nữ với chiếc váy kẻ, lắc lư nhún nhảy theo điệu nhạc trầm bổng, những pha xoay người như dải lụa, những giây uốn dẻo đến ngất ngây, đôi chân, đôi tay, ánh mắt, thần thái, diện mạo… Hơn nữa, chú tôi lại là bậc thầy về khiêu vũ, cơ hội bái sư học đạo càng rộng mở. Mọi thứ không thể tuyệt vời hơn.
Sau khi lên lớp trao đổi với Diệp về tiết mục khiêu vũ cho phần thi tài năng, Diệp đồng ý ngay. Vì trong khiêu vũ, người nữ có vai trò tương đối nhẹ hơn người nam. Bên cạnh những kỹ thuật căn bản của hai người phải ổn, người nam luôn đóng vai trò chủ đạo hơn, vừa dìu dắt, vừa giữ nhịp, vừa nâng đỡ, vừa là trụ cho các tư thế xoay khó nhằn. Suy tính tới lui, Diệp chưa quen với sân khấu, chưa quen với hàng trăm khán giả bên dưới, chỉ cần cố gắng nhập tâm theo điệu nhạc và đi theo nhịp phách của tôi, bên cạnh những ngày miệt mài tập luyện, chắc chắn chúng tôi sẽ có một phần thi tuyệt vời.
Vậy là ngay chiều hôm đó hai đứa bắt tay vào tập luyện. Đầu tiên, chú Thành cho bọn tôi nghe nhạc trước. Ngồi gần cả giờ đồng hồ chỉ để nghe nhạc. Trong khiêu vũ, cảm được nhạc và nhảy theo nhịp phách, theo âm trầm âm bổng, làm các tư thế xoay (trong khiêu vũ gọi là các phân) mà không bị lạc điệu, đó là điều tiên quyết, nếu không cảm được nhạc, dù khéo léo hay dẻo đến đâu nhưng cứ đi tới đi lui lung tung loạn xạ cũng chỉ là khoa chân múa tay mà thôi. Ví như Tango sẽ có tiết tấu được gọi thành số cho dễ nhớ như nhịp 1,2 – 1, 2, 3 hay gọi theo nhạc là bùm bùm – bum bum bùm, còn Rumba sẽ có nhịp 1,2 – 1, 2, 3, 4, 5 tương tự sẽ là chắc bùm bùm chắc bum bum bùm…
Sau khi nghe tới nghe lui chỉ một hai bài nhạc trong gần 30 phút, bọn tôi cơ bản cảm nhận được các âm thanh nhạc nền này. Đến yêu cầu thứ hai, tôi và Diệp ngượng ngùng ra mặt, đó là tư thế. Bên cạnh cái gọi là thần thái khiêu vũ như ánh mắt, đôi môi, mặt ngẩng cao, lưng, chân, ngực thẳng hàng… thì tay nắm tay, tay ôm qua lưng người đối diện, mặt đối mặt sát vào nhau là điều hai đứa thật sự… chưa quen.
Thấy bọn tôi cứ bối rối như gà mắt tóc, chú Thành nói thẳng, nếu muốn trong hai tuần có thể bước lên sân khấu thì nội trong hôm nay, các yêu cầu về cơ bản phải xong, hãy nhớ chúng ta đang chuẩn bị cho một cuộc thi chứ không phải yêu đương quấn quýt gì nhau mà gạt đi ngại ngùng sang một bên để tập trung vô điệu nhạc.
Cố gắng thêm một tí, tự đả thông tư tưởng của bản thân, dần dần tôi cũng tự nhiên hơn hẳn, nhờ vậy, Diệp cũng thoải mái hơn nhiều. Nhưng dù cho thế nào đi nữa, khi bàn tay tôi chạm vào bàn tay nhỏ nhắn, xinh xinh, mát rượi của Diệp và nắm lấy thật chặt, khi tay trái tôi nhẹ nhàng luồn ra phía sau lưng em, nâng cánh tay phải của em tựa hoàn toàn vào tay tôi, trái tim tôi vẫn không thể tiết chế được những hồi trống binh binh trong lồng ngực. Khuôn mặt áp sát khuôn mặt, hơi thở như chạm vào nhau, đôi mắt nhắm lại để cảm nhận từng chút, từng chút những giai điệu du dương, trầm bổng bên tai, tôi như một gã trai mới lớn lần đầu thưởng thức “trái cấm” trong truyền thuyết Adam và Eva thuở còn hồng hoang, cảm thấy ngọt lịm đến say mê, thanh thoát đến vô ngần.
Chú tôi chỉ cố gắng sắp xếp dạy cho bọn tôi được 5 buổi trong tuần này, còn tuần sau, bọn tôi phải tự luyện tập, nhảy, nhảy và nhảy để thành thuần thục, thành phản xạ, khi đó, bước lên sân khấu mới có thể dùng sự tự tin áp chế đi cảm giác hồi hộp. Vậy là cứ sau mỗi buổi học ở lớp, chiều nào cũng vậy, đúng 2 giờ, Diệp qua chở tôi lên phòng tập của chú để tập luyện. Nếu rơi vào 3, 5, 7 sau khi tập xong, bọn tôi ra ăn uống gì đó rồi cùng đi học thêm Lý luôn. Nhưng…
Tôi và Diệp tập đều đặn được 3 ngày, đến ngày thứ 4, tức là thứ 5 tuần đó, sau khi hết tiết học thứ nhất, Thương qua lớp gửi tôi một cuốn truyện và nói tôi lát ra về đợi em…
… Bạn đang đọc truyện Mùa hạ đầu tiên tại nguồn: http://truyen3x.xyz/mua-ha-dau-tien/
Thật ra hôm đó không phải tôi đợi Thương như lời hẹn. Lúc vừa bước ra khỏi cửa lớp, đang bối rối không biết chờ ở đâu, nhìn tới phía trước đã thấy em đứng tựa vào dãy lan can bên ngoài. Hơi ngạc nhiên, tôi bất giác quay quanh xem thử Diệp đang có đây không. Thấy em còn loay hoay trong lớp, tôi nhanh chân tiến lại:
– Thương đợi V lâu không? Cô dạy nhiệt tình quá nên ra trễ.
– Thương mới xuống, hôm nay V có đi chơi game gì đó không?
– À, không, sao Thương hỏi vậy?
– Nếu không thì đi dạo với Thương nha?
– Suy nghĩ một thoáng, nhìn thấy ánh mắt em như đợi chờ khắc khoải, tôi thấy lòng mình cũng bất chợt xao xuyến – Ừ, đi thôi Thương.
Sánh bước cùng em ra đến bãi xe. Hôm nay thứ năm nên học sinh sáng chiều khối tôi học chung buổi. Những ánh mắt hiếu kỳ, dò xét bám gót hai đứa đến tận khi chúng tôi đã ra khỏi cổng. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi nói Thương cứ gửi xe ở bãi để tôi chở. Nhích bàn đạp về phía trước, không cần hỏi em muốn đi đâu, chỉ cần thong dong, thư thả, nhẹ nhàng, dưới một không gian nên thơ, mát mẻ, lãng mạn đi bất cứ ở đâu cũng có thể gọi là đi dạo.
Những khóm hoa vàng trên mấy tầng cây cao lùi dần về phía sau, những đám mây màu xám dày dặn, nặng nề che lấp đi ánh mặt trời làm không gian thêm tĩnh lặng, thêm chậm chạp, thêm lắng đọng. Suy nghĩ trong tôi cũng vì thế mà trở nên trống rỗng. Không cần biết tại sao em lại muốn đi dạo cùng tôi, không cần biết con đường trước mặt bao dài và bao xa, cũng không cần biết sẽ đi đâu về đâu. Thứ duy nhất tôi quan tâm bây giờ là nét buồn trong đôi mắt nâu biếc đó.
Lần đầu gặp em tôi đã bị ánh mắt ấy tóm lấy rồi quấn chặt. Lần đầu chở em về, tôi lại bị ánh mắt ấy xoáy sâu vào tâm can và phán xét. Còn bây giờ, ánh mắt ấy mang đến cho tôi cảm giác như những nỗi buồn sâu thẳm bên trong là do kẻ tội đồ này mang đến. Không cần lời nói, không cần cử chỉ hay điệu bộ, chỉ cần duy nhất đôi mắt đó thôi, em đã khiến tôi như mất hết khả năng phòng thủ.
Không gian vẫn trầm mặc. Tôi không biết phải làm gì ngoài đôi chân miệt mài bất lực. Càng không thể nói gì vì không biết phải bắt đầu từ đâu.
– Mấy hôm nay V có vui không? – Em lên tiếng phá vỡ không gian đó.
– …
– Thương biết V đang khó xử.
– …
– Biết tại sao Thương rủ V đi dạo không?
– V không biết… Có lẽ Thương buồn…
– Vậy V đoán thử tại sao Thương buồn?
– … V… V không đoán được… Chắc tại V…
– Tại V làm sao?
– … V… không biết…
– V cái gì cũng không biết. Vậy nếu V thích một ai đó và cố gắng làm người đó thích lại mình, sau khi đạt kết quả rồi V có biết phải làm gì tiếp theo không?
– V nghĩ không cần quá nhiều kế hoạch cho tình cảm, nếu cứ để tự nhiên, nó sẽ thuần khiết nhất.
– Vậy V đang để nó tự nhiên à?
– Ừ, V có làm gì đâu, đã ai thích V đâu?
– Ừ. Vậy cũng có ai thích Thương đâu… Haiz. V quay xe về đi!
Trả lời như một phản xạ, vì cơ bản, những gì tôi nói là bản chất tôi vốn vậy. Không ba hoa, không nói quá, cũng không có thời gian để cân nhắc, để lọc lựa, để chỉn chu.
Đường đi đã xa, thấy em muốn quay về tôi cũng không từ chối. Nếu tồn tại một con đường nào đó cho chúng ta trở về khi lạc lối, có chăng chỉ là đường về nhà.
Đôi chân tôi vẫn mải miết. Từng hàng cây ven đường vẫn hết sức quen thuộc, những áng mây trên cao vẫn chầm chậm uể oải, và đầu óc tôi vẫn vậy, vẫn trống rỗng. Tôi không thể nào tư duy được một chút gì trong đoạn nói chuyện ngắn ngủi vừa rồi. Những ý muốn của em, những suy nghĩ của em, những điều mà em muốn gửi gắm đến tôi qua những lời nói đó, thậm chí cả ánh mắt buồn sâu thăm thẳm kia nữa, tôi không tài nào hiểu được.
Về đến bãi xe, em bước xuống thật nhanh nhưng không đi vội. Em quay lại, chìa tay ra:
– Trả Thương quyển truyện!
– Nhưng… V chưa kịp đọc…
– V không cần phải đọc nữa!
Thấy em có vẻ dứt khoát, tôi bối rối mở cặp lấy ra cuốn truyện em cho tôi mượn lúc sáng, “tình bạn, tình yêu”, tôi chỉ kịp đọc tựa chứ chưa nhìn được chữ nào bên trong, em đưa tay đón lấy, rồi quay lưng…