Mùa hạ đầu tiên
Chương 32
Đêm văn nghệ bắt đầu lúc 19 giờ. 18h30 tối hôm đó, hai đứa tôi cùng chú Thành và anh Đức đã có mặt để chuẩn bị. Tất cả các dụng cụ mang theo đầy đủ, trang phục xong xuôi, chú Thành nói hai đứa dành ra 15 phút nghe lại nhạc và tưởng tượng những bước nhảy trong đầu đặng nằm lòng tuyệt đối phần thi.
Tôi bốc trúng số báo danh 02 nên thi khá sớm. Nhưng dù sao cũng có văn nghệ chào mừng, thêm phần catwalk, rồi lại hai tiết mục hát quê hương Đất Nước nữa, thành ra hơn 8h mới đến phần biểu diễn.
Ngồi sau cánh gà, trong phòng chuẩn bị, tôi và Diệp nắm chặt tay nhau bất chấp ánh mắt soi mói của vài đứa trong phòng. Bọn tôi nắm tay không phải vì yêu đương, cũng không phải vì thân thiết, bọn tôi nắm tay để truyền sự tự tin cho nhau, để tưởng tượng, để nhập tâm, để nắn nót cho phần thi sắp đến.
Lời giới thiệu của MC lại vang lên:
Xin mời các bạn đến với phần dự thi của cặp đôi số báo danh 02 đến từ lớp 11/4, cặp đôi đã có màn trình diễn xuất sắc trong vòng loại với đánh giá cao đến từ ban giám khảo, tất cả chúng ta cùng chìm đắm vào âm thanh du dương của giai điệu tango một lần nữa, và cùng chờ đợi xem, liệu “cô bé lọ lem” có kịp về nhà trước giờ hẹn không nhé.
Khúc sau là lời giới thiệu tôi tự viết ra gửi MC. Tôi muốn ban giám khảo và khán giả định hướng sẵn trong đầu đây là tiết mục khiêu vũ của lọ lem và hoàng tử.
Nhạc dạo vang lên, chiếc xe bí đỏ được đẩy ra, ở phía đối diện, tôi bước nhẹ hai bước từ sau cánh gà lên sân khấu, phần đầu lắc lư ra vẻ chờ đợi, tay phải để sau lưng, tay trái để chéo qua ngực phải ra dáng quý tộc Anh ở những thập niên 40 thế kỷ trước.
Diệp từ sau chiếc xe bí đỏ, với chiếc váy trằng ngà xẻ cao, bước nhẹ ra một bước rồi xoay vòng theo điệu nhạc qua góc bên kia sân khấu, bên dưới, tiếng hò reo vang lên không ngớt. Nhạc tango bắt đầu vang lên, tôi đá chân 3 cái để hết nhịp phách đầu tiên rồi xoay hai vòng, bước tiếp hai bước, đưa tay ra nắm lấy tay kéo Diệp vào ngực mình, nhạc lại ngân, em vòng quanh người tôi đưa hai đứa vào tư thế khiêu vũ, nhạc bắt đầu dồn dập, lời nhạc bắt đầu ngân vang: “Một đêm trong rừng vắng, ánh trăng chênh chếch đầu gềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh, một đêm trong rừng núi, có anh lữ khách nhìn trời xa xa ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng…”
Âm nhạc là món quà tuyệt vời Thượng đế ban cho loài người. Nó tuyệt vời đến mức, khi ta đắm chìm vào nó, thế giới ngoài kia bỗng trở nên thừa thãi rồi dần dần tan biến vào hư không. Trên sâu khấu này, dưới ánh đèn kia, bên lời nhạc đó, Diệp thật sự như cô sơn nữ vừa bước ra khỏi bài hát. Ánh mắt tươi trẻ, nụ cười khỏe khoắn, đôi chân thoăn thoắt, đóa hoa hướng dương trước mặt tôi đây đang thể hiện cho tôi thấy rằng, nếu tôi chờ ở em những bước nhảy trọn vẹn không sai sót, em sẽ mang đến cho tôi những bước nhảy bềnh bồng như một vũ công thực thụ.
Nhạc lại vang, “hãy nhìn trăng lên… rồi lu mờ dần… hãy nhìn mây bay… thiết tha về ngàn…” đây là những đoạn xoay tuyệt vời hòa quyện cùng điệu nhạc. Phiêu theo ngàn mây, lướt theo trăng tỏ…
Tiếng nhạc du dương trầm bổng lên xuống, dìu dặt, nhẹ nhàng, lắng đọng, rồi im bặt trong một thảng, em chợt đẩy tôi ra xa như muốn quay về, giai điệu đổi qua tiếng rumba êm ái “anh yêu em… không phải những gì em đã có… nỗi dịu dàng… ẩn hiện nép trên môi em… làm lòng anh… xao xuyến lúc em cười vui… tim anh rung động… như cuồng phong sóng gió ngoài khơi…”
Tôi níu em lại, đôi chân chuyển qua những bước rumba chầm chậm như níu kéo… rồi tiếng chuông kính coang vang lên, em đẩy tôi về một góc khán đài, lui về chiếc xe bí đỏ, chiếc giày của em rơi ra, tôi đuổi theo nhặt lấy, em quay lưng, tôi kéo em lại làm mái tóc gọn gàng sau gáy tung lên, rơi ra, rối bời trong gió thoảng.
Không thể trốn tránh được nữa, em quay lại nhìn vào mắt tôi, rồi cũng thật nhẹ nhàng, em đặt chiếc chân trần lên gối tôi, phách cuối rơi đúng vào ánh mắt hai đứa nhìn xuống khán giả. Phần thi không thể tuyệt vời hơn. Những tràn vỗ tay bên dưới vang lên như pháo nổ. Tụi bạn tôi bên dưới hò hét ỏm tỏi réo tên tôi và Diệp không ngớt. Cúi chào khán giả cùng ban giám khảo, tôi đưa em lui vào cánh gà với niềm hân hoan khó tả.
Các tiết mục dự thi lần lượt kết thúc. Hầu như ai cũng luyện tập miệt mài nên đêm diễn đó của trường thật sự trở thành một buổi văn nghệ đa dạng vô cùng đáng xem. Rồi giờ công bố kết quả cũng tới. Mười hai số báo danh tiến lên đứng thành hàng ngang theo số thứ tự trên sân khấu, cô Ngọc đứng lên đọc các cặp đôi vào phần thi ứng xử. Tên hai đứa tôi được xướng lên đầu tiên trong tiếng reo hò của tụi bạn. Rồi cặp đôi lớp 12/1, 12/4, 11/6, 10/6.
Bọn tôi cử người tới bốc thăm để nhận câu hỏi thi ứng xử. Đây là giờ phút quyết định phân ngôi cao thấp. Vì nếu tôi và Diệp đã hoàn thành xuất sắc phần thi thì các cặp đôi khác cũng có những thể hiện không hề thua kém. Có chăng chênh lệch cũng chỉ vài chấm nhỏ nhoi. Điểm phần này lại hệ số hai, nếu hoàn thành tốt, đúng mong muốn ban giám khảo, vị trí dẫn đầu là chắc chắn.
Câu hỏi của lớp 12/1 về môi trường. Nêu ra một vài giải pháp mà học sinh chúng ta có thể làm để bảo vệ môi trường, và là một đoàn viên gương mẫu, anh/chị đã làm những gì cho ngôi trường chúng ta sạch đẹp hơn.
Câu hỏi lớp 12/4 có phần đơn giản hơn. Mục đích tham dự cuộc thi này của anh/chị là gì? Nếu đạt giải cao nhất bạn sẽ làm gì?
Nghe hai lớp vừa rồi đọc và trả lời câu hỏi, tự tin trong tôi bỗng tăng lên thật nhiều. Nếu như tôi bốc trúng hai câu hỏi đó, chắc chắn tôi sẽ trả lời vô cùng trôi chảy, rành mạch, đúng ý.
Đến lượt chúng tôi bước lên mở giấy ra đọc câu hỏi. Tôi chợt bất ngờ vì khác hẳn với hai chủ đề khi nãy, câu hỏi bọn tôi lại nhắm đến tình cảm tuổi học trò: “Vẫn biết tình cảm tuổi học trò hồn nhiên trong sáng, vậy anh/chị cho rằng nên hay không nên có những tình cảm như vậy ở lứa tuổi này, vì sao?”
Mồ hôi bắt đầu túa ra. Câu hỏi không khó nhưng nó như một mũi tên bắn vào trái tim đang đầy ắp những nghĩ suy rối rắm, làm vỡ òa ra những dồn nén, chất chứa, những cảm xúc phức tạp tôi chôn chặt đáy lòng suốt tháng ngày qua. Tôi và Thương, tôi và Diệp, đó là những tình cảm thi vị, thuần khiết, đó chính là tình cảm học trò hồn nhiên trong sáng như trong câu hỏi kia. Nhưng tôi đã làm gì với tình cảm đó? Có người đã vì tôi mà buồn bã, có người đã vì tôi mà hoen mi, vậy có nên hay không? Nên hay không nên?
Tôi bỗng dáo dát lo lắng nhìn xuống bên dưới. Tôi sợ rằng Thương đang lẫn trong những người bạn kia, đang chờ đợi tôi trả lời câu hỏi này, đang đợi xem kẻ khờ kia thật lòng hay gian dối với chính tình cảm của bản thân hắn.
– V sao vậy? – Thấy tôi im lặng lâu quá, Diệp lên tiếng.
Tôi quay qua nhìn Diệp. Cô gái bên cạnh tôi đây đang là gì của tôi? Tình cảm hai đứa dành cho nhau, trao đến nhau liệu có phải là tình cảm trong câu hỏi kia nhắc đến không? Hay tôi đang lầm tưởng, đang ảo tưởng, rồi một ngày nào đó, Diệp có như Minh, có cho rằng “mình đang ngộ nhận”…
Thấy tôi sững ra, cô Ngọc phía bên dưới lên tiếng nhắc nhở tôi trả lời câu hỏi, như nhận ra điều gì đó, Diệp giật lấy mảnh giấy trên tay tôi và trả lời thay. Tai tôi như ù đặc, ánh nhìn bỗng mơ hồ, không gian như hỗn loạn, không biết Diệp đã trả lời gì, chỉ biết sau đó Diệp kéo tay tôi về chỗ. Phần thi ứng xử của 5 cặp đôi kết thúc, một tiết mục văn nghệ nữa sắp biểu diễn. Chỉ khoảng hơn 5ph nữa thôi sẽ có công bố giải thưởng cho đêm nay.
Và sau tất cả những cố gắng, sau tất cả những quyết tâm, sau tất cả sự dồn nén, sau tất cả những trình diễn tuyệt vời, chúng tôi chỉ nhận được giải khuyến khích an ủi… Diệp không buông một lời nào trách móc mà chỉ cười buồn rồi ghé tai tôi nói khẽ:
– Chúng ta đã cố hết sức rồi, V nhỉ?!
Lời này khi nói ra, có lẽ Diệp mong tôi sẽ bớt đi phần nào buồn bã cho kết quả vừa rồi. Bớt đi những nghĩ suy, trăn trở khi bao tháng ngày tập luyện không mang về kết quả như mong muốn. Nhưng khi lời nói đó đi vào người tôi, nó giống như chiếc dằm găm vào tim tôi âm ỉ, găm vào não tôi day dứt. “Diệp đã cố gắng hết sức rồi, còn V… V chưa hết sức…”
… Bạn đang đọc truyện Mùa hạ đầu tiên tại nguồn: http://truyen3x.xyz/mua-ha-dau-tien/
Nhận giải xong, lùi về phía sau sân khấu, tôi gom đồ đạc rồi kéo tay Diệp thật nhanh ra bãi xe. Trốn tránh tất cả những ánh mắt ngoài kia, thậm chí, tôi muốn trốn luôn ánh mắt của tôi đang tự thấu bản thân mình. Hai đứa đã yên vị, nhích nhẹ tay ga, chiếc xe điện êm ru cùng làn gió khuya dìu dặt khiến những suy nghĩ trọng tôi bớt chút nặng nề.
– V… xin lỗi…
– Sao vậy V? Mình đã vào đến vòng cuối cùng. Ai cũng xuất sắc, ai cũng giỏi, Diệp thấy như vậy là được rồi.
– Không… tại V hết, nếu không…
– Không cần đâu V ơi. Diệp thấy… – em im lặng một chút rồi tiếp – Diệp thấy gần một tháng qua là khoảng thời gian tuyệt vời lắm rồi, kết quả thế nào, V đừng nhắc đến nữa, nhé! Diệp tham gia cuộc thi này không phải vì kết quả. Diệp tham gia vì…
Em chợt im lặng. Trăng cuối mùa chênh chếch, ánh sáng bàng bạc nhẹ nhàng trải khắp mặt đường loang loáng. Cơn gió xuân mơn man đến sớm làm lộc biếc trên mấy cành cây khuya khẽ rung động. Cơn gió vô tình hay hữu ý, nhẹ nhàng nhưng mải miết luồn vào sâu trong da thịt, làm tim tôi dường như cũng vừa rung lên lạc nhịp. Tại cơn gió không tên hay tại lời nói đầy thương mến. Tôi nghe tiếng lòng mình bỗng tan ra. Nỗi niềm day dứt ban nãy cũng vừa hay tan biến. Đầu óc trở nên nhẹ nhàng, hơi thở cũng đều đặn hơn. Cô bạn phía sau tôi ơi. Cảm ơn cô đã đến và cho tôi một khoảng trời trong xanh thiết tha dịu vợi này.
“Gió vẫn hát thì thầm, đến bên tôi như thật gần, gió muốn nói điều gì tha thiết…” giai điệu Rumba lại vang lên trong lòng tôi bao cảm xúc. Cuộc thi đã hoàn thành. Điều đó cũng có nghĩa là những ngày tháng tôi và Diệp cùng bên nhau tập luyện sẽ không còn nữa. Những điệu nhạc êm ái bên lời nhạc du dương cùng cái nắm tay thật chặt sẽ không còn nữa. Ngày mai bọn tôi cũng không đến trường, cũng không được gặp, không được nhìn thấy nụ cười tươi tỏa nắng đó nữa. Nhưng đó là một kết thúc mở đầy hoàn hảo để bắt đầu một chuyện tình thật đắm say.
– Mùng 4 này Diệp nhớ đi chơi với lớp nhé.
– Diệp sẽ đi mà!
Em nói xong, mỉm cười thật tươi rồi quay lưng, để lại phía sau cả bầu trời mộng mơ của tên lãng tử si tình đứng ngây ra như lạc đi hồn phách… Đêm đó tôi ngủ thật ngon.
… Bạn đang đọc truyện Mùa hạ đầu tiên tại nguồn: http://truyen3x.xyz/mua-ha-dau-tien/
Tết năm đó, ngoại trừ mùng một và sáng mùng hai tôi đi thăm ông bà, tối mùng hai, thêm ngày mùng ba tôi dành thời gian thăm tất cả các thành viên trong lớp mà tôi biết địa chỉ. Dù sao cũng là bí thư, lại rảnh rỗi, cứ ghé chơi cho có tình cảm, đặc biệt hiểu rõ hơn “tâm sinh lý” của các bạn mà trên lớp ít khi tôi tiếp xúc.
Thuận theo cung đường. Đầu tiên, tôi xuống nhà bé Diệu Quyên trước. Con bé này đón tôi với câu hỏi không thể nào “có duyên” hơn:
– Trời ơi, V vô nhà Quyên làm chi?
Tôi đớ ra không biết phải trả lời thế nào. Một lúc sau mới “chém” cho nó vài phát:
– Mi nghĩ sao vậy? Tết nhất, bạn tới thăm nhà mà hỏi bạn tới làm chi? Rót trà nước, đem bánh trái lên tiếp đi chứ?
Nghe tôi nói xong nó mới lật đật chạy vô, không biết đá thúng đụng nia thế nào mà cứ nghe ầm ầm bên dưới, mãi gần 10 phút sau mới thấy nó đem lên ly trà và khuôn bánh, thật hậu đậu không thể tưởng.
Tiếp theo tôi qua nhà bé Trúc. Vừa vào thì gặp ngay Kim Phượng, bí thư lớp 11/12. Vừa bất ngờ, vừa giật mình, tôi lên tiếng chào hỏi rồi ngồi phía ghế đối diện.
Cô bạn này tôi chưa từng nói chuyện bao giờ nhưng hồi trước còn học cấp 2, Phượng học bên cạnh lớp tôi, lại chung lớp với Tuyết Linh cùng thằng Liêm nên tôi có biết. Bé Trúc cấp hai cũng học lớp đó, vậy nên chuyện Phượng đến đây chơi cũng không lấy gì làm lạ. Điều tôi hơi giật mình là Phượng với Tuyết Linh đều là bạn thân của Thương, cùng học kèm chung một lớp tiếng Anh. Không biết sắp tới Phượng có hỏi cung hay đấu tố gì tôi liên quan đến Thương không.
Nhưng qua cuộc nói chuyện, Phượng cho tôi thấy những điều tôi lo lắng đều trở nên quá sức dư thừa. Vui vẻ cười đùa, thoải mái trò chuyện, Phượng không chút đả động đến ai kia. Lúc sắp ra về chỉ chốt hạ tôi một câu nhớ đời mà thôi:
– Đào hoa vừa thôi bạn V nha.
Tôi lại đơ người ra không biết trả lời sao cho phải, đành cười trừ vẫy tay chào tạm biệt.
Tiếp theo tôi xuống nhà Trinh. Đến nơi, thấy Trinh đang sửa soạn sắp đi chơi, tôi vô nhà chào hết một lượt, gửi lời chúc tết rồi chọc cô bạn:
– Sắp đi chơi với “anh” hả?
– Hơi đỏ mặt lên, Trinh đáp – Anh nào? Bạn bè thôi.
– Hihi. Vậy là đúng rồi, chúc đi chơi vui vẻ nha. Nhớ về sớm.
– Tình cảm tuổi học trò, nên hay không nên V?
Cô bạn hay nũng nịu mè nheo này không ngờ hôm nay lại đưa ra một câu hỏi chí mạng như vậy, tôi nghe mà bần thần cả người, chưa biết làm gì tiếp theo, bên ngoài có vài tiếng xe lộc cộc, Trinh mở cửa, thì ra là mấy đứa 11/6, thằng Trọng lại là bạn cũ, vừa trong xóm, vừa cùng lớp cấp 2 nên cũng qua lại nhiều, tôi đến bắt tay chào hỏi, ngồi nói chuyện thêm tí rồi về.
Sáng hôm sau, tôi xuống nhà thằng Tuyển trước. Vừa vô tới cửa, chưa kịp bật chân chống xe nó đã chạy ra kéo tay tôi “biết đánh bài không, vô đây, vô đây”. Đúng sở trường, tôi ngồi vào chơi tới tận trưa. Ăn trưa xong, tôi lại rủ nó qua nhà ku Nhân, rồi ku Sen, xong quay trở lại trung tâm thành phố, đến nhà ku Danh, quay lên nhà ku Liêm, rồi alo gọi ku Thành ra nhà tôi chơi.
Nhà thằng Thành vốn xa quá, anh em ngày đó hầu hết lại đi xe đạp, thành ra cũng ít vào. Chỉ có tôi, vì nhà ngoại gần nhà nó nên sáng mùng một năm nào tôi cũng ghé. Sau này lên đại học, có năm tôi “quên” ghé một lần mà nó nhắc đến nguyên cả năm sau đó.
Bây giờ ngồi đây, có chút thời gian rảnh rỗi viết những dòng này tự nhiên tôi lại nhớ những ngày tháng đó quá thể. Chục đứa con trai. Ku Liêm, Tuyển, Thành, Danh, Hoàng, Mạnh, Nhân, Sen, Minh, thêm cả tôi ngồi chơi bài cào (ba lá), chém gió phần phật rồi cười nghiêng cười ngả.
Những chiều đạp xe rong ruổi những cung đường quanh thành phố đến công viên 29/3, ra biển Đà Nẵng với bãi cát trắng mịn dài tít tắp lang thang, bình phẩm em này em nọ. Sau này lên đại học, vẫn nguyên nhóm đó không thiếu một thằng bắt đầu biết uống bia, nhấm rượu. Cụng ly vô ra, say sưa thì dồn hết vô phòng tôi ngủ thẳng chân thẳng cẳng. Sáng dậy dắt nhau đi cafe, ăn sáng. Thân nhau như tay chân ruột thịt…
Đến khi ra trường, đứa đi làm xa, đứa đi du học, đứa lập gia đình… Muốn tìm lại những cảm giác ngày ấy có chăng chỉ là những dòng chữ viết vội của nguoiditim – kiniem này mà thôi.