Mùa hạ đầu tiên

Chương 43



Phần 43

Không hiểu tôi của thời điểm đó toát ra khí chất gì mà chỉ cần bọn bạn nói đi với bí thư, hay bí thư tổ chức, gia đình đều yên tâm đồng ý. Sau này lên đại học, mấy đứa con trai muốn chơi bời thâu đêm, chỉ cần trong đó có sự xuất hiện của tôi là ổn. Vì khi ba mẹ tụi nó điện tới, tụi nó sẽ nói đang đi với thằng V, chắc chắn ba mẹ tụi nó sẽ muốn gặp tôi, đưa máy qua, tôi chỉ cần nói “con, V đây, cô/ chú yên tâm nha”, vậy là xong.

Buổi đi chơi hôm đó được tôi lên phương án chuẩn bị trong 3 nốt nhạc.

Nếu có ngày nào đó trong năm làm tất cả bọn học trò trở nên thư thái, thảnh thơi, nhẹ nhàng đến thanh thoát, đó chắc chắn là ngày thi xong môn cuối cùng. Tất nhiên sẽ có đứa thi được, có đứa thi chẳng ra gì, nhưng quan trọng tất cả đã xong, đã kết thúc. Chỉ còn thoải mái vui chơi không lo nghĩ. Kết quả vốn đã an bài rồi.

Với cá nhân tôi, đó là những ngày tuyệt vời nhất của tháng năm còn mài ghế nhà trường. Áp lực học tập đè nén được giải tỏa, bản chất con người có dịp được bộc lộ.

Suối hoa là nơi tôi đã lui đến vài lần khi còn tham gia các buổi trại bay hay dã ngoại với anh em đoàn Phường. Ở lại đêm có 2 hình thức, hoặc là thuê lều vải, 4 người ngủ 1 lều. 2 là thuê nhà sàn, chật chật xíu thì cũng được 40 người.

Trên đó cảnh quan tuyệt vời. Vừa có suối chảy róc rách, thác nước ầm ỉ, vừa có hồ tắm trong lành, ngàn hoa khoe sắc. Lại có một sân bóng đủ cho mỗi bên 11 người thỏa sức chạy nhảy. Ăn uống cũng đơn giản, cơm lam gà nướng, rau rừng cá suối. Nhà vệ sinh sạch sẽ. Thể thao giải trí, ăn uống ngủ nghỉ, sinh hoạt vui chơi… lại vừa được đưa vào vận hành nên mọi thứ còn khá mới, không nhiều người biết đến. Thật không thể tuyệt vời hơn khi lựa chọn địa điểm này.

Nhắm tới nhắm lui mấy đứa đi có thể nhiều nhưng ở lại chắc không bao nhiêu, tầm 20. Tôi đặt 5 lều dã chiến. Chi phí rẻ hơn, lại có không gian tuyệt vời, tối ngắm trăng ngắm sao, tha hồ ca hát.

Về xe thì khỏi lo lắng. Từ đợt ku Liêm trễ xe chở trại, tôi quyết định chỉ tin vào sự sắp xếp của mình. Vốn đi hành quân trò chơi lớn nhiều, cắm cờ Tổ Quốc, cài cây lá lên, thêm cái băng rôn “hành quân về nguồn”, ngồi hết lên thùng xe mà thoải mái reo hò. Giá cả mềm như bún, đãi cả bác tài ăn trưa và tối, chiều đứa nào muốn về thì theo bác tài về, chỉ gửi thêm tiền café. Hôm sau khi nào xuống núi, alo bác tài trước 1 giờ là được.

Ku Nhân mang theo cây đàn ghi ta, ku Danh mang banh. Đứa nào ở lại thì xác định mang đồ theo. Lớn rồi, tự lo được. Mọi thứ vậy coi như sắp xếp xong.

Sáng hôm sau đến nhà ku Mạnh khá sớm. Vừa bước vào đã thấy Diệp chuẩn bị lỉnh kỉnh bánh mì, thịt nướng…

Thấy tôi, em mỉm cười như mọi khi, dù nụ cười đó không thể nào che giấu được đôi mắt buồn như biết nói. Tôi bỗng nghe con tim mình đau xót vô cùng. Chắc chắn, tình cảm của em dành cho tôi vẫn lớn lao lắm, và, tình cảm tôi dành cho em vẫn chưa thôi nguội lạnh. Chỉ tiếc rằng, dung nhan ấy… sẽ không thuộc về tôi nữa…

Tôi không biết nên cười lại hay nên quay đi. Nỗi đau em mang đến cho tôi quá lớn. Nhưng nếu xét cho cùng, đó cũng chỉ là sự trượt dài của cảm xúc. Nếu đặt vào trường hợp tôi là em, liệu tôi có thể làm khác đi chăng? Tối nay chắc chắn sẽ là một đêm dài. Vì ông bà ta đã nói “thức đêm mới biết…” Và cả trong sâu thẳm hồn tôi nữa. Nỗi đau vẫn mãi là nỗi đau dù ta cố tình kìm nén. Và khi không kìm nén được nữa, nó sẽ mất đi hay cồn lên như dung nham núi lửa?

Tôi không quay lưng, cũng chẳng cười lại, chỉ hỏi:

– Diệp mang theo đồ ăn chi vậy?

– Cho mọi người ăn sáng, hay trưa đói ăn cũng được V.

– Ăn sáng tụi nó tự lo, không ăn thì đói thôi. Còn trưa V sắp xếp hết rồi, Diệp mang theo mà không hỏi ý V, chi phí này ai lo? – Tôi cố tình gay gắt dù vừa nói, vừa dần lạc giọng, vì cảm xúc, cảm xúc của tôi không cho phép làm vậy.

– Thoáng bần thần trong ánh mắt, có lẽ em không nghĩ tôi sẽ nặng lời thế – Diệp lo được mà V. – Nói xong em quay lại tiếp tục bỏ từng miếng thịt nướng vào bánh mì.

Chả buồn hỏi thêm, đúng ra tôi đang tự trách mình sau khi “lỡ lời” với em nên tôi không muốn hỏi nữa.

Mấy đứa bạn cũng bắt đầu đông đủ, xe đã đợi sẵn bên ngoài:

– Đi xe chở heo hả V? – Thằng Quang lên tiếng hỏi.

– Chứ mi thích đi xe du lịch hả, đưa tiền đây. – Vốn cũng hay tham gia những chuyến đi thế này nên thằng Đông trả lời thay tôi.

Anh em dắt hết xe vô gửi nhà ku Mạnh. Bạn nào ở lại để bên trong, về thì để bên ngoài. Các bạn nữ ngồi trong, bên cạnh bác tài cũng có chỗ, để bé Phương ngồi. Anh em lên nào.

Chiếc xe từ từ lăn bánh ra khỏi con hẻm nhỏ, rồi men theo quốc lộ 14b, đến xã Hòa Phú, rẽ lên theo đường nhựa quanh co, đi thêm tầm 20km thì đến nơi.

Đồ đạc đứa nào lo phần đứa nấy. Tôi vào liên hệ thuê một chòi lớn, thêm vài tấm chiếu với 2 cái võng để chị em có chỗ nghỉ ngơi. Phân cho bé Ngân nhiệm vụ xác định thành phần về và ở lại đặng báo lều.

Xong đâu đó, tôi hẹn 12 giờ ăn trưa rồi để cả lớp tự do tham quan khám phá.

Rủ anh em lên sân bóng, nhanh chóng chia ra 2 đội quần nhau tơi tả. Mệt lả thì ngồi phe phẩy xíu rồi nhảy ùm xuống nước tắm.

Nhớ lại đoạn này mà bật cười. Tôi, ku Liêm, ku Nhân vốn biết bơi nên chẳng ngại sâu nông, cứ nhảy ùm xuống vui đùa. Thằng Mạnh đứng trên bờ thấy 3 đứa tôi cứ thoải mái đi lại dưới hồ nên hùng hổ hét lên “chá chá chá…” rồi nhảy ùm vào chỗ bọn tôi làm ba đứa tản ra. Sau cú nhảy, thấy nó quẩy tay loạn xạ ra kiểu hụt chân, bọn tôi vừa cười vừa bơi vào bờ, nghĩ chắc nó giả vờ. Vì với cú nhảy “tự tin” vừa rồi, không thằng nào không biết bơi mà dại thế cả. Ai dè nó dại thật, quan sát thêm tí thấy nó chới với uống nước liên tục không có dấu hiệu bớt… “giả vờ”. Ku Nhân đúng bản chất rái cá, nó lặn một hơi xuống dưới rồi đẩy chân thằng Mạnh lên, ku Liêm cũng nhanh trí chạy ngay vào chòi lấy trái bóng ném ra cho nó bắt lấy, tôi thì chạy lại giá gỗ bên cạnh ném xuống 2 cái áo phao.

Vất vả một lúc mới lôi được ku cậu lên bờ. Nó nằm trên phiến đá lớn, mặt cắt không còn giọt máu, thở hổn hển.

– Ta tưởng chết mịa rồi chớ. – Thằng Mạnh thều thào.

– Chơi ngu vậy bạn, không biết bơi nhảy xuống như đúng rồi. – Thằng Minh bình luận.

– Ta thấy thằng Nhân, Liêm, V cứ đi qua đi lại, tưởng nó không sâu…

– Uhm. Vậy lần sau bớt tưởng đi nghe.

Không thể tin được cái thằng. Mấy môn thể thao thiên về sức mạnh như đẩy tạ, ném tạ, vật tay, đẩy gậy… nó bá không tưởng. Còn mấy môn cần đến sức bền và sự khéo léo như đá bóng, bóng chuyền, nhảy xà, bơi lội… nó mù tịt. May mà không sao.

Tôi chợt thấy hơi bất an. Mấy đứa con gái cũng tắm quanh đây. Vì khách chưa đông, không đủ chi phí nên các hồ đều không có bảo vệ, chỉ có áo phao và phao cứu sinh treo trên các giá với dòng chữ “mặc áo phao đầy đủ khi xuống hồ.” Con trai bọn tôi lên đá bóng nên tắm hồ trên. Còn chị em chắc tắm gần chòi. Vừa chạy vừa nghĩ vừa lo lắng, tôi thở phào khi thấy mấy đứa con gái chỉ tắm gần bờ và mặc áo phao hết.

Nhắc nhở tất cả phải giữ an toàn khi tắm hồ, tôi quay qua, thấy em và Phương đang gọt trái cây. Bánh mì em mang theo tầm hơn 10 ổ nhưng giờ chỉ còn đúng 1 ổ. Nếu tôi và em không vừa trải qua chuyện lớn kia thì có lẽ ổ kia cũng đã xong rồi. Lúc sáng dậy hơi trễ, đúng là tôi chưa kịp ăn sáng thật. Bánh mì thịt nướng cho thêm ít đu đủ chua vốn là món khoái khẩu của tôi. Nhưng bây giờ, tôi chả thể nào “với tới” được.

Tính em vốn lo xa. Nhớ lại thời gian trước đây, khi làm tập san, rồi thi thanh lịch, gần nhất là hội trại, nếu có gì đó thấy chưa hợp lý, em nhẹ nhàng nhắc nhở, cho tôi thêm lời khuyên, ý kiến, cách nhìn nhận vấn đề từ khía cạnh khác… Bấy nhiêu đó thôi đã giúp tôi rất nhiều trong việc điều chỉnh lại kế hoạch. Và, thời gian tôi một mình gồng gánh trách nhiệm của cả cô Yến, bé Phương, nếu không có em bên cạnh, một mình cô đơn, không chắc tôi đã đi đến thành tựu.

Càng nghĩ lại càng buồn. Rồi tôi lại ước mình cứ như thằng Đông quách đi cho khỏe. Chưa bao giờ được em để ý. Chưa bao giờ được em đoái hoài. Vậy có khi lại hay…

Trao đến nhau quá nhiều tình cảm làm chi? Để giờ đây, tôi buồn, em cũng chẳng vui…

Nhớ buổi tối hôm đó em đã nói “V buồn… Diệp cũng đau vậy…” Rõ ràng, tình cảm của tôi và em ngay từ đầu đã là tình cảm không có lối thoát…

Những nghĩ suy đó làm lòng tôi lại chùng xuống. Ăn trưa xong, tìm một bóng mát bên dòng suối róc rách, ngả lưng để lòng mình có giây phút nghỉ ngơi.

– Vẫn chưa nguôi ngoai được à? – Thằng Thành ngồi bên cạnh tự lúc nào.

– Tôi lắc đầu chả biết nói gì.

– Rắc rối bạn nhỉ?

– Tôi gật đầu chầm chậm.

– Hè rồi, nếu buồn nữa là buồn ba tháng nữa đó.

– Tôi trầm ngâm nhìn về phía xa.

– Tối nay bé Diệp ở lại kìa. Tranh thủ dứt khoát đi.

– Tôi quay qua nhìn nó, rồi nhìn lại phía chòi. Mấy đứa lục tục quét dọn lấy chỗ nghỉ trưa. Em ngồi tựa vào trụ tre nhỏ, ánh mắt xa xăm dịu vợi.

– Hết thì đằng nào cũng hết rồi. Nhưng vẫn phải là bạn. Cùng lớp, cùng học chung, không lơ nhau được đâu mi.

Thằng Thành với tôi thời đó vốn giống nhau nhiều thứ. Tôi thích thơ văn, nó cũng thích. Tôi thích tiểu thuyết, vào nhà tôi nó cũng đọc ngấu nghiến. Tôi giỏi đánh giá người khác, nó cũng chả tệ. Và tôi nghĩ câu chuyện theo chiều hướng nào, nó cũng y chang. Nó vừa nói ra tiếng lòng tôi mấy hôm nay. Rõ ràng, tình cảm của tôi và em, có lẽ còn rất nhiều, song, để có một kết thúc đẹp là điều không thể. Nhưng cả em và tôi, hai đứa cứ mãi buồn bã thế này hoàn toàn không hay ho gì. Phải sớm kết thúc nó. Nhưng kết thúc bằng cách nào, tôi chưa tìm ra cách.

Buổi chiều, mấy đứa lên rừng hoa khám phá, chụp ảnh, vui chơi. Thằng Minh còn tìm được một tổ chim cu đất với 3 con chim non bên trong. Nghe tôi nói để nó ở với mẹ nên không ai đụng vào. Tầm hơn 5 giờ, tôi nói bác tài sắp về, ai về thì ra xe.

Đến tối, còn đúng 18 đứa ở lại. Con gái có Diệp, Thùy Trang, Bảo Trâm, bé Mây, bé Thương với Ngân. Tôi chia cho các bạn nữ 2 lều, còn lại con trai bọn tôi 3 lều, xếp thành một hàng dài bên cạnh sân bóng. Phía sau lều, đi tầm 50m sẽ đến nhà vệ sinh. Bên phải là nhà hàng, bên trái là khu vực hồ nước, vậy nên tôi, ku Nhân, ku Liêm với ku Mạnh nằm lều này. Tiếp đến là Diệp, Thùy Trang, Ngân, rồi Mây, Thương, Bảo Trâm. Tiếp nữa là Thành, Danh, Tuyển, Sen. Cuối cùng là Đông, Sơn, Quang, Đức.

Tầm hơn 6 giờ, tôi gọi mấy đứa xuống nhà hàng lấy đồ ăn lên. Phần mình, rủ thêm ku Danh, tôi gom những viên đã cuội ven suối về để thành hình tròn nhỏ, sau đó đổ than vào rồi châm lửa.

Đó là một buổi tối tuyệt vời. Mỗi đứa 2 ống cơm lam, 2 cái bánh đậu được gói theo kiểu dân tộc Cơ Tu, 3 con gà nướng, ít thịt heo rừng. Vừa ăn uống, vừa thoải mái trò chuyện.

Ôi cái thời vô lo vô nghĩ, sao thấy cuộc sống tươi đẹp và thi vị đến thế chứ. Nếu có thêm cốc bia, chắc đêm đó sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều.

Thằng Nhân vút nhẹ dây đàn rồi êm ái gảy nhịp mà nó nói đâu là “ba lá rô”. Bọn tôi du dương theo giai điệu, nhắm mắt tận hưởng bầu không khí nên thơ ấy. Gió nhè nhẹ thổi, trăng treo đỉnh đầu, bếp than tí tách, nhìn sắc mặt em hồng hào bên bếp lửa sao dễ thương đến thế kia. Và càng nhìn, tôi lại càng chua chát trong tâm can.

Tiếc cho tôi! Tiếc cho người… Và cho bao yêu thương đã trao…

Bỗng trong một thoáng, em ngẩng mặt lên nhìn thẳng vào mắt tôi. Ánh nhìn như mong chờ, như khắc khoải… Và… tôi bỗng sa vào đôi mắt ấy. Tôi nhìn lại em như thuở đầu gặp gỡ. Tôi bỗng thấy em là cô gái từ quả thị bước ra. Tươi vui, tinh nghịch, dễ mến của năm nào… Tôi nghe trái tim mình loạn nhịp ân ái, đôi tai mình thánh thót dịu êm… Nhưng, trong tâm can tôi vẫn thì thầm lên tiếng: “Em là hoa đã có chủ. Tất cả chỉ là dối lừa…” Rồi, tôi lại nghe cảm xúc trong tôi òa nức nở. Dường như bao nhiêu kìm nén của một tháng dài vật lộn với nhớ nhung tiếc nuối bỗng chốc vỡ ra tại thời điểm này. Quay mặt thật nhanh cố ngăn dòng nước mắt sắp lưng tròng trên khóe, tôi đi vội về phía hồ nước bên con suối vẫn róc rách không ngừng. Những lúc thế này, tôi mới hiểu ra rằng, bên trong một thằng V đầy bản lĩnh là tâm hồn xúc cảm yếu đuối đến mong manh.

Tôi lặng thầm nghe gió hát, lặng thầm nghe suối reo, lặng thầm nhìn trăng tỏa. Rồi tôi bỗng nhớ đến câu thơ của Hàn Mạc Tử năm nào:
Đêm khuya có một gã khờ…

Ngắm trăng ngồi khóc trang thơ đời mình…

Ngâm thơ ngồi khóc cuộc tình…

Ngẫm tình ngồi khóc một mình dưới trăng…
Tôi bỗng bật ra thành tiếng nấc. Nức nở, nghẹn ngào, chua cay… Tôi đã từng phân vân, đó là sự thật. Nhưng tôi cũng từng hết lòng vì em, đó là chắc chắn.

Trong nhạt nhòa ánh mắt, tôi bỗng thấy ấm áp nơi gò má. Đôi môi em chạm nhẹ vào hồn tôi như cơn gió mùa hạ, cháy bỏng, rao rực… Rồi em khẽ nghiêng đầu tựa hẳn vào vai tôi. Tôi bỗng nghe tâm hồn mình nhẹ bẫng, nỗi đau được xoa dịu thật dịu dàng. Cảm xúc trong tôi lại mềm lòng, tôi để im như muốn được thỏa cơn mê, dù đó là cơn mê cuối cùng.

Trong giây lát, em ngồi thẳng dậy, ánh mắt cương nghị nhìn xuống mặt hồ loang loáng:

– Chúng ta là bạn… V nhé?!

– Không… – Tôi trả lời như phản xạ trong vô thức.

– Vậy… là gì đây V?

– Trong giây phút yếu lòng, tôi bỗng muốn ôm em thật chặt. Tôi bỗng muốn dành lấy em từ ai kia, tôi thì thầm khe khẽ – Diệp không được như vậy…

– Nhưng… Diệp đã như vậy mất rồi…

– Một lần nữa, tôi nghe lòng mình tan vỡ, em yêu ai kia nào có phải tôi đâu… – Diệp… tàn nhẫn với V quá…

Gió lay nhẹ những cành trúc phất phơ. Mặt hồ vẫn ánh lên thứ ánh sáng mê hoặc của trăng đêm. Làn tóc mai em bay nhè nhẹ trong gió thoảng. Những giọt nước mắt kia lại rơi. Đó là điều tôi chưa bao giờ làm được. Vì khi tôi khóc, tôi sẽ òa lên, còn em khóc, nước mắt chỉ rơi trong lặng lẽ…

Cứ như vậy. Hai chiếc bóng nhỏ bé bên nhau lẻ loi đến cô độc. Em đã chối từ lời níu kéo của tôi thêm một lần nữa. Và điều đó, đối với em, chắc cũng chẳng dễ dàng gì…

– Nếu có thể làm gì đó để V bớt đi buồn khổ…

– Diệp không đủ khả năng đâu, Diệp à! – Tôi cắt lời ngay khi em còn chưa nói hết.

– Diệp đủ… – em nói nghẹn ngào trong nước mắt.

– Đủ thế nào?

– Rồi V sẽ biết…

Nói xong, em đứng dậy quay lưng vào lều. Bỏ mặc tôi với bộn bề những suy nghĩ… Tôi đâu biết rằng đó là lần cuối…

Chương trước Chương tiếp
Loading...