Mùa hạ đầu tiên
Chương 47
Một buổi chiều nắng oi ả rải những sắc vàng rực rỡ vung vãi vào tận chiếc bàn gỗ trong phòng khách nhà tôi. Đang trần trùng trục mặc độc chiếc quần đùi ngồi nghĩ ngợi mớ công thức lượng giác khó nhằn sin cos, Phượng và Linh bước vào trong ánh mắt sửng sốt của cả ba. Thấy hai cô bạn đỏ mặt quay lưng, tôi mới lật đật lên tiếng “đợi V xíu, đợi V xíu” rồi phóng vào phòng mặc thêm cái áo thun với quần lửng.
– Hai bạn đến bất ngờ quá, trời hơi nóng… – Tôi vừa nói vừa cười gượng.
– Ngày nào ở nhà ông cũng vậy hả? – Linh cà khịa.
– Hehe. Trời nóng mà. Hai bạn ngồi xuống đây, V đi rót nước. – Vừa nói tôi vừa chỉ tay vào ghế rồi xuống bếp.
Sau khi đã yên vị và nhìn quanh quất một hồi, Linh hỏi tiếp:
– Tưởng ông học anh với Thương chứ? Hôm trước hỏi tui.
– À, Ờ… cũng định vậy mà có cô V cũng gần đây nên V ghé học cho gần. Hôm nay hai bạn đột ngột ghé chơi chắc có chuyện gì đó…
– Có chuyện mới ghé đây. Cả tháng không gặp ông cũng chả nhớ nhung gì ai nhỉ.
– Nhớ ai là ai? – Tôi buộc miệng rồi mới nhận ra mình lỡ lời.
– Thì ai biết là ai. Ông nhiều người để nhớ quá mà.
Thấy mặt tôi bắt đầu méo xệch, Phượng lên tiếng giải nguy:
– Phượng nghe nói V vẫn học toán cô Bảo Châu hả?
– Ừ Phượng, tại gần nhà, với cô dạy tốt mà.
– Phượng với Thương được cô xin cho học cô Bích Hường, cũng gần đây, vẫn 3 5 7…
– Bà nói lấy gì thì lấy nhanh đi, ngồi tám với ông này chỉ thấy ghét. – Linh chen ngang, dường như vẫn không thể bỏ qua cho tôi chuyện hôm nào.
– Ừ. Phượng tới lấy cuốn sổ. Để lâu quá rồi. – Em cười duyên.
Sực nhớ tới cuốn nhật ký chuyền tay. Tôi đã viết vô trong đó biết bao nhiêu là tâm sự vẫn chưa có dịp gửi lại. Hóa ra hôm nay Phượng ghé ngang để lấy. Chạy một mạch lên phòng đem xuống, thấy Linh đã ra khỏi cửa quay xe. Tôi nói nhỏ:
– V viết trong này hơi dài, mà đôi khi cảm xúc quá nên…
– Thôi Phượng về chứ để Linh đợi. Sắp học quân sự rồi, tầm tuần nữa thôi, lúc đó Phượng gửi lại nha.
Ra tiễn hai cô bạn đến tận đầu ngõ, tôi cũng chả biết mình nên vui hay nên buồn.
Cảm xúc trong tôi vẫn nhiệt thành thôi thúc tôi cố gắng làm tất cả để hướng đến những gì tôi ấp ủ. Nhưng lý trí vẫn điềm nhiên lôi cái tôi và lòng tự trọng cố hữu ra nhắc nhở tôi quay lưng. Tôi không quan tâm lắm đến việc mình bước thêm một bước sẽ nhận lại những điều gì. Thứ tôi quan tâm là liệu nên hay không nên bước bước chân đó.
Vì nếu không nên, tôi phải dứt khoát cởi bỏ hết những cảm xúc nghiêng ngả lúc được nhìn thấy em, gần bên em, để đừng bao giờ có một ngày nào đó, tôi bị cảm xúc chỉ dẫn đến những hành động dại khờ khác. Còn khi đã quyết định nên, tôi phải bỏ thời gian ra để suy nghĩ bước đi đó tôi sẽ bước như thế nào.
Xét cho cùng, tôi vẫn mông lung về nhiều thứ như lúc còn chênh vênh thuở nào. Nếu lúc trước tôi đau đầu về việc phải chọn ai thì bây giờ tôi lại đau đầu hơn về việc đối mặt hay quay lưng với mớ tình cảm trong chính con người mình. Ngày xưa tôi đã chọn người mà lẽ ra tôi không nên chọn… Vậy nên, nếu tôi tiếp tục sai lầm, những buồn bã sẽ còn bám vào tôi nhiều lắm…
Ngày 20/8 là ngày trường tôi bắt đầu xếp lớp. Thật ra hai chữ “xếp lớp” này nên dành cho mấy bạn học sinh lớp 10 mới vô trường để biết được mình được xếp vào lớp nào, giáo viên chủ nhiệm là ai, học chung với ai. Còn với thanh niên cuối cấp như bọn tôi, xếp lớp chỉ là buổi gặp gỡ lại bạn bè, đón giáo viên chủ nhiệm mới và nhận lịch học quân sự.
Thời đó chưa có các mạng xã hội như bây giờ. Máy tính có kết nối internet tại nhà như tôi cũng không nhiều. Điện thoại di động lại càng không. Nên ba tháng của mùa hè thực sự là ba tháng xa cách đến mệt mỏi nhớ nhung – đặc biệt với người đa sầu đa cảm là tôi đây. Vì vậy, buổi xếp lớp hôm đó, riêng về cá nhân tôi mà nói, nó vô cùng đáng quý.
Trải qua thêm một tuần mòn mỏi, cuối cùng ngày gặp gỡ cũng đến. Nhà tôi, nếu xét ra cũng gọi là có chút điều kiện nên quần áo tôi mặc năm nào cũng được mẹ mua mới. Mũ mới, giày mới, ba lô cũng mới nốt. Tôi tự tin hớn hở trên con xe trắng đen đến trường trong hơi gió sớm thoang thoảng cuối hè mơn man reo vui trên từng chùm Phượng Vỹ.
Năm nay cô Yến không chủ nhiệm lớp chúng tôi nữa mà chuyển qua thầy Châu. Dáng thầy hơi gầy, tóc đã bạc nhiều xõa lòa xòa quá tai. Đôi mắt lúc nào cũng hơi nhíu nhưng ánh nhìn còn tinh anh lắm. Cung cách và cử chỉ vừa nho nhã thư sinh, vừa lãng tử phong trần. Chắc lúc trẻ thầy cũng là một tay “tán thủ” cự phách.
Thầy dạy môn vật lí. Tính tình nhẹ nhàng và hiền lành. Không bắt cả lớp phải làm bản tự đánh giá như cô Yến nữa. Các chức vị trong lớp giữ nguyên như cũ. Chỗ ngồi thì cho lớp trưởng và lớp phó học tập tự sắp xếp. Lớp phó kỷ luật phải đảm bảo được trật tự của lớp. Thời gian học quân sự được bé Phương ghi ra cụ thể trên bảng cho cả lớp chép lại. Ngày khai giảng thử, khai giảng thật, rồi học buổi nào, thời khóa biểu ra sao… Đều được bé Phương phụ trách. Từ đầu chí cuối tuyệt không quan tâm đến bí thư của lớp là ai.
Tôi cũng chả quan tâm lắm. Chỉ mong kết thúc sớm buổi học để qua trước lớp 12/10 đợi gặp Thương. Mà suy tới tính lui, chắc có lẽ tôi chỉ đứng xa xa nhìn em cho thỏa đi phần nào nỗi nhớ thôi. Chứ đợi chờ, rồi sóng bước, rồi trò chuyện… tôi thật chẳng dám.
Có điều đó là suy nghĩ của tôi. Như bao lần tôi suy nghĩ đủ cả các thứ trong đầu nhưng đến khi xảy ra, mọi thứ vẫn chệch đi phần lớn. Như sáng hôm đó là một ví dụ. Khi buổi gặp mặt trao đổi kết thúc, tôi bước ra khỏi lớp, thấy Phượng đã tựa lan can đợi tự khi nào…
… Bạn đang đọc truyện Mùa hạ đầu tiên tại nguồn: http://truyen3x.xyz/mua-ha-dau-tien/
Trường tôi năm nào cũng dành ra một tuần đầu năm học để huấn luyện quân sự. Tùy theo yêu cầu của từng hạng mục khác nhau mà các anh hay các chú chỉ huy sẽ nói trước mấy thứ bọn tôi cần chuẩn bị. Lúc thì cây gậy, lúc thì quả lựu đạn gỗ… Mấy món đồ này trước đây chị tôi học cũng có chuẩn bị hết. Năm chị tôi ra trường cũng là năm tôi vô, vậy nên tôi được “thừa kế” lại toàn bộ.
Tuần học của bọn tôi bắt đầu từ ngày 25 – 29 tháng 8. Vì trường khá nhỏ, không có nhà thể chất riêng biệt, thành ra bọn tôi toàn học bên ngoài. Hồi đó phía trước trường có cái sân cát vàng óng rộng rãi tha hồ tập luyện. Sau này, nhà máy dệt Hòa Thọ lấy lại nên bọn tôi chuyển ra đường Lê Đại Hành, rồi đến sân Hướng Dương, cuối cùng chọn khu vực dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương bây giờ làm địa điểm tập trung.
Riêng về khoản quân sự này tôi thích cực. Thứ nhất là cả khối học cùng nhau nên nếu có cơ hội thể hiện điều gì sẽ được nhiều khán giả thưởng thức hơn, hoặc muốn ngắm mấy girl học khác buổi cũng được dịp phê pha. Thứ hai học cái này cũng khá nhàn, sáng 7h30 – 9h30, chiều 1h30 – 3h30, thời gian còn lại thể nào tụi khối lẻ cũng lân la qua rủ tôi đế chế, lại được chơi miễn phí. Cuối cùng, những buổi chiều học xong, tụi A2 hay rủ lớp khác đá bóng, tôi xin vào ké, thỏa mãn đam mê.
Hôm trước Phượng đợi tôi ở cửa lớp để gửi lại cuốn nhật ký. Nhà tôi và nhà Phượng cũng chung một quãng đường dài trước khi rẽ ra hai lối nên hai đứa về chung luôn, bất chấp tụi bạn ngày mai sẽ xì xào nọ kia.
Trên đoạn đường về hôm đó, khi hai đứa đang vui tươi trò chuyện, Phượng bỗng đề cập đến Diệp:
– V với Diệp sao tự nhiên không thân nữa vậy?
Ngớ người ra mất một lúc tôi mới chợt nhớ, hôm nay Diệp không tham gia xếp lớp. Thấy tôi cứ ngẩn ngơ không trả lời, Phượng hỏi tiếp:
– Đang suy nghĩ gì vậy V?
– Giật mình định thần lại tôi mới ậm ừ – À… V với Diệp… V với Diệp… V sẽ kể cho Phượng trong cuốn sổ nhé.
Không hiểu sao khi đối diện cô bạn này, tôi luôn có cảm giác tin tưởng như thân quen từ lâu lắm. Khác với sự dứt khoát đầy tự tin của Ly, dùng lời nói để len vào rồi xoa dịu, Phượng hay im lặng, đôi mày ngài cùng nụ cười hiền lành và đôi mắt luôn chăm chú, em mang lại sự tin tưởng khó cưỡng.
Tôi nhớ vóc dáng của Thương và muốn gặp em. Tôi cũng nhớ hình bóng của Diệp nhưng lại chẳng thiết tha gặp gỡ. Đó là lý do tại sao suốt buổi sáng nay tôi không nhận ra sự vắng mặt này. Ngày đó Diệp nói sẽ làm điều gì đó. Tôi chả quan tâm lắm. Bao nhiêu yêu thương tôi gửi cuối cùng như Trịnh Công Sơn thôi, gió đã cuốn đi hết.
Đến thứ hai tuần sau, ngày đầu tiên học quân sự tôi mới thấy Diệp trên chiếc xe điện màu đen quen thuộc. Không hiểu sao khi chạm vào dung nhan này lòng tôi bỗng thắt lại như bị một sợi dây vô hình quấn lấy và siết chặt. Trong bộ đồ thể dục màu mận chín, chiếc áo trắng tinh phẳng phiêu gọn gàng, mái tóc đuôi gà dài chấm lưng và nụ cười như đóa Hướng Dương cũ kỹ. Hình ảnh này đúng một năm trước mang vào lòng tôi bao trìu mến. Sau đó, khi nói chuyện cùng em, khiêu vũ cùng em, tôi nghe trái tim mình lạc nhịp. Thoáng trông thấy ánh nhìn sững sờ buồn bã từ đôi mắt của kẻ trai năm nào trao trọn đến em tình cảm chân thành tha thiết, em quay đi như hai người xa lạ.
– Nhìn con gái nhà người ta kỹ vậy V. – Thương lên tiếng từ phía sau khiến tôi giật mình quay lại.
Cái cảm giác đó, bây giờ đặt bút để viết ra, thật tôi cũng không biết nên viết sao cho thỏa. Nỗi lòng như tảng băng nghìn năm sắp hóa thạch, chạm vào ánh mắt lung linh kia bỗng tan ra như bọt biển. Tôi nghe lòng mình chợt dâng lên niềm hạnh phúc dạt dào. Niềm hạnh phúc giản đơn đến mức, chỉ cần được nhìn thấy thôi đã là quá đủ cho tháng ngày tương tư mòn mỏi, tháng ngày tôi chìm đắm trong nhớ thương chờ đợi. Trái tim đập nhanh hơn dường như khiến suy nghĩ trong tôi nhanh nhạy hẳn lên. Thương thấy tôi đang mãi nhìn Diệp. Thương chắc chắn biết chuyện của tôi và Diệp ngày trước. Nếu mọi thứ vẫn xảy ra như đã từng xảy ra, Thương sẽ không hỏi tôi câu kiểu như vừa rồi. Tôi mỉm cười thật nhẹ trả lời:
– Tưởng người quen nhưng hóa ra không phải.
– Vậy cho người lạ này làm người quen đi. – Em cười thật tươi và nhí nhảnh, đôi mắt cũng vì thế mà đỡ sâu, đỡ bao la hơn.
– Thương chưa bao giờ là người lạ…
– Thật không?
– Nhớ lại tán bằng lăng trong khu đảo nổi hôm nào, tôi bối rối – Thật. Dù hơi khó tin.
– Thương tin mà.
Nghe lời này từ em, trong lòng tôi lại dâng lên bao tội lỗi, bao cắn rứt. Hít một hơi thật sâu rồi thở dài cố gắng kìm nén cảm xúc, tôi cười buồn:
– Thương đừng chọc V nữa mà. Sắp vô học rồi, lát rảnh mình đi ăn chè nha.
– Lát Thương bận rồi. Mai thì được.
– Vậy mai nha.
– Ok V.
Nói xong em quay lưng về lớp. Ở phía sau, tụi bạn nhảy lên choàng vai bá cổ tôi:
– Đào hoa quá bạn ơi. – Ku Danh tỏ vẻ ngưỡng mộ.
– Lắm mối tối nằm không. – Ku Thành tỏ vẻ am hiểu.
– Tụi A2 rủ lát đế chế kìa V. – Thằng King thông báo lịch giao hữu.
Sáng đó vừa kết thúc buổi học, Phượng qua khu lớp tôi:
– V về hay đi đâu nữa không?
– V ra net với tụi bạn tí. Sao vậy Phượng?
– Định rủ V về chung. Thôi V chơi đi.
Tôi cười chào rồi ngập ngừng quay đi. Khi nãy Phượng đứng gần Thương, chắc Phượng nghe tôi rủ Thương ăn chè, vậy nên đinh ninh tôi rảnh, Phượng qua đợi tôi về cùng. Ai dè, tôi sẵn sàng từ bỏ buổi game để có thể ngồi cùng Thương chứ không bỏ chi phí cơ hội tương tự ra khi về bên Phượng. Nghĩ đến đây, tôi bỗng thấy hơi ngượng ngùng trong tâm can.
Chiều hôm đó, khi bé Phương điểm danh lớp rồi sắp xếp đội hình chữ U quanh khu vực bệ súng, tình cờ thế nào tôi ngồi ngay cạnh Diệp. Thôi thì cũng là bạn, lại là bí thư của lớp, nén cảm xúc đang ồn ả trong lồng ngực, tôi lên tiếng chào em. Đâu ngờ em chỉ nhìn lại, rồi nheo mắt, xong quay đi. Tuyệt không một lời hồi đáp.
Tôi nghe lòng mình đắng ngét… Nhưng càng nghĩ, càng thấy như vậy lại tốt. Chẳng thà cứ dứt khoát đi, còn hơn mãi dây dưa ngày tháng đọa đày, câu chuyện chỉ thêm phần bi kịch. Có điều, em đủ bản lĩnh để làm vậy, còn trong tình cảm của mình, tôi không tài nào làm được điều đó. Trâm của ngày xưa rất cũ, Minh của quá khứ nhẹ nhàng, và bây giờ là em, tôi chẳng thể nào một tay gạt đi hết cảm xúc rất thật, rất chân thành của thằng nhóc dại khờ năm xưa đã đem trao một cách vội vã.
Ngồi tư lự buồn bã đến giờ giải lao, thằng Giang Nam bên A2 qua rủ lớp tôi đá bóng. Hơi ngạc nhiên, tôi đính chính lại:
– Mi rủ lớp ta hả? Lớp ta ai đá?
– Khi nãy ta nghe thằng Danh lớp mi hỏi đá nên ta qua rủ thử.
– Ok. Vậy đợi ta chút.
Thật ra lớp tôi không phải không có nhân tài, chỉ là tôi chưa có thời gian gom về một mối. Đặc biệt, từ dạo thằng Thành gãy tay rồi thằng Vỹ choảng nhau với đội bạn lúc mới vô lớp 10, tôi đâm ra hơi ngại việc “cọ xát”. Sau đó bẵng luôn, chưa bao giờ suy tính kỹ về việc này. Hôm nay ngồi đây mãi thơ thẫn cũng chỉ buồn thêm, tôi bắt đầu lọc ra đội hình.
Tướng tá mấy thằng lớp tôi thì toàn lèo khèo. Được mỗi ku Mạnh với ku Danh. Thằng Minh thằng Đông hơi ốm nhưng nhìn cũng được được. Còn lại như Liêm, Thành, Tuyển, Sen, Nhân, King… Toàn cò ma với sếu vườn. Ku Hoàng thì đô đô nhưng lùn quá. Nghĩ ngợi giây lát tôi gọi to tụi bạn lại.
– Mi rủ tụi A2 đá bóng hả Danh?
– Ừ. Lớp nó ỷ toàn tuyển của trường rồi ngông nghênh, tao a cay quá.
– Biết toàn tuyển của trường mà cũng rủ?
– Mi sợ thua hả? Ta đảm bảo cân team.
Nghe nó nói tôi cũng hơi vững dạ. Trong lớp, anh em thế nào tôi chưa giao lưu nên chưa nắm rõ lắm. Chỉ có ku Liêm gần nhà, lúc rảnh rỗi vẫn hay cùng tôi đá ở sân ruộng gần lò mổ nên biết rõ hơn. Nó tuy ốm nhưng dài đòn, biết dùng thế, lại khôn banh, hậu vệ cứ gọi là chuẩn. Chỉ tiếc tính cách hơi ngại va chạm, hay tự ti trước đối thủ. Chẳng sao, có tôi bên cạnh kết hợp, vừa truyền tự tin, vừa bọc lót nhau, bên dưới tạm yên tâm. Nếu có tuyến giữa vững vàng, trước mắt sẽ không thua. Ku Danh bảo gánh team, tôi nỡ lòng nào phụ lòng nó, gật đầu cái rẹt. Chơi thì chơi thôi, anh em cứ đá, tiền độ tao lo!