Mùa hạ đầu tiên

Chương 62



Phần 62

Chú Thành đến nhà tôi vào một buổi sáng, bên trên là những tiếng chim ca ríu rít đón chào ngày mới, còn bên dưới lại chình ình khuôn mặt vừa thiếu ngủ, vừa thiểu não, vừa u sầu… của tôi.

Suốt 3 ngày qua tôi nằm miên man bao nhiêu là suy nghĩ để có thể một lần nữa được nắm lấy đôi bàn tay kia. Cho đến hôm nay, ông chú đem đến cho tôi cơ hội nắm tay, nhưng lại với đôi bàn tay khác.

Sắp tới có hội trại học sinh, sinh viên thành phố ở khu Nghĩa Trũng, con có tham gia với trường không?

Hội trại này hôm trước đi họp tôi có nghe nhưng diễn ra vào thứ 5 và thứ 6 nhằm kỷ niệm ngày học sinh, sinh viên nên chỉ mấy bạn bí thư khối 10, 11 đại diện đi cho trường, còn khối 12 như bọn tôi được ưu ái để dành thời gian ôn luyện. Nhớ tới đây tôi ủ rũ trả lời:

– Dạ không chú ơi. Trường con chỉ có khối 10 và 11 đi thôi. 12 Ở nhà ôn thi.

– Vậy tốt rồi. Thứ 5 học xong dẫn bé Diệp ghé qua trại Phường mình chơi.

– Nghe tới “dẫn bé Diệp” là tôi thấy có biến ngay nên hỏi luôn – Ủa, có thi thố gì hả chú?

– Ừ. Tối đó thi đôi nhảy đẹp, Phường không có ai, con với bé Diệp qua thi giùm chú nghe.

Tôi đơ ra mất mấy phút. Nếu xét ra trong lĩnh vực nhảy nhót này, dù tôi với Diệp có nhảy đẹp thế nào đi nữa, chú tôi vẫn là bậc thầy. Hơn nữa, chú với chị Giang từng thi khiêu vũ cấp thành phố, rồi có đợt thi huấn luyện viên Quốc Gia trên Tây Nguyên cũng được giải gì đó, sao tự nhiên lại nhờ đến mình cơ chứ. Với cả… với cả mình và Diệp lại đang…

– Sao chú với chị Giang không thi ạ?

– Chị Giang thuộc biên chế trại chỉ huy nên không được tham gia. Với trại này dành cho lứa tuổi học sinh sinh viên, con với bé Diệp chuẩn bị đi nhé, nhảy như hôm thanh lịch là chắc chắn có giải. Chiều thứ 5 con nhé.

Tôi chả kịp trả lời. Mà ông chú cũng chẳng đợi tôi trả vốn trả lãi gì hết. Cứ “thế nhé” rồi tót lên xe đi mất. Quay vào trong nhà, đầu óc tôi lại rối bời hơn nữa. Tôi với Diệp trong đợt thi năm ngoái đã nhờ chú rất nhiều. Sau này tới hội trại cũng nhờ chú lên tập thêm. Rồi cả trang điểm, trang phục, âm nhạc… chú cũng đi theo giúp đỡ từng li từng tí cho hai đứa đệ tử ra múa may quay cuồng. Nay chú nhờ giúp lại có chút việc này lẽ nào lại từ chối, đó là điều không thể. Cơ mà nếu không từ chối, vậy đồng ý là đồng ý thế nào đây? Giúp thế nào đây… Đã bao lâu rồi tôi không nói chuyện với em. Hoặc giả như có nói cũng chỉ chớp nhoáng 1, 2 câu hỏi thăm kiểu xã giao.

Từ lần tôi bế em xuống phòng y tế, cả hai cũng chả chút cảm ơn xin lỗi gì… Hơn nữa, giả như tôi và em đồng ý giúp chú, rồi chuyện này đến tai Thương, mọi thứ sẽ thành ra thế nào? Tôi và Thương có thể nói chỉ mới… “chia tay” cách đây đúng hai hôm. Bây giờ, dù tôi với Diệp thật sự chả có gì với nhau, nhưng ai hiểu cho điều đó? Rồi Thương sẽ nghĩ gì về tôi? Linh sẽ nghĩ gì về tôi? Cả Phượng nữa, Phượng sẽ cho tôi là người thế nào? Rốt cuộc đồng ý giúp cũng không được.

Vác bộ mặt như đưa đám, tôi phờ phạc lên ăn vội bát cơm rồi đeo cặp tới trường.

Đường đến trường bữa nay đối với tôi trở nên xa cách và trống trải đến lạ. Từ ngày không còn qua đưa em đi học tôi cứ cảm thấy như phần hồn trong mình trở nên rời rạc và thiếu sức sống đến ngả nghiêng. Những buổi giải lao, những giờ nghỉ giữa tiết, việc duy nhất tôi làm trong chừng đó thời gian là ra lan can nhìn về phía lớp ấy. Có lúc thấy đôi mắt biếc đó, tà áo dài nhẹ nhàng, thanh thoát, đôi tay gầy ôm cuốn tập ngang ngực áo, và đôi kính… Hôm nay lại thấy đôi kính đó… lẽ chăng em lại buồn đến thế sao…

Tôi cố dặn mình phải đứng vững, phải tỉnh táo để nhìn ra con đường phía trước. Phải lựa chọn và nhanh chóng quyết định. Nhưng có lẽ việc này đang quá sức. Tôi thật sự cảm thấy bế tắc. Quay vô lớp, tôi nằm dài trên bàn ra chiều mệt mỏi lắm…

Ngày mai V có định giúp chú không?

Giọng nói vừa nhẹ nhàng, vừa quen thuộc, vừa êm dịu vang lên bên tai. Tôi giật mình ngẩng lên nhìn. Chiếc nhẫn đá đen tuyền, tóc đuôi gà sau gáy, khuôn mặt hơi xanh xao nhưng ánh nhìn vẫn đầy ấm áp.

– Hả?! – Tôi bất chợt ú ớ.

– Hôm qua chú điện thoại nhờ Diệp mai giúp chú thi đôi nhảy đẹp, chú bảo là nói V rồi?!

– Sững người ra gần 10 giây, bao nhiêu suy nghĩ đắn đo chạy qua trong đoạn cân nhắc ngắn ngủi này, rồi như đồng hồ vừa báo hết giờ, tôi gật đầu vội vã trong mớ suy tư hỗn loạn không lối thoát.

– Vậy mình phải tập lại một chút mai mới diễn được chứ, phải không?

– Ờ… tập… tất nhiên rồi.

– Vậy mai học xong 2 tiết Diệp lên nhà V tập lại nhé.

– Ừ. Mai nhé!

Tôi trả lời và gật đầu như cái máy. Phải giúp, chắc chắn phải giúp chú. Còn những chuyện khác, từ từ rồi sẽ có cách cho tất cả. Tôi nghĩ bừa ra vậy, đằng nào cũng chẳng có đường lùi.

Thấy em quay lưng về lại phía chỗ ngồi, lòng tôi lại chợt nao nao những cảm xúc ngày đó. Chính xác là những cảm xúc ấy chưa bao giờ nguội lạnh, chỉ tạm ngủ yên ở nơi nào đó trong sâu thẳm, rồi nó chờ ngày được đánh thức, vươn vai và hai cánh tay lên cấu vào lòng tôi những phát đau điếng…

– Khi nãy bé Diệp nói gì với mi vậy? – Ngồi đối diện nhau trước tô hủ tiếu nóng hổi nghi ngút khói, thằng Thành lên tiếng hỏi.

– Mím nhẹ đôi môi, tôi tỏ vẻ suy tư – Tụi ta sắp thi đôi nhảy đẹp.

– Gắp đôi đũa chưa kịp đưa vô miệng nó thả bịch xuống ngạc nhiên – Cái gì?

– Thì thi nhảy đẹp, vậy đó.

– Bé Thương nó tán vỡ mồm à.

– Chia tay rồi… – tôi buồn bã.

– Lại chưa kịp ăn đũa đầu tiên, nó buông thõng – Cái gì nữa?

– Thì… xong rồi… – tôi thở dài.

– Mi điên…

– Ừ. Ta đang điên đây!

– … – nó ra vẻ tiu nghỉu không biết nói gì tiếp.

– Nhưng ta sẽ tìm cách nối lại.

– Nối cái búa. Tìm cách nối lại bằng việc đi thi đôi nhảy đẹp với người cũ hả?

– Cái thế nó nằm trên cái ghế rồi mi ơi. Chú Thành nhờ giúp đi thi cho Phường ở trại thành phố, bé Diệp cũng đồng ý rồi. Giờ làm thế nào? Mi có cách nào từ chối không nói ta đi.

– … – Nó lại ra chiều suy tư… – Đúng là khó thật, nhưng…

– Ta nghĩ rồi. Cố gắng không cho người khác biết thôi.

– Mà trường mình không tham gia trại đó à?

– Tôi giật mình – Uhmmm… có…

– Vậy làm sao không cho người khác biết?

Tới đoạn này tôi tắc tị. Thật sự mà nói, việc “không cho người khác biết đó” giống như kiểu giả mù qua mưa vậy. Nói là tôi không thấy mưa nên không biết có mưa, nhưng bị ướt thì chả thể dấu đi đâu được.

Một sáng thứ năm tràn đầy không khí tết sớm. Nắng vàng trải dài trên khắp mặt đường, sân trường, lăn vào cả khu lớp học. Tiết trời sáng sớm trong lành và se lạnh làm lồng ngực tôi ăm ắp những bồi hồi. Tôi không biết mình có đợi chờ giây phút sắp tới hay không, nhưng tôi không thể phủ nhận hôm nay tôi ít buồn hơn hôm qua. Và vẫn câu nói đã rất cũ, nỗi buồn sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều nếu có một người con gái bước đến cố xoa dịu nó.

Tôi thấy ánh mắt em dường như lấp lánh hơn thường ngày. Tôi thấy đôi gò má em ửng hồng và nụ cười em tỏa nắng. Tôi thấy tà áo trắng trở nên tươi hơn, thắm hơn, sáng hơn, tinh khôi hơn. Cứ như cậu bé xa quê lâu ngày được về gặp lại ông bà, thấy cây cà ra hoa, cây cúc chớm nụ, thấy đàn gà cục tác và mấy con chó xúm xít vẫy đuôi. Cảm giác gì đó của ngày xưa như sắp trở lại, dù chỉ là ghé thăm rồi biền biệt. Cảm giác được chạm đến chứ không được âu yếm, mân mê. Cảm giác của dở dang chứ không phải no say, trọn vẹn… Tất cả, hòa quyện thêm không gian, thời gian, thêm hương đầu mùa và màu trời dịu nhẹ, tôi chợt thấy mông lung, thấy tung tẩy…

Ít phút sau. Tiếng nhạc trong dàn âm ly nhà tôi vang lên nhè nhẹ. Mẹ tôi và em đang đứng trò chuyện gì đó có vẻ rất vui tươi. Tôi thấy em cười nhiều. Nụ cười rất quen thuộc nhưng cũng rất xa lạ bởi từ dạo ấy, từ dạo bên bờ suối tới bây giờ tôi đã không còn bắt gặp nó nữa.

Rồi thật nhẹ nhàng, đầy gượng gạo, đầy những ngại ngùng. Em một đầu ghế, tôi một đầu ghế, trên chiếc sa – lông đen bóng ánh lên màu nắng. Điệu nhạc như kéo những cảm xúc ngày xưa về hiện tại. Như kéo hai người quen xa lạ về bên nhau. Như thôi thúc, như đẩy đưa, như ngọt ngào vị cà phê sáng sớm, như dìu dắt đôi tim rộn ràng… Tôi đứng dậy đi về phía giữa phòng khách. Em cũng bước đến, bẽn lẽn, ngập ngừng, đưa đôi tay mảnh mai trắng muốt ra. Tôi nắm lấy đôi tay như nắm lấy và kéo về cả quãng trời ký ức đầy tươi đẹp. Nhẹ nhàng quàng ra phía sau chiếc eo nhỏ nhắn xinh xinh.

Tiếng nhạc Rumba lại vang lên dồn dập. Tôi thấy Diệp nhắm mắt. Tôi thấy Thương nhắm mắt. Tôi thấy tôi cũng nhắm mắt. Hơi thở trở nên gấp gáp. Tôi lại thấy tôi chênh vênh trên chiếc cầu giữa dòng nước xiết. Tôi đang ôm trong tay một người con gái. Đôi lúc tôi mong mỏi đó là mắt biếc của tôi. Đôi lúc tôi lại muốn trở về với hiện thực của đóa Hướng Dương đầy nắng. Tiếng gọi của xúc cảm khiến tôi bồng bềnh…

– Sao lâu nay Diệp buồn vậy…

– … em vẫn im lặng dập dìu theo tiếng nhạc.

– V thấy dạo này Diệp xanh xao lắm.

– … em vẫn cứ thế lặng yên…

– Diệp không có gì để nói với V sao?

Đôi mắt em vẫn nhắm hờ du dương theo tiếng nhạc trầm bổng, theo đôi chân tôi bước và đôi tay tôi nâng. Môi em mím chặt hơn… Rồi em bỗng kéo tôi dần về phía em, mà có lẽ chính xác hơn là hai đứa đang hướng về phía nhau. Mọi cảm xúc, mọi suy tư, mọi cân nhắc, mọi quá khứ và tương lai bị gạt hết sang một bên. Chỉ còn lại hiện tại với đôi tay run nhè nhẹ. Với tiếng thở gấp gáp càng gấp gáp hơn. Với đôi trái tim non đập binh binh từng nhịp. Tôi nghe thấy lồng ngực mình như sắp vỡ. Và cũng nghe cả tiếng con tim em phập phồng. Hai bờ môi trong thoáng hờ hững bỗng tìm thấy và chạm đến nhau như cơn gió mùa xuân mơn man trên những cành lộc biếc.

Cảm giác ngọt lịm như đường non mật mía, ấm áp như bếp củi lò than, hòa quyện như tro tàn gió thoảng, vang vọng như tiếng cười con trẻ, nức nở như than thở bồi hồi, say đắm như hương trầm men một, quấn quýt như sóng cát vờn nhau…

Tôi bỡ ngỡ, em say sưa, tôi chìm đắm, em mải mê…

Không gian và thời gian trở nên im bặt. Chiếc loa máy như chàng nghệ sĩ dương cầm tài hoa đang kéo những khúc tình ái ma mị đến ngất ngây. Rồi cũng chẳng biết bao lâu cho những suy tư đi lạc được trở về. Cho những cân nhắc chọn lựa được quay lại. Thật chậm rãi, thật nhẹ nhàng, hai đôi mắt từ từ mở ra và tìm về với bản ngã. Bài nhạc cũng chợt hết cho không gian trở nên lắng lại. Hai đôi tay từ từ buông ra…

Em đã có rồi…

Em đã có rồi anh chẳng tin!

Nên có lúc anh ước thành ngọn gió…

Gửi cho em ngàn lời yêu thương đó…

Dẫu dửng dưng vẫn quấn quýt bên người…

Em đã có rồi, anh chẳng dám tin.

Lúc ánh mắt em trao anh ngọng nghịu…

Anh nhận lấy chẳng biết rằng vẫn thiếu…

… ánh mắt bình thường lại tưởng lắm yêu thương…

Em đã có rồi, anh chẳng muốn tin…

Khi phượng đỏ giữa hoàng hôn màu tím…

Ráng chiều vỡ nói đôi lời im lặng…

Anh ngồi buồn mưa hạ khóc giùm anh…

Em đã có rồi – anh đã tin em!

Em bảo nhớ thương chỉ còn là hoài niệm…

Em bảo anh cũng đừng hoài tìm kiếm…

Chút tình yêu giữa tình bạn ngọt ngào…

Em đã có rồi và em nói sẽ quên.

Nhưng em ơi tình yêu là tất cả…

Anh cũng thế, và em, em cũng vậy…

Cố quên rồi… nỗi nhớ… lại vờn lên…

NPV – 06012009

Đó là ngày tôi tạm gác lại những trăn trở, những nghĩ suy cho bề bộn cảm xúc tình ái ở phía trước. Nếu ai cũng lắng nghe theo con tim yếu mềm, có lẽ khổ đau sẽ tràn đầy thế gian này mất. Tôi vừa làm gì, tôi hiểu rất rõ. Em vừa làm gì, có lẽ em cũng chả thể quên. Nhưng tất cả là tại điều gì và vì điều gì? Người tôi thích, người tôi yêu là Thương kia mà. Tôi đang làm gì thế này? Còn em nữa. Điều gì đang xảy ra??? Tôi chẳng đắn đo nặng nề nữa. Chuyện gì đến, nó sẽ đến.

Đêm đó, sau buổi diễn, tôi và em lang thang trên hành lang bên bờ hồ của công viên thanh niên thành phố. Cái lạnh buổi đêm khiến đôi chân tôi và em gần nhau hơn. Đôi tay tôi và em cũng vì thế mà chia sẻ với nhau những hơi ấm.

– Diệp. Nói V nghe đi, chuyện gì đang diễn ra vậy???

– …

– Sao Diệp lại im lặng? V cảm giác là đang có chuyện gì đó.

– …

Vẫn không một lời nào. Không gian trong tiếng dương cầm của mấy chú dế trở nên đầy thi vị. Em quay sang, đưa đôi tay ôm tôi thật chặt và khóc nức nở… nức nở…

Chương trước Chương tiếp
Loading...