Mùa nước nổi

Chương 102



Phần 102

Bỏ lại Hà Nội sau lưng, Nghĩa về quê. Lần này là về quê một cách thực sự chứ không phải về chơi. Hành trang mang về chính là hoài bão xây dựng quê hương, chính là thực hiện ước mơ từ thủa nhỏ của mình là được trồng thật nhiều loại cây trên vùng đất bãi bên sườn con sông Hồng thơ mộng mà cậu gắn bó cả tuổi thơ.

Nghĩa về trước chị Nhài vì chị phải làm ở shop chắc đến 30 Tết mới về được. Thủy Tiên vẫn không về nên shop Trọng Thủy một tay chị Nhài quán xuyến. Tất nhiên, nó không phát triển rực rỡ giống như hồi Thủy Tiên còn quản lý, nhưng vẫn có lãi đều vì lợi thế vị trí là độc tôn của chợ Đồng Xuân. Chị Nhài mặc dù có cố gắng hết sức, nhưng nói gì thì nói, cái chuyện kinh doanh buôn bán ở chợ Đồng Xuân không phải cứ cố gắng mà được, nó là bản năng, là huyết thống, là sự nhạy cảm mà không phải học sẽ thành. Chị Nhài bản chất vẫn là một thôn nữ từ nông thôn bước ra thành phố, mộc mạc, chân chất và hiền lành. Cũng may, cô Cẩm Tú ở trên tầng 2 xuống bảo ban thường xuyên, gặp chuyện gì khó, khúc mắc cũng đều một tay cô giải quyết êm xuôi.

Trở lại với Nghĩa, về quê bằng chiếc xe máy Wave tàu mà cậu mua cách đây mấy năm, trên xe chằng buộc đủ thứ nhưng nhiều nhất vẫn là một hòm sách về kinh tế và nông nghiệp mà cậu đã tích góp mấy năm trời, kiến thức giờ tất nhiên nằm trong đầu cả, nhưng sách thì vẫn là thứ mà Nghĩa quý, không muốn bỏ đi tẹo nào. Ngoài ra còn một cái balo bộ đội của chú Lãm cho ngày cậu lên đường về thành phố cách đây 4 năm.

Đường đê mới được làm lại, tốt hơn ngày xưa rất nhiều nhưng cũng không phải là đẹp lắm, đường nhựa mới trải chưa được bao lâu nhưng những ổ gà, ổ voi đã xuất hiện. Tuy nhiên, với một người xa quê như Nghĩa, con đường đê luôn luôn đẹp và thơ mộng. Nó uốn lượn theo dòng chảy của con sông Hồng phía xa, một bên bờ đê phía sông là rặng tre chống lụt, một bên là triền để cỏ mọc xanh rì, những chú bò nhởn nhơ gặm cỏ non.

Gần về đến nhà, cảm giác hồi hộp đan xen nhớ nhung làm lòng Nghĩa chộn rộn. Trời chưa tối hẳn nhưng cũng đã là chiều muộn, mùa đông, không có ánh nắng rực rỡ của buổi hoàng hôn, lúc mặt trời lặn phía bên kia sông. Nghĩa dừng xe cách cửa khẩu vào xóm Bãi một đoạn, đúng chỗ bụi tre già, nơi mà hồi còn là học sinh cấp III, cậu và Trang hay ‘hẹn hò’.

Nghĩa để mắt mình nhìn xa, nhìn dòng sông Hồng. Mặc kệ nắng cũng như mưa, hè cũng như đông, sáng cũng như tối, dòng sông Hồng đỏ ục phù sa vẫn lững lờ trôi chầm chậm, vài con tàu hàng nhả khói trắng mờ ở đầu tàu phả lên trời cao. Ở dưới cuối tàu, khói bếp màu đen hơn cũng tỏa lên trời, những người sống trên tàu đang chuẩn bị bữa cơm tối chăng?

Nghĩa nhìn về vùng đất bãi nhà mình, không khó để cậu nhận ra mái nhà mình, cậu có thể đọc ra nóc nhà này của nhà ai, nóc nhà này của nhà nào? Bởi mọi thứ bây giờ so với cách đây 4 năm có thay đổi là bao nhiêu đâu. Có chăng giờ hầu như mỗi nóc nhà đều có thêm một cột ăng ten tivi quay đầu về phía Hà Nội, nơi đặt trạm phát tín hiệu.

Bình yên đến lạ, khói từ những căn bếp nhỏ lợp rơm, lợp lá tỏa ra theo gió bay lên trời cao mà nhìn xa xa như những làn sương mỏng từ dưới đất bay lên. Giờ này, chắc nhiều nhà đang đun bánh chưng, đang nấu cơm tối. Ở quê ăn Tết sớm và hết Tết cũng muộn. Họ thường ăn Tết bắt đầu từ ngày ông Công ông Táo hăm ba tháng Chạp.

Xen giữa các ngôi nhà vẫn là những mảnh ruộng ngô, ruộng khoai, ruộng dưa chuột, ruộng rau. Mỗi nhà trồng một loại, không nhà nào giống nhà nào. Vẫn là cách canh tác manh mún, mạnh ai người nấy làm như hồi xưa.

Không biết Nghĩa có làm được không? Là sẽ biến cánh đồng bãi quê mình thành một vùng sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chưa nghĩ đến việc xa xôi là làm cho những người nông dân quê mình thành giàu có, thành những ông chủ bà chủ mà chỉ đơn giản là để cho cuộc sống bớt đi khổ cực, thay những căn nhà tạm lợp mái pro mỗi khi mưa to gió lớn là giột lỗ chỗ kia bằng căn nhà mái bằng bê tông cốt thép kiên cố. Để cho những đứa trẻ trong xóm bãi không đứa nào phải bỏ học giữa chừng vì lý do tiền bạc. Ôi, biết bao dự định phía trước, biết bao công việc, khó khăn, chông gai còn đợi Nghĩa trước mắt, không biết Nghĩa có thực hiện được không?

Bạn đang đọc truyện Mùa nước nổi tại nguồn: http://truyen3x.xyz/mua-nuoc-noi/

Khi Nghĩa đỗ xe máy ở sân nhà, cảnh tượng trước mắt làm cậu thấy ấm lòng, thực sự ấm lòng. Mẹ đang ngồi lau từng chiếc lá dong. Chú Lãm đang gói bánh chưng. Ở giữa là một cái nia, là nơi thao tác gói bánh, trong nia có lá dong mà cô Tươi lau xong thì để vào, một túm lạt tre để buộc bánh. Ở bên cạnh là một thúng gạo nếp trắng phau đã được ngâm trong nước vài giờ cho nó hơi nở nở ra một chút, một xoong đậu vàng ươm, một nồi thịt ba chỉ ướp hạt tiêu. Chưa hết đâu, một cái nồi gang rất to ở bên cạnh, đáy nồi lót cọng lá dong để khi đun bánh chưng không bị dính xuống đáy nồi. Bên trong nồi đã có vài chiếc bánh xanh mượt, vuông vức rồi.

– Mẹ! Chú Lãm! Con về rồi ạ.

Cô Tươi ngừng tay lau lá đứng dậy chạy ra chỗ xe máy của con, cô sợ xe đổ vì Nghĩa chở nhiều đồ quá, những thứ đồ sách vở quần áo chằng ở phía sau như tôi đã kể vừa nãy rồi, còn đằng trước còn buộc thêm những túi quà Tết mà chị Nhài đã chuẩn bị cho Nghĩa mang về trước rồi.

– Cha bố nhà anh, sao về muộn thế!

Chú Lãm không đứng dậy, nhưng chú cũng ngừng tay gói bánh mà ngẩng mặt lên nhìn Nghĩa, lấy ống tay áo lau giọt mồ hôi lấm tấm trên trán:

– “Nghĩa về rồi à?”, Chú cũng định hỏi xem Nhài, con gái chú sao chưa về, nhưng nghĩ thấy ngại nên thôi.

Nhưng mẹ Tươi thì thay chú hỏi việc đó:

– Ơ, sao cái Nhài không về cùng con.

Nghĩa phải dựng cái chân chống giữa xe lên, chứ dựng chân chống phụ chắc đổ xe mất:

– Chị phải 30 mới về vì còn bận bán hàng mẹ ạ. Mẹ và chú đang gói bánh chưng ạ? Cho con làm với. Lâu rồi con không gói bánh chưng.

– “Cũng định đợi anh về rồi gói, nhưng chờ mãi không được đành phải gói trước đấy, gói để còn kịp đun đến sáng mai vớt là vừa”, cô Tươi vừa nói vừa phụ con trai chất đồ xuống xe.

Khi mọi thứ đã được cất vào bên trong, Nghĩa mang ra sân hai cái túi bìa cứng trang trí rất đẹp, cậu ngồi xuống cái ghế con bên cạnh nia gói bánh chưng, rồi đưa cho mẹ một túi:

– Mẹ, đây là bộ quần áo dài chị Nhài mua cho mẹ. Để mẹ mặc Tết.

Cô Tươi thẹn thùng đón lấy cái túi mà Nghĩa đưa cho, hầu như đa số các ông bố bà mẹ trên đời này khi nhận quà của con thì đều nói một câu hay sao ấy, vừa thò tay vào trong túi lôi bộ quần áo dài màu trắng tinh ra, cô Tươi vừa nói:

– Mẹ có đi đâu đâu mà mua áo dài làm gì. Lại tốn kém ra, hai đứa làm được bao nhiêu tiền đâu mà mua với bán.

Nói thì nói ra miệng vậy thôi, nhưng cô Tươi đã sụt sịt rồi đấy, có người mẹ người cha nào khi nhận quà Tết của các con mà không xúc động cơ chứ. Vật chất không phải là vấn đề mà cô cũng như nhiều ông bố bà mẹ khác để ý nhiều, cái làm cho họ xúc động chính là sự quan tâm của con cái dành cho mình, nhất là những ngày Tết đến Xuân về.

Cô ấp cái áo vào ngực giống như ấp chính đứa con gái của mình vậy, rồi cô quay đi để tránh không cho 2 người đàn ông nhìn thấy đôi mắt mình đỏ hoe, một lúc sau cô với nói vọng lại:

– Để mẹ mặc đi họp hội phụ nữ cũng được.

Người quê, ít được trưng diện lắm, người quê ít có dịp được ăn mặc đẹp lắm. Trong tiềm thức của họ, việc mặc đẹp ra đường cũng ngại, vì sợ mọi người đánh giá là thế này thế nọ. Hây zà!

Vẫn còn một túi quà trên tay, Nghĩa nhìn chú Lãm một hồi, thấy chú không ngẩng mặt lên mà cúi đầu xuống cái nia, tay thoăn thoắt gói gói buộc buộc. Chú chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có quà, nhất là từ Nhài.

– Chú Lãm!

Hơi dừng động tác một chút vì nghe thấy Nghĩa gọi tên mình, rồi chú lại tiếp tục công việc gói bánh. Nghĩa phải gọi lần thứ 2, lần này gọi to hơn một chút để khẳng định cho chú biết là cậu chủ định nói với chú:

– Chú Lãm!

Chú không gói bánh nữa, ngồi thẳng lưng dậy nhìn Nghĩa, chú không dám nhìn vào túi quà trên tay Nghĩa, bởi biết nó sẽ chẳng là của mình.

Nghĩa đưa túi quà về phía chú:

– Còn đây là của chị Nhài mua, nhờ cháu mang về biếu chú.

Chú Lãm còn chửa tin những lời mình vừa nghe thấy là sự thật, hồi chú còn bé tí, một vài tuổi gì đó cũng được mẹ mua cho một cái cói, đó là món quà duy nhất mà chú nhận được tính cho đến nay đã hơn bốn chục năm, rồi sau đó thì mẹ chú cũng mất luôn.

Chú không nói một lời nào, tay run run giơ ra đón lấy túi quà, mắt nhìn về phía Tươi xem phản ứng, thấy Tươi mỉm cười gật gật, chú lại nhìn vào cái túi quà. Chú đưa nó vào trong lòng mình rồi nhìn vào bên trong, một bộ quần áo bộ đội mới tinh, vẫn còn nguyên tem mác.

Chú không dám nói nhưng trong lòng cứ lặp đi lặp lại câu nói của chính mình: “Là quà của con gái, là quà của con gái, là quà của con gái…”

Rồi hai đầu gối chú run rẩy lẩy bẩy khi chú đứng dậy.

Hai mẹ con Nghĩa nhìn theo chú.

Chú lững thững đi từng bước, từng bước một ra phía đằng sau nhà, hai tay ôm rịt lấy cái túi quà mà con gái chú gửi cho.

Hình như chú khóc!

Chương trước Chương tiếp
Loading...