Mùa nước nổi

Chương 13



Phần 13

Buổi sáng ngày thứ 2 ở chợ người không vất vả tìm việc như buổi đầu tiên ngày hôm qua, Nghĩa và khoảng gần 2 chục đàn ông được một ông chủ vơ một phát hết luôn, công việc này nghe anh Ba nói là công không được cao lắm nhưng cũng không đến nỗi quá vất vả. Đó là vận hàng từ dưới tàu thủy lên xe oto, ở cảng Phà Đen cách gầm cầu Chương Dương khoảng 3 – 4 cây số gì đó. Nghĩa được anh Ba chở bằng xe đạp của anh, có vẻ như không phải lần đầu anh làm chuyện này, trên đường đi, Nghĩa có hỏi anh:

– Bốc hàng gì hả anh?

Anh Ba cong mông vượt lên con dốc để lên đê, qua đê mới vào dẻo đất bãi, nơi có cảng đường sông, hết đoạn dốc anh mới thở mạnh một cái rồi trả lời thằng em:

– Cũng chẳng biết nữa, ở đấy nhiều hàng lắm nhưng đa phần là nông sản ở vùng ngược, tí ra rồi biết.

Ngồi sau xe anh, Nghĩa cũng có dự định trong đầu là mua một cái xe đạp, chứ cứ đi bộ hoặc nhờ anh Ba mãi thì cũng không thuận tiện lắm. Lúc Nghĩa quyết tâm lên đây làm việc, mẹ cũng bảo hay là mang cái xe đạp thồ ở nhà theo nhưng Nghĩa không muốn vì đó là phương tiện duy nhất ở nhà của mẹ, để mẹ còn đèo hàng nhà trồng được mang ra chợ huyện bán, với lại cũng có cái phương tiện để chạy đi chạy lại lo thuốc thang cho bố, cậu nói với mẹ: “Thôi mẹ cứ ở để ở nhà còn có cái mà dùng, con lên đấy không biết làm việc gì, có cần đến xe hay không nữa”. Nhưng xem ra sắm một cái xe đạp là chuyện không thể tránh khỏi được rồi. Cậu dự định làm thêm vài hôm nữa rồi trích tiền công ra mua:

– Anh bốc hàng ở đây nhiều rồi hay sao ấy, em thấy không cần ngã giá công?

Chiếc xe đạp thồ của anh Ba cứ bon bon theo đoàn người lao động tiến về phía mép sông, Nghĩa ngồi đằng sau phải khuồm khuồm cái chân mình ra vì bên sườn xe của anh Ba vẫn chằng một bao tải đựng cuốc, xẻng, búa chim. V. V. Là những đồ nghề lao động của anh vẫn luôn mang theo bên mình mỗi lần làm việc:

– Uh, giá bốc hàng đã có lệ từ trước rồi, không cần phải mặc cả. Chia đầu người mỗi ngày cũng được khoảng trăm, hơn trăm tùy từng loại hàng nặng nhẹ khác nhau. Cứ yên tâm.

– Vâng ạ, em hỏi để biết thôi.

Rồi đoàn xe đạp cũng rẽ vào bến cảng, nói là bến cảng cho nó oai thôi chứ thực ra chỉ là một dẻo đất thấp hơn đường một tẹo có đổ xi măng, sát mép sông có kè đá để các tàu hàng ghé sát mạn thuyền vào lên hàng.

Hơn chục cái xe đạp được xếp ở một góc phía xa xa, rồi cả đoàn nhanh nhanh chóng chóng tập kết ở phía mép bờ, Nghĩa nhìn thấy một chiếc thuyền hàng rất lớn hướng mũi tàu về phía hạ du, áp sát vào bờ kè, giữa thuyền và bờ có 4 thanh gỗ khá dài nối với nhau, chắc những thanh gỗ này là đường cho người bốc hàng di chuyển lên xuống rồi. Trong lòng thuyền là rất nhiều bao tải được xếp ngay ngắn, nhìn bên ngoài thấy lổn nhổn nên Nghĩa đoán bên trong đựng ngô hạt. Có mấy chiếc xe tải đã quay đuôi ghé sát xuống phía mép sông chờ nhận hàng. Một người đàn ông sơ vin đóng thùng chắc là quản lý ở cảng nói trước đám đông người bốc hàng:

– Hôm nay là hàng ngô hạt, anh em bốc sớm nghỉ sớm, công vẫn như cũ. Cố gắng xong trước buổi trưa, tiền lấy luôn.

Nói rồi anh quản bến nhìn một lượt những người đang xếp hàng ở đây, rồi anh chỉ chỉ vào 4 người có lẽ là khỏe mạnh nhất, trong đó không có Nghĩa:

– Anh này, anh này, anh này, anh này lên hàng dưới boong.

Rồi tiếp tục thêm chỉ thêm 4 người nữa:

– Anh này, anh này, anh này, anh này đón hàng. Những người còn lại chia thành 2 nhóm vận chuyển. Xong. Mọi người bắt đầu làm đi. Nước uống tôi để ở kia.

Nghĩa nhìn về phía chỉ tay của anh quản cảng, ở đó có 2 xô nước đá, trên mỗi xô úp 1 cái cốc.

Anh quản cảng vừa nói xong thì ngay lập tức mọi người chia nhau vào việc theo phân công, 4 người lên hàng dưới boong thì đi hẳn xuống dưới tàu, chia thành nhóm 2 người, ở hai đầu của boong. 4 người xuống hàng cũng chia thành nhóm 2 người đi theo một chiếc ván có nối từ dưới đất lên thùng xe tải.

Nghĩa bám theo sau anh Ba, vì lần đầu tiên làm việc này nên cậu chú ý quan sát những người đi trước làm thế nào thì mình làm theo thế ấy.

Rồi cũng đến lượt Nghĩa vác bao tải ngô đầu tiên, cậu hơi khụy chân xuống để làm vai mình thấp hơn một chút, gần như khi vừa xuống tấn xong thì hai người lên hàng cũng vừa quẳng bao tải ngô lên vai Nghĩa, cậu khoằm lưng xuống để bao tải nằm gọn trên vai bên phải, một tay vòng lên trên để giữ cho chắc rồi dẫm lên các bao tải ngô rồi đi về phía cầu gỗ.

Anh Ba đi trước có ngó lại phía sau truyền kinh nghiệm cho Nghĩa:

– Qua cầu phải đi theo nhịp thì sẽ đỡ nặng hơn.

Và quả thật, chiếc cầu gỗ có nhịp lên xuống theo nhịp bước chân của những người bốc hàng, nếu đi theo nhịp này quả thật nhẹ dễ dàng di chuyển hơn rất nhiều vì lực lên xuống của vai được cộng hưởng với nhịp lên xuống của chiếc cầu gỗ. Qua cầu gỗ thì đến đoạn sân cảng lát bê tông khoảng 5 mét rồi lại lên cầu gỗ bắc vào thùng hàng của xe tải.

Lên đến thùng hàng thì Nghĩa ghé lưng vào, và rồi ngay lập tức hai người đỡ hàng túm lấy hai đầu bao tải ngô rồi theo đà lia bao tải ngô xuống vị trí xếp thành hàng, rất nhanh và chuyên nghiệp.

Bao tải đầu tiên được lên và xuống như vậy, cũng không nặng lắm vì hạt ngô đã được phơi khô, chắc chỉ nặng độ 3 chục cân là cùng.

Nhìn từ trên cao, quang cảnh ở bãi lúc này giống như một đoàn kiến thợ chăm chỉ, cần mẫn chuyển hết bao tải này đến bao tải nọ, không ai nói với ai một lời, chỉ cặm cụi nhìn xuống đôi bàn chân mình để đi cho chính xác.

Vác được khoảng đâu đó mỗi người 100 bao thì cả đoàn nghỉ lần đầu tiên, túm tụm lại chỗ 2 xô nước đá thi nhau uống, tiếng nước trôi qua cổ họng cứ “ừng ực, ừng ực”, trời đang vào thu, không có cái nắng gay gắt của mùa hè nhưng cũng làm cho tất cả áo của những người lao động ướt sũng. Có vài người đặt tay lên vai mình bóp bóp cho đỡ mỏi, lúc này Nghĩa mới để ý, trên vai họ có một cái khăn bằng vải khá dày, đây cũng là một trong những đồ nghề lao động của họ. Vì Nghĩa lần đầu tiên đi làm nên vai cậu không có gì, chỉ có lớp vải của chiếc áo lao động lót mà thôi.

Đứng gần anh Ba một chút hỏi chuyện cho có:

– Ngô này họ chuyển về Hà Nội làm gì anh Ba nhỉ?

Anh Ba quệt miệng một cái vì vừa uống nước xong, anh lấy cái khăn lót trên vai mình làm quạt, không có gió nhiều nhưng cũng man mát:

– Hình như ngô này được chuyển về nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đấy là lần trước hỏi cánh lái xe thì biết vậy chứ anh cũng không biết chắc nữa.

Nghĩa nghe đến đây thì lại nhớ đến cánh đồng ngô xóm mình, ngô xóm bãi được trồng chủ yếu làm thức ăn cho người, ngô non thì được luộc ăn ngay, còn ngô già thì được phơi khô tích trữ ăn dần, những hạt ngô bị hỏng mới làm thức ăn cho lợn, cho gà. Đối chiếu lại với tàu ngô này, một suy nghĩ không ngừng của Nghĩa về cách trồng ngô, phải trồng diện tích lớn lắm, sản lượng sản xuất ra con người không ăn hết mới phải chuyển thành thức ăn chăn nuôi.

Nếu như cả dẻo đất bãi màu mỡ phù sa dài hàng mấy chục cây số đều chỉ trồng 1 loại ngô cao sản cho năng suất cao thì cũng có thể sẽ phải xuất bán làm thức ăn như thế này, không biết giá trị sản xuất có cao không, có hơn làm thức ăn cho người không? Câu hỏi đó Nghĩa chưa đủ kiến thức để hiểu nên nó cứ quẩn quanh suốt.

Nghỉ chừng 5 phút thì mọi người lại chia nhau chuyển ngô tiếp, đợt vác thứ 2 này, Nghĩa thấy đoàn người đã đi chậm hơn so với lúc đầu, dáng người vác cũng đã còng lưng hơn, có lẽ đã thấm mệt rồi, không còn sức như mới làm nữa. Chính bản thân Nghĩa cũng đã bắt đầu thấy mỏi, vai cậu đã có cảm giác ran rát mỗi lần bao tải ngô chà sát vào vai. Nhưng cũng may Nghĩa có sức khỏe nên cũng theo được đoàn, không bị khuyết lốt vác nào.

Thời gian cứ thế nặng nề trôi đi, cũng sắp đến trưa, những bao tải ngô cuối cùng cũng được nhóm người vận chuyển hết lên xe chở hàng.

Hơn 2 chục con người ngồi thụp xuống đất thở phì phì, họ vừa hoàn thành xong buổi lao động, nước thi nhau uống, mồ hôi thi nhau rơi.

Người đàn ông sơ vin lúc ban sáng đội cái mũ cối bước ra nhóm người, trên tay anh ta cầm một tập tiền. Anh nói hờ hững:

– 4 Người lên hàng mỗi người trăm tám, 4 người xuống hàng mỗi người một trăm tư, còn lại mỗi người một trăm. Từng người lên nhận một.

Vậy là từng người, từng người uể oải đứng dậy nhận tiền. Sở dĩ có sự khác nhau về công như vậy là do công việc của từng người nặng nhẹ khác nhau, Nghĩa nghe chia công như vậy cũng là hợp lý, việc nặng nhất là 4 người bốc hàng từ bong lên vai người vác, tiếp đó là 4 người xuống hàng. 8 người này ngoài việc bưng nặng ra còn phải làm liên tục, còn những người vác hàng như Nghĩa, như anh Ba thì chỉ nặng chiều đi, còn chiều ngược lại thì đi người không, không đến nỗi vất vả lắm.

Vậy là ngày công làm buổi sáng của Nghĩa được một trăm ngàn, đối với Nghĩa kể cũng là được rồi, ngày hôm qua buổi đầu làm từ sáng đến tận chập tối mới được có một trăm, không kể năm chục bo thêm. Nghĩa nhờ anh Ba chở về đến gầm cầu, đến nơi cậu hỏi:

– Anh có chờ thêm cuốc chiều không?

Anh Ba gật đầu:

– Có, chờ thêm buổi chiều xem có việc gì không? Chứ từ sáng giờ mới được có một trăm, chưa đủ ngày công? Hà hà hà, thế còn chú.

Buổi chiều nay Nghĩa còn có cái hẹn với cô Tú, nếu nhỡ ở lại làm thêm mà quá thời gian sợ không kịp, nghĩ vậy nên cậu nói:

– Chiều em còn có việc nữa, thôi anh ở lại làm, sáng mai em lại ra.

Nói xong Nghĩa lững thững đi bộ về nhà.

Chương trước Chương tiếp
Loading...