Người bảo vệ
Chương 50
Rồi cuối cùng xe cũng lăn bánh vào một khu công nghiệp, cách đường quốc lộ 5 không xa. Theo sự chỉ dẫn của Mai Ngọc, Thụy Kha vòng vèo một lúc nữa thì cũng đến được nhà máy, nhưng có một điều rất kỳ lạ, nhìn từ xa thì nhà máy hình như đang có rất đông người tập trung trước cổng.
Thụy Kha đỗ xe và bước xuống cùng Mai Ngọc và Ánh Tuyết, họ tiến lại gần xem tình hình như thế nào. Phía bên ngoài cổng hình như là toàn bộ ban lãnh đạo công ty thì phải, nhìn thấy ba người vừa mới tới, nhận ra Mai Ngọc vì đã làm việc mấy lần trước, một người đàn ông chừng độ 60 tuổi, tóc đã bạc màu, ăn mặc cũng chỉnh tề, chắc là giám đốc tiến lại gần:
– Mai Ngọc, em xuống sao không báo anh. Còn đây là?
Mai Ngọc giới thiệu:
– Anh Chiến, đây là chủ tịch công ty em, Thụy Kha. Còn đây là thư ký của chủ tịch, Ánh Tuyết.
Thụy Kha đưa tay ra bắt ông Chiến:
– Chào anh, anh chắc là Chiến, giám đốc công ty.
Ông Chiến khuôn mặt còn hằn lên nhiều nếp nhăn, thời gian vừa qua đối với ông đúng là sống không bằng chết, công ty sản xuất giày da của ông đã thành lập được gần 20 năm rồi, nhưng dạo gần đây lâm vào bế tắc, làm ăn thua lỗ dẫn đến việc mà ông phải dứt ruột chào bán:
– Vâng, xin chào chủ tịch.
Thụy Kha nhanh chóng buông tay, cô nhìn vào bên trong nhà máy, nơi láo nháo lô nhô hàng trăm người, tay cầm biểu ngữ, đọc sơ qua có vài biểu ngữ như sau:
“Yêu cầu lãnh đạo công ty thanh toán tiền lương cho công nhân”
“Đề nghị đối thoại trực tiếp với Giám đốc công ty”
“Yêu cầu công ty thực hiện nghiêm túc chế độ làm việc cho người lao động”
“Phản đối làm việc 18 tiếng/ngày”
Thụy Kha quay lại phía giám đốc Chiến hỏi:
– Anh Chiến, có chuyện gì vậy?
Đến nước này, ông Chiến cũng không thể che giấu được tình hình công ty, mặc cho tiếng ồn ào phát ra, ông trần tình:
– Tôi cũng chẳng thể giấu được nữa, thời gian gần đây công ty lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính dẫn đến việc chậm thanh toán lương, vì vậy công nhân họ đang đình công.
Từ những biểu ngữ của công nhân, đối chiếu với lời ông Chiến, Thụy Kha nhận thấy có một mâu thuẫn:
– Công nhân họ còn yêu cầu giảm giờ làm, tức là việc làm vẫn có, đơn hàng vẫn nhiều, vậy tại sao lại khó khăn về tài chính?
Ngay câu đầu tiên, ông Chiến thấy Thụy Kha đã bóc mẽ được mình, nhìn ra được điểm mâu thuẫn trong điều hành công ty, có việc là có tiền, đó là lẽ tất nhiên trong tất cả các ngành sản xuất, ấy vậy mà ở công ty này, việc thì nhiều mà tiền lại không có. Biết không thể giải thích trong vài ba câu mà xong được, ông Chiến đánh trống lảng:
– Chuyện này tôi sẽ nói rõ cho cô sau, ở đây không thể giải thích chi tiết được. Nó còn nhiều vấn đề rắc rối liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, đối tác…
Thụy Kha dồn ép ông Chiến:
– Vậy anh có phương án gì để giải quyết vấn đề này không? Công nhân họ chỉ yêu cầu những gì thuộc về họ. Đi làm mà không có lương lấy gì mà sống.
Ông Chiến ấp úng, phương án thì có nhưng không thể đáp ứng được:
– Vấn đề chính vẫn là phải có tiền để thanh toán tiền lương, có tiền thì mọi chuyện đâu lại vào đấy.
Đây là câu cãi cùn của ông Chiến. Thụy Kha tiếp lời:
– Họ đang yêu cầu đối thoại trực tiếp với Giám đốc kìa, sao anh không vào xem yêu cầu họ thế nào để cùng tìm biện pháp tháo gỡ.
Nhưng ông Chiến lưỡng lự, với đám công nhân bị dồn vào chân tường này, miếng cơm manh áo gia đình họ đều trông cả vào đồng lương. Nay cuộc sống quá khó khăn, trong lúc nóng giận không biết họ sẽ làm ra chuyện gì, có vài người quá khích còn đang dọa đốt nhà máy, mà nhà máy giày da thì chỉ cần một tàn thuốc thôi là cũng không cần phải chữa cháy làm gì cho tốn thêm chi phí nước.
– Tôi… tôi… tôi sợ họ sẽ bắt làm con tin nếu vào bên trong.
Nhưng Thụy Kha thì khác, cô nhận định bản chất của công nhân là thiện lương, không làm hại ai cả, họ cũng chỉ vì cân gạo, mớ rau mưu sinh mà mới phải làm như vậy, cô nói giọng quả quyết:
– Anh đi vào đối thoại với công nhân đi, tôi sẽ đi cùng anh.
Thấy thái độ cương quyết của Thụy Kha, cũng tin là với uy tín và tiềm lực của công ty Hưng Thịnh trên Hà Nội thì sẽ giải quyết được vấn đề, với lại Thụy Kha là phụ nữ còn dám vào, chẳng lẽ ông lại không dám:
– Vậy cũng được, nhưng cô phải cẩn thận. Họ nóng tính lắm đấy.
Vậy là Thụy Kha và ông Chiến mon men tiến lại gần cổng, Ánh Tuyết và Mai Ngọc cũng đi theo nhưng chủ tịch ra hiệu đứng ở ngoài.
Một nhóm nam công nhân nhận ra ông Chiến đang tiến lại gần, đi bên cạnh có vẻ muốn vào là một người phụ nữ nhìn như hoa hậu mà họ thường thấy trên tivi. Ông Chiến đến sát mép cái cổng thì nói to:
– Tôi là Chiến giám đốc đây, tôi sẽ vào bên trong đối thoại với các anh.
Cánh cổng được mở hé ra, Thụy Kha và ông Chiến lách người đi vào. Sau đó được đóng lại ngay.
Hàng trăm công nhân bu quanh ông Chiến và Thụy Kha như đàn kiến đang vây quanh một con gián chết. Một người tự xưng là đại diện công ty nói giọng rất to:
– Tôi là Hùng, làm ở phân xưởng khuôn mẫu. Tôi đại diện cho các công nhân nói chuyện với giám đốc.
Thụy Kha cảm thấy mình hơi có chút bất an, nếu có vệ sĩ ở đây thì vào cái nhà máy trong tình trạng này đối với cô chỉ là muỗi, nhưng giờ một thân một mình cô cảm thấy hơi lo lắng, nhất là thấy thái độ hằn học của công nhân, không biết trong lúc mất bình tĩnh họ sẽ làm ra chuyện gì.
Ông Chiến đáp lời Hùng:
– Tôi biết là anh chị em công nhân có bức xúc vì chuyện lương công ty trả chậm, nhưng chuyện này tôi đã thông báo đến tất cả mọi người, hiện tại công ty đang lâm vào tình trạng khó khăn, anh chị em phải bình tĩnh, kiên nhẫn để chúng tôi thu xếp tài chính. Sau đó tiền lương sẽ được thanh toán không thiếu một đồng.
Cả trăm người nhốn nháo như muốn ăn tươi nuốt sống ông Chiến. Mỗi người một câu, họ thi nhau nói như trút hết bức xúc trong người.
– Chuyện này chúng tôi nghe quá nhiều lần rồi.
– Chậm lương gì mà chậm những 4 tháng.
– Chúng tôi lấy gì mà ăn.
– Hứa hết lần này đến lần khác.
– Lương đã chậm rồi còn bắt làm thêm giờ.
– Nghỉ đẻ 4 tháng rút xuống còn 2, ai nuôi con nhỏ cho chúng tôi.
– …
Làm công nhân khổ lắm ai ơi, còng lưng, độc hại nhưng tiền lương nhận được nếu không biết giật gấu vá vai thì qua ngày 15 là đã hết. Đã thế lại liên tiếp làm thêm từ 6 đến 8 tiếng một ngày, không được ốm, không được đau, nhà không được có việc, sát ngày sinh mới được nghỉ, đứa trẻ còn đang đỏ hỏn vẫn phải quệt nước mắt đi làm mặc cho con gào khóc vì khát sữa mẹ. Rồi vài ba tháng lại chậm lương 1 lần, chậm lương là mọi thứ lại phải đi vay, đi mượn. Đủ thứ khổ đổ lên đầu công nhân.
Hỡi các vị lãnh đạo doanh nghiệp, các vị làm gì thì làm, lãi lờ thua lỗ thế nào nhưng xin các vị đừng bao giờ chậm lương của công nhân, họ đã khổ lắm rồi! Xin các vị hãy đừng để bữa ăn trưa của công nhân bị hụt đi vài miếng thịt. Xin các vị hãy để cho bà bầu được nghỉ trước khi sinh 1 tháng, rồi khi đứa trẻ được ít nhất 4 tháng có thể ăn sữa ngoài hãy bắt công nhân đi làm. Xin các vị hãy để công nhân làm thêm giờ theo nguyện vọng, theo sức khỏe của họ, họ cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt chứ không phải cái máy cắm điện vào là chạy! Xin các vị hãy yêu lấy công nhân như những đồng loại của mình. Họ đã khổ lắm rồi.
Anh Hùng thấy công nhân mỗi người một lời rất ồn ào nên giơ tay để mọi người yên lặng, anh nói:
– Giám đốc hứa như vậy đã rất nhiều lần rồi. Anh em chúng tôi lương ba cọc ba đồng làm gì có tích lũy mà có thể chịu được đi làm đến 4 tháng không có lương. Tiền nhà, tiền ăn, tiền học cho con, tiền điện, tiền nước… Chúng tôi có nợ được ngày nào đâu.
Tiền nhà không nộp chúng tôi bị chủ nhà đuổi, tiền học nộp chậm cô giáo gửi thư về tận nhà, nêu tên con trước lớp, tiền điện chậm nộp là bị cắt ngay, tiền nước cũng vậy, tiền đi chợ đong cân gạo mua mớ không có thì chúng tôi lấy đâu sức mà đi đến đây làm việc. Chúng tôi không thể chịu nổi thêm nữa. Nếu hôm nay công ty không thanh toán tiền lương cho chúng tôi, chúng tôi buộc phải giữ người.
Thụy Kha biết lúc này mình có thể nói được, bức xúc của công nhân đã được đẩy lên kịch kim, nhưng cô chưa nói, một kế hoạch khác nảy ra trong đầu cô, kế hoạch này lại không liên quan đến công nhân. Vì vậy cô mặc kệ.
Ông Chiến thấy nguy nên luống cuống:
– Các anh không được làm vậy, như thế là phạm pháp.
Nhưng bần cùng hóa sinh liều, các công nhân không cần biết, anh Hùng cũng dọa lại:
– Thế công ty chậm lương chúng tôi có phải là phạm pháp không? Cùng lắm thì tất cả cùng chết, nếu không thanh toán lương, chúng tôi sẽ đốt nhà máy, tất cả cùng chết luôn, sống khổ quá thì chết cũng được.
Vậy là đám công nhân bị kích động, có hai người đàn ông tóm tay ông Chiến và khoảng 20 người tranh nhau tóm tay Thụy Kha lôi vào bên trong. Ông Chiến với anh mắt ra ngoài như cầu khẩn với những thành viên còn lại của Ban giám đốc.
Thụy Kha bị bắt đi nhưng mọi việc giường như nằm trong kế hoạch của cô, cô không hoảng loạn mà ngược lại khá bình tĩnh giằng co để được ngoái đầu ra phía ngoài cổng, nói to để cho Mai Ngọc và Ánh Tuyết nghe thấy:
– Gọi cho Thìn.
Ánh Tuyết và Mai Ngọc ở ngoài thấy chủ tịch bị người ta bắt đi thì tim đập thình thịch, chưa bao giờ các cô rơi vào hoàn cảnh này, chỉ kịp nghe lệnh của chủ tịch là gọi cho anh Thìn mà thôi.
Ánh Tuyết luống cuống móc điện thoại trong túi xách ra, lập bà lập bập mãi mới tìm được số của anh Thìn, Mai Ngọc đứng bên cạnh cũng run không kém.