Nguyệt
Chương 14
Nhà tôi mất ba ngày mới sửa xong, những đồ đạc hỏng đều được thay thế và sửa chữa lại như cũ, chỉ có bức ảnh ba người là đã bị xé, tôi chẳng thèm làm lại. Cái bồn cá cũng mua cái mới và mua bù mấy con cá giống như những con đã chết. Con bé nhà tôi cũng trở lại bình thường, khi tôi đưa về đến nhà nó lại chạy đến cho cá ăn, cũng không hỏi tại sao một số con cá lại nhỏ đi một ít. Nhưng nó suốt ngày nhắc đến Nguyệt, luôn mồm hỏi cô Nguyệt sao không đến.
Mấy hôm sau thì bên công an gọi tôi đến với mục đích hòa giải, trước khi gửi hồ sơ lên tòa án. Tôi cũng gặp Nguyệt hôm đó, cô gày rộc đi, mặt mày hốc hác, ánh mắt như mất đi sức sống. Cô không nói gì với tôi trong suốt buổi làm việc với công an, chỉ ngồi đờ đẫn. Thái độ tôi cũng rất lạnh lùng trong suốt buổi làm việc, chỉ một câu duy nhất.
– Anh ta phải trả giá theo đúng quy định của pháp luật. Đây là xã hội thượng tôn pháp luật.
Tôi tràn ngập sự chán ghét đối với anh ta và cả khinh bỉ nữa. Anh ta ban đầu cầu xin tôi bãi nại cho anh ta, nhưng thái độ tôi rất lạnh lùng. Sau đó anh ta quay sang Nguyệt liên tục nhắc đến những việc anh ta đã làm cho cô, để cô cầu xin tôi hộ anh ta. Khi thấy thái độ đờ đẫn của Nguyệt, anh ta bắt đầu lên tiếng thóa mạ cô với đủ các danh xưng mặc cho người công an nhắc anh ta mấy lần.
Cuối cùng tôi mới là người không chịu được, đứng bật dậy vỗ bàn ầm một tiếng.
– Tôi chẳng thấy anh đủ tư cách là một người đàn ông, hèn nhát, ích kỷ, không có trách nhiệm và coi thường pháp luật. Anh thử nhìn xem trước mặt anh là ai? Một cô gái, một người bị hại, đại diện của pháp luật mà anh có coi ai ra gì không? Ngữ như anh đúng là cặn bã, sống phí cơm, phí tài nguyên của xã hội. Tôi cũng tiếc cả lời tôi nói. Với tôi chỉ một câu duy nhất “thượng tôn pháp luật”. Xin lỗi các anh công an, tôi không thể chịu được thái độ của anh ta. Tôi xin phép đi được chưa?
Hai người công an cũng lắc đầu cười khổ, đưa tôi tờ giấy biên bản để tôi ký vào, trên tờ giấy có ghi nội dung buổi làm việc, nhưng phần ghi chú có thêm câu “thái độ không thành khẩn, thiếu tôn trọng đối với những người tham gia hòa giải”.
Tôi ký vào chỗ chỉ định, bắt tay người công an, cũng không thèm nhìn khuôn mặt tái nhợt như cá chết của anh ta và đi ra cửa. Nguyệt vẫn đờ đẫn ngồi, người như cái máy ký vào chỗ người công an chỉ, sau đó lại ngồi yên. Bước đi mấy bước, tôi lại quay lại.
– Cô còn ngồi đây làm gì nữa? Đi về đi.
Thêm người công an nói thêm, Nguyệt mới đờ đẫn đứng dậy đi ra cũng không có thêm phản ứng khi anh chàng nhạc sĩ bật khóc gọi tên cô.
– Cô lên xe tôi chở về.
Tôi nói nhưng cô không phản ứng khi chúng tôi ra đến sân đồn công an, như người mộng du bước thẳng ra phải cổng. Tôi phải tóm lấy tay cô, cưỡng ép kéo về chỗ chiếc xe đang đỗ, ép cô trèo lên xe và thắt dây an toàn vào cho cô.
Lái xe ra khỏi đồn công an, cô vẫn im lặng như vậy, ngồi yên không động đậy, ánh mắt vô hồn nhìn qua cửa kính xe. Tôi hỏi cô mấy câu cô đều không trả lời. Cuối cùng tôi đành phải đưa cô về nhà, tôi chẳng yên tâm với trạng thái của cô và cũng chẳng biết đưa cô đi đâu.
Con bé nhà tôi đang ở nhà với anh Tùng, nhìn thấy tôi và Nguyệt đi vào, nó reo lên chạy đến cầm tay cô. Nguyệt hơi động đậy môi, nhưng không nói câu nào.
– Cô đang mệt, con đưa cô vào phòng nghỉ ngơi nhé.
Nói vậy, nhưng tôi vẫn theo cùng, đưa cô đến phòng ngủ của khách. Có con gái tôi, có lẽ cô cũng lấy lại được chút tinh thần, mặc dù vẫn không nói gì, nhưng cô cũng nở nụ cười với con bé khi ngồi trên giường.
– Cô nghỉ ngơi một lát cho đỡ mệt. Con ra ngoài nấu cơm với bố, để cô nghỉ ngơi.
Tôi nói với cô và con bé…
– Cô nằm xuống nghỉ ngơi đi. Cháu đi nấu cơm với bố, chỉ một tẹo là xong.
Nguyệt nằm xuống sau khi con bé nói.
– Bố ơi! Tại sao cô Nguyệt lại bị mệt?
– Người lớn sẽ gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống, khi vấn đề nằm ngoài khả năng xử lý, thì lúc đó sẽ rất mệt.
Con bé hỏi khi giúp tôi nhặt rổ rau trong bếp.
– Vấn đề lớn à, bố?
– Đúng rồi con.
– Như thế nào là vấn đề lớn ạ?
– Bố lấy ví dụ nhé. Hôm nọ bà gửi lên một thùng đồ to thế làm sao con mang vào nhà được?
– Con mang từng thứ vào một ạ.
– Đúng rồi. Đấy là con biết cách giải quyết vấn đề, con chia nhỏ cái thùng để vừa sức với mình. Nếu con không mang từng thứ vào, mà cố gắng để bê cả thùng thì sẽ làm sao?
– Nó rất nặng, con không bê được.
– Nếu con cố bê cả thùng, con sẽ rất mệt, có thể con sẽ bị đau lưng, đau tay. Người lớn cũng vậy, nếu một vấn đề quá lớn họ không biết cách xử lý, sẽ làm họ rất mệt.
– Vâng ạ. Nặng quá, con không bê được. Chỉ có bố mới bê được.
– Đó cũng là một cách giải quyết, nếu nặng quá con có thể nhờ bố.
– Vậy bố có thể bê giúp cô Nguyệt không?
Cuộc sống vốn không đơn giản như bê một thùng đồ, liệu có thể giúp người khác bê hộ được không?
– Bố sẽ cố hết sức.
Nguyệt vẫn mệt, nhưng trạng thái đờ đẫn đã bớt rất nhiều, chỉ còn lại sự buồn rầu vẫn còn nồng đậm trên mặt cô, với những nụ cười gượng gạo.
– Cô cố gắng ăn nhiều vào mới có sức để giải quyết vấn đề. Nếu nó lớn quá, bố cháu sẽ giúp cô.
Con bé an ủi Nguyệt khi cô trệu trạo ăn cơm.
… Bạn đang đọc truyện Nguyệt tại nguồn: http://truyen3x.xyz/nguyet/
Mấy ngày này tôi ở nhà, công việc trên công ty sẽ do anh Tùng quản lý, tôi vừa lên ý tưởng cho thiết kế khu nghỉ dưỡng vừa kiêm luôn vai bảo mẫu cho Nguyệt và con bé. Tinh thần của Nguyệt đã khá hơn, nhưng sự ưu phiền vẫn làm cho cái trán vốn trắng bóng của cô có một vết nhăn giữa hai chân mày, chỉ có những lúc ngồi bên cây đàn cô mới có lại dáng vẻ say mê thường ngày.
Tôi không nhắc, con gái tôi cũng không nhắc gì đến chuyện xảy ra, con bé suốt ngày quanh quẩn bên cạnh Nguyệt, hết đánh đàn lại kéo cô ngồi vào bàn vẽ, cùng cô đọc truyện, luyện viết chữ, dạo này con bé cũng bắt đầu học tiếng Anh theo chương trình chuẩn bị riêng cho học sinh lớp một của trường học. Buổi chiều nó kéo Nguyệt xuống vườn hoa đi dạo hoặc đi bơi. Cũng có hôm chúng tôi đi ăn ngoài, đi xem phim, đi mua sắm.
Mất hơn một tuần, Nguyệt mới trở lại hoàn toàn bình thường, tiếng cười hồn nhiên của cô đã vang lên cùng con gái tôi và sự thay đổi cũng từ từ xảy ra trên người của cô, trong giao tiếp với con gái tôi và với cả tôi nữa, cô bắt đầu đặt những câu hỏi thay vì tự làm theo ý mình.
Tôi cũng không thể cho phép mình rảnh rang được nữa, chúng tôi chỉ có ba tháng để hoàn thiện ý tưởng và thêm ba tháng để thiết kế chi tiết. Tôi và anh Tùng lập một đội riêng và thuê một cái nhà kho cũ để làm nơi cho đội làm việc. Mục đích thuê kho để có không gian lớn hơn, nơi chúng tôi có thể đủ chỗ cho chúng tôi lập mô hình khu nghỉ dưỡng, lập một xưởng mộc, nhập thêm một số máy cắt 3D, một số thiết bị chuyên dụng để phục vụ cho công việc thiết kế.
Nguyên một con thuyền gỗ đã hết thời gian sử dụng cũng được tôi mua về để lấy gỗ, các mẫu gỗ, tre cũng chuẩn bị sẵn để kiểm tra trong điều kiện thực tế giả lập. Chúng tôi cũng thuê thêm một người thợ xây dựng và một bác thợ đóng tàu từ trong đó ra để hỗ trợ thử nghiệm các vật liệu và kỹ thuật xây dựng truyền thống địa phương.
Lần này chúng tôi đầu tư rất lớn và bài bản, với quyết tâm rất lớn, thắng làm vua thua thì để lại tiếng.
Tự nhiên hôm nay Hồng lại gọi điện cho tôi, tôi cũng không đoán được tâm trạng của cô qua điện thoại. Đỗ xe ở bên đường, tôi đi vào cái ngõ nhỏ đến địa chỉ quán café mà Hồng gửi.
Cô không thay đổi gì so với mấy tháng trước, vẫn nụ cười nhu mì và khuôn mặt hiền dịu.
– Em khỏe không?
– Em khỏe, anh dạo này thế nào?
– Anh vẫn tốt, bận hơn một chút.
– Bé Minh Hạnh thế nào anh?
– Cháu lớn hơn một chút, đã được nhận vào học viện và chuẩn bị vào lớp một.
– Lâu lắm không gặp con bé, em cũng thấy nhớ và… nhớ cả anh nữa. Em không nhịn được, nên hẹn anh để nói chuyện một lát.
Chúng tôi nói chuyện hơn một tiếng đồng hồ, chỉ nói những chuyện đã xảy ra sau khi cô rời đi. Cuộc sống mới của cô khá tốt, chồng cô vẫn quan tâm đến cô và con trai, nhưng có một số chuyện đã xảy ra giữa chúng tôi cũng không nói bỏ là bỏ được. Nó vẫn làm cô nhớ.
Sau khi chia tay với Hồng, tôi cũng có chút lộn xộn trong đầu, nên không quay lại làm việc nữa mà về nhà luôn. Nguyệt và con bé con nhà tôi đang đi bơi, tôi đọc tờ giấy dán trên tủ lạnh.
Lấy một lon beer, tôi lấy cái điều khiển để bật cái đĩa trong chiếc máy chơi nhạc và ngồi xuống sofa. Có thêm Nguyệt ở cùng, nhà tôi cũng trở nên rực rỡ hơn, lúc nào trong nhà cũng có một bình hoa và những cây hoa đang nở bông rực rỡ ngoài hành lang. Nguyệt đã ở nhà tôi hơn một tháng, cô ngày càng hòa nhập vào cái gia đình này, nên mấy lần tôi định hỏi về dự định tương lai của cô rồi lại thôi. Có thêm cô, tôi cũng yên tâm về con gái luôn có người chăm sóc và làm việc nhà.
Tiếng nhạc du dương làm ngủ lúc nào không biết, hơn hai tuần nay tôi đã không ngủ đủ giấc.
Nguyệt đang nhìn tôi xuất thần lúc tôi mở mắt, sau đó cô bối rối quay mặt đi.
– Anh ngủ quên mất. Mấy giờ rồi em?
Ngồi dậy trên ghế, tôi hỏi cô.
– Bảy giờ rồi. Anh đi rửa mặt cho tỉnh táo rồi đi ăn cơm, em nấu xong rồi.
Tôi gật đầu đứng dậy đi vào trong nhà vệ sinh…
Lúc tôi ra ngoài, bàn ăn đã dọn sẵn sàng, Nguyệt nấu ăn cũng không phải rất ngon, chắc cỡ như tôi, nhưng cô chịu khó và kiên trì học, rau củ cắt rất đều và đẹp, những con tôm chao bơ tỏi cũng được cô cẩn thận bóc vỏ và trình bày ra đĩa làm mâm cơm có mỹ cảm hơn rất nhiều và cũng có cảm giác ngon miệng hơn.
Con bé con cũng chạy ào ra từ trong phòng của nó, trên tay nó là bức tranh rối rít đưa tôi xem. Bức tranh tôi vẽ phác bằng bút can từ phối cảnh trên hòn đá bánh bao khi có ánh trăng được con bé tô màu và hoàn thiện nốt trở nên sống động và rực rỡ hơn rất nhiều.
– Đẹp quá. Để bố làm khung rồi treo lên nhé.
Ở nhà tôi treo rất nhiều tranh con bé vẽ, từ lúc nó còn bé tí đến những bức hiện tại, tôi đều chọn một bức đẹp nhất để treo lên, con bé vẽ ngày càng có hồn.
– Mai con bắt đầu đi học lớp pre – school ở trường để làm quen trước khi vào năm học mới. Anh đã đăng ký xe của trường, nhưng thời gian này nhà trường không đủ xe để đón ở khu vực nhà mình, Và nhà trường cũng khuyến khích bố mẹ đi cùng, mai em đưa con đi được không?
Tôi hỏi Nguyệt lúc cả nhà đang ăn cơm, mai tôi có buổi hẹn với chú Mạnh, nên không đưa con bé đi được.
– Vâng ạ.
– Em lái được xe ô tô không?
– Em lái được.
– Vậy mai em đi cái xe bé nhé. Mà em cứ giữ lấy cái xe ấy mà dùng, xe để không cũng chẳng ai đi.
Tôi vẫn tiếc chưa bán cái xe, đó là cái xe đầu tiên tôi mua, có rất nhiều kỷ niệm với con gái và tôi cũng lắp thêm nhiều đồ lên nó. Bán cũng chẳng được bao nhiêu tiền, nhà tôi lại không có xe máy, chiếc xe máy cũ tôi đã mang về quê cho vợ chồng con em gái dùng để chở hàng. Chẳng hiểu sao, tôi chẳng bao giờ muốn bán hoặc vứt đi đồ cũ, mỗi món đồ đều gắn với những hoài niệm làm tôi không nỡ. Cái kho nhỏ vẫn chất đầy đồ dùng cá nhân của hai bố con từ khi con bé mới đến với tôi.
– Bố và cô ăn nhanh lên, không muộn giờ chiếu phim.
Hôm nay là buổi chiếu đầu tiên của bộ phim hoạt hình đang hot, hai bố con tôi đã phải ngồi canh để đặt ngay khi rạp mở bán, may mà nhanh tay đặt kịp.
Lúc đến rạp để nhận vé, tôi mới phát hiện một sự nhầm lẫn, tôi đặt toàn ghế đôi thảo nào mà tôi lại thấy nó đặt như vậy. Cô bé tại quầy vip nhìn tôi cười như nắc nẻ khi thấy bộ mặt hơi nghệt ra của tôi, sau đó lại nhiệt tình để giúp tôi xử lý chỗ ghế thừa và linh động cho ba người ngồi chung một chỗ, tôi cũng không keo kiệt bấm vào đánh giá năm sao cho cô bé.
Ba chúng tôi ngồi thoải mái trong cái ghế đôi, vị trí xem đẹp nhất, con bé nhà tôi ngồi giữa ôm cái hộp bỏng ngô, một tay thì cầm cốc nước ngọt to tướng, cuối cùng thì nó đòi chuyển ra ngoài để có chỗ cắm cái cốc, để tôi ngồi cạnh Nguyệt.
Bộ phim rất tuyệt cả về nội dung, hình ảnh sống đông, âm nhạc trong phim cũng vậy. Con bé nhà tôi mê mẩn xem đến quên cả hộp bỏng ngô và cốc nước ngọt. Tôi cũng bị cuốn hút, nhưng Nguyệt thì lại dựa vào vai tôi ngủ từ lúc nào, cũng chẳng biết từ lúc nào bàn tay mềm mại, thon dài của cô nằm trong lòng bàn tay tôi. Những sợi tóc mềm mại của cô vờn trên má, hơi thở thơm tho của cô thỉnh thoảng mơn man trước mũi khi tôi quay đầu sang. Tự nhiên trong lòng tôi có một tia xốn xang. Và tôi cũng hiểu tại sao họ lại lắp các ghế đôi.