Những người con gái tôi không thể quên
Chương 23
Một tháng, hai tháng, rồi ba tháng kể từ ngày tình yêu chết, hóa ra tôi vẫn sống. Tôi cười khan vì sự ngốc nghếch của mình, sao có thể chết vì thiếu tình yêu cơ chứ! Dẫu thi thoảng trong giấc mơ hoang tôi thấy chị, vẫn là nơi từng bên nhau, nhưng chỉ một mình tôi lặng lẽ đi về.
Chắc không cần phải kể các bạn cũng biết, thời gian sau khi chị đi lấy chồng tôi không còn sống nữa mà chỉ là tồn tại. Tôi mất hết định hướng, và chìm trong đau khổ. Thậm chí là bị trầm cảm. Tôi vô hồn, đói thì ăn, khát thì uống, đến giờ đi học thì đi học, đến giờ ngủ thì đi ngủ. Tôi thẩn thơ ít nói. Cơ thể suy nhược do không quan tâm đến bản thân mình nhiều. Cố quên, cố chạy trốn nhưng rồi cũng không quên được, không thoát ra được. Làm sao có thể dễ dàng quên đi được chị. Khó khăn, quá khó khăn với tôi. Bình thường không sao, nhưng chỉ chợt xem một bộ phim hoặc đọc đây đó trên báo mà có cảnh chia li tan vỡ là tôi lại xúc động. Tối về nghĩ vẩn vơ lại khóc thầm. Nhưng dù sao cũng nghĩ trên đời này cũng có người giống mình, mình cũng không lạc lõng lắm. Chính những điều này dần giúp tôi ra khỏi tình trạng đau khổ.
Lại nói về bức thư tôi gửi chị. Dĩ nhiên chị không hồi âm lại cho tôi. Ngay sau khi nhận được thư thì chị mang tờ giấy photo kết quả của tôi lên cho bố mẹ tôi và bảo bố mẹ tôi lên gặp tôi để xem xét tình hình. Nhìn thấy nó, bố mẹ tức tốc lên Hà Nội gặp tôi. Mẹ nhìn thấy thằng con xanh xao, còm nhom thương quá. Mẹ vẫn nghĩ do tôi học hành ôn luyện vất vả chứ nào nghĩ tôi đang thất tình. Chứ còn việc học hành áp lực cao tôi quen rồi.
– Sao con lại gầy gò thế này. Học hành thì cũng phải chăm lo đến sức khoẻ của mình chứ. – Mẹ tôi xót xa.
– Mai Anh nó lên nhà nó đưa cho bố mẹ giấy báo kết quả con đã đỗ đi học nước ngoài. Bố rất tự hào nhưng sao con lại quyết định không đi học.
– Việc được đi học nước ngoài ai người ta cũng mơ sao con lại từ chối. – Mẹ tiếp lời.
Tôi cũng bối rối với tình huống này. Tuy nhiên tôi cũng nghĩ ra một phương án nói dối bố mẹ.
– Bố mẹ ạ. Lúc đăng ký thi con cũng quyết tâm. Sau khi nhận kết quả con cũng đã nghĩ rất nhiều. Thứ nhất nhà mình có mỗi mình con, con đi học nước ngoài rồi khi quen ở bên đó lại ở lại luôn thì sao. Mặt khác nếu không may gặp chuyện gì ở nơi xứ lạ quê người thì có một mình con, con cũng chả biết xoay xở thế nào. Từ nhỏ con được bố mẹ bao bọc, con sợ con sẽ không chịu nổi khi phải bươn chải một mình bên đó. Mà học trong nước mà giỏi, con sẽ cố gắng thì cũng thế thôi mà con vẫn gần bố mẹ vẫn có thể thăm bố mẹ được.
Bố mẹ tôi trầm ngâm nghĩ ngợi. Đúng là khi lên đây ông bà cũng chưa nghĩ đến điều này. Khi tôi nói ra ông bà đăm chiêu thực sự. Tôi tiếp lời.
– Thực ra việc con thi đỗ đã chứng minh con đủ khả năng đi học nước ngoài rồi. Thế là được còn học ở đâu cũng vậy thôi bố mẹ ạ.
– Nhưng được đi đó đi đây, học hỏi cái hay của người ta vẫn tốt hơn. Có nhà mất hàng trăm triệu mới cho con đi học được mà mình đi học không mất tiền lại có học bổng không đi thì tiếc quá con ạ. – Mẹ tôi nói.
– Thôi bà ạ, tôi nghĩ con nói cũng phải. Có mỗi mình nó. Nó đi thì mình cũng lo lắm. Bây giờ bên đó xem tivi thấy nạn đầu trọc phát xít cũng ghê. Thôi con nó không thích mà quyết định rồi thì mình cũng tôn trọng nó.
– Con cám ơn bố. Con thực ra hiếu thắng nên mới thi chứ thi xong thực sự con cũng không muốn đi con nghĩ rất nhiều rồi.
– Dù sao khi có chuyện lớn như vậy thì cũng phải nói với bố mẹ một tiếng.
– Vì con quyết không đi nên con định sau khi hết hạn thủ tục mới nói.
– Thôi được rồi, có khi bà xin phép cơ quan ở trên này chăm con nó vài ngày. Chứ tôi thấy nó ốm yếu tiều tuỵ quá.
Tôi phải cám ơn mẹ nhiều. Bà ở lại với tôi 1 tuần. Trong thời gian đó tôi bớt cô quạnh, tối tối hai mẹ con chở nhau đi thăm thú mấy gia đình bạn bè nên tôi cũng phần nào quên đi hoàn cảnh của mình. Đến khi bà về sức khoẻ tôi cũng đã khá lên nhiều. Sau đợt này bố mẹ tôi hay lên thăm tôi hơn. Cứ khoảng tháng ông bà lại tranh thủ lên thăm tôi một lần. Ông bà cũng lo lắng cho tôi.
Tết năm đó tôi về khá muộn. Tôi lần lữa mãi đến tận 26 tết tôi mới về. Đặt chân về đến nhà tôi lại đầy tâm tư. Nhìn đây cũng thấy chị. Gác xép, phòng tầng 2, căn bếp, nhà tắm, phòng khách chỗ nào chị cũng hiện ra và những kỷ niệm xưa lại ùa về. Tối nằm lại buồn, lại cô đơn, lại lạnh lẽo, lại khóc thầm.
Không chịu nổi 28 tết lấy cớ về thăm ông bà tôi về quê luôn và ở một lèo đến chiều mùng 1 tết mới lên. Sáng mùng 2 thấy có điện thoại, nghe trộm đối thoại của bố tôi biết là chị gọi đến chúc tết và hỏi ông bà có nhà không mấy phút nữa vợ chồng chị qua chơi. Nghe xong khoác chiếc áo vào tôi lặng lẽ đi bộ ra đầu phố ngồi uống café 1 mình. Tôi trốn chạy, tôi sợ gặp chị. Tôi sợ chứng kiến cảnh chị tay trong tay với chồng. Dù sao tôi cũng là người tôi cũng phải ích kỷ, tôi cũng phải ghen chứ. Ngồi được 45′ thì tôi nghĩ chị cũng về rồi mà mới tết ra ai lại ngồi lì ở quán người ta dông người ta cả năm.
Tôi lại lặng lẽ ra về và tôi dù muốn tránh nhưng vẫn cứ phải gặp. Chị ngồi sau xe chồng và đi ngược chiều với tôi. Tôi đã cúi gằm mặt xuống không nhìn nhưng rồi vẫn ngẩng mặt lên. Dị nhiên chị cũng nhìn thấy tôi. Hai mắt chạm nhau, đã 4 tháng rồi mới nhìn thấy nhau lần đầu tiên. Chị cũng gầy đi nhiều. Chúng tôi nhìn nhau không chớp mắt. Khi xe ngang qua tôi quay lại nhìn theo chị, chị ngoái lại nhìn tôi. Một cảm giác uất ngẹn nơi cổ họng, cay xè nơi sống mũi. Tôi chạy tôi chạy thẳng và không nhìn lại nữa. Tôi chạy một mạch qua cả nhà tôi. Tôi chạy như ma đuổi. Không biết bao lâu chắc khoảng hơn 1km tôi mới ngừng lại. Ngẩng mặt lên trời và nước mắt lại chảy dài.
Đến sáng sau lấy cớ và tiện có xe cơ quan bố tôi đi Hà Nội luôn. Đây là lần đi lâu nhất của tôi. 1 năm sau tôi mới quay lại thị xã Ninh Bình. Trong năm tôi có về nhưng chỉ về quê rồi lại lên Hà Nội chứ không ghé về nhà. Cũng do thời gian này bố tôi đi học nên cũng gặp luôn. Vì vậy không nhất thiết phải về nhà làm gì. Khi nỗi đau đã thành quen và thời gian là phương thuốc thần kỳ để giúp cho vết thương trong lòng lành lại, tôi cũng dần bình tâm trở lại. Tuy không thể trở lại như xưa nhưng tôi cũng bắt đầu tham gia lại mấy trò điện tử, bóng bánh với các bạn. Cũng ít thôi. Đặc biệt là tôi bắt đầu hút thuốc lá và nghiện đến giờ. Rồi cũng rượu đàn đúm với bạn bè khi có điều kiện. Một nguồn vui nữa là đến từ đám học trò. Đợt gần sát đến ngày thi đại học chúng chịu khó kéo nhau đến nhà tôi hỏi bài. Khác với H và M tôi không giải bài cho chúng nó mà gợi ý từ từ để cho chúng nó tự giải và chúng rất thích cách học này. Cứ cách vài ngày lại ômai, sấu, bánh kẹo kéo đến vừa học vừa ăn. Nhìn chúng mà tôi cũng vui nhiều lên.
Tết lại đến và dĩ nhiên tôi lại trở về nhà. Trở về nhà sau 1 năm dài đằng đẵng. Khi nỗi đau và tình yêu đã chôn dấu sâu trong con tim. Nhưng cảnh xưa vẫn làm tôi nhói đau. Bình thường thôi mà. Mọi chuyện đã là quá khứ là dĩ vãng và tôi thầm nhủ như vậy mỗi khi lòng gợn sóng. Một chàng trai đã phong trần hơn, già dặn đi nhiều sau bao biến động ập đến. Tôi đã lớn hơn nhiều. Mọi chuyện sẽ có lẽ bình yên và tôi sẽ bình tâm qua cái tết nếu không có chuyện xảy ra. Gần 9h sáng ngày 28 tết bố tôi và bác Luân về nhà.
– Dậy con dậy con đi xuống nhà bác Luân ăn cơm, bác đang đợi dưới nhà.
Vẫn còn ngủ nướng do hôm qua mấy thằng bạn cấp 3 lâu rồi mới gặp nhau ở nhà An làm trận bia tôi hơi quá chén. Mắt nhắm mắt mở.
– Thôi con không xuống đâu, để con ngủ lúc nữa đi mẹ.
– Á à thằng này chê cơm nhà bác à. Mấy năm nay không gặp rồi nhỉ. Cưới chị mày mà mày không về bác giận mày rồi đấy.
Tiếng bác Luân làm cho tôi tỉnh hẳn ngủ.
– Dạ cháu chào bác không phải đâu, cháu hôm qua đi uống với tụi bạn nên bây giờ vẫn còn váng vất.
– Tao đùa vậy thôi chứ cũng biết mày ngày xưa ôn thi đi nước ngoài nên không về được. Thôi hôm nay kiểu gì cũng xuống bác nghe. Không lý do lý trấu gì nữa. Tao và bố mẹ mày đợi dưới nhà nhé nhanh lên.
Không thể từ chối tôi đi vệ sinh mặc quần áo và xuống nhà mọi người đợi. Tôi đi một xe, bố mẹ một xe và bác một xe cả đoàn về nhà bác ăn tất niên vì cũng lâu rồi hai nhà không ăn cơm với nhau. Đến nhà bác.
– Em chào anh Q. Một cô bé trông giống hệt chị chào tôi. À Quỳnh Anh mới có 3 năm không gặp mà bây giờ lớn thế.
– Chào em mới có mấy năm không gặp lớn ra thế nhỉ anh suýt không nhận ra.
Vào trong nhà thấy chị và mẹ đang nấu ăn.
– Cháu chào bác.
– Em chào chị. Tôi lí nhí.
– Q à lâu lắm rồi không gặp cháu dạo này đen nhiều rồi nhỉ.
– Dạ.
Tôi nhìn chị, đã một năm rồi mới gặp lại chị vẫn như xưa. Vẫn mái tóc ấy có khác thì là bộ quần áo ở nhà. Chị chỉ gật đầu với tôi và dường như tránh ánh mắt nhìn của tôi. Chị vẫn lặng lẽ làm việc của mình không nói. Mẹ chị chắc hiểu lý do tại sao. Còn tôi thấy mình đứng đây cũng vô duyên và không tiện nên ra phòng ngoài ngồi uống nước với mọi người.
– Anh Q ơi anh phải mừng tuổi em trước nhé. Bé Quỳnh Anh vòi vĩnh tôi.
– Cái con này hư thế, anh là sinh viên thì làm gì có tiền. – Bác Luân mắng nó.
– Ảnh có tiền, ảnh còn tặng quà chị cơ mà. Nó cự nự.
Tôi cười và rút ví ra mừng tuổi nó tờ 50.000 bác Luân định ngăn nhưng bố mẹ tôi gàn. Nó sung sướng cầm lấy tờ tiền và chạy biến ra ngoài với các bạn.
– Mai Anh, thằng Minh nó đâu sao chưa thấy đến.
Bác Luân nói vọng vào hỏi chị.
– Dạ hôm nay anh về quê từ sáng nên không biết. Chiều anh mới lên.
– À thế à. Có bia chưa đem ra đây tao và chú uống trước nhỉ.
– Vâng ạ.
Trên đường đi thầm nghĩ đây là lần đầu tiên giáp mặt với đối thủ. Muốn nói chuyện với anh xem người đã cướp người yêu của tôi thế nào. Nếu tâm phục khẩu phục thì cũng nhẹ lòng. Thế mà giờ đây lại không gặp được có lẽ là do duyên số. Bởi cho đến tận bây giờ tôi cũng chưa một lần nói chuyện với anh.
Rồi mâm cơm cũng bày ra mọi người ngồi vào ăn uống. Cả bữa cơm chỉ là chuyện của hai ông bạn, mọi người chỉ đế thêm vào, tôi cũng vậy. Còn chị thì lặng lẽ. Chỉ khi hỏi chị mới trả lời hoặc chỉ vâng dạ. Thỉnh thoảng nhìn trộm chị thì thấy chị ăn uống có vẻ khó khăn. Chắc chị không ăn nổi và đang ngẹn ngào.
Đôi khi trộm nhìn em…
Xem dung nhan đó bây giờ ra sao…
Em có còn đôi má đào như ngày nào…
Kể từ khi vắng anh em như tấm vải lụa nhầu…
Thương thâu đêm giấc mộng xanh xao…
Anh có bề nào ai đón đưa em…
Cuộc đời là vách chắn là rào thưa…
Thương em tiếng hát sang mùa…
Một mai mưa ướt áo em áo mỏng đường mòn…
Dáng nhỏ thân quen.
Bữa cơm cũng xong, chị dọn cả nhà tôi và hai bác ngồi uống nước tiếp tục đàm đạo. Được một lúc thì chị vào. Chị xin phép hôm nay trong người mệt và chào bố mẹ tôi lên nhà nghỉ. Mẹ chị hiểu và tôi thấy mẹ chị có vẻ như là rất hối hận. Bởi khi cả nhà tôi ra về. Bố mẹ tôi đi trước còn tôi do xe ở trong nên về sau. Bác gái tiễn và bác nói một lời tôi nhớ mãi.
– Có lẽ bác sai, bác còn nợ cháu một lời xin lỗi.
Đóng cửa bác vào nhà. Tôi đi một đoạn khoảng 20m thì linh cảm có người nhìn mình. Tôi dừng lại và quay lại nhìn về phía nhà chị. Chị đứng ở trên tầng 2 chị dựa hẳn vào vệ cửa hai tay chị ôm cửa và nhìn tôi không chớp mắt. Chị khóc… chị đang khóc. Hai chúng tôi nhìn nhau thật lâu và chị vẫn cứ khóc ròng. Tôi đưa tay lên định gọi chị xuống nhưng không hiểu sao nó lại biến thành cái xua nhẹ tay tạm biệt. Chị dơ nhẹ tay lên vẫy vẫy chào và vẫn nước mắt chảy dài. Tôi quay lại rồ ga và trở về nhà với một cõi lòng nặng trĩu.
Đoạn đường ngày hôm nay…
Sao có mưa bay bên đôi hàng cây?
Chúng ta tay trong tay, cớ sao… chỉ thấy nỗi sầu?
Đường về ngày hôm sau, sẽ vắng bóng anh bên em đi cùng…
Sẽ xa vời 1 người… 1 người… lặng lẽ âm thầm…
Còn ngồi gần bên em, anh muốn ôm em ôm thật lâu…
Dẫu cho câu chia ly, khó khăn không nói nên lời…
Gượng cười cầm tay em, nào ai biết tim anh như vỡ òa…
Phút giây mình ngàn trùng cách xa, bóng em phía sau nhạt nhoà…
Rồi anh… sẽ đến chốn xa xôi…
Đôi tình nhân chia đôi phương trời…
Những kỷ niệm ngọt ngào bên em…
Anh nguyện xin giữ chôn sâu giấc mơ…
Và anh… chẳng nỡ nhìn phía sau…
Sợ thấy khoé mắt em chan hoà mưa…
Nước mắt thôi đừng rơi ước đôi môi mềm…
Tim anh thêm xót xa, ngàn lần…
Bài hát “Mưa nước mắt” do ca sỹ Phan Đình Tùng thể hiện.
Các bạn ạ. Tình yêu nó như một bông hoa đẹp ở trên cành. Nếu nó thụ phấn và kết trái thì nó sẽ đi đến cuối con đường. Nhưng vì một lý do nào đó mà bông hoa bị ngắt ra khỏi cành nó sẽ chết. Tình yêu chết. Nhưng cái mà chúng ta cần nói ở đây không phải là cái chết của bông hoa của tình yêu mà cái cách ta ứng xử với nó. Nếu ta dẫm đạp nó và quẳng nó vào sọt rác thì nó sẽ mãi mãi chết và ta sẽ không còn bao giờ còn nhớ về nó nữa. Con nếu ta đem nó ép vào trang vở thì nó sẽ sẽ còn tồn tại để mỗi lần giở trang vở ra ta lại nhớ về nó, nhớ về vẻ đẹp của nó. Đó là vẻ đẹp trong cốt cách, tâm hồn của tình yêu, là sự đọng lại mà ta trân trọng.
Nếu tình yêu chẳng may mà chết đi thì ta hãy dành cho nó một vị trí trang trọng trong con tim. Bởi nó trong một thời điểm nào đó của cuộc đời ta đã đem lại cho ta những cảm xúc, hạnh phúc những niềm vui cả nỗi buồn nữa. Nó là một phần của cuộc đời chúng ta.