Sai trái

Chương 2



Phần 2

Năm nay là năm học cuối cấp, đứa nào cũng ra sức học nhưng cũng thật sự cảm giác lo lắng. Liệu cuối năm thi cử sẽ thế nào, liên tiếp kỳ thi nối tiếp kỳ thi trong khoảng thời gian quá ngắn. Thi học kỳ 2, rồi đến thi tốt nghiệp Trung học, rồi tiếp đến là kỳ thi Đại học. Ngày đó, chỉ toàn trường Đại học công lập, chứ không như bây giờ vô số trường Đại học Dân lập mọc lên như nấm sau cơn mưa.

Ban ngày, Thịnh có thể thoải mái khắp căn gác. Phía cuối gác gần mé sông là nơi chất những bao quần áo si – đa được che chắn cẩn thận khỏi mưa, đây như là nơi kho hàng dự trữ của ba mẹ nó vậy. Kế tấm nệm nhỏ của ba nó, tấm nệm lớn hơn là nơi dành cho mẹ nó và cô em gái. Mỗi khi trời tối, cả nhà đi ngủ thì giang sơn của nó là phần ban công rộng nằm gần mép đường hẻm.

Xung quanh ban công được che chắn bìa giấy tránh những cặp mắt soi mói của người đi đường qua lại. Trải chiếc chiếu sạch sẽ ra, giăng mùng tránh muỗi sau khi đã cài khóa cửa cẩn thận. Nó chỉ đem được một món đồ yêu thích về đây, hồ cá. Cái hồ được đặt ở một góc ban công, trong ánh sáng nhờn nhợt từ ánh đèn nhà ai đó ở xa xa chiếu lại, Thịnh ngồi trong mùng lặng lẽ nhìn những con cá ông tiên, cùng những con hồng kim cùng đàn bảy màu nằm im như đã chìm vào giấc ngủ.

Con hẻm cũng đã chìm vào trong giấc ngủ, còn nó ngồi đó thao thức. Nó nghĩ đến ngày mai kia. Tương lai của nó sẽ có màu hồng, nó cố ra sức học rồi thi đậu vào một trường Đại học danh tiếng nào đó ở Sài Gòn này. Ra trường đi làm, nó sẽ kiếm được thật nhiều tiền về để lo cho ba mẹ cùng đứa em gái nhỏ. Khóe môi nó cảm thấy mằn mặn vì chạnh lòng.

Trời sáng lúc nào cũng không hay khi nó bừng tỉnh. Nhanh chóng vệ sinh buổi sáng, mẹ dặn dò nó.

– Có gói xôi bắp trên bàn nghe Thịnh.

– Dạ.

Lúc nó mặc quần áo để đi học, thì cả ba mẹ cùng cô em gái nó đã mất hút ở đầu hẻm. Buổi sáng nào cũng vậy, ba mẹ nó cũng đều dọn hàng từ rất sớm. Những bộ quần áo đẹp được treo lên móc hẳn hỏi rồi đưa ra phía bên ngoài gian hàng để thu hút khách đi chợ mua đồ. Con bé em Thịnh cũng mang theo cắp sách ra đó ngồi học bài rồi đến trưa đi đến trường.

Nó khóa cửa căn gác cẩn thận, xuống dưới nhà rồi dắt chiếc xe đạp ra. Tính ra ngôi trường cấp 3 của nó cũng không xa nhà lắm, chỉ chừng đâu đó khoảng 1 cây số mà thôi. Nhưng vì mới biết đi xe đạp cuối năm lớp 9, nên bây giờ nó háo hức luyện tập xe cho cứng tay lái. Còn nhớ mới cách đây khoảng chừng một tháng, vì tay lái yếu nên khi đang đạp xe trên đường bất chợp gặp một chiếc xe máy từ bên trong một con hẻm đâm thẳng ra, nó không xử lý được nên lao thẳng chiếc xe đạp vô gốc cây bên đường.

Đầu gối nó rướm máu. Nhưng thứ quan trọng hơn với nó, vành trước của chiếc xe cong vòng. Thằng Điền, bạn chí cốt của nó đã mua cho nó cái vành xe inox rút căm bóng lưỡng. Ban đầu nhất mực Thịnh nói sẽ gửi tiền lại sau, thằng bạn nhất mực không chịu. Nhà thằng Điền ở xa trường, gần bên một bến xe sầm uất nhưng cũng rất phức tạp. Thời đó dân bến xe rất có máu mặt.

Nhưng đối với Thịnh thì thằng bạn của nó hiền, chỉ có điều là đứa rất nghịch ngợm và máu đua xe. Nó và thằng bạn hoàn toàn trái ngược nhau. Nó lầm lì, ít nói trong khi thằng Điền thường luôn miệng, làm nhiều trò nghịch ngợm nên trong lớp hầu như ai cũng không ưa gì Điền cả. Thịnh cũng bị ghét lây. Cặp bài trùng nổi danh trong các lớp khối A. Dĩ nhiên không thể đem so sánh với các lớp khối B, bởi vì ở đó chương trình học rất nhẹ và đa số tập trung các học sinh có điểm học lực thấp khi thi đầu vào từ năm lớp 10.

Tuy nhiên, Điền là đứa rất thông minh. Chẳng khi nào thấy nó chịu học bài, nên thường những môn thuộc về thuần lý thuyết thì nó rất dở. Nhưng những môn làm bài tập như Toán, Lý, Hóa thì chẳng khi nào kiểm tra 15″hay 1 tiết mà Điền bị điểm dưới 8. Thịnh siêng hơn, vì thường ở nhà”cày” bài. Nên bất kể môn học bài nào cũng vậy, nó thuộc làu làu. Riêng các môn của lớp chuyên A này thì Thịnh có phần thua kém Điền một chút. Đôi bạn thân này là cái gai trong lớp trưởng của nó.

– Hai ông khi nào mới hết quậy phá dzậy hả?

Điền nhe răng cười, nó bỏ ngoài tai tất cả những câu nói kiểu như vậy. Gia đình Điền giàu có, mặc dù đông anh chị nhưng nó lại là con út nên rất được cưng chiều. Bởi lẽ đó mà nó dư dả tiền bạc trong túi. Nếu Thịnh chỉ được tiền ăn sáng ít ỏi thì so với Điền chỉ bằng 1 phần 20 mà thôi. Chiếc cub 78 được “đôn dên xoáy nòng” là phương tiện đi lại của Điền. Hình như đa số tiền bạc có được thì Điền đổ vào chiếc xe này, ngoài phần tiền để hai đứa cùng đi chơi điện tử.

Nếu những đứa con nhà giàu, có xe gắn máy đi học, đều có “bồ” hẳn hoi. Riêng Điền vẫn còn “vô tư”, chẳng màng đến các cô gái trong trường cũng có không ít người để ý nó. Cái vẻ lóc chóc, người lớn không ra người lớn mà con nít không ra con nít cũng mau chóng khiến người đối diện không có nhiều thiện cảm với nó. Thành thử, chỉ một mình Thịnh quan tâm và chơi với nó nên nó quý Thịnh vô cùng.

Thịnh ít nói hơn, cũng lại là một điểm khiến có một cô bạn chung khối 12 đã có ý thầm thích.

– Ê, cho mày nè Thịnh!

– Cái gì dzậy?

– Ai biết đâu, tao chưa mở ra coi.

– Đồ của mày mà mày chưa mở ra coi là làm sao thằng khỉ?

– Có phải của tao đâu, người ta cho.

– Ai mà cho mày?

– Mày quên rồi hả? Con nhỏ Ly “điệu” đó…

– À!!!

Ai chứ Ly “điệu” thì chẳng lạ lẫm gì với Thịnh hết. Con nhỏ này học chung lớp với Thịnh hồi học cấp 2. Nàng ta nổi tiếng về ăn mặc rất duyên dáng, và tướng đi lại rất điệu đà. Biệt danh “điệu” có từ thuở đó. Thịnh biết Ly “điệu” kết mô – đen thằng bạn thân của mình lắm. Nhưng với tính khí của Điền, nó không thích yêu đương, hay có bạn gái đâu. Nhiều khi chính Thịnh còn nhận thấy thằng bạn mình “dở hơi” nữa chứ. Trong khi có vô số đứa cùng khối đều tỏ ra mê mệt cô nàng, thì Điền lại phớt tỉnh Ăng – lê với nàng ấy. Nhưng Ly “điệu” không hề nản chí, cô nàng thỉnh thoảng hay mua đồ ăn cho Điền lắm. Dù không có chút cảm tình nào nhưng cái thằng Điền kể cũng lạ, Ly “điệu” đưa gì thì nó cũng nhận hết. Xong đưa lại cho Thịnh.

– Tao thấy mày mắc cười quá Điền?

– Chuyện gì mà mắc cười tao? Mà mắc cười thì mày cứ cười đi, ai cấm?

– Nhỏ “điệu” mua tặng cho mày, sao mày nhận rồi cứ đưa hết cho tao là sao? Nhỏ biết chắc nhỏ tức điên với mày nha con?

– Nó biết kệ nó, người ta có lòng tặng thì mình phải nhận chớ, không lại phụ lòng họ à?

– Nói năng vậy mà mày cũng nói được hả thằng kia?

Vừa nói Thịnh vừa mở gói giấy nhỏ ra xem. Hai tấm vé trượt patin.

– Mày giữ lấy nè Điền. Nàng tặng mày để mày rủ nàng cùng đi đó.

– Mày cầm nhớ nhắc tao, cuối tuần tao với mày đi.

Nói xong thì Điền cũng đã đi khuất cuối dãy hành lang, Thịnh ngó theo lắc đầu không nói gì được nữa.

Chương trước Chương tiếp
Loading...