Tán gái sư phạm
Chương 27
Hai anh em vừa ra tới cổng thì cái Ngọc nó chạy theo sát gót.
– Anh đi đâu thế?
– Bọn tớ đi nghe kể chuyện ma, cậu đi không?
Nó mím môi, gật đầu cái rụp. Đừng có bảo là đi rồi lấy tư liệu tối về đang ngủ rồi lại chạy sang hù ma tôi đấy nha. 3 anh em dắt nhau đi. Vừa đi thằng Dũng nó vừa kể.
– Làng mình đợt này thấy nhiều người ở dưới âm, tìm lên nhập vào người khác nói chuyện lắm anh ạ.
– Mày đùa à? – tôi cảm thấy con bé đang cấu chặt hơn vào tay tôi.
– Em nói thật chứ đùa gì, bố mẹ anh về đây đi công chuyện cũng là liên quan đến chuyện này đấy. Trưa nào tụi em chẳng ra ngõ cụ Ba luận chuyện này.
– Nhưng sự thể là nó như nào?
– Toàn là liệt sỹ cả thôi. Hiện về rồi nhập vào người thân của mình, đi tìm mồ đồng đội.
– Mày chứng kiện lần nào chưa?
– Rồi, tuần trước đang đi chăn trâu thì tự nhiên thấy người ta chạy đi xem, em cũng đi. Cái cô Hồng ở đầu làng ấy, anh trai cô là bộ đội nhưng mất rồi, đợt này toàn hiện lên nhập vào cô rồi bảo tới địa chỉ nhà nào, ở đâu, tìm người nhà người đó, ông chỉ mộ của người đã mất cho.
– Thế có tìm được không?
– Có chứ. Lần nào cũng đưa cô đi đến tận 4, 5 ngày mới cho về nhà. Mà lần nào đi cũng tìm được. Chỉ đâu, đào chỗ đó lên i như rằng có bộ xương người ở đó. Nghe đâu làng đồn tìm được 6, 7 ngôi mộ rồi đấy.
– Tự nhiên lên đồng thế hả mày?
– Chứ còn gì. Có hôm đang ngồi ăn cơm, giật giật vài cái, mắt long song sọc, sau đó tự nhiên đứng dậy đi thế. Con cái hốt luôn cơ mà.
– Có khi nào làm thế để lợi dụng người nào cả tin mà kiếm tiền không mày? – tôi nghe cứ khó tin kiểu gì đấy, sống trong thời đại thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn mấy chuyện phi khoa học như thế.
– Anh nói bậy – nó nạt tôi – Cô làm chả bao giờ lấy của ai một xu đâu.
– Ờ…
Nó dẫn tôi ra ngõ cụ Ba, vào buổi trưa tụi nó hay ngồi mát, hóng chuyện ở đấy. Toàn con nít với độ tuổi tầm thằng Dũng, cái Ngọc là nhiều. Ngày xưa tôi cũng thường hay lui tới chỗ này chơi với thằng Dũng cùng đám bạn của nó. Ngõ cụ hướng ra cánh đồng lúa xanh ngút ngàn, cây đa mọc vươn ngọn chằng chịt, khi nào thích thì cả hội trèo lên đấy nằm chơi, không thì ngồi dưới đất chơi với cụ.
Cụ Ba già lắm rồi, khi tôi biết tới cụ, cụ đã hơn 80 rồi. Năm nay cụ phải hơn 90 nhưng còn tỉnh tỏ lắm. Cụ ở một mình, cụ bà mất cách đây 8 năm. Hai cụ không có con, nghe người ta bảo cụ bà không sinh con được thì phải. Nhưng hai cụ vẫn sống hạnh phúc lắm, không bao giờ có chuyện xích mích hay tiếng to tiếng nhỏ trong nhà.
Cụ Ba đi bộ đội về nên cụ kể nhiều chuyện, chuyện nào cũng hay. Mà cụ gan lắm, có lần ngồi nghe cụ kể chuyện cụ bị ma nhát mà bọn tôi về mấy đêm không dám ngủ. Cụ bị mất 3 ngón tay giữa ở bàn tay phải vì một lần trúng bom nên phải cưa nhưng cụ vẫn rất giỏi. Đan lát tài tình, trưa nào cụ cũng mang tre ra ngõ ngồi đan, cái gì cụ cũng đan được, cụ đan bán, nhưng bán rẻ lắm, bán một cái cụ cho một cái, chủ yếu cụ làm cho vui, vừa làm vừa kể chuyện cho bọn tôi nghe. Ngày nào cũng có con nít ngồi ở ngõ cụ, trừ những hôm mưa gió. Cụ Ba là người tốt bụng và hào phóng nhất ở cái làng này, vườn cụ đầy cây ăn quả, cứ mùa nào cũng có quả chín, cụ không ăn mà cứ mang cho mấy đứa nhỏ, ai nhờ gì cụ cũng giúp đỡ tận tình, thành ra cả làng quý cụ, ai cũng thương cụ cả.
– Cháu chào cụ Ba – hồi trước cụ cũng quý tôi lắm, nhưng chắc giờ không còn nhớ nữa cũng nên.
Tôi lễ phép chào cụ rồi ngồi xuống bên mấy đứa nhỏ. Mấy đứa đang làm chong chóng tre, cụ dạy bọn nó làm. Gió đang to nên làm chong chóng chơi cho vui. Ngọc ngồi xuống bên cạnh tôi lạ lùng cứ nhìn cụ rồi nhìn những chiếc chong chóng vừa làm xong đang chạy vù vù dưới gió. Thấy hai đứa tôi nhìn là lạ, lại ra dáng người thành phố, bọn kia nhìn như vừa thấy siêu nhân đỏ ấy. Cụ ngẩng mặt lên cười móm mém.
– Cháu con cái nhà ai nhỉ?
– Dạ con mẹ Thục.
– Là chị gái mẹ cháu đấy cụ Ba – Thằng Dũng nhanh nhảu thêm vào.
– Chà, con mẹ Thục, Thục Tư có phải không?
– Dạ phải – cụ Ba vẫn còn minh mẫn chán.
– Lâu lắm rồi mới về lại quê hả con?
– Dạ, bố mẹ cháu có việc ở quê nên cháu theo về chơi vài hôm.
– Chắc lại về chuyện âm dương nữa hả? – Cụ lấy một chiếc dùi gõ gõ vào chiếc rổ cụ đang làm dở cho thanh tre nẹp chắc vào nhau, giọng trầm trầm
– Cháu cũng không rõ lắm. Mà cái đó là có thật sao cụ? Cháu không nghĩ trên đời này còn tồn tại chuyện ma quỷ đâu. Không khéo người lại lừa người ấy cũng nên.
Nghe tôi phán xong câu đó, mấy đứa đang ngồi với nhau quay sang ném đá hội đồng tôi kinh khủng khiếp. Mỗi đứa nhao nhao một câu đau hết cả tai. Giống như cái kiểu thi nhau nói, loạn hết cả đầu. Đợi cho đợt tranh luận lắng xuống cụ Ba mới lên tiếng:
– Cái này thì cụ cũng không rõ, ngày xưa còn nhỏ, cụ cũng có được gọi là gặp ma nhiều lắm, nhưng mà cái chuyện tự nhiên hiện lên rồi ứng vào người thì mới thấy xuất hiện ở làng năm trở lại đây. Con người giờ ngày càng văn minh hơn nên cái gì người ta cũng tin vào khoa học chứ truyền miệng nhau có mấy ai tin. Nhưng mà cái chuyện hồn hiện về ứng vào người thân đi tìm mộ liệt sỹ thì đúng là có thật. Vì thấy tìm được khá nhiều mồ mả người chết mà mấy chục năm trời rồi chưa tìm thấy.
– Vậy cụ có gặp qua ma quỷ rồi hả cụ? – tôi tò mò, mấy đứa con nít cũng tò mò không kém. Con bé áp sát người tôi hơn, chắc nghe đến ma quỷ nó sợ.
– Có gặp rồi. Ngày còn nhỏ lắm ấy – Ông chép chép cái miệng, tò mò sẵn, tôi đề nghị.
– Như nào hả cụ? Kể tụi con nghe đi.
Nghe đến chuyện ma, đứa nào cũng nghếch cổ lên nhìn, hóng hớt.
– Chuyện từ đời nào rồi, cụ cũng không nhớ rõ lắm nữa.
Cụ lại gõ cốc cốc vào thanh nẹp tre, đôi tay khéo léo luồn sợi mây giữa những thanh tre.
– Ma quỷ thì cụ cũng không biết nó có thật không, nhưng mà gặp nhiều lần rồi. Cái thời 45 nạn đói xảy ra, người chết la liệt, chết đường chết chợ nhiều lắm. Có lúc còn đào một cái hố mà chôn đến tận 10 người… người tha phương cầu thực rồi chết vương vất khắp nơi, không có ai nhận về thì đành chôn vậy. Sau này làng mình lập cái miếu hoang thờ người chết không có danh tính đấy, ai cũng bảo miếu đấy thiêng, nhưng phải thật tâm mới được. Hồi đấy cụ khoảng 12 tuổi, đi đơm tôm tép ở ngoài cái đập cùng với cha. Cha cụ kêu cụ về lấy nơm chụp cá lội ngược dòng, khi đi thì không sao, khi mang cá về, vừa nhảy qua mương thì nghe tiếng kêu the thé ” Ba ơi, Ba…” cụ tưởng ai kêu nên đứng lại, hỏi mãi chả thấy ai trả lời, nhưng vừa bước chân đi thì lại nghe tiếng kêu thảm lắm ” Ba ơi, Ba…” gió nổi lên nhè nhẹ mà cụ lạnh hết cả người, thấy hơi rờn rợn trong người rồi, cụ chạy nhanh, càng chạy càng nghe tiếng kêu đuổi theo bên tai, tiếng kêu như xé gió, cảm giác như có người chạy theo sát sau người mình, không dám ngoảnh lại… cứ gọi tên cụ ” Ba ơi…Ba ơi…” như thế. May sao về tới đầu làng, cụ chạy vào nhà bà Tâm bẻ một cành dâu rồi xin bà củ tỏi bỏ vào người thì về tới nhà không thấy gì nữa. Về kể ai cũng khen cụ gan. Có lần khác, cha cụ sai công chuyện phải đi qua khu nghĩa địa, qua cái hồ trước lối dẫn vào khu nghĩa địa, tự nhiên thấy một người đàn bà bận đồ trắng, tóc xõa che hết mặt nhảy ùm xuống hồ. Rõ ràng là chính mắt cụ thấy có người nhảy xuống đó, nhưng mặt hồ lại phẳng lặng như gương… cụ hơi thót tim nhưng tiếp tục đi chầm chậm, không dám chạy, đường khuya một mình, băng qua khu nghĩa địa nghe tiếng côn trùng kêu nỉ non, tiếng chuột đào lỗ, thậm chí còn nghe thấy hơi thở phì phò bên tai nữa. Đi cứ cắm đầu đi thẳng, không dám nhìn đâu lung tung. Về rồi cũng không thấy gì nữa. Mà cái ao làng mình đó thực chất là một hố bom đấy các cháu ạ. Hồi trước có một đàn trâu của hợp tác xã đi về thì bị bom ném, cả người cả đàn trâu chết hết, máu lênh láng khắp nơi, lâu nay mưa, lũ nó thành cái ao. Cụ cũng có nghe nhiều người kể về đàn trâu ma, có một người cưỡi con trâu đầu đàn, một đàn trâu cả lớn cả bé theo sau lội qua cái ao rồi chìm nghỉm giữa ao. Thành ra mà giờ có cái bàn thờ bé bé ở đầu cái ao đó, giờ ao đó nhiều tôm tép, nhiều cá to nhất làng đấy. Ít ai tới đấy câu hay đơm cá mà. Còn ma trươi, cái mà giờ các cháu bảo phốt pho trong xương người cháy đấy, nhiều người gặp lắm, có hôm nằm ngủ trong nhà, dòm qua cửa sổ nhìn ra đường thấy cả ngọn lửa xanh xanh chập chờn, sáng rồi vụt tắt… làng mình giờ ở đâu chả có mồ mả. Có khi còn cất xây nhà trên mồ mả người ta không biết. Hồi nhỏ còn nghe có người kể lại, đang ngủ thì thấy người bận đồ trắng tinh, tóc xõa che mặt, đứng cạnh giường cứ giơ tay đòi bóp cổ. Hôm sau nhờ thầy coi đất bảo đất có ma, đào lên thì đúng là dưới giường có bộ xương con gái. Nghe mà hãi hùng, nổi cả da gà. Nhưng cũng có khi người nhát người chứ ma quỷ gì. Đói quá, cứ gặp mấy người đi đánh cá về rồi núp đâu đó hù dọa người ta hết hồn để xin giỏ cá. Nhưng mà đã dám đi đêm về hôm thế thì có gì mà phải sợ nữa…
Ngưng lại một chút, cụ lắc đầu thở dài thườn thượt. Tụi con nít dần dần bu lại một đống xung quanh, cái Ngọc sợ quá nó cứ thậm thà thậm thụt, níu lấy tay tôi cấu sứt mẻ hết cả làn da đẹp đẽ của tôi.
– Lớn lên cụ tham gia đi bộ đội. Giờ thời đại nó văn mình, hiện đại rồi, nam bắc cách nhau có vài tiếng đồng hồ là tới nơi chứ ngày xưa cụ đi bộ từ bắc ra nam. Chân tay bỏng rộp hết, đêm trải lá nằm giữa rừng núi sâu thăm thẳm, muỗi rừng, rồi vắt, rắn rết bò tứ tung khắp nơi. Bệnh này bệnh khác mà vẫn sống để tiếp tục chiến đấu. Nhưng mà đó là khoảng thời gian ý nghĩa nhất của đời cụ, được cùng bạn bè chiến đấu, cùng làm việc, cùng hành quân. Đói thì san sẻ nhau quả dại ở rừng, rét thì ôm nhau nằm chung, mưa che chung mảnh áo rách. Khổ nhưng lúc nào cũng có niềm tin vào Đảng, vào cụ Hồ cả. Có đợt được nghỉ phép về thăm nhà, cụ xin đi nhờ được xe của lính lái xe tăng, các chú các anh hát hò rầm rộ cả xe. Sau đó thì đi bộ 300 cây số để về được nhà. Về đến chợ chùa đầu làng mình, sức kiệt quệ, lại đói, cụ nằm luôn lên cái lán nhà ai đó ngủ không biết trời đất gì. Có đứa con nít trông thấy tưởng người chết nó hét ầm lên, mấy ông trai tráng trong làng lại vác xẻng để đi chôn người chết, ai ngờ ra gặp lại cụ, mừng khôn xiết. Đợt ấy về làng được hai hôm, sau đợt ấy thì cha mẹ cụ mất, đi đánh cá gặp phải bom bi… thời loạn lạc sống chết nó may rủi lắm… sống hôm nay biết đâu ngày mai mình chết, nên cứ sống lạc quan lên thế thôi…
– Ai cũng khổ vậy hả cụ? – con bé bẽn lẽn hỏi.
Vì nó là người thành phố, vì nó chỉ học cái khổ của con người qua sách vở, nên nỗi đau những năm tháng đã qua chỉ được tái hiện lại một phần nhỏ nhoi. Bây giờ tự mình mắt thấy tai nghe, tự mình được người khác tái hiện lịch sử cha ông một thời trước mắt, nó cứ thở dài thườn thượt, nó cắn môi, lâu lâu lại nhíu mày khó hiểu.
– Khổ lắm con ạ. Cái khó cái khổ nó theo con người ta từng giờ từng phút. Quanh năm phải chật vật với cái ăn. Làm theo hợp tác xã, trời chưa sáng thì đã phải ra đồng, trời tối mịt mới được về. Làm siêng làm lười gì thì cả ngày cũng được tính một công, cuối mùa thu hoạch xong cứ tính theo công mà nhận lúa. Không phải như bây giờ, ruộng nhà ai nhà ấy làm, được nhiều hay ít thì nhà đấy hưởng tất… cái thời đói khổ đã khủng khiếp, nhà đông con, mỗi bữa nấu lưng bát gạo còn khoai thì hơn nửa nồi, ăn bao nhiêu rồi cũng không thấy no. Hôm nào cũng tranh phần mẹ đi cho chó ăn để ăn bớt vài ba miếng của chó. Cà muối cả vại, mặn chát, ăn quanh năm suốt tháng. Đói nên cụ toàn phải đi mót đủ thứ, đến mùa khoai thì đi nhặt nhạnh mấy cái dây khoai còn dính mấy củ khoai bé bằng ngón tay út đứa con nít, về luộc cả nồi rồi ăn nuốt nước bỏ bã, mùa lúa thì đi mót lúa nhép, về phơi khô giã ra rồi rang lên làm cốm ăn. Quanh năm suốt tháng ở ngoài đồng, khi thì mò cua, khi bắt ốc. Xoay xở từng bữa ăn cho qua ngày qua tháng. Mong cho đời bớt đói khổ, mong cho có được bát cơm trắng mà ăn… sống thế mà vẫn sống được đến chừng này tuổi rồi. Có nhà đói quá không nuôi nổi con mà phải mang con ra chợ vứt cho nó nhặt gốc mía mà ăn, làng mình nhiều nhà con cái giờ lưu lạc khắp nơi, còn chả biết ở đâu, còn sống hay đã chết mà tìm về ấy chứ…
Dùng thanh gỗ cụ đập vào vành chiếc rổ tre đang làm, xong cụ đưa lên ngắm nghía rồi nắn lại vành rổ cho tròn. Cuối cùng cũng hoàn thành xong sản phẩm. Cụ cười móm mém, hai hàm răng đã rụng gần hết, Khánh Ngọc thích thú reo lên:
– Dễ thương quá ông ơi. Ông giỏi quá – nó vui lắm, từ hôm qua tới giờ mới thấy nó cười tươi đến như thế.
– Cho cháu đấy – cụ đưa nó cho em, nhưng nhỏ ngại ngùng không dám cầm.
– Dạ thôi, cháu không cầm đâu, ông để mà dùng.
– Không sao đâu, cụ cho bọn tớ suốt ấy mà – thằng Dũng to toe, cầm lấy cái rổ trên tay cụ đưa cho Khánh Ngọc.
Con bé cười híp mắt cảm ơn cụ, ôm con gấu bông vào lòng, nó dùng cả hay tay xem xét và soi mói bằng đôi mắt thích thú.
Chuông điện thoại reo, bố mẹ tôi gọi 3 đứa về trông nhà để đi công chuyện. Chúng tôi hoãn cuộc vui rời khỏi nơi đông vui để về nhà. Mấy đứa con nít vẫn còn ngồi đấy, hóng hớt chuyện, nghe kể về cái gì đấy, hoặc chỉ chơi cùng cụ.
Thằng Dũng ngồi bi bô đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, Khánh Ngọc lại im ỉm, em chẳng buồn nói cái gì cả. Mỗi người một tâm trạng, một suy nghĩ. Tôi không còn lạ lùng nhiều, nhưng chắc là Khánh Ngọc đang thấy lạ lẫm và suy nghĩ về nhiều thứ mà cuộc sống của em có thể sẽ không bao giờ biết đến nếu như không có ngày hôm nay.
– Sao Ngọc ít nói chuyện thế? Cậu đang nghĩ về cái gì vậy? – thằng Dũng chạy qua giật giật cánh tay Ngọc hỏi.
– Cụ Ba đó, tội nghiệp cụ ấy nhỉ – nó thở dài một cái như bà cụ non, trông đến là tội.
– Cuộc sống mà em, còn có nhiều người trên đời này còn khó khăn nhiều hơn thế, nhưng mà em thấy đấy, cụ Ba vẫn sống vui vẻ và luôn được mọi người yêu quý… vì thế nên em luôn phải sống thật tốt và xứng đáng với bản thân mình đó, biết chưa hả? – tranh thủ lên mặt dạy đời chút.
Em nó mỉm cười gật đầu. Đôi mắt ánh lên niềm vui khó tả. Một tay cầm gấu bông, một tay nó níu cánh tay tôi bước đi đều.