Thung lũng vàng

Chương 2



Phần 2

Tại một đường phố nhỏ. Sơn vẫn mặt bộ quần áo và xách túi. Anh tiến đến trước cánh cổng sắt của một căn nhà trông khá lịch sự với một khoảnh sân nhỏ có đặt những chậu hoa. Anh bấm chuông và chờ đợi.

Ra mở cửa là một người đàn ông trạc gần 50, dáng béo mập. Vừa mở cửa, anh ta vừa tay cài nốt những chiếc khuy áo. Khi nhìn rõ khách, những ngón tay mập mạp chợt ngừng lại trên chiếc khuy áo đang cài dở. Anh ta đứng sững lại với hàng khuy áo chưa cài hết và hai tay buông thỏng. Còn Sơn, anh cũng không biết nói gì nên sau khi bước vào trong nhà, anh vẫn cầm cái túi trên tay nhìn chủ nhà bằng ánh mắt căng thẳng.

Một khoảng im lặng nặng nề như thế qua đi. Sơn chậm rãi hỏi:

– Anh Bảy… Anh không nhận ra tôi sao?

Câu hỏi ấy làm chủ nhà như sực tỉnh. Anh ta chớp mắt khẽ lắc đầu xua đi cái tâm trạng bối rối của mình. Khuôn mặt béo núc bất ngờ giãng ra một nụ cười gượng gạo:

– Trời ơi! Chú Sơn. Thiệt bất ngờ quá! ..

– Tôi đã thay đổi nhiều lắm sao?

– Ồ, không! – Chủ nhà vồn vã bằng giọng thiếu tự nhiên – Nhưng… quả bất ngờ. Bởi chú đi… chưa được ba năm. Mà án thì bốn năm cơ mà?

– Anh không nhầm đâu – Sơn lạnh lùng – Tôi được tha sớm một năm.

– Ừa, phải vậy chớ! – Chủ nhà hồ hởi kêu lên – Kìa, chú ngồi xuống đi!

Hình như lúc đó chủ nhà mới lấy lại phong độ thường ngày của mình. Anh ta lớn tiếng bảo con mang nước và xăng xái mời Sơn ngồi. Sau đó, anh ta mở tủ lấy một bao thuốc 555 đặt trước mặt Sơn cùng chiếc bật lửa ga. Mặt dù anh ta cố vồn vã nhưng trong bộ dạng lăng xăng vẫn toát ra một điều gì đó thật giả tạo. Anh ta luôn mồm lẩm bẩm như đang học một bài học thuộc lòng:

– Vậy là chú đã về… Thiệt bất ngờ quá mà! Kìa, hút thuốc đi chú. Bất ngờ quá ta…!

Vừa ngồi xuống, chủ nhà lại bật dậy và gọi với vào bên trong:

– Mình ơi. Pha cà phê đi. Nhà có khách nghen!

Sơn đốt một điếu thuốc lá và ngồi im lặng nhả khói. Khuôn mặt với nụ cười gượng của chủ nhà qua làn khói thuốc giống như một ảo ảnh. Bất chợt, anh nhớ lại câu chuyện của ba năm về trước…

Trong câu chuyện đó, vẫn khuôn mặt béo núc ních này khi anh và người đó bước ra khỏi một quán nhậu và đi về chiếc xe con hiệu Toyota đậu trước cửa quán. Sơn đi tay không còn người bên cạnh khệ nệ chiếc cặp da màu đen. Họ đến bến cạnh chiếc ôtô. Sơn mở cửa tay lái định ngồi vào. Nhưng người đi cùng anh chợt lên tiếng:

– Sơn nè.. để anh cầm lái một đoạn thử coi…

Sơn lưỡng lự:

– Hay để dịp khác đi, anh Bảy… Hôm nay vừa nhậu xong, em sợ là..

– Hổng sao đâu. Đoạn này vắng để anh thử một lúc…

Không còn cách nào khác, Sơn đành miễn cưỡng đứng lên, nhường chỗ cho Bảy ngồi vào trước tay lái. Anh đóng hộ cửa xe cho Bảy và nói bằng một giọng không giấu nổi lo lắng:

– Nhưng thủ trưởng chạy chầm chậm thôi nghen…

Bảy cười vẻ coi thường:

– Yên trí. Anh sẽ lái ngon lành cho chú coi!

Chiếc toyota dưới tay lái điều khiển của Bảy rùng mình rồi chuệnh choạng bò ra lòng đường. Chưa đi được một trăm mét, bổng có chiếc xe tải đi ngược chiều xuất hiện ở ngã tư và tiến thẳng lại. Ngồi bên cạnh Bảy, Sơn lo lắng nhắc:

– Đạp thắng đi anh. Chạy chậm thôi!

Chiếc xe dưới bàn tay điều khiễn vụng vể dạt hẳn sang một bên để tránh xe tải. Nhưng do lạng qua nhiều, nó lao thẳng vào sau một người đang đạp xe cùng chiều. Trong xe, Sơn hét đến lạc giọng:

– Thắng! Kìa, đạp thắng đi chứ!

Bảy luống cuốn đạp, nhưng lại đạp thêm ga. Chiếc xe rú lên chồm lên chiếc xe đạp và trườn qua người anh thanh niên điều khiển chiếc xe. Rồi lao thẳng vào bức tường. Sau cú húc chí mạng đó, chiếc xe mới dừng lại hẳn.

Từ trên xe, Sơn đẩy cửa lao vọt ra. Anh chạy đến bên người bị nạn. Bảy cũng lóp ngóp chui ra khỏi xe. Hắn đứng một chỗ, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng trên gương mặt tái mét…

Dòng hồi tưởng chấm dứt khi vợ Bảy mang cà phê lên. Khi nhận rõ khách là ai bà ta hơi giật mình. Sau đó, bà ta đặt cà phê xuống bàn nói trống không:

Thì ra là… chú Sơn! Vậy mà tưởng khách nào chớ!

Sau đó quay sang phía Bảy:

– Mình tranh thủ tiếp chú rồi còn ăn cơm…

Thái độ đó làm Sơn sôi lên. Nhưng anh nén lại được và thản nhiên hút thuốc. Trước khi bước hẳn vào nhà dưới, người phụ nữ ấy còn ném về phía anh một cái nhìn đầy ác cảm.

Sơn bắt gặp cái nhìn ấy. Anh chợt nhớ lại khuôn mặt của bà ta cách đây ba năm. Lúc ấy vừa nắm lấy tay Sơn vừa mếu máo:

– Chú Sơn! Xin chú ra tay cứu nhân độ thế! Chỉ có chú mới cứu được vợ chồng tôi!

– Nhưng… nhưng chị biểu tôi làm gì bây giờ? Sơn băng khoăn.

Người đàn bà nhích lại gần anh. Từ trong đôi mắt những giọt nước mắt chảy ra:

– Rất đơn giản… chỉ cần chú nhận chú cầm lái thôi.

Sơn không biết nói gì, nhìn hồi lâu vào gương mặt thảm hại của hai vợ chồng Bảy. Trong khi đó người đàn bà tiếp tục van xin:

– Khổ quá chú ơi! Mấy mẹ con tui sẽ ra sao? Chú dù sao cũng còn nhẹ gánh hơn. Chú chưa có gia đình riêng, chú chưa hiểu…

Màn kịch ấy càng tăng thêm phần kịch tính khi Bảy tham gia. Ông ta nói với vợ bằng giọng buồn bã:

– Nếu tôi có bị xử tù, cũng chỉ vài ba năm là cùng. Mấy mẹ con ở nhà gắng chịu đựng, chờ tôi về!

Như được châm thêm, vợ Bảy khóc rống lên:

– Anh đi tù mẹ con tôi cũng đến nước đi ăn xin thôi! Trời ơi! Sao số tôi khổ thế này!

Những điều đó đã có tác dụng với Sơn. Anh nói mà không ngờ mình bắt đầu rơi vào bẫy:

– Nhưng tôi cũng có bà già… Lại còn con Thủy đang đi học nữa…

Chỉ chờ thế, vợ Bảy rút ra từ ngăn bàn một xấp tiền và đẩy trước mặt Sơn:

– Thôi thì chú làm phước! Cầm tạm ít tiền đưa bà già. Còn cô Thủy, vợ chồng tôi sẽ xem như em út trong nhà, chú đừng lo.

Một phút căng thẳng trôi qua. Sơn đẩy tập tiền lại cho vợ chồng Bảy. Anh nói bằng giọng đầy đắn đo:

– Thôi được… Anh chị cất chỗ tiền nay đi… Tôi giúp anh chị không phải vì tiền mà vì ba đứa nhỏ…

Những lời nói đó chưa dứt, có thể thấy trên mặt hai vợ chồng Bảy cùng nở bung lên một nụ cười sung sướng. Không kìm được mình, Bảy quì hẳn xuống chắp tay lại và nói bằng giọng lắp bắp:

– Trời ơi! Một tấm lòng vàng! Chú Sơn vợ chồng tôi sẽ không bao giờ quên được cái ơn cứu mạng này!

Cảnh hồi tưởng chấm dứt. Cũng vẫn là khuôn mặt của Bảy. Nhưng không còn sự hàm ơn đến thành kính nữa. Thay vào đó là một nụ cười gượng gạo:

– Chú về lâu chưa?

– Mới hôm qua thôi. – Sơn đi ngay vào cái điều anh quan tâm – Giờ tính sao đây anh Bảy?

Bảy lảng tránh ánh mắt của Sơn. Anh ta đứng lên, đi lại mở tủ và lấy ra một xấp tiền, để xuống trước mặt Sơn:

– Chú cầm chỗ này xài đở… tôi chỉ có thể giúp chú chừng ấy thôi!

Sơn hỏi mà không nhìn vào xấp bạc trước mặt:

– Anh có thể lo cho tôi một nơi làm việc được không?

Bảy gãi gáy:

– Khó lắm! Bây giờ người ta đang giảm biên chế…

Anh hỏi giọng rung lên:

– Nghĩa là tôi không còn hy vọng?

– Biết làm sao được? – Bảy nói và dang hai tay ra với vẽ thành thật giã tạo – Tình hình đã có những thay đổi…

– Vậy tôi phải làm gì bây giờ?

Hắn cố nói bằng giọng chân tình:

– Theo tôi, tốt nhất là chú đi một nơi nào đó thiệt xa. Ý tôi là chú đi đến nơi nào không ai biết quá khứ của chú và làm lại từ đầu…

Đôi mắt Sơn long lên. Hình như phải cố gắng lắm anh mới không tát vào cái mồm đang leo lẻo của Bảy. Bảy nhận ra điều đó, vội vã xua tay:

– Chú Sơn, bình tỉnh lại đi! Tôi rất biết ơn chú, và trước sau chỉ mong điều tốt lành cho chú!

Không còn nén được Sơn đứng bật dậy. Tưởng anh đánh Bảy vội vã co người trên ghế, hai tay ôm đầu. Nhưng Sơn thảng nhiên đưa tay vơ lấy tập bạc trên bàn. Anh lạnh lùng:

– Bao nhiêu đây?

Bảy như sống lại, hắn lắp bắp:

– Năm trăm ngàn. Đó là vốn liến của vợ chồng tôi. Gọi là đền ơn chú! Mong chú thông cảm!

Trong một thoáng, khuôn mặt Sơn bổng thẩn thờ. Sơn nói khe khẽ như tự nói với mình:

– Năm trăm ngàn để đổi lấy một ngàn ngày trong trại giam. Một ngàn ngày đáng lẽ anh phải gánh chịu…

Bảy hoảng hốt. Hắn ngồi mềm nhũng trên ghế vẽ mặt sợ hải tột cùng. Nhưng Sơn không có ý định động chạm đến hắn, anh nói tiếp:

– Nhưng cũng không phải là quá rẽ đâu. Bởi số tiền này phản ánh thực giá trị của các người… Đồ khốn nạn!

Nói xong Sơn thản nhiên nhét tập bạc vào túi. Đi lại góc nhà nhặt cái túi mình lên. Trước khi bước hẳn ra ngoài, anh còn nhìn Bảy bằng ánh mắt khinh bỉ khiến hắn co rúm người lại.

Khi Sơn đã ra khỏi cửa. Vợ Bảy chạy đến bên chồng, hỏi bằng giọng hồi hộp:

– Bao nhiêu?

– Năm trăm ngàn – Bảy thẫn thờ đáp.

Khuôn mặt người đàn bà bổng nhăn nhúm lại vì tiếc:

– Mình rộng tay quá! Cho nó độ hai trăm ngàn là được rồi! Cái loại người đã vào tù ra tội thì…

Câu nói chưa dứt, thì Bảy đã quay người lại, gầm lên:

– Câm mồm ngay! Đồ khốn nạn!

Sau tiếng quát điên dại ấy, không khí trong nhà bỗng lắng lại như một cái nhà mồ.

Chương trước Chương tiếp
Loading...