Tiểu Mai - Quyển 2
Chương 192
Buổi tối ăn cơm xong, lão anh tôi tuyên bố hè năm nay không về Phan Rang như lệ mà sẽ ở lại để… cặp kè với Uyển Nhi. Xem chừng ổng quyết tâm ghê lắm vì còn cả gan bảo tôi gọi Uyển Nhi là chị dâu:
– Nó là Trình tiểu thơ, tao là đại ca của mày, tức tao là Hứa Văn Cường, mày chỉ là Đinh Lực thôi, thế nên mầy gọi nó một tiếng chị dâu là đúng rồi!
– Tùy đại ca, nói trước đệ không có liên quan gì vụ này đâu! – Tôi nhún vai khó chịu đáp.
– Hề hề, chú cứ yên tâm, Hứa đại ca đảm bảo với Đinh hiền đệ là bé Mai nhà chú sẽ không hề biết gì về Trình tiểu thơ cả! – Ổng cười đểu cáng.
Định quay đi xuống nhà cho rảnh nợ thì tôi chợt cảm thấy ngờ ngợ, lại hỏi tiếp:
– Ủa huynh, đệ nhớ lúc hết phim thì Trình tiểu thơ là vợ của Đinh Lực, còn Hứa Văn Cường thì bị headshot toẹt đầu mà?
– Toẹt cái đầu mầy ra, tao dùng phim ví dụ mà cũng không hiểu à, mầy đú đởn riết nên trí não cũng đổ đốn ra hả? Hả?!! HẢ?!!!! Mày muốn headshot tao hảaaa???????
Trông cái bộ dạng hùng hổ như rồng phun lửa của ông anh, tôi chỉ còn biết vác quần mà phắng, lủi thẳng xuống dưới nhà không dám hó hé lấy nửa lời danh dự.
Và đó là sự mở màn cho cặp đôi ăn tàn phá hại nhất trong lịch sử mà tôi từng biết, ông anh của tôi và Trình tiểu thơ.
Lão anh tôi thì bản tính hợm hĩnh kiêu căng có thừa, thêm cả Uyển Nhi mang tư thế là không phải quốc tịch Việt Nam, có làm gì trên đất này cũng không sợ. Thế cho nên cặp đôi này đi đến đâu là bá đạo, quậy phá đến đó. Mà ông anh tôi thì kiêu ngạo nóng tính chẳng ai bằng, tôi ngày trước cũng có như được Tiểu Mai kiềm chế nên đã có phần giảm bớt.
Một lần đi chơi thì ông anh tôi với Uyển Nhi cười nói vang trời chả thèm cả nể ai, nhớ có lần cả ba đang đi dạo bộ trên đường biển, khi ngang qua nhà thi đấu Nguyễn Tất Thành thì cả ba trông thấy trên sân lúc này hình như đang có tỉ võ.
– Bé Nhi uống nước mía không? Anh qua kia mua! – Ông anh quệt mép.
– Dạ được, anh cứ mua, em cứ uống! – Uyển Nhi cười thích chí.
Thế là ông anh tôi tót ngay sang xe mía bên kia đường, còn lại hai đứa thì Uyển Nhi tò mò kéo tôi vào sân xem tỉ võ. Trước mắt hai đứa lúc này là một đám đông đang vây quanh hai thằng con trai vừa đấm vừa đá nhau quyết liệt. Đám đông chia ra rõ ràng hai phe vì nhìn vào võ phục là có thể biết được hai võ đường này đang giao hữu với nhau. Tôi nhìn qua thì đoán là một nhánh nào đó của võ Tây Sơn đang giao thủ với Vovinam.
Giữa sân là một thằng đầu đinh to con của võ Tây Sơn, đối thủ của nó là một thằng mặt mũi trắng bệch của Vovinam. Hai thằng này giao thủ nhau liên tiếp mười mấy chiêu, thằng đầu đinh có vẻ như đang áp đảo hơn hẳn.
Thằng đầu đinh dùng chân phạt ngang một vòng, suýt nữa là đối thủ của nó lãnh trọn cú “Hoành tảo thiên quân” thần thánh mà lăn đùng ra chết giấc. Đám đông xung quanh lại càng hò reo cổ vũ cho trận so tài thêm phần quyết liệt và hào hứng. Riêng đồng đội của thằng mặt trắng kia thì lại ôm mặt thiểu não vì dự là phần thua sắp nghiêng về bên bọn nó mất rồi.
– Ghê quá, mà ông nội kia sắp thua tới nơi rồi! – Uyển Nhi rùng mình, chỉ tay về hướng thằng công tử bột mặt trắng.
– Chưa chắc đâu, nó cũng khá mạnh đấy! – Tôi gật gù nhìn nhận trình độ võ công của thằng võ sinh đang bị đối phương áp đảo dưới sân.
Trình tiểu thơ quay sang nhìn tôi, thơ ngây hỏi:
– Còn ông thì sao?
– Rất mạnh! – Tôi đủng đỉnh trả lời.
Nào ngờ đâu tôi chỉ vừa tự hào bản thân chút đỉnh thì Uyển Nhi đã la lớn cho cả sân nghe:
– Mấy người dở kia nghỉ đấu đi, bạn tui đây mới là vô địch thiên hạ nè!
Nghe đến câu nói mạo phạm kia, nguyên đám hai võ đường đồng loạt quay ra nhìn về phía phát ra tiếng nói.
– Đứa nào vừa nói đó? – Một thằng có cái cằm nhọn hoắt lên tiếng hỏi.
Tôi đờ mặt ra bất động luôn, nhưng chưa hết, đến lượt ông anh tôi cầm ba ly nước mía đáp trả:
– Thằng em tao giỏi lắm, nó học võ từ nhỏ lận, không tin thì chiến thử!
– Vui quá à, hi hi, em cảm ơn anh! – Uyển Nhi nhận ly nước mía từ tay ông Phúc.
– Giỏi thì xuống đây, bọn tao coi cái thằng kia có mấy cái mạng! – Đám đông nhao nhao.
Ít phút sau, tôi khổ sở đứng giữa vòng chiến, đối thủ của mình là thằng đầu đinh đang cười nhếch mép khinh miệt.
– Quy tắc là không đánh vào chỗ hiểm, ai la chịu thua thì ngừng đánh. Hết! – Một đứa khác làm trọng tài ra hiệu cho trận đấu bắt đầu.
Mệt mỏi đưa mắt nhìn lão anh mình với Uyển Nhi đang hào hứng cổ vũ, tôi thật tình là chỉ muốn tẩn cho cả hai một trận cho xong chứ chả việc gì phải phí sức với cái thằng đối diện.
Thế nhưng thằng đầu đinh chẳng thèm quan tâm đến vẻ mặt không chịu đánh của tôi, nó chỉ chăm bẵm là phải tận diệt thằng đã to gan lại còn lớn lối. Vừa vào trận là nó đã nhào vô sử ra trực cước đá thẳng vô bụng tôi.
– Soạt…! – Nhẹ lách người, tôi dụng Mai Hoa bộ pháp mà né sang bên.
Đồng thời tôi sử ra một cước đá thẳng vào đầu gối của chân trụ còn lại đối phương.
– Ầm…! – Thằng đầu đinh giật mình kinh hãi, nó vội thu cước đồng thời tạt ngang vào gót chân tôi khá là đau.
Chiêu đầu bất phân thắng bại, đám đông phấn khích lại càng hò reo ầm ĩ hơn. Tôi thì nhận xét về võ Tây Sơn, thằng Phệ đầu lĩnh vẫn hơn thằng đầu đinh này một bậc. Thế nên tôi định bụng sẽ niêm thủ khóa tay cho thằng này chịu thua, đánh nhanh thắng nhanh. Nhưng giao thủ mấy quyền, tôi mới giật mình kinh hãi nhận ra…
– “Mạ tộ… tay thằng này toàn ghẻ không ghê quá, ai mà dám thính kình niêm thủ trời?”
Thầm nhớ lại căn bệnh thế kỉ HIV có thể lây qua đường máu, mà trong Vịnh Xuân để niêm thủ là phải giao tay thính kình, nhưng tay thằng kia thì toàn ghẻ không, quá trình niêm tay không khỏi tránh trầy xước. Lỡ như để máu nó dây vào máu mình, rồi lỡ vạn nhất xui xẻo nó có sida rồi thì tôi bỏ mạng sao chứ?
Nhưng dùng Nhất Thốn Kình để một chiêu quyết thắng thì cũng không xong, vì làm gì có đứa nào chịu đứng yên cho tôi đánh, phải niêm tay nó thì mới đánh được chứ. Suy đi tính lại, tôi quyết định áp dụng binh pháp Tôn Tử, tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách.
– Quá trời ơi, ăn cướp kìa! – Tôi chỉ tay ra đường la lớn.
Rồi nhân lúc đám đông bị thu hút, tôi phóng luôn ra đường mà bỏ chạy thục mạng. Hôm đó, tôi bị ông anh chửi sa sả vì cái tội làm ổng mất mặt, còn Uyển Nhi thì cứ cười nắc nẻ, liên tục nói là tôi ba hoa chứ mạnh mẽ nỗi gì, chưa đánh đã chạy.
Cú lắm nhưng không giải thích được, tôi đã bực lại càng bực hơn nữa, quyết định hôm sau không đi chơi mà sẽ… qua dọn nhà Tiểu Mai.
Vậy nên chiều hôm sau, dù cho cặp đôi trời đánh thánh đâm kia có nằn nì gọi điện cách mấy đi nữa, tôi cũng quyết chí bồng con mèo đần lẳng lặng bỏ sang nhà Tiểu Mai quét dọn. Cách hơn nửa tháng không đến, giờ sân nhà Tiểu Mai đầy những lá cây rơi rụng và cỏ dại mọc kín vườn. Mèo đần Leo thấy được về lại nhà thì mừng lắm, nó nhảy phốc xuống đất mà chạy loanh quanh khắp đầu nhà cuối sân, cuối cùng thích chí nằm phủ phục trên tấm thảm gần bàn khác mà ngoác miệng meo meo đầy sảng khoái.
Trải qua hơn một tháng bận rộn với những chuyện đi chơi và đi dạy, luôn tự ép mình vào lịch biểu dày đặc để khỏa lấp nỗi nhớ Tiểu Mai, tôi cuối cùng đã có một ngày cảm thấy thật thanh bình và yên tĩnh. Cảm giác đứng giữa nhà nàng, nơi mà tôi và Tiểu Mai đã từng có những thời khắc thật vui vẻ, cảm giác thật thân quen và ấm áp. Bắt tay vào việc quét bụi trước hết cho cây đàn Piano yêu quý của Tiểu Mai, sau đó tôi lại rửa sơ qua một lượt các ly tách rồi mới đến quét nhà, quét sân.
Vừa làm, tôi vừa nhớ đến cuộc điện thoại cách đây một tuần…
Đêm hôm ấy, khi tôi đang nằm đọc truyện thì điện thoại di động reo vang, và người gọi đến lại chính là… nhạc mẫu tương lai.
– Nam khỏe chứ? Nghỉ hè vui không?
– Dạ con khỏe, cũng vui, hì…! – Tôi gãi đầu trả lời, cảm giác bị nhạc mẫu áp đảo ngày nào vẫn còn hiện rõ trong tâm trí.
– Ừ, cô gọi đến giờ này không phiền con chứ? – Nhạc mẫu nói.
– Dạ không, con… rất vui, dạ! – Tôi quýnh quíu phân bua.
– Sở dĩ cô gọi lúc này, cho con là muốn hỏi rằng trong hai năm vừa rồi, con có lúc nào thấy bé Mai nhà cô bị đau đầu, chóng mặt không? – Người nhẹ hỏi mà tôi nghe chất giọng như có gang có thép.
– Dạ… là sao cô? – Vờ ngạc nhiên hỏi lại, tôi đã lờ mờ đoán được đây chắc là lí do Tiểu Mai nhờ đến tôi rồi.
– Cô hỏi rồi đó, con có thấy điều này chứ? – Nhạc mẫu kiên nhẫn nói.
– Dạ… không, con thấy Tiểu Mai vẫn khỏe mà! – Tôi thực hiện lời hứa của mình với Tiểu Mai, dù rằng tự cảm thấy như thế này thì thật không phải với mẹ của nàng.
– Con… chắc chứ?
– Dạ chắc, mà Tiểu Mai đang bị bệnh à cô?
Đồ rằng nếu vừa rồi mà nhạc mẫu bắt tôi hứa phải nói thật thì e rằng tôi đành phải nói thật là Tiểu Mai đã có mấy lần bị đau đầu luôn rồi.
– Không, cô hỏi để biết thôi, cảm ơn Nam nhé!
Tôi nghe như nhạc mẫu ở phía bên kia đầu dây vừa mới thở phào nhẹ nhõm, bất giác lại thấy thâm tâm mình dậy lên một nỗi lo lắng.
– Dạ không có gì, cô cho con gửi lời hỏi thăm Tiểu Mai nhen!
– Ừ, cô chào Nam!
– Dạ, chào cô…. !
Kể từ sau cuộc điện thoại hôm đó thì suốt hơn một tuần nay, tôi không hề nhận được cuộc điện thoại nào từ Tiểu Mai. Nghĩ bụng chắc nàng đang bận đi du lịch thỏa thích nên tôi cũng không dám bạo gan chủ động gọi đi. Giờ đây khi quét những chiếc lá vàng trên sân, tôi thẫn thờ tự hỏi rằng Tiểu Mai có đang bị bệnh gì đó thật không, nếu có thì tại sao nàng lại giấu gia đình? Và nếu không có thì… liệu có thật là không có không? Liệu Tiểu Mai của tôi vẫn ổn chứ? Sao cả tuần nay nàng không gọi cho tôi vậy?
Đang ôm chổi ngồi trên thềm thừ người ra suy nghĩ thì bất chợt điện thoại rung lên, tôi vội vàng cầm lấy với hi vọng lớn lao rằng có thể là Tiểu Mai chăng. Thế nhưng đó lại là Uyển Nhi gọi đến:
– Đói chưa, đi ăn lẩu không? Anh Phúc rủ nè!
– Lẹ đi thằng kia, tao ăn hết giờ! – Ông anh tôi cũng góp vô.
Nghe hai người này nhắc mới nhớ, bụng tôi cũng đang réo inh ỏi tự nãy giờ rồi.
– Ờ chút nữa, đợi đi!
– Lẹ nha, đói rồi đó!
Cúp máy cái rộp, tôi tựa hẳn vào tường nhà đưa mắt nhìn bầu trời về chiều bên trên. Xuyên qua những kẽ lá xanh, tôi như thấy từng ô nhỏ đủ hình dạng ấy như chứa đầy những kỉ niệm yêu thường của tôi với Tiểu Mai mỗi khi hai đứa cùng nhau ngồi ngắm trời chiều trước sân. Nàng thường hay tựa vào tôi, để hương thơm bạch mai nhẹ lan theo làn tóc mai mà mơn man êm dịu, khẽ cười trước những câu nói bông đùa của tôi, rồi bật cười khúc khích khi bụng tôi reo lên vì đói.
Và chắc chắn rằng mỗi khi tôi đói, Tiểu Mai sẽ không rủ tôi ra ngoài ăn như Uyển Nhi. Mà theo dòng kí ức như đang sống lại ấy khi tôi dõi mắt nhìn vào phía bếp, tôi như thấy được hình bóng Tiểu Mai đang nhẹ cười nhu mì, và nàng dịu dàng nói:
– Anh đói rồi phải không? Đợi em làm cơm nhé, sẽ có ngay thôi!
Tôi như ngẩn ngơ, thẫn thờ và cô độc giữa chiều vàng nắng, giữa ngôi nhà có cánh cổng màu đen quen thuộc với gốc cây hiền hòa, với khoảng sân thân mến, với con mèo tròn vo đang cuộn mình ngủ khì trên thảm.
Lần đầu tiên trong đời tôi mong cho mùa hè này mau chóng kết thúc, tôi mong cho khoảng thời gian tẻ nhạt này sẽ mau chóng qua đi.
Để ngày mưa năm nào sẽ thêm phần ấm áp…
Để giọt nắng bên thềm sẽ thôi bớt cô đơn…
Anh nhớ em nhiều thật nhiều, vì thời gian anh ở cạnh em không bao giờ là đủ…
Tiểu Mai ơi…