Tiểu Mai - Quyển 3

Chương 19



Phần 19

Đối với tôi, mỗi mùa hè từng trôi qua trong đời đều có mỗi cách kết thúc khác nhau. Như mùa hè lớp chín, tôi lần đầu tiên gặp Tiểu Mai sau khi bị nàng ném banh vào mặt, ôm mối tương tư ngày đêm trăn trở. Hè lớp mười, tôi chết lặng chứng kiến Khả Vy ngồi sau lưng bạn trai mới, vật vã đau khổ trách đời hận người. Và mùa hè lớp mười một năm nay, là khi trong cùng một ngày mà tôi tham dự đến ba cuộc chia tay.

Nhưng tựu trung thì kết thúc của mọi mùa hè đều bắt đầu bằng tín hiệu nhà trường thông báo trên ti vi rằng các học sinh hãy chuẩn bị cho tuần học giáo dục quốc phòng, mà thường gọi là đợt học quân sự trước ngày khai giảng một tuần.

Bản tin được phát chỉ vỏn vẹn tầm ba phút trong bữa cơm tối nay, cũng là lúc ba tôi quay sang nhìn mấy đứa nhỏ trong bàn ăn:

– Chuẩn bị đi là vừa, mấy con!

Mẹ tôi đồng ý bằng cách quay sang hỏi thằng út:

– Cây tre đâu rồi nhỉ?

– Hả? Con làm gì mà mẹ đánh con? – Tôi giật thót người, không lẽ cái tội ăn chả cuốn nem nướng bỏ cơm hôm qua mà bây giờ mới bị lôi ra xử trảm.

– Thằng này, mẹ hỏi là cây tre lúc đi học quân sự nhà trường kêu mua để giả làm súng ống chi đó, đâu rồi hở con? – Mẹ tôi phì cười.

À ra thế, ý của mẹ tôi là thắc mắc cây tre giả làm súng đâu, mà cây tre đó thì tôi lỡ… đem tặng Tiểu Mai vào đợt học quân sự đầu năm lớp mười một rồi. Cũng tức là, bây giờ vô năm mười hai cuối cấp, phải mua một cây mới. Mà tre thì rẻ òm, nên tôi cười xòa giả lả, nhìn sang Tiểu Mai:

– Năm trước con tặng cho Trúc Mai rồi, để mai ra mua cây khác!

Tiểu Mai thoáng ngạc nhiên, đưa mắt khó hiểu nhìn tôi. Rồi rất nhanh sau đó, nàng như vỡ lẽ ra, gật đầu xác nhận:

– Dạ đúng rồi, hay mai con về nhà gửi lại cây tre cho Nam, mình đỡ mất công mua mới!

Và nàng nói tiếp với tôi:

– Ở sau vườn ấy, mai lấy ha!

Mẹ tôi thắc mắc:

– Ủa nếu vậy thì con lấy gì để học quân sự?

– Dạ, lúc ba với con làm thủ tục nhập học ở đây thì lúc đầu cũng không hiểu sao trường mình không gọi con đi học quân sự. Nên con đoán chắc là học sinh nước ngoài nên được miễn! – Tiểu Mai lễ phép thưa, dù đã ở chung nhà tôi được hơn một tuần nhưng nàng vẫn lễ độ phải phép khiến ba mẹ tôi mười phần hài lòng.

Và nàng giải thích thêm:

– Thật ra nếu không được miễn thì con cũng tính xin nghỉ môn này!

– Sao vậy, con? – Mẹ tôi thắc mắc, cũng dịu dàng hỏi, cảm giác như nói chuyện với Tiểu Mai là sẽ bị cuốn theo tiết tấu nhã nhặn của nàng.

– Dạ… thật ra sức khỏe con không được tốt! – Nàng mỉm cười đáp.

Tôi nghe đến đây thì à lên một tiếng, chen ngang nói:

– Hèn gì đầu năm lớp mười không thấy lăn lê bò trườn cùng tụi này, té ra là vậy!

Nhưng sau đó tôi lại đâm ra thắc mắc:

– Ủa, nói như vậy thì đầu năm mười một là sao? Có đi học mà ta?

Đúng vậy, kì học quân sự năm rồi, tôi nhớ Tiểu Mai có tham dự. Có nàng thì tôi mới tặng cây tre cho chứ, lại còn băng tay băng chân tình tứ thế kia mà.

– Chắc là em dâu cảm thấy khỏe lại, muốn tham gia để hòa đồng hơn với tụi mày, hỏi ngu như bò! – Ông anh tôi nói rồi đặt đũa xuống bàn, đứng dậy đi thẳng.

Mẹ tôi ở đằng sau gọi với theo: – Chuẩn bị đồ đạc nghe chưa, sáng mai còn ra bến xe đó!

– Dạ, con biết rồi! – Ổng nói vọng lại rồi đi sầm sập lên lầu, có vẻ muốn trốn rửa chén nữa đây.

Tới đây thì ba tôi chấm dứt luôn bữa tối bằng việc dặn dò mẹ tôi gói thêm trái cây cho ông anh tôi mang vô Sài Gòn, rằng trong kí túc xá thì không có nhiều đồ ăn thức uống đâu. Rồi lại dặn thêm rằng gói luôn vài món bánh trái, kèm một chai rượu tây nói là gửi tặng ba của Tiểu Mai.

Lúc ban đầu, Tiểu Mai định từ chối khách sáo nhưng ý ba tôi đã nói ra là quyết luôn, nàng đành cảm ơn và nhận lấy, hứa rằng có dịp sẽ mời gia đình tôi đến nhà nàng ăn tối với hai bố con một bữa. Tất nhiên là khi ấy nhạc phụ đại nhân của tôi cũng phải ghé về thăm con gái rượu.

Tình hình này có nghĩa là, sáng ngày mai, ông anh bá đạo của tôi sẽ vào lại Sài Gòn để học tiếp. Và Tiểu Mai, nàng cũng sẽ về lại nhà mình ở đường Tuyên Quang. Đêm hôm đó, cả ba anh em cùng lên sân thượng ngắm trời đêm, nói chuyện vui vẻ một hồi lâu rồi mới chịu ngủ. May phước là trời không mưa, chứ không là hỏng hết buổi chia tay đầy cảm động.

Buổi sáng, cuộc chia tay ông anh tôi diễn ra nhanh gọn chóng vánh, đầu tiên ổng chào từ biệt mẹ tôi như một người con trai cả cứng cỏi trưởng thành, hứa hẹn tới tết lại về, mẹ đừng có trưng bộ mặt buồn buồn ra nữa. Rồi tới mấy đứa nhỏ:

– Đi nhé em dâu, quan sát để ý thằng đệ anh dùm, nó ngu lắm! – Ổng cười hòa nhã với Tiểu Mai.

– Thằng nhãi, bố đi, ở nhà coi học hành đàng hoàng! – Ổng quay sang cú đầu tôi một cái rõ đau rồi mới cười ha hả, phi lên xe của ba.

Tôi tức khí tính tặng lại một cước thì bị Tiểu Mai kéo tay nên đành thôi, hậm hực vẫy tay tiễn ông Phúc mà như đuổi tà phong long.

Và tới lúc kết thúc bữa cơm trưa, sau khi Tiểu Mai chào từ biệt gia đình tôi thì nàng cũng xin phép về lại nhà mình để chuẩn bị cho năm học mới. Mẹ tôi thì quyến luyến nàng lắm, cứ luôn miệng bác mà có đứa con gái như con thì không cho đi đâu hết ráo, ở nhà với mẹ. Khiến Tiểu Mai cảm kích lắm, phải hứa liên tục rằng nếu hai bác không ngại và cho phép thì sau này nàng mỗi tuần cũng sẽ đến nhà tôi ăn cơm tối. Lẽ tất nhiên là ba mẹ tôi đều vui vẻ đồng ý, nên tôi có góp thêm một phiếu thuận cũng bằng thừa, biết thân biết phận ngậm mồm lại vì rốt cuộc mình cũng chỉ là thằng xe ôm đưa rước mà thôi.

Chở Tiểu Mai về lại căn nhà quen thuộc, khi nàng khép lại cánh cổng màu đen thì trông thấy vẻ mặt rầu rĩ của tôi, bèn bật cười:

– Gì vậy? Hai nhà gần nhau mà anh!

– Thì đang ở chung, tự nhiên giờ mạnh ai nhà nấy, cũng phải… nhớ nhớ chứ! – Tôi ngậm ngùi thú nhận.

Nghe vậy nên nàng không nỡ vào nhà vội, tủm tỉm lắc đầu rồi bước ra ghé tai tôi nói nhỏ:

– Thôi mà, tuần sau em sẽ học quân sự cùng anh, được chưa?

– Được, được quá đi chứ! – Tôi mắt sáng rỡ, mặt mày tươi tỉnh hẳn lên.

– Thế thì, em vào nha ha, anh về cẩn thận! – Nàng vẫn khúc khích trêu thêm. – Con trai gì mà yếu đuối quá đi, hì!

Tôi nghe vậy nhưng cũng mặc kệ, ở cạnh bên Tiểu Mai, bảo tôi nhảy vô núi đao biển lửa tôi cũng làm, chút tỏ ra yếu đuối này có là gì đâu chứ. Nghĩ vậy nên tôi nhún vai thống khoái đạp xe về, tâm tư thoải mái bèn huýt sáo vài giai điệu yêu đời rõ rệt.

Nhưng đến tối, bỗng dưng tôi lại cảm thấy buồn buồn, cứ trống vắng thế quái nào ấy. Mấy ngày trước còn đang vui vẻ rộn rã, thế mà bữa cơm tối nay chỉ còn mỗi ba mẹ và tôi. Thành thử ra tôi lại làm bản mặt dàu dàu, chẳng nói chẳng rằng cứ và cơm vô miệng.

Mẹ tôi thì im lặng không nói gì, có vẻ bà cũng đang buồn vì chỉ trong một ngày mà con trai lớn, “con dâu tương lai” đều đi mất. Còn mỗi thằng út tà lơ phất phơ chưa biết sau này có nên trò trống gì không thì lại đang đờ đẫn như gà rù.

Ba tôi biết thế chỉ thở dài rồi hừ nhạt với tôi:

– Thôi mày dọn nhà qua bển luôn đi, thằng nhỏ!

Ý ba tôi là bảo mày tốt nhất đừng có giơ cái bản mặt như thằng chết trôi đó ra nữa, kẻo tao tống cổ ra khỏi nhà bây giờ. Nhưng tôi đang thẩn thờ xúc cảm khiến đầu óc trì độn, nghe ba nói mà được lời như cởi tấm lòng, đứng phắt dậy:

– Thiệt hả ba? Cho con đi thiệt hả?

– …!

Hậu quả sau đó thật không dám nghĩ bàn, viết ra đây thì nhục nhã chết mất nên tôi mời bạn đọc tự tưởng tượng nhé. Chứ tôi là thật tình không dám nhắc lại, đến giờ vẫn còn sợ run đây này hừ hừ!

Vậy là đã xong hai trong ba lần chia tay để kết thúc mùa hè, ông Phúc là một, Tiểu Mai là hai.

Còn một lần nữa, với một người nữa…

Chương trước Chương tiếp
Loading...