Tình muộn
Chương 1
Trời chiều tháng 5 nắng xuyên quai, thời tiết oi bức không một gợn gió hay bóng mây. Gian phòng bê tông, song sắt bịt bùng hơn 100 mét vuông lúc nhúc thân ảnh. Gần 50 con người nhồi nhét bên trong. Không khí bức bối, đắc quánh sự ngột ngạt, khó chịu.
Lão Tứa nheo mắt nhìn vào khoảng trời bé tý lấp ló sau hai lớp song sắt và một lớp lưới B40, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn đám người phía dưới. Lớn có, bé có, già có trẻ có, xăm trổ có mà mặt búng ra sữa cũng có. Tất cả họ đều nằm dưới sự cai quản của lão trong cái phòng giam này.
Người ta gọi là Lão Tứa không phải vì lão già tuổi đời mà vì lão là người có “tuổi tù” nhiều nhất ở đây, một kẻ có số má “khét lẹt” trong cái trại giam nơi miền sơn cước heo hút này.
Lão đi tù từ năm 20 tuổi vì dính đến ma túy khi lái xe thuê chở hàng chuyên tuyến từ cửa khẩu về thành phố và ngược lại. Bản án chung thân tròng lên cổ như một tai họa từ trên trời rơi xuống bởi lúc bị bắt lão cũng không hiểu vì sao mình bị bắt. Lão cũng không biết làm thế nào mà trong cabin xe của lão lại có 2 bánh hàng trắng. Nỗi oan khuất cứ thế theo lão đằng đẵng hơn 30 năm trời mà lão chẳng biết bày tỏ cùng ai.
Cha mẹ lần lượt mất trong thời gian lão thụ án. Về sau, họ hàng thân thích cũng không còn một ai đoái hoài thăm nuôi. Cuộc sống của lão từ đó chỉ là bốn bức tường với đám bạn tù.
Từ một thanh niên chưa một mảnh tình vắt vai, đang ngời ngời sức sống bước vào đời, giờ đây, hơn 30 năm cơm tù đã biến lão trở thành một gã trung niên chai sạn, gai góc, một đại ca số má – “hòn đá tảng” của cái trại giam này.
Mặc dù nổi tiếng “khét” nhưng được ở chung buồng giam với lão là niềm ao ước của toàn bộ phạm nhân trong trại giam này. Bởi cách hành xử của lão với bạn tù khiến mọi người đều phải kính nể.
Lão không ngán ra tay với bất cứ phạm nhân nào trong trại nhưng chưa lần nào lão xuống tay một cách vô cớ. Trong buồng giam của lão vẫn có phân tầng “giai cấp” cao thấp nhưng không hề có một sự ức hiếp hà khắc như vốn có ở các buồng giam khác.
Chốn lao tù có những “luật” riêng bất thành văn, nhưng trong buồng giam của lão việc áp dụng luật tù được thực hiện một cách có chừng mực, miễn sao mọi thành viên phải “biết điều” và nghe lời.
Cũng nhờ có uy với bạn tù và sự thiện cảm từ các “thầy” (cán bộ trại giam) mà 5 năm trước lão được giảm án từ chung thân xuống “tù có thời hạn”. Điều đó như ánh sáng le lói cuối đường hầm, thắp lên chút hy vọng “tìm lại cuộc đời” đã bị đánh mất bấy lâu của lão.
Kể từ đó, cuộc sống của lão trở nên trầm mặc hơn, an yên hơn. Sự an yên đó cũng “lây” sang cuộc sống của toàn bộ phòng giam.
… Mấy hôm nay tâm trạng của lão cứ nôn nao, bứt rứt. Ban đêm thì mất ngủ, còn ban ngày thì cứ bần thần đầy suy tư khó tả.
Chả là tuần trước, nghe phong thanh qua một “thầy” thì lão có tên trong danh sách được ân xá dịp 2/9 sắp tới. Chỉ còn đợi công bố chính thức nữa mà thôi.
Vui mừng khôn tả là điều không phải bàn cãi, nhưng với một con người đã và đang trải qua hơn 30 năm tù tội như lão thì niềm vui lại được thể hiện bằng một tâm trạng trầm mặc hơn thường ngày. Bởi đối diện với niềm vui đó là những nỗi băn khoăn, sự lo lắng đang trào dâng trong lòng lão.
Hơn 30 năm bị cách ly khỏi xã hội, giờ đây khi bước ra khỏi nơi này, điều gì sẽ đón chờ lão đây? Cuộc sống xã hội ngoài kia giờ đã thay đổi như thế nào? Nơi nào lão sẽ tới? Lão sẽ gặp ai? Lão sẽ làm gì? Lão sẽ sống ra sao…
Mang nặng những suy tư đó khiến cho chỉ sau một tuần mà lão già thêm mấy tuổi, tóc bạc đi trông thấy.
– “Mấy hôm nay bố có điều gì buồn hay sao mà trông bố u sầu vậy ạ?”
Thằng Huấn “trách nhiệm” le ve lại gần hỏi han.
– “Không có gì”
Lão từ tốn đáp rồi nhắm mắt như muốn nghỉ ngơi…
– “Hay bố làm tý “máu khô” (thuốc lào cuộn giấy báo) cho hồi người nhé”
– “Thôi, mày ra chỗ khác cho tao nghỉ”
Lão vẫn nhắm mắt trả lời.
Thằng Huấn tiu nghỉu, chẳng dám nói gì thêm, hậm hực đi dọc lòng mà nhìn các tù nhân khác đang ngồi yên lặng ngăn nắp một lượt rồi ngồi xuống tựa lưng vào cột đầu sàng.
Trong tù, những người đứng tuổi gọi lão là đại ca, bọn choai choai đều gọi lão là bố còn các “thầy” thì thường gọi là Lão. Điều đó cho thấy vị trí của lão trong cái nhà tù này nó như thế nào.
Lão thì chả hám cái danh đấy cho lắm nhưng ở cái chốn ngục tù này muốn sống yên thân thì chỉ còn cách vươn lên trên kẻ khác mà thôi. Và để có được vị thế như ngày hôm nay lão đã phải đánh đổi bằng máu biết bao lần, mặc dù trong thâm tâm lão chẳng hề muốn như vậy.
… Cộc… Cộc… Cộc…
Có tiếng bước chân từ ngoài hành lang. Bước chân ngày càng lại gần.
… Ruỳnh… Oành… Queng…
Sau mấy tiếng va chạm giòn đanh của sắt thép, hai lớp cửa sắt được mở ra. Một thanh niên trắng trẻo, mặt mũi non choẹt bước vào, theo sau là hai “thầy”.
– “Vào đi”
Một “thầy” khẽ đẩy vai chàng thanh niên.
– “Lão Tứa ra nhận hàng nhé”
Thầy còn lại nói to.
– “Vâng”
Lão Tứa vẫn nằm lim dim nói vọng ra.
… Queng… Oành… Ruỳnh…
Hai thầy đi ra mà không “nhắn nhủ” gì thêm. Cánh cửa sau lưng chàng trai đóng lại.
Cuộc đời tù tội bắt đầu với chàng trai mới tới này.
… BỐP…
Một cú đấm trời giáng được thằng Huấn “trách nhiệm” táng vào mặt chàng trai khiến cậu ta xây xẩm mặt mày, loạng choạng suýt ngã.
– “ahh, thằng này rọi “đèn pha” sáng nhỉ. Làm bố mày chói hết cả mắt.”
Thằng Huấn vừa đầm vừa quát vào mặt chàng trai kia.
– “Dạ… dạ… em mới đến, có gì không biết nhờ anh chỉ bảo thêm cho ạ”
Chàng trai vừa ôm mặt vừa nhăn nhó khổ sở nói.
– “Cúp pha, quỳ xuống, bò vào trong cuối “mà” kia. Tối tao hỏi tội mày sau”.
Chàng trai không dám phản ứng gì, răm rắp làm theo.
Suốt quá trình đó lão Tứa vẫn lim dim không một chút động tĩnh.
… 8h tối. Sau khi phạm nhân ăn uống xong, các “mâm trên” cũng vãn mấy tuần trà. Thằng Huấn ngồi đầu sàng dõng dạc chỉ vào cậu thanh niên suốt từ chiều vẫn ngồi thu lu một góc kia quát.
– “Thằng kia, bò lên đây”
Chàng trai lặng lẽ bò lên, cúi gằm mặt, không dám ngọ nguậy đầu.
Màn chào buồng bắt đầu.
– “Khai lý lịch đi”
Thằng Huấn quát.
– “Dạ khai gì ạ?”
… Bốp…
Một cú trời giáng nữa vào mặt chàng trai, nhưng lần này thằng Huấn không dùng tay nữa mà nó đá thẳng vào mặt chàng trai.
– “Mày lại còn hỏi bố mày nữa à? Thế ngoài kia chưa đứa nào dạy mày à?”
Thằng Huấn nghiến răng nói.
– “Huấn…”
Lão Tứa nhẹ nhàng lên tiếng, mắt nhìn thằng Huấn tỏ vẻ không hài lòng.
– “Dạ…”
Thằng Huấn nhẹ nhàng gật đầu trả lời rồi quay lại phía chàng trai.
– “Tên, tuổi, địa chỉ, tội gì, mấy niên?”
Thằng Huấn nói với chàng trai bằng giọng điệu nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn không giấu được sự hằn học.
– “Dạ cháu tên Bình, 25 tuổi, quê cháu ở làng Đót, xã X, huyện Y, tỉnh Z…”.
Nghe đến đây, ca nước trên tay lão Tứa rung lên bần bật. Hai tiếng “làng Đót” mấy chục năm nay mới lại có người nhắc tới trước mặt lão. Nó như mũi kim đâm vào tim lão khiến nó tự nhiên thấy nhoi nhói.
– “Ê thằng kia, lên đây tao bảo”
Lão hất hàm về phía chàng trai.
Chàng trai vẫn chưa hiểu chuyện gì, ngước nhìn lên chỗ người vừa cất giọng nói rồi lại ngước nhìn thằng Huấn.
– “Lên đi”
Thằng Huấn hất hàm ra hiệu cho chàng trai đi lên.
Bình lóp ngóp bò lên sàng trên, quỳ trước mặt lão Tứa.
– “Mày con cái nhà ai ở làng Đót”
– “Dạ cháu con bố Q mẹ G ở xóm Đông, làng Đót ạ”
– “Có phải người ta vẫn gọi bố mày là Q “Sứt” đúng không?”
– “Dạ đúng ạ?”
Bình trả lời, mắt sáng lên như đang có hy vọng vớ được cái “cọc” nào đó trong lúc này.
– “Bác biết bố mẹ cháu ạ?”
– “Ừ” – Lão gật gù.
– “Bố mày kém tao mấy tuổi, ngày xưa vẫn chăn trâu cắt cỏ cùng nhau. Ngày tao đi tù bố mày còn chưa lấy cái G mẹ mày thì phải”
– “Thế, bác cũng người làng Đót ạ?”
– “Ừ”
Lão trả lời với vẻ mặt đầy trầm ngâm. Hơn 30 năm rồi lão mới gặp một người đồng hương trong cái trại giam này, lại là người cùng làng nữa chứ.
– “Thế sao mày phải vào đây?”
– “Dạ cháu bị án 3 năm vì tội cố ý gây thương tích ạ”
– “Trông mày thư sinh thế này mà cũng máu chiến thế cơ à?”
– “Dạ chuyện dài lắm bác ạ…”
Đúng lúc này, dường như sốt ruột, thằng Huấn chạy lên, ngắt lời Bình.
– “Bố, thủ tục với thằng này thế nào ạ?”
– “Thông tai hai cái thôi. Các thủ tục khác tạm cho nó nợ”
Nói xong lão Tứa hất hàm ra hiệu ra hiệu cho Bình đi theo Huấn.
… Bốp… Bốp…
Hai tiếng khô khốc vang lên ở góc phòng…