Trại cai nghiện
Chương 4
Cuộc đời tôi cũng lên hương theo ổng. Nói chung, ở bên ngoài người ta nể tụi nhiều tiền cỡ nào thì trong trại, họ nể đám du đãng có số như vậy. Ổng cũng người gốc Hải Phòng, tiếng tăm không thua kém bất kỳ một tay giang hồ thứ dữ nào trong thành phố và đặc biệt là có rất đông đám đồng hương đầu trâu mặt ngựa (thằng anh tôi chính là ví dụ điển hình). Nhưng phải thừa nhận, ổng có cái nét sống rất hay, rất hòa đồng và những người tiếp xúc với ổng ít nhiều đều cảm thấy quý mến. Lúc bình thường, ổng ưa nói chuyện rủ rì rủ rì, không có khoái ba vụ làm bộ làm tịch, nói năng cũng đàng hoàng lịch sự. Chưa thấy ổng nổi nóng khi nào trong trại với đám học viên, trừ một lần duy nhất nhưng đối tượng của ổng lại là… bảo vệ.
Đối với đám em út, ổng coi như người trong nhà vậy. Giỡn đủ trò, thi thoảng hứng lên còn tìm cách chọc quê, không khi nào kêu em út phục vụ như dạng mấy anh đại anh bự trong trại hết. Bình thường, đám du đãng có số xuống nhà ăn là ngồi thù lù như con cóc ghẻ, có lính bưng cơm tới tận miệng. Ăn xong xỉa răng hút thuốc, đồ trên bàn đã có lính dọn.
Ổng không vậy. Bữa nào tôi ngủ trễ, ổng xuống tận nơi kêu đi ăn, mỗi anh em bưng một cái bo đi bới cơm. Tôi kêu để tôi làm luôn cho 2 anh em ăn, ổng không chịu, kêu: “Anh có phải du đãng có số gì đâu mà làm vậy, coi chừng bị tụi nó ngứa mắt đập luôn thì sao? Mày chơi ác anh quá vậy?” Tôi cũng thiếu điều quỳ lạy ổng. Ổng không phải du đãng, chắc nguyên đám trại này được lên báo mục người tốt việc tốt hết trơn.
Cái chất du đãng của ổng chỉ được bộc lộ thực sự khi ổng… đi tắm. Không phải uýnh lộn giành vòi tắm nha, sức ổng uýnh lộn tay không chắc 2 thằng nhóc ác thịt ngon ơ. Lần đầu tiên ổng rủ đi tắm, tôi thấy hâm mộ quá xá luôn. Cũng không phải body ổng đẹp, người ổng so với cá lù đù khô cũng chỉ nhỉnh hơn chút xíu, nhưng trên thân hình ốm o có 2 cái hình xăm thuộc hàng hiếm có khó tìm: Trước ngực là con đại bàng phủ kín, xanh rì.
Con đại bàng của ổng không phải loại đại bàng ghẻ mấy thằng nhóc ác khoái xăm vô, mà là đại bàng trường trại thứ dữ xăm bằng tay, cái mặt ngoảnh ra phía trước, 2 móng giương lên nhìn hồn ghê gớm. Thứ hình xăm đó, chỉ có đại bàng đại bác ở các trường trại lớn mới được có, mà đặc biệt là con đại của ổng còn nguyên vẹn. Thứ cóc cáy dám xăm đại bàng hoặc rồng phượng vô người, lỡ xui vô trại lớn ắt hẳn sẽ thành con gì đó không có trong từ điển.
Vô phòng – lột đồ ra. Xăm rồng hả? Độ chục thằng sẽ quây lấy hỏi: Con gì đây mày? Nếu trả lời là con rồng, sẽ hiểu cái cảnh luôn. Còn khôn ngoan ra, trả lời: Dạ con trùn ạ – Vậy còn được. Nhưng trùn thì làm gì có mắt hả mày? Vậy là nhựa chảy, đầu thuốc lá đỏ rực dụi vô, con rồng sẽ đeo nguyên một cặp kiếng mát suốt đời không có chịu bỏ ra.
Con đại bàng còn tệ hơn. Xăm con gì đây mày? Nếu có gan nói là đại bàng thì cũng có gan chuyển viện luôn. Nếu làm mặt ngoan kêu: Dạ con se sẻ! – Coi như có chút hiểu biết. Con đại bàng sẽ chỉ phải đeo nguyên cái khẩu trang làm bằng sẹo vô mỏ, vì se sẻ đâu có cái mỏ cong dữ vậy. Tuy nhiên đại bàng của ổng chẳng đeo cái khẩu trang nào hết trơn hết trọi, hơn nữa nhìn cái kiểu xăm tỉ mỉ từng nét như vậy, chỉ có đám thợ bậc cao trong trại mới làm ra nổi.
Có điều, đại bàng của ổng nhiều người cũng có xăm, nó chỉ gọi là đẹp chứ không có độc. Thứ hàng độc của ổng thì không đẹp, nhưng nguyên dãy miền Nam nghe đồn cũng chỉ có 2 người dám có gan mang thứ hình xăm đó trên người. Cái hình xăm ấy đơn giản chỉ là một dòng chữ: Vô địch khám lớn! Trước ổng, chỉ có một tay giang hồ thuộc hàng sát thủ trong thành phố dám xăm chữ đó lên người, còn những loại có vấn đề về thần kinh muốn tự tử bằng hình xăm thì tôi không có rành.
Ở mấy chỗ trường trại lớn, tụi con gái được kêu bằng “beo”. Tôi không hiểu sao gọi mấy nhỏ bằng cái từ kỳ cục vậy, đem mớ thắc mắc qua hỏi ông Ngọc. Ổng đặc biệt hợp với tôi, rất khoái cà rỡn như ở tuổi hồi teen vậy. Nghe tôi hỏi, ổng lim dim mắt, kêu:
– Mày hết việc rồi hay sao đi thắc mắc chuyện mấy con beo vậy? Mày thấy mấy con beo trong sở thú đen thui mốc thếch không? Đó, tụi con gái trường trại nó cũng hao hao vậy đó. Còn nữa, mày lạng quạng coi chừng mấy con beo nó vồ mất xác luôn. Beo trường beo trại nó ăn được cả thịt cả cá, ăn luôn hòm tôn được đó nhóc con!
Tôi tính hỏi: “Vậy mấy con nhỏ trong cái trường nhỏ xíu này có được gọi là beo không?” – Nhưng thấy quê quá không dám hỏi. Tại tôi thấy con nhỏ Mỹ Anh đẹp vậy mà kêu beo thiệt uổng hết sức. Cỡ con nhỏ đó mà là beo, chắc nó là thứ beo bạch tạng. Mà không rõ cha nội này có nổ không nha, nhưng con nhỏ Mỹ Anh không khi nào nó ăn nhiều như đám beo trường beo trại kia. Nó chảnh bà cố luôn. Đi ra ngoài cắt cơn, nguyên đám ra đón mời vô mâm (mâm nào có gái đẹp dễ mất đoàn kết lắm nha, nhưng tụi này thấy gái còn nghĩ được gì trời), nó không thèm vô mâm nào hết trơn. Cả ngày nó ru rú trong phòng, đám dê xồm trong trại gặp nó nản một cây. Xáp lại gần nó tính nói chuyện, nó bỏ nguyên ly nước lên phòng. Bực lên gây sự với nó, nó kêu… bảo vệ. Riết rồi đâm nản, tụi dê xồm đoán tới đoán lui rồi suy ra con nhỏ này bị “ô môi” (les – đồng tính nữ). Thiệt bậy bạ hết sức.
Tôi thiệt tình cũng khoái khoái con nhỏ Mỹ Anh này, nhưng lá gan tôi nhỏ xíu. Nhìn nguyên một đám mặt dày cui như tường gạch xáp vô còn không ăn thua, tui cũng biết khó mà đứng từ xa dòm, chớ không có dại. Tôi cũng khoái cái nét lạnh lùng của con nhỏ này, quà cáp gửi tới tặng nó bơ đi như không thấy, tới bữa dọn vệ sinh (học viên bị phân công dọn lần lượt nhà ăn) mấy thằng nhóc ác hăm hở xắn tay xuống tính làm giúp nó lạnh te kêu: “Không mướn”. Mà con nhỏ này cũng bà chằn à nha, đám học viên nữ cũng ăn hiếp nó không có nổi. Hơn nữa trong cái thứ trường trại kiểu tôi đang ở, giải quyết bằng nắm đấm luôn chỉ là hạ sách, bởi vừa uýnh vô mỏ nó được một cái, đám bảo vệ đã ùa vô giáng cho vài chục cái dùi cui vô mỏ. Lỗ nặng.
Trại tôi là một thứ trại tầm bậy hết sức, bởi nó không có lao động. Đất đâu ra để mà trồng trọt? Đám nữ đứa nào thích đi may vá thì đăng ký đi, có người dắt đi học may. Tụi nó có vẻ khoái, vì có việc làm kiểu chơi chơi vậy qua ngày lẹ hơn. Tụi con trai có thể đi tập thể hình, ghi tên học lớp tiếng Anh, hoặc rảnh rang thì đi trồng cây cảnh. Tôi chả khoái gì hết trơn hết trọi. Từ bữa vô trại tôi hết ăn lại ngủ, lên phòng tập thể hình thấy nguyên đám đông lúc nhúc, tôi ráng tập vài bữa rồi bỏ. Nhưng đợt này, ngày nào tôi cũng kè kè lên đó. Tại cha nội Ngọc kêu tôi đi cùng.
Trời xui đất khiến thế nào ổng nổi hứng đi tập thể hình mới thấy ghê. Lúc đầu ổng kêu lên phòng tập, tôi tưởng ổng nói chơi, vì cái tướng của ổng mà cầm tạ nâng nhìn khác gì tranh đả kích? Ai dè ổng ham thể thao thiệt. Nhìn ổng phanh áo hở nguyên cái ngực lép kẹp vô phòng tạ, nguyên đám đứng hình luôn, không ho he gì hết. Thấy ổng hiên ngang nằm vô cái bàn tạ, phía trên để cây tạ bự tổ chảng, tôi liếm môi:
– Anh Ngọc, bộ anh tính vô viện để về sớm hả?
Ông cười phì ra một tiếng, la tôi:
– Thằng nhóc ác, coi nè!
Cái thân hình lép kẹp nằm dưới cái tạ chẳng cân xứng chút xíu nào hết, nhưng cánh tay của ổng mạnh thật mạnh nha. Thấy ổng nâng cây tạ to tổ chảng cử lên cử xuống ngon ơ, tôi cũng thiếu điều há hốc miệng ra. Đám lu xu bu đứng xung quanh hò hét cổ vũ như thể đang coi Lý Đức vậy. Tiếng la vọng cả sang cái phòng giáo vụ kế bên, mấy cái đầu ló ra liền. Ủa mà sao trong cái đầu đó có cả con nhỏ Mỹ Anh?
Thấy một lão giáo vụ đi ra, tay cầm ly nước, cười cầu tài:
– Ngọc coi ốm vậy mà khỏe dữ ha!
Lão điềm nhiên đón ly nước, uống một hơi:
– Tại có mấy thằng nhóc ác hay dòm tui, sợ tụi nó úp sọt nên tranh thủ rèn luyện chút thôi!
Nói xong quay ra tôi cười nham hiểm. Tôi khịt mũi. Không dè cha nội này ốm o mà mạnh dữ ta. Sức tôi nâng mấy cây tạ đó cũng chưa chắc nổi. Cha giáo vụ cười he he lấy lòng, tính quay ra. Tôi bám theo, tranh thủ hỏi luôn:
– Thầy nè, sao phòng giáo vụ lại có học viên vô được vậy?
Lão dòm dòm tôi, kêu:
– Em mới vô đúng không? Phòng giáo vụ là nơi học viên vô tâm tình, nói chuyện với giáo viên mà. Em có việc gì thì cứ vô, các thầy sẽ tư vấn cho.
Tôi lại liếm mép:
– Lúc nào vô cũng được hả thầy?
Lão lại gật:
– Đúng rồi. Đó em coi, có cả mấy bạn đang ngồi nữa đó. Còn nữa, trường đang tổ chức làm báo, nếu em có năng khiếu vẽ hoặc viết thơ, viết truyện thì tốt quá. Tụi thầy đang kiếm học viên mà không có đứa nào chịu giúp hết.
Tôi bắt đầu thấy âm thầm sung sướng. Lão này tài ghê, cuộc đời tôi chỉ có 2 năng khiếu duy nhất: Vẽ bậy và bịa chuyện, vậy mà trong một câu lão lôi ra hết trơn. Quan trọng nữa, tôi vừa thấy con nhỏ Mỹ Anh cũng đang lấp ló ở trỏng. Tôi hăm hở kéo tay lão:
– Trời đất, ba cái vụ đó đúng tủ của em đó thầy ơi!
Lão lại ngó tôi, gương mặt lộ vẻ nghi ngờ:
– Em có làm được mới nói nha. Mấy bữa nay có con nhỏ Mỹ Anh vô làm báo dùm mấy thầy, quá trời học viên nam xin vô làm báo. Vẽ thì như trẻ con lớp một, viết nửa ngày không được một câu thơ, tụi thầy cho ra hết rồi đó!
Tôi muốn té xỉu vì… quê độ. Lão này chắc chưa coi bảng lý lịch của tôi hay sao đó, hơn nữa nhìn khuôn mặt sáng bừng đầy vẻ trí tuệ của tôi, lão lại có thể nghĩ ngay ra cái chuyện tầm bậy kia tôi mới thật là phục lão. Đoán gì đâu trúng quá xá.
Tôi cũng đành làm bộ mặt dày, cun cút theo lão đi vô trỏng. Ba cái báo tầm bậy tầm bạ ở cái trường nhỏ xíu này, bình thường năn nỉ tôi cũng chưa thèm làm đó cha nội. Bất quá, tại con nhỏ kia thôi! Mà nghe lão nói con nhỏ cũng tham gia làm báo, tôi bất giác nghe trong lòng rạo rực. Niềm vui khó tả kể từ ngày đầu tiên vô trại.
Phòng giáo vụ nhỏ hơn tôi nghĩ, có một cái bàn dài ngay chính giữa. Con nhỏ Mỹ Anh bữa nay cột tóc đuôi gà, ngoảnh mặt lại phía tôi, hí hoáy vẽ cái gì đó trên mặt giấy. Trên bàn, mấy tấm giấy để ngổn ngang, mấy bà giáo vụ già cũng đang cong mông lên kẻ vẽ. Lão già dịch dắt tôi vào, giọng có vẻ không tự tin lắm:
– Có học viên mới xin làm báo, các chị xem có được không nha!
Mấy bà giáo vụ già ngước lên nhìn tôi với đôi mắt hình dấu hỏi và vẻ mặt sầu thảm như đưa đám. Cũng không trách mấy bả được, mấy ngày nay theo như lão nói, hẳn mấy bả cũng vỡ mộng với đám hàng lởm chỉ chăm chăm xin vô cua gái. Tôi đưa mắt về phía con nhỏ, làm một vẻ mặt hết sức đứng đắn và tao nhã. Dù sao, ấn tượng đầu tiên luôn là điều vô cùng quan trọng trong quá trình cua gái – tôi tự nhủ vậy.
Nhưng con nhỏ làm bộ tỉnh bơ, chẳng thèm quay qua ngó tôi lấy một cái. Bực à nha. Mắc công tôi tạo dáng mà nó không thèm liếc qua một cái, con nhỏ này chảnh quá trời chảnh chứ không phải giỡn! Tôi cố nén cơn giận, kiềm chế để khỏi bay vô đá vô họng con nhỏ, bình tĩnh ngồi xuống. Trên mặt bàn có 3 cái chì than lem nhem, một hộp màu nước và dăm ba cái bút vẽ. Tôi hỏi một bà giáo vụ già, coi bộ có vẻ sếp sòng:
– Báo mình làm về chủ đề gì, thưa cô?
Lâu lắm rồi không ai nói chuyện với mấy bả bằng một thứ ngôn ngữ lịch sự và thanh nhã như vầy, nên đôi mắt bả hiện lên vẻ ngạc nhiên thấy rõ. Giọng bả nghe mềm mỏng hẳn:
– Báo trường mình làm về chủ đề 20/11 đó con. Con tên gì, mới vô hả, sao cô thấy mặt lạ ghê?
– Dạ con tên Long, con mới vô. Vậy cần vẽ gì cô nói con, để con vẽ nháp qua cô coi!
– Được rồi, con uống nước đi đã, để cô kiếm giấy nha.
Tôi nhận ra một điều, mình cứ lịch sự và đàng hoàng với họ, cách họ đối xử sẽ khác hẳn với đám đầu trâu mặt ngựa kia. Bà giáo vụ già này là một ví dụ điển hình. Bà lóc cóc đi kiếm cho tôi ly nước, thêm tờ A4 trắng và cây chì than. Tuy vậy, giọng bả vẫn không được tự tin cho lắm:
– Long vẽ dùm cô cái hình đứa nhỏ tặng hoa cho cô giáo mặc áo dài được không con?
Tôi muốn té xỉu vì cái ý tưởng của bả. Đây là trường mẫu giáo hay sao trời? Ba cái vụ hình tầm bậy đó chỉ có tụi học sinh lóc nhóc mới vẽ báo tường, đây là trại cai nghiện chứ bộ. Thấy cái mặt tôi ỉu xìu, bả có vẻ lo:
– Sao vậy con? Con không vẽ được hả?
Tôi muốn khóc luôn. Bả kêu tôi vẽ bả khỏa thân tôi cũng vẽ được, nói chi ba cái vụ lẻ tẻ này. Nhưng vẽ như vầy khác gì xúc phạm tới đôi bàn tay của tôi đâu trời. Tôi làm mặt khổ, kêu:
– Con vẽ được, nhưng ý tưởng thì con không thích lắm. Như vầy đi, con vẽ nháp thử ý tưởng ngày 20/11 của trại mình cho cô coi thử nha!
Chấn động đó nha! Nguyên đám giáo viên quay qua nhìn tôi như thể fan Kpop nhìn thấy Super Junior vậy. Con nhỏ cũng không kiềm được tò mò, quay qua ngó tôi một cái. Nhìn gần càng thấy mặt con nhỏ xinh dữ dội, nước da nó trắng hồng, đôi mắt không đen mà lại hơi nâu, nhìn hệt như đám con lai vậy. Cái môi hồng hồng đang trề ra, coi bộ tôi không có chút xíu nào đáng tin cậy hết. Xong rồi, cảm hứng trong đầu tôi được con nhỏ tiếp thêm càng mãnh liệt. Tôi vơ lấy cái bút chì, cắm cúi vẽ.
Nói không phải khoe, sức sáng tạo của tôi thuộc hàng dữ dội. Nghe cái chủ đề, trong óc tôi đã hiện ra phác họa của bức tranh sắp vẽ. Tôi tính sẽ vẽ một cha du đãng mặt mũi thiệt cô hồn – vai này sẽ giao cho lão Ngọc là chuẩn khỏi cần chỉnh. Một hình đại diện cho nhân viên của trại – lấy luôn mẫu là bà giáo vụ già đi, nhìn cái tướng bả cũng sếp sòng lắm, hẳn là vị trí cũng khá. Trong bức tranh của tôi, bà giáo vụ đang trao cho lão du đãng một chiếc chìa khóa lớn thiệt lớn cạnh một cánh cửa màu xanh. Đó, ý nghĩa dữ dội không? Đem chiếc chìa khóa tương lai trao vô tay những người lầm lỡ, để họ mở ra cánh cửa hy vọng của cuộc đời. Tôi phục tôi quá xá!
Tôi vẽ cũng không tệ. Dù sao cũng từng mài mòn đít quần ở trường kiến trúc, dù là con bò cũng phải biết vẽ ít nhất là bãi cỏ. Đám giáo vụ bỏ nguyên công việc, dòm lom lom vô tay tôi. Con nhỏ Mỹ Anh cũng quay hẳn mặt sang, chăm chú coi tôi vẽ. Bức phác họa hoàn thành, dù còn hơi lem nhem vì vẽ vội, nhưng mấy mụ già và cả con nhỏ Mỹ Anh mắt đều hiện ra vẻ ngạc nhiên như thấy bức La Joconde của Leonardo da Vinci vậy. Bà giáo vụ cầm bức vẽ của tôi mặt đầy xúc động, rồi đột nhiên nhào tới cạnh tôi. Tôi hoảng hồn, sợ mụ trong lúc mất kiểm soát tặng tôi một nụ hôn thì coi như xong đời trai trẻ thì may mắn, mụ dừng lại kịp, vỗ vỗ lên vai tôi, giọng cảm động:
– Từ đó tới giờ cô mới thấy một học viên vẽ đẹp vậy! Cảm ơn con rất nhiều, lần này báo trường mình đoạt giải cao là cái chắc luôn!
Tôi cũng khoái được nghe khen (ai chả vậy). Nhưng con nhỏ Mỹ Anh còn làm tôi chết sững luôn khi thỏ thẻ:
– Anh Long vẽ đẹp quá trời luôn. Bữa nào dạy em nha!
Tôi thiệt tình muốn hét lên thật to: Tôi biết chơi ma túy nó ra làm sao rồi! Bởi cái cảm giác lâng lâng khi nghe con nhỏ nói câu đó y chang như thứ cảm giác mà tụi nghiện thường hay đem ra kể. Quả thật, khi vô tới mấy thứ trường trại đó, mọi thứ cảm xúc đều thay đổi lắm. Nếu bạn đã từng cảm thấy ngồi vắt vẻo uống một ly cà phê vỉa hè cũng đem lại cảm giác sung sướng như ngồi New World uống Cappuccino hảo hạng, xin chúc mừng bạn mới… ra tù hoặc ra trại. Những thứ tưởng chừng hết sức bình thường trong cuộc sống cũng có thể trở thành nỗi khát khao khi bạn vô những nơi thiếu tự do như tôi đang ở. Cảm giác được một con nhỏ để ý, khen ngợi, đối với tôi là một điều hết sức bình thường khi tôi ở ngoài xã hội (như các bạn đã biết, tôi đẹp trai mà), tuy nhiên trong cái khung cảnh như vầy, nó lại trở thành một điều vô cùng đặc biệt.
Nhưng khi tôi vẫn còn chưa hết lâng lâng, lão giáo vụ dường như không thèm để ý tới sức khỏe của tôi, giáng thêm một đòn chí tử khiến tôi mém chút bị sốc thuốc nằm lăn quay ra đất:
– Ái chà, phải Long trước học kiến trúc ra không nhỉ?
Tôi đưa cặp mắt đờ đẫn quay qua ngó lão. Lão đang lật chồng hồ sơ của học viên, mắt sáng ngời như thể Christopher Columbus mới tìm ra Châu Mỹ. Lâu lắm rồi trong trại cai nghiện mới xuất hiện một học viên có tí bằng cấp gọi là, lão mừng cũng phải. Tôi lấy lại phần nào bình tĩnh, đưa vẻ mặt khiêm tốn và lạnh lùng nhất ra khẽ gật đầu. Lại nghe bên cạnh, nhỏ Mỹ Anh ồ lên một tiếng nho nhỏ.