Tuổi 23
Chương 27
Giữa học kỳ I, nhà trường tổ chức họp phụ huynh cho khối 12. Vì sắp thi đại học, trường muốn cha mẹ nắm chắc tình hình học tập của con cái, nên một học kỳ có hai lần họp. Thành tích học tập ba môn khối A của tôi không tệ, toán lý đều khá (tôi học khá nhất lý – môn tử thần của đại đa số học sinh), riêng hóa vẫn ngu, ngu thành bản sắc và thương hiệu luôn! Ngoài việc chửi tôi một trận tơi bời về môn hóa, mẹ còn dặn dò:
– Hôm nay mấy đứa bị bêu tên đấy! Con bé gì tên Châu học hành sa sút vì dính vào yêu đương, mày cứ liệu hồn!
Mẹ lo hơi xa vì mặt tôi thuộc dạng “chó nó yêu”. Nhưng cái tin Châu yêu đương làm tôi ngạc nhiên. Tôi hỏi vội:
– Thế là sao hả mẹ?
– Con bé yêu thằng nào ở lớp khác, suốt ngày chơi bời đú đởn, chẳng chịu học hành gì cả. Mà mày tránh xa mấy đứa như vậy hộ tao!
Tôi thực sự đố kỵ với thằng ôn con giành được tình cảm của Châu. Mấy ngày sau, tôi tìm cách gặp riêng em để hỏi cho ra nhẽ. Nhưng em luôn tránh mặt, hoặc trả lời một cách gượng gạo, thậm chí cáu gắt mỗi khi tôi bắt chuyện. Không phải chứ? Em ghét tôi vậy sao? Có lẽ tôi trêu em là “Trâu điên” hoặc “họa sĩ hentai” hơi nhiều, nhưng mấy tháng gần đây, chúng tôi còn không nói chuyện với nhau, nói gì trêu chọc?
Một ngày nọ, lúc đang mải đá bóng trong giờ thể dục, thầy giáo bộ môn bảo tôi lên lớp lấy sổ đầu bài để thầy ký (thầy khá dễ tính nên không dạy nhiều lắm, ổng nói cho bọn tôi đá bóng còn hơn là tập mấy động tác vớ vẩn). Tôi quay lại lớp thì thấy Châu ngồi thu lu một góc cuối lớp, hai mắt đỏ hoe vì khóc. Lớp chẳng có ai, bóng hình em bỗng chốc nhỏ bé khôn tả. Tôi làm như không thấy gì, nhưng lúc quay ra, thấy em vẫn khóc, tôi chịu không nổi bèn bước tới ngồi đối diện em rồi hỏi:
– Sao thế cô?
Em lắc đầu không nói. Nhưng lần này tôi không bỏ đi như trước mà ngồi lại, gặng hỏi cho tới khi em phát cáu:
– Tớ đã bảo là không có gì, sao Tùng nhiều chuyện thế?
Tôi tặc lưỡi:
– Không có gì mà khóc thế kia à? Phải nói thì tôi mới biết chứ?
– Chuyện riêng của tớ, Tùng không cần phải biết! – Châu nói xẵng.
– Nếu thế thì còn gọi là bạn bè làm gì chứ? – Tôi đáp lời.
Châu im lặng. Trông em có vẻ xuôi xuôi, tôi không nói gì thêm, chỉ im lặng và kiên nhẫn chờ đợi. Và rồi Châu cũng lên tiếng:
– Mấy hôm trước họp phụ huynh, tớ bị nêu tên, chắc ai cũng biết nhỉ?
– Có, bà già đi họp về có nói với tôi. Bà chủ nhiệm bảo cô yêu đương cái gì đấy nên học hành sa sút. Vậy là… thật hả?
Em gật đầu, môi nở nụ cười trong nước mắt. Tôi hỏi:
– Vậy là đang yêu thằng nào thế?
– Chỉ là vớ vẩn thôi! Mới gặp nhau một buổi mà mấy đứa chơi cùng cứ gán ghép tớ! Chứ đã có gì đâu? Mà chẳng hiểu đứa nào mách cô chủ nhiệm nữa?
Tôi cứ ngỡ Châu khóc vì vấn đề gì ghê gớm lắm, hóa ra là chuyện con gái với nhau. Mấy chuyện kiểu này chẳng thích hợp với tôi chút nào. Tôi vỗ vai em an ủi:
– Thôi kệ mẹ chúng nó! Khóc lóc làm chi cho mệt đời! Bà già bảo tôi không được chơi với cô nhưng yên tâm đê, khi nào cô trở thành mangaka nổi tiếng, tôi sẽ chụp hình với cô trước!
Châu không cười trước lời an ủi nhạt nhẽo của tôi. Em lặng lẽ trông ra bầu trời qua song cửa sắt, trông như con chim bị nhốt trong lồng. Lát sau em tiếp lời:
– Không phải vì chuyện bạn bè.
– Thế là vì cái gì?
Nói đến đây, em bật khóc, hai má đỏ ửng, đôi môi mếu máo:
– Tớ… tớ không được vẽ nữa!
Em nấc liên hồi, sau nói:
– Tớ muốn thi mỹ thuật, nhưng mẹ… cấm! Mẹ nói không vẽ vời… vẽ gì hết! Mẹ bảo tớ thi ngành báo chí, mẹ bảo… thi cái đó rồi bố xin vào làm chỗ bố, nhưng tớ đâu… có muốn làm báo chí! Mẹ bảo dính vào mấy cái nghệ thuật là hỏng người! Mẹ bảo vẽ chẳng… giàu được!
Giọng em đứt quãng như một bản nhạc buồn có quá nhiều khoảng lặng. Tôi cứ tưởng rằng Châu đã cạn niềm thích thú với vẽ. Không, em vẫn yêu vẽ, thậm chí niềm khát khao vẽ của em còn cháy bỏng hơn cả tôi. Và khi bị cấm vẽ, em phản kháng lại người mẹ theo cách của mình. Châu thay đổi, trở thành một con người không phải chính em. Đáng lẽ tôi phải nhận ra điều ấy ngay từ đầu, nhưng tôi bỏ qua, để giờ đây em phải khóc. Tôi chưa bao giờ thấy Châu khóc nhiều như thế. Dòng lệ từ khóe mắt em cứ chảy ra, cuốn trôi những lớp son phấn và hiện ra một cô bé đáng yêu thuở nào. Em nghèn nghẹn:
– Tại sao mẹ không cho tớ vẽ? Tại sao tớ phải học những thứ tớ không thích? Những cái đó đâu thể làm tớ tốt hơn, đúng không? Sao tớ có thể làm tốt một việc mà tớ không thích chứ?
Khi ấy, tôi chẳng đủ lớn để nói ra một câu đủ sức an ủi em, cũng chẳng đưa tay ra để đỡ lấy bờ vai yếu đuối của em. Tôi chỉ thấy mình quá nhỏ bé trước hiện thực. Năm ấy, những giấc mơ đã bị bánh xe đại học nghiền nát như thế.
Bực dọc vì cuộc sống cấp ba, tôi trút hết phiền muộn vào những tin nhắn cho Hoa Ngọc Linh. Em luôn offline khi tôi online và cũng chẳng trả lời tin nhắn, nhưng tôi vẫn mong đợi em thông cảm (hoặc tỏ ra thông cảm cũng được).
“Mày dạo này thế nào? Học hành tốt chứ? Đã chọn được trường nào chưa? :))
Tao bị cấm vẽ, chán lắm! :(
Ông bà già cứ bắt tao vào ngành tài chính ngân hàng!
Các cụ nhà tao cứ làm sao ấy!
Thấy mọi người đồn ngành này kiếm tiền dữ lắm, thế là ép tao học luôn!
Mà tao biết cái mẹ gì về tài chính đâu? @@
Bố mẹ mày có thế không? :- ?
À quên, tao chưa hỏi, mày định theo ngành gì?
Có thích ngành đó không?
Nhớ trả lời tao sớm nhé! :D
À quên, năm nay tao sẽ tặng quà sinh nhật cho mày đấy, nhớ để ý nhé!”.
Khi mọi giấc mơ tan vỡ, tôi lại tìm về con phố nhỏ và đợi chờ trước căn nhà của Linh. Ít nhất, những kỷ niệm vẫn cho tôi hy vọng, vẫn cho tôi thấy rằng cuộc sống này chẳng quá tệ hại. Kỷ niệm là thứ đã qua, nhưng đôi khi là động lực để ta sống tiếp. Chỉ cần những kỷ niệm sống mãi, tôi sẽ nhịn nhục mà sống, nhịn nhục tới ngày cầm bút vẽ trở lại. Nếu phải chờ đợi để được vẽ, tôi sẽ chờ đợi.
Nhưng một bản nhạc buồn không bao giờ có những nốt nhạc chạy theo nhịp điệu vui tươi. Bản nhạc buồn của tôi vẫn chưa kết thúc.
Một buổi tối ngày cuối thu chớm đông, lúc đi học thêm về, tôi lại tạt qua nhà Linh như một thói quen cố hữu. Lúc cách nhà khoảng chục mét, tôi chợt nhận ra cánh cửa sắt màu xanh mở toang. Nó vốn không bao giờ mở khi tôi có mặt ở đó. Vui mừng quá đỗi, tôi liền đạp xe như bay lao tới. Nhưng lúc đến nơi, tôi thấy một cơn ác mộng: một bà đồng nát đang tống những bức tranh của tôi lên giỏ xe đạp. Hơn một trăm bức, kể cả bức tranh đóng khung gỗ mà tôi tặng Linh hồi sinh nhật năm ngoái. Tôi vội vã dựng xe rồi hỏi bà bán đồng nát:
– Người ta bán cái này hả cô?
– Ờ, nhiều quá nên bán. Mà cháu là ai, sao lại hỏi thế?
Vừa lúc ấy, bà chủ nhà từ trong bước ra. Người phụ nữ đó tầm tuổi 50, ngỡ đó là mẹ của Linh, tôi hỏi:
– Bác là mẹ của Linh ạ?
– Không! Linh nào ở đây? – Người phụ nữ ngạc nhiên – Cháu là ai?
Tôi hấp tấp nói:
– Cháu là bạn của Linh, Hoa Ngọc Linh ấy ạ!
– À… à! Có phải con bé Hoa Ngọc Linh cao cao, mắt hơi xếch, trông khá xinh xắn, đúng không? Bác gặp nó một lần, chỉ nhớ thế!
– Vâng, vâng! Đúng thế! Bạn ấy đâu ạ?
– Nó chuyển đi rồi cháu ơi! – Người phụ nữ cười – Người ta (ý chỉ bố mẹ Linh) bán lại căn nhà này cho vợ chồng bác rồi chuyển đi lâu rồi!
– Chuyển đi lúc nào hả bác?
– Một năm trước! Bác mua nhà này tầm tháng 2 tháng 3 năm ngoái mà!
Thời gian chuyển nhà tương ứng lúc tôi học lớp 10. Tôi từng nói rằng vì quá mải mê điện tử nên không để ý tin nhắn của Linh. Tôi không biết rằng trong số những tin nhắn đó có tin em sắp chuyển nhà và đổi nick Yahoo!. Như một thằng mất trí, tôi lục đống tranh của bà đồng nát. Sau một hồi tìm kiếm, tôi không tìm thấy bức tranh đầu tiên đã tặng em. Có thể em đã nhận được chăng? Không, tôi phải đối diện sự thật rằng em không hề nhận được bức tranh nào cả. Tôi tặng bức tranh đó khoảng tháng 4 mà trước đó em đã chuyển nhà từ lâu. Tất cả những bức tranh ở đây, chúng chẳng có ý nghĩa gì với Linh hết, bởi em chưa từng thấy chúng, chưa từng biết chúng tồn tại.