Tuổi 23

Chương 31



Phần 3

Khi bạn đang chờ đợi một điều gì đó, thời gian trôi lâu kinh khủng. Nguyên sáng thứ năm, tôi cứ nhấp nhổm ngó đồng hồ, đầu óc chẳng thể tập trung công việc. Mặc dù kỳ hạn cuối tháng sắp đến, khách hàng vẫn chưa kiếm ra nhưng tôi mặc. Sếp xạc tôi một trận vì tội lơ đễnh, sau úp úp mở mở cái gì đó liên quan tới “nghỉ việc” bằng một thái độ nhẹ nhàng pha lẫn khinh khỉnh.

Tôi cả sợ, vội vàng gọi điện tư vấn khách hàng, tâm trí cố gắng nhớ về cái xe sắp hết xăng và điện thoại sắp hết tiền. Thiệt tình, tôi rất muốn cảm ơn sếp. Nhờ sếp, những giờ phút tẻ ngắt ở cơ quan trôi nhanh vù vù, thoáng chốc đã ba rưỡi chiều. Sếp lo lắng cho tôi, tôi biết và cảm thông lắm chứ! Bởi lẽ nếu tôi không kiếm được khách hàng, sếp sẽ hao hụt tiền lương và bị sếp to hơn khiển trách. He he, cuộc sống là thế. Trên đời này, người thật lòng khiển trách bạn chỉ có bố mẹ hoặc bạn bè thân thiết, còn dăm ba cái thứ họ hàng, thầy cô, đồng nghiệp thì quên đi! Vì quyền lợi hết! A, riêng vợ thì tôi không biết vì tôi đã lấy vợ bao giờ đâu! He he, lảm nhảm thôi, đừng để ý nhé!

Rời cơ quan, tôi phóng xe ngay tới điểm hẹn. Và kia, quán café đã ở ngày trước mặt. Bạn đừng hỏi “sao nhanh thế?”. Thực sự, đường hơi xa, nhưng tôi không muốn kể nó hình dáng nhân dạng ra sao. Đường có khói, bụi, mùi xăng, còn gì nữa nào? À, còn hoa sữa. Độ này tiết trời chuyển sang thu, hương hoa sữa ngập lụt khắp phố. “Ngập lụt” vì người ta trồng nhiều quá, mùi hăng hắc như dùi đục ngoáy lộn hai lỗ mũi. Đôi khi, quá nhiều không hẳn là hay mà chỉ cần một chút cũng khiến người ta rung động. Giống một cô gái vậy, chẳng cần phấn son nhiều, chỉ một lời nói hoặc một hành động cũng có thể thổi tung trái tim của một chàng trai lên bầu trời và khiến anh ta nhọc lòng tìm lại suốt nhiều năm sau đó.

Giống như Linh đã thổi bay trái tim của tôi vậy.

Gửi xe, tôi bước vào quán café. Đưa chân qua cánh cửa kính viền gỗ màu cánh gián, tôi đảo mắt nhìn quanh, cảm giác quán khá sang trọng. Đèn chùm vàng, tường treo nhiều bức tranh nghệ thuật mà tôi không hiểu, ghế đệm êm thêu nhiều màu phù hợp cho đôi lứa thích ngả ngốn, bàn gỗ láng coóng chẳng chút bụi bẩn. Ngó mấy người ngồi đây, trông ai cũng như thuộc lớp thượng tầng của xã hội.

Kìa đằng xa, một anh chàng đeo kính cận mặc bộ suit bóng lộn, dường như là một người đàn ông thành đạt. Này cách vài bước chân, một cô gái áo quần ngắn đến mức tối đa làm tôi… nóng nực vài bộ phận, dù máy lạnh đang chạy vù vù. Ngồi trong ánh đèn vàng này, phóng tầm mắt qua cửa kính ngắm phố phường đông người qua lại, cảm giác có gì đấy thanh cảnh giống các cụ uống trà câu cá ngắm hoa ngày xưa lắm! Dù thế, tôi vẫn cảm giác không thoải mái. Tôi là chúa uống café, ngày hai cữ tối vẫn ngáy khò khò, nhưng tôi lại hay ngồi ở mấy quán cóc vỉa hè, nơi có thể chửi bậy tung trời mà không lo người ta đánh giá nhân cách. “Phù! Không Đ.M hay Đ.M.M gì hết nhé!” – Tôi tự nhủ rồi chọn bàn trong góc. Tôi thích mấy bàn gần cửa sổ hơn nhưng đâu có ai nhường bạn vị trí đẹp thế?

Ba mươi phút trôi qua, cốc nâu đá 45 nghìn tương đương một bát tái gầu của tôi vơi quá nửa song Linh vẫn chưa đến. Tôi bắt đầu sốt ruột, lưng nóng bừng. Em không đến chăng? Hay có việc đột xuất? – Tôi tự hỏi. Như mất kiên nhẫn, tôi lôi điện thoại ra gọi cho Linh. Đúng lúc ấy, một cánh tay vỗ vai tôi cùng tiếng cười:

– Đợi mình lâu chưa?

Tôi ngước nhìn, miệng nở nụ cười. Linh đây, Hoa Ngọc Linh của tôi đã đến rồi! Em đã hơi đổi khác, mái tóc ngắn màu nâu chứ không phải tóc dài đen nhánh thuở còn đại học, làn da em trắng hơn và gương mặt… như xinh hơn. Không phải cô gái loại 2 hay 1 phẩy 9 nữa. Là loại 1! Họa có thằng ngu hay đui mù mới không ngắm nhìn em. Em mặc bộ đồ công sở, áo khoác đen, váy ngắn tới đầu gối ôm sát đôi chân nảy nở của một cô gái trưởng thành. Cô bé cấp 2 ngày nào giờ đã thế này rồi ư?

Cuộc đời đi nhanh quá.

– Dài cổ rồi đây! – Tôi vừa cười vừa trả lời – Tưởng Linh cho mình leo cây chứ?

Em cười tươi:

– Sếp gọi ở lại! Xin mãi ổng mới cho đi đó! Dạo này Tùng làm ở đâu rồi?

– Ở… (cho phép tôi không nói).

– Làm khá không? Lương thế nào?

Tất nhiên là tôi không thể nói rằng mình đang cạn ví, xe sắp hết xăng và điện thoại sắp hết tiền. Không gì khó chịu với thằng đàn ông khi thấy một người phụ nữ thành đạt hơn mình. Ậm ừ mấy câu “ổn”, “cũng đủ sống” rồi nhìn thẻ nhân viên trên cổ em, tôi nhướn mắt:

– Ai chà! Làm ở ngân hàng… (cho phép tôi không nói) cơ à? Kiểu này phải vay Linh mấy đồng quá!

Linh lắc đầu:

– Cũng mệt lắm. Tháng tới mình đi học cao học.

– Học cao hổng lấy chồng được đâu! – Tôi nhe răng cười – Thấy mấy bà giáo sư không? Hổng lấy chồng được!

Linh cười:

– Cao học mà! Không phải giáo sư! Thật đấy, năm tới công ty đang cần người tác nghiệp ở bên Úc, mình muốn sang đó. Giờ mình phải học thêm tiếng Anh buổi tối, mệt chết luôn!

Vậy là em đã tính chuyện sang nước ngoài. Cơ hội xuất hiện và em đang cố gắng nắm bắt nó. Với biểu đồ cuộc sống như giá xăng tăng của em, cái ngày em đạt được ước mơ hẳn chẳng còn xa xôi nữa. Em tính chuyện tương lai một cách rõ ràng với kế hoạch đúng đắn. Tương lai ư? Tôi cảm giác nó mờ mịt và đẩy màu xám. Tôi không thích trò bói toán không phải vì ghét mê tín dị đoan mà bởi tôi sợ cái tương lai mờ mịt của tôi, xem bói chỉ thêm buồn.

– Tùng đi học cao học không? Học nhanh lên, không sau này ngại đấy! – Em nói – Sau này Tùng có định chuyển công ty khác không? Hay vẫn làm ở đấy? Này, Tùng nhìn đi đâu thế? Nghe Linh nói gì không?

Em khua khua tay trước mặt tôi. Tôi không thể nói về tương lai, nhưng kể chuyện quá khứ cũng chẳng tệ. Tôi lim dim mắt:

– Mình nhớ thời cấp 2. Còn nhớ không?

Linh nheo mắt:

– Nhớ cái gì?

– Linh biết mà! Để mình nói ra nữa à! Đến giờ mình có thể tự hào là người cướp được nụ hôn đầu của Linh! – Tôi cười đắc chí – Vậy thằng nào đoạt huy chương bạc?

Em vừa cười vừa đấm vai tôi thùm thụp. Em đã đi làm, đã trưởng thành, nhưng em vẫn vô tư và hồn nhiên trước mặt tôi như thế. Linh tựa lưng vào ghế rồi nói:

– Mà chúng ta quen nhau thế nào ấy nhỉ? Hồi lớp 6, hình như là cùng bàn, đúng không?

Tôi mỉm cười. Những câu chuyện bắt đầu từ mùa thu năm ấy, khi tôi bắt đầu vào cấp 2 và ngồi cùng bàn với em. Trước mắt tôi, chuyện kể quá khứ hiện ra rõ mồn một.

Tôi vẫn đang đi tìm trái tim của mình. Nó đang lạc lõng đâu đấy giữa bầu trời.

Vào những ngày tháng đầu tiên của cấp hai, tôi đã gặp Linh. Cái thời mà lũ trẻ con tự hào là công dân của thế kỷ 20 lẫn 21, cái thời máy tính còn là khao khát của bao thằng cu ưa táy máy, cái thời mà bọn học sinh còn rong ruổi xe đạp khắp phố phường chỉ để kiếm một quán điện tử còn chỗ trống, cái thời bọn con trai thích đeo kính cận và để tóc bổ luống Đan Trường, cái thời mà khái niệm “online” hẵng còn xa lạ. Thời ấy chỉ như một cái chớp mắt nhưng ngẫm lại đã hơn mười năm. Tôi chưa già như các ông lão hàn huyên hồi tưởng chuyện xưa cũ, nhưng quá khứ của tôi cũng đủ nhiều để thi thoảng có thể nhắm mắt và nhớ nhung.

Ngày đó, bọn học sinh cấp một hoàn toàn bỡ ngỡ trước việc chuyển cấp. Đợt tập trung các lớp tại trường trung học, mặt đứa nào cũng lấm la lấm lét vì trường mới, thầy cô mới, bạn mới. Sướng nhất là những đứa quen nhau từ cấp một, tụi nó tha hồ tán dóc trò chuyện, không như tôi lủi thủi một góc. Tôi từng học ở một trường tiểu học khác quận bởi cái trường đó danh tiếng và bố mẹ tôi rất ư khoái tỷ (như bao ông bố bà mẹ khác thôi!).

Lên cấp hai, người ta quy định phải học đúng tuyến và tôi trở về một ngôi trường trong quận. Hai ngày đầu tiên ở lớp học hè, tôi dành hết sự quan tâm cho môn toán và hoạch định mình sẽ trở thành nhà toán học trong tương lai. Nhưng giấc mơ nọ chỉ tồn tại trong hai ngày. Chẳng đứa trẻ con nào có thể ngồi nguyên tại chỗ khi bạn đồng trang lứa vui đùa dưới sân trường. Ngày thứ ba, tôi tham gia trò đuổi bắt với mấy thằng con trai. Bọn này có bốn đứa, hai thằng học cùng tiểu học, một thằng từng học ở trường xa lắc nào đấy ngoài nội thành, thằng còn lại vừa từ nước ngoài về (du học, du học!). Trở thành bạn của chúng nó dễ oẹt, chỉ cần tán phét game, linh ta linh tinh chuyện trường cũ rồi đủ thứ trên trời dưới biển là được. Trừ gái. Không giống tụi trẻ bây giờ, hồi ấy, con gái với lũ con trai chúng tôi như bọn ngoài hành tinh vậy.

Nhưng tình bạn giữa năm thằng chỉ kéo dài khoảng một tháng. Sau kỳ học hè, trường tổ chức thi. Một kỳ thi mà mãi lúc thi xong tôi mới biết là tuyển học sinh vào lớp chọn. Vậy đó, trẻ con như một lũ lợn nái được người ta phân thành nhiều chuồng khác nhau: phần lớn vào chuồng dành cho con còi cọc, số tinh hoa vào chuồng dành cho con mắn đẻ. Tôi vào chuồng mắn đẻ cùng với thằng đi du học về, ba thằng còn lại tản ra những lớp khác nhau và tôi cũng nhanh chóng quên mặt chúng nó. Trẻ con mà!

Sĩ số lớp chia ra nam nữ khá đồng đều nên việc sắp xếp chỗ ngồi vẫn như thông lệ: nam nữ hai đứa chung một bàn. Nửa đầu năm lớp 6, tôi ngồi cùng một bạn nữ khác nhưng trong thời gian ấy, tôi đã chú ý đến Linh. Lớp có mấy cô tên Linh nhưng tôi chỉ ấn tượng mỗi em.

Thứ nhất, tên họ em lạ quá: Hoa Ngọc Linh; tôi nghĩ cha mẹ đặt tên em theo một loài hoa nào đấy nhưng thật ra chẳng có hoa nào là hoa “ngọc linh” hết.

Thứ hai, em cao hơn so với bọn con gái cùng lứa vì chân em dài (mắt thằng con trai để ý chi tiết này nhanh lắm!). Cũng bởi chiều cao nên em ngồi cuối lớp, tránh ảnh hưởng bạn khác.

Thứ ba, gương mặt trái xoan cùng mái tóc buộc đuôi ngựa của em khiến tôi ngắm mãi không chán. Nó chỉ đơn thuần là một thằng con trai bắt đầu thay đổi tâm sinh lý, hoàn toàn chưa nghĩ tới yêu đương. Nói mới nhớ hồi cấp một, trả lời bạn gái là một nét văn hóa, nhưng chơi với bạn gái là một thảm họa; bất cứ thằng nào thân với con gái đều bị gọi là pê đê. Nhưng chỉ ngày xưa thôi, bọn trẻ giờ lớn nhanh và hòa nhập thời đại lắm! Nghĩ lại, thấy ngày xưa mình ngu vãi!

Lên trung học cơ sở, những cậu bé trai tiểu học ngây ngô ngày nào bắt đầu biết chửi bậy. Học cái tốt thì lâu chứ mấy thứ xấu như chửi bậy thì tụi con trai tiếp thu thần tốc. Tôi thì học chửi bậy từ thằng bạn đi du học về. Tôi hỏi nó “bộ bên nước ấy, người ta chửi nhiều lắm à?”, nó cười sằng sặc trả lời “Đ.M, chỗ nào chả thế!”. Cả xã hội chửi, tội gì mình không? – Cái đầu non nớt của tôi đã nghĩ như vậy.

Thậm chí, nó còn được nâng cấp lên thành việc gọi tên bố mẹ ra mà bêu. Số là mỗi đứa học sinh đều có sổ liên lạc (một thứ quái thai của nền giáo dục), trang đầu tiên ghi số điện thoại gia đình lẫn tên tuổi phụ huynh. Một thằng vớ được sổ của bạn và bắt đầu gọi tên bố mẹ ra làm trò tiêu khiển; thằng ôn bị chửi đáp trả bằng cách chộp lại cái quyển sổ của thằng kia và… chửi lại. Hai thằng, bốn thằng, rồi cứ thế cả lũ cấp 2 ngày ấy cứ lôi tên phụ huynh ra mà chửi nhau. Bọn trẻ con ngày đó chẳng nghĩ nhiều mà chỉ coi nó là trò đùa vô hại, tất nhiên vẫn có vụ sứt đầu mẻ trán vì thói trêu đùa này. Giờ đây, mỗi khi nghĩ lại trò này, tôi cùng mấy thằng bạn chỉ biết cười cho sự ngu ngốc thời trẻ con. Bọn con gái hiếm khi bị lôi vào trò gọi tên phụ huynh nhưng đôi lần có đứa phát khóc và mách cô giáo. Kiểm điểm, mời phụ huynh, dĩ nhiên!

Lên trung học cơ sở, tôi bắt đầu nản chuyện học hành. Vì là lớp chọn, mấy môn như toán, văn, tiếng Anh luôn yêu cầu cao hơn so với lớp khác, nhất là toán. Hàng đống công thức trong sách giáo khoa chưa đủ, giáo viên bộ môn còn táng thêm bài tập từ sách tham khảo nâng cao. Đến giờ tôi vẫn nhớ cái công thức “quy nạp” khỉ gió loằng ngoằng chữ với số. Tôi chẳng biết tại sao người ta gọi là “quy nạp”, bản chất nó là chi, chỉ biết áp vô bài tập mà lấy điểm. Nói cho cùng, người ta bôi vẽ ra toán cấp hai cho bọn trẻ con có việc mà làm thay vì để chúng nó phá làng phá xóm.

Tuy nhiên, lý do tôi hằn học với môn toán không phải nó khó mà vì bà giáo viên bộ môn kiêm chủ nhiệm lớp. Hơn mười năm trôi đi nhưng tôi vẫn nhớ gương mặt bả. Nếu tôi quý bả, tôi có thể tả như sau: bả thấp người, mặt tròn nhân hậu, đôi môi đỏ hay cười thường khuyên bảo học sinh.

Nhưng vì tôi căm thù bả nên bả trong mắt tôi thế này: lùn tịt, thấp hơn cả lũ học sinh nên thường xuyên phải độn guốc mười hai phân, mặt tròn phèn phẹt cộng thêm cái mũi tẹt dí trông như bánh bao bèn bẹt bị ai đấm bẹp, đôi môi đỏ chót bôi son cong lên như mái hiên chùa mỗi khi mắng học sinh (cụ thể là tôi đây).

Bả thiết kế sổ liên lạc gồm hai hạng mục: ưu điểm và khuyết điểm. Ưu điểm thì chỉ có điểm số và phải 8 điểm trở lên mới được coi là ưu điểm. Khuyết điểm thì bát vạn: 6 điểm trở xuống, mất trật tự, không làm bài tập, làm bài thiếu, không thuộc bài, vân vân. Bả còn tự tay nặn ra hai đứa hung thần: lớp phó học tập và lớp phó kỷ luật.

Mỗi sáng, con bé lớp phó học tập kiểm tra bài vở từng đứa. Một bài toán khó không tìm ra cách giải: khuyết điểm, soạn văn thiếu một trang: khuyết điểm (thằng nào cũng a cay vụ này). Còn thằng lớp phó được giao nhiệm vụ hễ đứa nào mở mồm thì ghi nói chuyện, nó làm hăng say đến độ quên luôn cả ghi chép bài. Tôi từng nổi điên với thằng lớp phó khi nó soi tôi nói chuyện tám lần trong giờ học. Quyển sổ liên lạc của tôi chi chít “mất trật tự”, “nói chuyện riêng” và “thiếu bài tập”. Phần lớn bọn con trai chúng tôi ghét bả và vẫn luôn chửi bả mỗi khi đấu láo với nhau.

Một giáo viên nữa tôi ghét không kém là bà giáo dạy tiếng Anh. Không sở hữu ngoại hình khó ưa như bà chủ nhiệm, song bả luôn gây ra sự khó chịu bằng sự phân biệt giai cấp. Bả quan tâm những đứa học giỏi và bồi dưỡng cho chúng nó đi thi đoạt giải, như cái thằng đi du học chẳng hạn. Còn những đứa học kém – như tôi chẳng hạn – trong mắt bả chẳng khác gì rác thải. Những đề thi dành cho bọn học sinh giỏi, bả đem ra cho bọn học kém và trung bình làm. Bả công khai chửi học sinh trước mặt bạn học. Chửi nhé! Hổng phải khuyên răn hay mấy động từ sặc mùi đạo đức đâu, đại loại “học ngu như bò”, “thất bại của xã hội”, “chết đi cho xong”.

Tôi còn nhớ như in ở lớp học thêm (giáo viên bộ môn hay tổ chức học thêm ngoài giờ), bả cầm cây bút phang thẳng đầu thằng bạn, bút gãy đôi, còn nó đỏ mặt chực sắp khóc. Giá như có điện thoại di động, bọn tôi sẽ đưa bả ngay lên Youtube. Nhưng bọn học sinh chúng tôi hồi ấy lấy đâu ra di động? Bọn học kém chỉ biết cung cúc nghe chửi và chịu đựng trong bốn năm cấp hai. Tôi cũng bị ăn chửi vô số lần. Thậm chí sau này, đứa em thằng bạn chí cốt của tôi vào trường này, học lại chính bả, nó nói rằng tôi và mấy đứa học kém khác lại bị lôi ra làm hình tượng về “sự dốt nát ngoại ngữ trầm trọng”.

Nhưng lũ học sinh chúng tôi khi xưa tuyệt nhiên không bao giờ nghĩ chuyện tự tử. Thật! Đọc báo chí thấy mấy em học sinh trầm cảm rồi tự tử vì bị cô giáo đánh vào tay hay sao đó, tự dưng thấy mình ngày xưa ngoan cường ra trò. Thực sự thì suốt thời gian đi học, vẫn có những giáo viên khiến tôi kính trọng, nhưng bà chủ nhiệm và bà giáo viên tiếng Anh không nằm trong số đó.

Nửa học kỳ đầu tiên năm lớp 6 của tôi kết thúc bằng ba cái tát của ông bố. Hai cái tát đầu tiên là một ngày trước hôm họp phụ huynh. Tôi bảo bố chủ nhật họp phụ huynh, ổng nghe lẫn lộn thế nào thành thứ bảy và tôi cũng chẳng để ý. Sáng thứ bảy, ổng dắt xe đi rồi dắt xe về, xồng xộc vào nhà gọi thằng con xuống và tặng nó một cái tát vêu mồm.

“Người ta bảo chủ nhật họp, sao mày bảo thứ bảy?” – Ông bố tôi giận dữ.

“Con bảo là chủ nhật mà! Thứ bảy đâu” – Tôi cãi.

Bốp! Cái tát thứ hai thẳng ngay mặt tôi. Đối với bố, nhầm nhọt ngày tháng chừng như bom nguyên tử đập vỡ cái sĩ diện của ông vậy. Kể từ ấy, ổng không bao giờ đi họp phụ huynh nữa. Vĩnh viễn và mãi mãi! Quay trở lại cái thứ ba, ấy là ngay hôm sau, khi mẹ tôi đi họp về với bằng học sinh tiên tiến. Cái này thì đúng tôi có tội, suốt năm năm tiểu học toàn xuất hết sắc, giờ học sinh tiên tiến, còn gì đáng hổ thẹn hơn thế? Máu sĩ dồn não, bố tát tôi lần ba trước mặt một người họ hàng qua chơi. Tôi chẳng biết làm sao, ngoài việc bỏ lên phòng rồi lẩm bẩm chửi “Đ.M học với hành!”. Học sinh tiên tiến, một sự sỉ nhục thậm tệ!

Nhưng tại sao tôi lại lảm nhảm chuyện mấy bà giáo quái thai hay học hành? Ấy là bởi sau học kỳ một, tôi chuyển xuống cuối lớp, ngồi cạnh Hoa Ngọc Linh. Em học tốt (nhất là tiếng Anh nhé!), tôi học kém, em ngoan, tôi quậy. Nhưng không phải kèm cặp gì nhé, mà bởi bà chủ nhiệm nói cái mặt tôi chình ình hàng đầu làm xấu bộ mặt của lớp. Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên nói chuyện với em, tôi nói như vầy:

– Làm bài chưa mày? Cho tao chép cái!

– Sao tao phải cho mày chép chứ? – Em trả lời.

Vậy đó, ngày đầu tiên gặp nhau, tôi và em xưng mày tao í ới. Trẻ con mà, biết đếch gì đâu!

Chương trước Chương tiếp
Loading...