Tuổi 23

Chương 40



Phần 40

Chiếc mũ len Opeth như là chất keo gắn kết tôi và Linh. Tối hôm ấy, chỉ sau cuộc dạo bộ quanh hồ vài tiếng, tôi chat Yahoo với Linh cả tiếng đồng hồ; không bạn bè, không game, không cả Sasha Grey. Trong ít phút ngắn ngủi, tôi vạch ra hàng đống kế hoạch đi chơi Tết với Linh nhưng khổ nỗi em đã kín lịch.

Hôm giao thừa thì em đi chơi với bạn, mùng 2 Tết đi với bạn (tổ cha lũ bạn luôn ngáng đường), mùng 3 Tết đi cùng gia đình. Tôi có cảm giác em như minh tinh màn bạc được săn đón khắp nơi (mà cũng phải, em là nhân vật chính của câu chuyện này mà). Xê đi chuyển lại mãi lịch hẹn, em cũng đồng ý đi chơi với tôi vào mùng 5 Tết. Chỉ hai đứa đi, tuyệt đối không có sự hiện diện của người thứ ba.

“Mà Tùng rủ mình đi đâu thế?”.

“Đi chùa.”.

“Tùng mà đi chùa á? Chuyện lạ! ^^ Nhưng mà chùa nào thế?”.

“Vài ba cái chùa… ờ, Chùa Hà? Được không?”.

“Chùa Hà á? Sao lại là chùa Hà!”.

“Tại tôi thích thế!”.

“Điên quá! =))”.

Với những người chưa biết thì chùa Hà là một ngôi chùa khá nổi tiếng ở Hà Nội, nơi đây cầu duyên thiêng vô cùng. Ấy là dân tình đồn đại thế, còn tôi tin rằng đi cầu duyên mà muốn thiêng thì trước hết mặt tiền của bạn phải đẹp. Chứ mặt tiền không đẹp thì cầu tới mục thất, như tôi chẳng hạn!

“Con lạy chín phương trời con lạy mười phương phật cho con có bạn gái, miễn sao cổ đừng nặng hơn con ba chục cân hơi là được” – đó, tôi chỉ cầu vậy thôi mà suốt hai năm đại học vẫn chưa biết mùi gái. Tuy nhiên, lòng tôi đầy hy vọng rằng chuyến du xuân này sẽ giúp nguyện cầu của mình trở thành hiện thực. Chư thần hỡi, đợi mùng 5 nhé, xin các ngài chứng giám, à nhầm, phù hộ giùm con!

Song mấy hôm sau, đùng một cái bố mẹ bắt tôi về quê. Gia đình tôi tuy không phải dân Hà Nội chính gốc nhưng đã chuyển lên đây sinh sống từ lâu, đại khái là trước hồi tôi sinh ra. Mọi năm, bố tôi thường chỉ về quê khoảng một hai ngày rồi lên. Nhưng kể từ năm ấy, ông cụ ra lệnh mỗi dịp Tết, cả nhà phải về ít nhất ba ngày. Ông cụ sắp về hưu nên đã tính chuyện dưỡng già ở quê hương. Ông cụ khoái, còn tôi không thích, bởi những ngày ở quê trùng vào ngày Tết, còn đâu thời gian đi chơi với Linh nữa hở giời?! Ban đầu, tôi phản đối kịch liệt nhưng mẹ lại ủng hộ bố. Cụ bà nói:

– Mày phải về quê! Họ hàng anh em ở đấy, không về thì đi đâu? Mai sau chúng tao chết đi thì chôn ở đấy, mày phải về mà thắp hương rồi trông coi nhà cửa chứ? Ông tưởng ông dân Hà Nội á? Nhà quê lõ đít ra con ạ!

Nhằm thuyết phục tôi, mẹ hết khuyên răn, dọa nạt rồi chửi thối đầu. Sau vài ngày, cuối cùng tôi phải giơ tay đầu hàng và về quê với bộ mặt nhăn như khỉ ăn ớt. Tôi không phân biệt quê hay thành phố, mà vì đối với tôi, quê chẳng có gì hay ho. Tôi phải gặp một mớ trẻ con gọi mình bằng “bác” hoặc “ông trẻ” (tiên sư chúng mày, tao còn chưa có vợ!); phải gặp những bà cô ông bác lạ hoắc mà mình chưa từng thấy bao giờ (và họ lúc nào cũng hỏi khi nào tôi cưới vợ). Bởi không sống ở đây nên khi gặp họ hàng, tôi cảm giác họ chỉ là những con người xa lạ. Nói thật, tôi biết ông hàng xóm rõ hơn mấy người bà con nhiều lắm.

Mà khổ nhất là những ngày đi chúc Tết. Tôi bắt buộc phải đi vì ông già cần một thằng xe ôm miễn phí, lại chắc tay để lượn qua những cung đường đầy ổ gà lẫn phân trâu. Đồng thời nhỡ ổng uống say thì thằng con có trách nhiệm thồ về. Ở đâu không biết chứ ở quê tôi, đi tới nhà nào là họ sẽ mời cơm, mà đã cơm thì tất có rượu. Họ hàng nhà tôi ở quê khá đông, đi chúc từ mùng 3 tới mùng 5 cũng chưa hết, một ngày ít nhất cũng năm sáu chỗ, mỗi chỗ hai ba chén rượu là đủ chết. Tôi tửu lượng kém nên đợt ấy say bí tỉ, lần nào về nhà cũng gọi tên chị Huệ. Cái Tết năm đó của tôi chỉ gói gọn trong ăn, uống và chị Huệ. Bao nhiêu dự định đi chơi với Linh của tôi đổ bể sạch sẽ.

Quay cuồng trong rượu chè chúc tụng, tôi quên mất khái niệm ngày và đêm, thậm chí suýt quên luôn Hoa Ngọc Linh nếu thằng Choác không kịp thời nhắc nhở. Tối hôm mùng 4, thằng Choác gọi điện chúc Tết cho tôi:

– Về quê vui không mày?

– Vui kẹc! Ngày nào cũng rượu, sắp điên rồi đây!

– Hớ hớ! Chúc chú năm mới học hành tốt và kiếm được bạn gái! Mà mày với con Linh tới đâu rồi?

– Thì vẫn thế. Tao định rủ nó chơi Tết mà cuối cùng có đi được đâu?

– Thế từ hôm về đến nay đã gọi điện chúc Tết nó chưa?

Tôi ngẩn mặt ra một lúc rồi nói:

– Chưa.

– Thế hôm giao thừa mày có nhắn tin hay gọi điện chúc mừng năm mới cho nó không?

– Không nốt.

– Tổ sư ông! Ông đang tán nó thì phải để ý mấy cái này chứ! Mùng 4 rồi đấy! Mau gọi điện hỏi thăm nó đi chứ! Không đi chơi được hôm nay thì đi hẹn nó hôm khác.

– Ờ ờ, nhớ rồi, tao làm ngay!

– Ấy? Từ từ từ từ từ! Ít nhất mày cũng phải chúc Tết tao rồi hẵng gọi cho nó chứ?

– Tao gửi tin nhắn cho mày là được! Thế nhé!

– Khoan đã, bạn bè mà thế à? Thằng phản bạn! Thằng thổ phỉ! Thằng…

Tôi cúp máy ngắt lời thằng Choác rồi ngay lập tức nhắn tin cho Linh, trong lòng thấp thỏm lo âu. Năm ngày Tết trôi qua, liệu có thằng khỉ gió nào hẹn em đi chơi không? Chắc chắn có, nhưng vấn đề là bao nhiêu thằng? Rừng ngày càng ít, lâm tặc lại rõ lắm, thế này thì còn gì là môi trường sinh thái nữa!

“Chúc mừng năm mới nhé! Chúc cô học hành giỏi giang và mau mau kiếm thằng bạn trai to cao đen hôi!”.

“Cảm ơn nhé! Mà không cần bạn trai to cao đen hôi đâu ^^! Tùng ăn Tết ở quê vui không?”.

“Đang sắp chết đây (_ __”)! Chắc chiều mai tôi mới lên Hà Nội. Cô ăn Tết vui không?”.

“Bình thường. Loanh quanh đi chơi với ăn uống thôi. Khéo Tết này mình lên vài cân quá TT!”.

“Tết thì phải ăn. Kêu ca làm gì cho mệt người? Mà cô nhớ mừng tuổi cho tôi!”.

“Thì Tùng phải mừng lại tớ chứ ^^!”.

Tôi mải mê nhắn tin cho Linh hàng tiếng đồng hồ, cho tới khi không gửi được tin nữa, mở ra mới thấy “Tài khoản của quý khách còn 50 đồng”. Hết tiền thì nạp thẻ, nhưng vấn đề là tôi không dám bước chân ra đường. Nhà tôi ở làng, chẳng có đèn điện nên đường tối như hũ nút, muốn đi đâu phải mang đèn pin. Nghe dân bản xứ đồn đại rằng đường làng lúc tối thường có người vỗ vai, mà quay lại thì… không thấy ai. Cực chẳng đã, tôi phải mượn điện thoại của bố để nhắn tin tiếp. Tôi dông dài mãi mấy chuyện ngày Tết rồi cuối cùng hỏi ý Linh về việc đi chơi. Em trả lời:

“Mình cũng chưa biết hôm nào rảnh. Mấy đứa bạn cứ hẹn mình đi hết chỗ nọ chỗ kia. Có một đám đang rủ mình đi phượt lên Ba Vì, đang phân vân đây.”.

Trước đây, tôi cứ nghĩ Linh đang nói về mấy cô bạn thích buôn dưa lê bán dưa chuột của em. Về sau, tôi ngộ ra rằng đó là cách con gái nói giảm nói tránh về những thằng đang theo đuổi mình. Những thằng đang tán gái luôn ngỡ rằng chỉ mình nó là lâm tặc, đâu biết còn vô số thằng lâm tặc khác đang lẩn trốn trong rừng rậm. Nghe Linh nói về lịch đi chơi của mình, tôi đoán ít nhất xung quanh em đang có ba bốn thằng đương nhăm nhe chặt cây lấy gỗ. Tôi bèn nhắn tin trách khéo em:

“Tôi là tôi bắt đầu căm mấy đứa bạn của cô rồi đấy nhé!”.

“Sao thế? Sao lại căm thù bạn mình?”.

“Mấy đứa chúng nó toàn phá đám để tôi không đi chơi với cô được.”.

“Ặc, đâu phải thế? ^^ Suy diễn lung tung. Thôi được rồi, mình sẽ cố xếp lịch. Hôm ấy nhớ mừng tuổi cho mình nhé! ^^”.

“Hai mươi mấy tuổi rồi đấy cô ơi, mừng tuổi cái giè?- _- ”.

“Thế ai bảo Tùng đòi mình mừng tuổi trước? :P:”.

“Vì tôi là con trai, tôi có quyền!”.

“Hả? Đâu ra cái định lý ấy thế? =))”.

Hai đứa chúng tôi cứ nhắn tin trêu chọc nhau, tưởng như hết tiền điện thoại mới thôi. Ít nhất thì Linh cũng hứng thú với những màn chém gió của tôi, mà con gái lại yêu bằng tai. Nếu tình hình cứ tiếp tục tiến triển như vầy, có lẽ cái ngày tôi ngỏ lời yêu chẳng còn xa xôi nữa. Đêm hôm đó, tôi không ngủ được vì đầu óc cứ mơ tưởng cái ngày mình tỏ tình với Linh. Thông cảm, tôi hay vẽ nên hay hoang tưởng cũng là bình thường.

– Mày làm gì mà hết ba chục tiền điện thoại của bố thế? – Bố tôi hỏi.

– À… à, thằng Choác gọi điện rủ con đi chơi ấy mà! Không có gì đâu!

Và tôi nhanh nhẩu tóm lấy cái điện thoại, xóa toàn bộ tin nhắn. Cụ ông mà biết chắc chắn sẽ kể cho cụ bà, rồi cụ bà sẽ tế tôi một trận. Cũng phải nói thêm là cụ bà không muốn tôi yêu đương lúc còn đi học, rồi thì sau này 27, 28 tuổi phải lấy vợ; đại khái tư tưởng của cụ hơi cũ kỹ. Tất nhiên là tôi chẳng nghe lời. Hai mươi mấy tuổi đầu không đi kiếm bạn gái, chẳng lẽ cứ Sasha Grey mãi? Mệt chết!

Bạn đang đọc truyện Tuổi 23 tại nguồn: http://truyen3x.xyz/tuoi-23/

Sau năm ngày ở quê, cuối cùng tôi cũng trở về Hà Nội. Việc đầu tiên tôi làm là túm cổ thằng Choác lẫn thằng Xoạch đi café để hỏi ý kiến chúng nó về vụ cưa gái. Nghe tôi kể lể sự tình, hai thằng cẩn thận đánh giá như hai nhà lãnh đạo sắp ký kết hiệp định gì quan trọng lắm. Thằng Xoạch nói:

– Cứ từ từ. Nó nói chuyện nhiều không có nghĩa nó đã thích mày. Hậy! Bớt ảo tưởng đê!

Tôi chau mày nói:

– Mày bảo khi gái thích thì nó sẵn sàng nghe mình chém gió cả ngày mà?

– Mới chỉ là “thích”, ông ạ. – Thằng Xoạch thở dài – Thích là chơi được, làm bạn được, hoặc cũng có thể làm osin được. Hiểu chớ?

Thằng Choác đế thêm:

– Mày với cái Linh quen nhau từ cấp hai, bao nhiêu tật xấu của mày, nó biết hết! Cứ liệu hồn!

– Con người ai chả có mặt xấu mặt đẹp hả mày? – Tôi thở phì phì – Nó biết trước thì có vấn đề gì đâu?

Hai thằng bạn nhìn nhau cười hô hố. Thằng Xoạch ôm bụng cười:

– Mày đi với bọn tao bao lâu mà vẫn chưa khôn ra hả Tóp? Đi tán gái như kiểu quảng cáo trên tivi ấy. Bao nhiêu cái tốt mày phải phô ra, thậm chí phải tự tâng bốc mình lên. Chứ mày thấy thằng nào quảng cáo khuyết điểm của mình chưa?

Tôi nốc ực cốc café, trong lòng hơi tức tối. Mang tiếng là bạn nhưng hai con hẹo này luôn phi gạch ném đá tôi không thương tiếc. Tôi hậm hực:

– Đ.M nhà các ông. Các ông không yểm trợ đỡ đạn hộ tôi thì ít nhất cũng phải khua chiêng đánh trống cổ vũ chứ! Cứ toàn bàn lùi là sao hả?

– Các cụ nói rồi: chậm, mà chắc. – Thằng Choác nói – Mày tưởng tượng tốt lắm đúng không? Đấy! Bây giờ ông phải tưởng tượng cái Linh như pháo đài Điện Biên Phủ, có tầng này ngõ kia, lô cốt dây thép chằng chịt. Ông phải đánh chiếm từng cứ điểm, bóc tách từng hàng phòng ngự của nó mới được.

– Bóc tách quần áo nó hả? – Tôi cười đểu.

– Đợi khi nào mày cưa được nó đã! Ý tao là mày phải từ từ, từng bước một mà tiến. Tuần này mày rủ nó đi café, tuần sau rủ đi xem phim, tuần sau nữa thì đi ăn. Mỗi lần đi, mày phải tỏ ra mày là thằng đàn ông đích thực, không thích đực. Biết quan tâm, nhưng quan tâm vừa vừa thôi! À mà mày cũng nên thể hiện là thằng ngu số dzách, khéo có khi được tặng thêm cái khăn nữa. Úi! Đừng đánh tao! Đấy, đại khái là thế!

Tôi thở dài:

– Thế nhỡ trong lúc tao đang từ từ, có thằng khác nhảy vô thì làm thế nào?

Thằng Xoạch chặc lưỡi:

– Thì thế mới cần mày gây ấn tượng cho nó! Mày biết vẽ đúng không? Trổ tài ra! Mà mày tặng quà Valentine cho nó chửa?

– Năm nay Valentine trùng với mùng 1 Tết, chưa tặng được. Mà đáng ra ngày đó con gái phải tặng con trai chứ?

– Thế mày còn lạ đàn bà xứ này à? Nó quan tâm đếch gì ngày lễ thế nào? Nó chỉ quan tâm ngày lễ là mày phải tặng quà chúng nó. Ờ… mà mày không tặng thì thằng khác sẽ nhảy vào. Đó, giờ chú muốn sao? Hậy!

Nghe thằng Xoạch nói vậy, tôi chợt nhớ tới cô bé Châu của thời cấp ba. Biết bao giờ mới xuất hiện một cô gái tặng quà Valentine cho con trai như Trâu điên chứ? Đáng tiếc, Hoa Ngọc Linh là người hoàn toàn khác và tôi phải chấp nhận rằng thằng Xoạch nói đúng. Tặng quà à? – Tôi tự nhủ. Nguyên cái vụ tặng quà sinh nhật cho Linh tháng trước đã phát sinh ối chuyện rắc rối, thế nên tôi chẳng tốn quá nhiều tâm sức vào món quà nữa.

Và cũng chẳng có chuyện tôi bị cơ động bắt xe mà hết tiền mua quà. Tôi mua một thanh kẹo socola nho nhỏ, nhờ thằng Choác bọc giấy màu rồi tặng cho Linh trong một buổi chiều café và em vui vẻ nhận lấy. Đơn giản vậy thôi. Tôi ngộ ra rằng cứ bình thường hóa mọi chuyện và chẳng cần làm quá nó lên, tự nhiên mọi thứ sẽ nuột ngay. Nhưng có một điều là Linh không quá quan tâm món quà này, dù tôi đã nhấn mạnh nó là “quà Valentine muộn”. Em cũng không hỏi tại sao tôi tặng. Phải chăng có vấn đề gì sai sót? Hay cổ không thích socola? Thôi đúng rồi, Linh không ăn gà rán vì sợ béo, chắc chắn cũng ghét luôn socola! – Tôi tự nhủ, trong lòng vô cùng lấn cấn. Thấy tôi cứ nhấp nha nhấp nhổm, Linh hỏi:

– Tùng sao thế?

– À, à. Tôi sợ cô không thích socola. Cô bảo sợ béo, đúng không?

Linh phì cười:

– Đâu phải ngày nào cũng ăn socola mà béo? Nói thật là mình thích! Thế… ăn ngay nhé, được không?

Đến lượt tôi cười sặc trước biểu hiện của Linh. Sau vụ này tôi mới phát hiện ra Linh khoái socola hệt như món gà rán (tất nhiên là không ăn nhiều vì vấn đề cân nặng). Em ăn hết một nửa thanh kẹo, nửa còn lại đưa cho tôi:

– Của Tùng này!

– Hả? Thôi, ăn đi, quà của cô, đưa tôi làm gì?

Linh cong môi, giọng nói đôi phần đanh đá:

– Thì coi như là cảm ơn đi. Bộ không được à?

Và để tăng độ đanh đá, em nhíu mày lườm tôi, rồi lại phì cười như coi đó là trò vui. Tôi như nhũn người ra trước từng cử chỉ của em. Em không thể khiến tôi yêu đời hơn, không thể kéo tôi ra khỏi tuyệt vọng như cô bé Châu năm nào. Nhưng em luôn có những khoảnh khắc làm tim tôi rung động. Tôi nhìn Linh lâu thật lâu, có thể thấy hình bóng của mình phản chiếu trong đôi mắt em, thần hồn như lạc trên trời, đến nỗi em gọi mấy lần mà tôi vẫn chưa trở lại mặt đất.

– Này, Tùng! Sao nhìn mình thế? Mặt mình dính cái gì à?

– Ơ… không! Không có gì!

Tôi chối biến, trong lòng hơi ngượng ngùng. Ngượng? Thằng thổ phỉ như mày mà biết ngượng á? – Bạn định nói thế phỏng? Tôi khẳng định đó là sự thật. Trong tình yêu, người ta gán tính “ngượng” cho con gái mà không hề biết rằng những thằng đực rựa cũng có cảm giác đó. Đứng trước cô gái mình thích, có thằng nào không biến thành trẻ con?

Tôi ăn một nửa thanh socola còn lại, tất nhiên là tự mình ăn, không có chuyện Linh bỏ thanh kẹo vào mồm tôi như mấy phim lãng mạn. Hôm ấy, chúng tôi nói chuyện rất vui, chủ yếu là chuyện Tết. Em cười rũ khi nghe tôi kể về mấy ông bác ở quê cứ ép tôi uống rượu, còn tôi thì phát ghê với mấy bà cô đành hanh nanh mọc bên nhà em. Chúng tôi còn gây ồn ào khi đứa này đòi đứa kia tiền mừng tuổi. Tuy nhiên, suốt cuộc nói chuyện, chúng tôi chẳng hề đả động tới Valentine hay thanh socola thêm lần nào nữa. Linh có suy nghĩ của riêng em, còn tôi thực hiện chiến dịch “chậm mà chắc” đúng theo lời hai thằng bạn. Dù sao, được nói chuyện thoải mái với Linh thế này, tôi đã mãn nguyện lắm.

Cuối buổi, tôi hẹn Linh một chuyến đi chơi và em đồng ý. Lần này là đi xem phim. Đi chơi với gái mà cứ quanh quẩn mãi ở quán café thì sớm muộn cũng hết chuyện. Mà tôi thấy mình sắp cạn ý tưởng để chém gió. Thế nên đi xem phim, nhất là phim Việt Nam được quảng cáo rầm rộ, là một ý tưởng không tồi.

Tại sao? Bởi phim Việt nhảm và nhạt. Chính những tình tiết vô duyên dớ dẩn, sự cứng đơ trên khuôn mặt của các diễn viên khi đóng phim sẽ cho tôi vô số chủ đề chém gió. Vả lại mấy ai bàn đến nội dung của phim Việt Nam? Đời tư với xì căng đan của anh chàng diễn viên hoặc cô người mẫu mới đáng quan tâm, mà chị em phụ nữ rất khoái vấn đề này. Có khi chẳng cần tôi nói, Linh đã lên tiếng trước rồi. Mình thật thông minh quá đi, khửa khửa! – Tôi cười, lòng tự đánh giá trình độ tán gái đã tăng thêm một bậc.

Chương trước Chương tiếp
Loading...