Tuổi 23
Chương 8
Tết thì Tết nhưng tiết của bà chủ nhiệm thì không khí học tập vẫn như mọi ngày, chẳng thằng ôn nào dám ho he hoặc tỏ ra trễ nải. Tôi cũng học hành chăm chỉ lắm, nhưng bề ngoài thôi, chứ tâm hồn tôi đang lang thang đâu đó ngoài lớp. Linh biết tôi đang mất tập trung, em liền viết lên mảnh giấy rồi đẩy ra trước mặt tôi:
“Học đi, bả đang nhìn mày kìa!”.
“Ờ ờ, chán quá!”.
Tôi chống cằm lắng nghe mớ lú thuyết… à nhầm, lý thuyết đại số. Nhưng càng nghe, tôi càng mất tập trung. Một nỗi chán chường vô cớ cứ len lỏi trong tâm trí thằng chọi con tôi đây. Tôi bèn bút đàm cho Linh:
“Tết mày có về quê không?”.
“Chắc là có! Mày về không?”.
“Không, chán lắm! Ở quê có gì chứ? Trên này có điện tử, vui hơn! He he!”.
“Mày lúc nào cũng điện tử!”.
“Thật ra là tao không thích họ hàng. Mấy ông bà cô dì chú bác toàn phiền phức thôi!”.
“Tao cũng chán lắm! Nhưng bố mẹ bảo về thì phải về, biết sao được? TT”.
Tôi mỉm cười. Rốt cục, tôi cũng tìm được điểm chung giữa mình và Linh: không ưa họ hàng. Tôi viết tiếp:
“Mày không cho tao số điện thoại à?”.
“Thôi mà, phiền lắm!”.
“Ờ, không sao. Nhưng mà làm hộ tao cái này được không?”.
“Cái gì?”.
Tôi thả tay trái đặt xuống mặt ghế chen giữa hai đứa rồi xòe lòng bàn tay ra. Linh nhìn theo, đôi mắt mở to rồi viết vào tờ giấy:
“Là sao?”.
“Nắm lấy, được không?”.
“Mày điên à? Hết chuyện để làm à?”.
“Nhưng trời lạnh quá, tao cóng hết người rồi! ^^”.
Linh không trả lời nữa mà cắm cúi ghi chép bài. Tôi cũng chỉ đùa cợt chứ không mong đợi em nắm tay mình. Nhưng một lát sau, em bắt đầu để ý xuống khoảng trống giữa hai đứa. Nghĩ sao đó, em liền vươn tay trái của mình ra. Loay hoay mãi, em viết:
“Trái tay lắm!”.
“Trái tay gì cơ?”.
“Ngồi khó quá! Tao không nắm tay mày được!”.
Đan… Mẹc! – Tôi lẩm bẩm. Ban nãy vừa chửi mình là điên, sao giờ đã đòi nắm với bắt? Tôi nghĩ em đang đùa nên được thể đùa theo:
“Thì mày dùng tay phải, cầm bút tay trái! Giả bộ nghe bài đi!”.
“Nhưng tao không chép bài được!”.
“Tao chép. Tí ra mượn vở của tao. He he!”.
Linh nghĩ tới nghĩ lui, sau cùng, em chuyển bút sang tay trái còn tay phải thận trọng hạ xuống. Cho tới khi lòng bàn tay em áp lên lòng bàn tay tôi, một cảm giác tê dại chạy suốt cánh tay rồi lan tận óc.
Cái gì đây?
Đan Mạch? Tôi được gái nắm tay?
Ối giời ơi!
Tôi hơi run, lưng chảy đầy mồ hôi, tâm trí không kịp xử lý cảm xúc của trái tim. Làm gì tiếp theo đây? Tôi không biết. Tôi quay sang nhìn Linh, em đang chống cằm, ánh mắt chăm chú dõi theo lời vàng ý ngọc của bà chủ nhiệm. Nhưng tôi dám chắc em chẳng nghe được từ nào, vì hai má em đỏ lựng như màu quả dâu tây, vành tai ửng hồng như đang tỏa nhiệt. Cứ để mãi thế này thì không ổn, tôi bèn từ từ nắm tay lại, từng ngón luồn qua kẽ tay của em. Linh hơi run người một chút. Tôi bèn viết lên tờ giấy:
“Mày nắm thật à?”.
Linh đáp lời, do viết bằng tay trái nên chữ em nguệch ngoạc ra những dòng dễ thương như vậy:
“Nắm chứ sao không? Tao sợ chắc!”.
Và rồi em cũng nắm tay lại, từng ngón tay nhỏ nhắn nhẹ nhàng ôm lấy mu bàn tay của tôi.
Lớp học vẫn yên ắng, chẳng có âm thanh nào ngoài lời giảng của bà chủ nhiệm. Ngoài trời, mùa đông vẫn quất những cơn gió lạnh lên ô cửa kính. Chẳng ai, chẳng thứ gì để ý cái nắm tay vụng trộm phía cuối lớp. Nắm tay con gái lần đầu chẳng phải thứ cảm xúc rồ dại như trong tiểu thuyết hay truyện tranh vẽ ra. Nó nhẹ nhàng, thoang thoảng, như cơn gió xuân xua tan cái lạnh mùa đông và khắc một dấu ấn đáng nhớ lên cuộc đời gã đàn ông, mà đàn ông vốn dĩ có trí nhớ khá tồi.
Và ký ức tuyệt đẹp ấy giờ chỉ còn là kỷ niệm. Thời gian là một gã con buôn đáng ghét. Gã bày kỷ niệm ra nhưng không bao giờ bán, tuyệt đối không…
… Bạn đang đọc truyện Tuổi 23 tại nguồn: http://truyen3x.xyz/tuoi-23/
Nghe tôi nhắc lại vụ nắm tay vụng trộm ấy, Linh không nói câu nào, chỉ cười. Hai tay em ôm lấy khuôn mặt cùng gò má đỏ bừng. Sắc đỏ ấy qua bao năm vẫn không phai, tựa như đóa hồng chẳng bao giờ tàn vậy. Tôi cũng im lặng, chỉ nhâm nhi cốc café đã gần cạn. Mỗi đứa có cách nhìn khác nhau về kỷ niệm đó.
Được một lúc, Linh lên tiếng:
– Tại sao hồi đó Tùng không nói “chuyện ấy” ra?
Tôi biết “chuyện ấy” mà em nói tới là chuyện gì (hoàn toàn nghiêm túc nha, độc giả nào có tư tưởng đen tối mời về con đường chính đạo giùm). Tôi trả lời:
– Còn trẻ con mà, sao mà nói hay tâm sự chứ?
– Nếu Tùng nói sớm…
Em hơi ngập ngừng. Tôi tiếp lời:
– Nói sớm thì có thay đổi được gì không?
Em lắc lắc đầu, cười mỉm. Có lẽ với em, đó chỉ là chuyện vớ vẩn thời trẻ con. Nhưng với tôi, nó là sự nuối tiếc. Chỉ vì “chuyện ấy”, tôi đã không thay đổi.
Một cô gái không bao giờ yêu một anh chàng không biết thay đổi.
… Bạn đang đọc truyện Tuổi 23 tại nguồn: http://truyen3x.xyz/tuoi-23/
Lảm nhảm chút nhé?
Điều gì là quan trọng nhất với một thằng đàn ông?
Người ta nói một thằng đàn ông có bốn điều cần lưu ý: sức khỏe, gia đình, sự nghiệp và bạn bè.
Sức khỏe có nhiều cảnh trái ngược: có thằng mang họ hàng với bọn trâu cày, có thằng yếu nhớt, có thằng không thích tập thể thao nên yếu nhớt, cũng có thằng thuốc lá bia rượu quá nhiều mà chẳng thọ được lâu.
Gia đình cũng năm bảy loại: có nhà hạnh phúc, có nhà không; có gã kiếm được người vợ tử tế, có gã xui xẻo vớ phải cô nàng sinh ra không phải để làm vợ, có thằng độc thân (ế!); có thằng hòa thuận với gia đình, có thằng tứ cố vô thân.
Sự nghiệp cũng vô vàn bát vạn: người công thành danh toại, kẻ chẳng chút nghề ngỗng; có người an nhàn đến cuối đời, có kẻ lên voi xuống chó.
Nếu ném cả ba điều trên vào một phương trình mà kết quả là “cuộc sống” thì chúng đều là biến số, bởi lẽ cuộc sống cũng là biến số, và hiếm có thằng đàn ông nào chịu đựng được biến số cả đời.
Và bởi không thể chịu được ba biến số trên, những thằng đàn ông tìm đến thứ cuối cùng và hy vọng nó là một hằng số: bạn. Xin phép cho tôi bỏ từ “bè”, bởi “bè” dùng để chỉ những thằng ngồi trên bàn nhậu hoặc hùa theo, đám này không có giá trị. Bạn ở đây là một thằng (hoặc một đứa con gái) xứng đáng với hai chữ “tri kỷ”. Người có một, người có hai, có người suốt đời chẳng tìm nổi một đứa bạn thân. Tôi sống chưa đủ lâu để nhìn thấy tri kỷ, nhưng tôi biết tìm nó khó vô cùng.
Hồi đầu cấp hai, ngoài thằng Choác, tôi còn chơi với một thằng nữa, biệt danh là Cháy. Thằng này học cùng thằng Choác hồi tiểu học, lại cùng trục đường từ trường về nhà với tôi. Chỉ với hai lý do đơn giản trên, tôi làm bạn với nó. Và cũng từ đó, tôi nhận ra một chân lý hiển nhiên: những thằng bạn không hề giống nhau. Bạn chỉ nhận ra chân lý ấy khi bạn chớm khôn – tức là bước vào tuổi dậy thì.
Không giống với thằng Choác ngày nào cũng oang oang như thùng thuốc pháo, thằng Cháy lại im ỉm như quả lựu đạn chưa rút chốt. Gọi là quả lựu đạn chưa rút chốt vì hễ nó mở mồm câu nào là y như rằng đối tượng được nói tới bị thốn. Hồi lớp 6, lần đầu tiên thằng Choác rủ đi chơi điện tử, nó đang mô tả cái môn Háp Lai (Half – Life) hay cỡ nào, khẩu súng 31 khác khẩu 43 thế nào. Tôi đang nhìn thằng Choác với ánh mắt ngưỡng mộ thì thằng Cháy nhảy vào chẹn họng:
– Mịa, ông mới chơi hôm trước mà “nổ” kinh vãi!
Thằng Choác cứng họng. Tính ra nó cũng chỉ là dân a ma tơ trong bộ môn Háp Lai như tôi mà thôi. Bị thằng bạn bóc mẽ, thằng Choác không nói được gì, như một thùng thuốc pháo ngập nước mưa vậy. Thằng Cháy cũng từng chẹn họng tôi khi tôi khoe chiến tích điểm 6 tiếng Anh một tiết. Nó không tin điểm 6 đó đến từ thực lực của chính tôi, nó nói thế này:
– Chắc mày nhìn bài con Linh chứ gì? Tao mà ngồi gần nó cũng phải được 8 điểm là ít!
– Có cái con củ kẹc! – Tôi ngoạc mồm kiểu trẻ trâu – Con mụ… lởn vởn gần đấy, tao nhìn được chắc?
Thằng Cháy không nói thêm nữa, chỉ cười. Nói thêm là điệu cười của nó không sằng sặc dài dằng dặc như tôi, cũng chẳng hả hê kiểu thằng Choác mà ngắn ngủn, đại khái chỉ nhệch mép lên rồi phát tiếng “hí hí” như dế kêu. Cái điệu cười này cực kỳ ăn rơ với thói quen đùa dai của nó.
Phải nói thằng Cháy đùa dai khủng khiếp. Nửa đầu năm lớp 6, khi tôi ngồi cùng bàn với bạn nữ khác, thằng Cháy cứ gán ghép tôi với con nhỏ đó. Thậm chí nó còn chế cả bài ca về tôi và con bé dựa trên nền bài “Tóc em đuôi gà” của ca sĩ Quang Linh. Ban đầu, thằng Choác còn hùa vào trêu đùa tôi, tôi thì cứ chửi bậy lung tung. Sau thằng Cháy cứ cù nhầy trò này cả tháng trời, tôi và thằng Choác chẳng phàn ứng gì nữa, mặc kệ nó thích hát thì hát. Tất nhiên, tôi không vì chuyện này mà ghét thằng Cháy. Bạn bè trêu chọc chửi bới nhau âu cũng bình thường.
Rồi thì cả ba thằng đều trải qua những ngày trốn học đi chơi điện tử. Tôi và thằng Choác phải công nhận thằng Cháy chơi Háp Lai hay thật. Cái tay của nó đã điều khiển con chuột tới cảnh giới mà bao thằng mơ ước: vẩy 46. Hỏi đám 8x, 9x về bất đẳng thức, chưa chắc họ đã nhớ, nhưng hỏi “vẩy 46 trong Háp Lai nghĩa là gì?”, thằng nào thằng nấy kể vanh vách, thậm chí còn tự nhận mình là thần vẩy 46! Mỗi lần thắng, thằng Cháy lại xướng điệu cười “hí hí” như dế kêu với bọn tôi.
Thằng Cháy chơi hay thật, nhưng nó không tạo cảm giác ngưỡng mộ mà chỉ khiến bọn tôi mong muốn hạ gục nó hơn. Mỗi lần thắng, tôi và thằng Choác cố tình ngoạc mồm cười rõ to, cốt để thằng Cháy nổi điên. Dù sao trò chơi vẫn chỉ là trò chơi, cay cú ăn thua chẳng thể khiến tình bạn giữa ba đứa chúng tôi sứt mẻ.
Học sinh ngày ấy chẳng có nhiều tiền, bao nhau chơi điện tử với tinh thần lá rách đùm lá nát là chuyện cơm bữa. Có lúc thằng này trả giùm thằng kia, đôi khi một thằng trả hộ cả hai thằng. Tôi hay thằng Choác chẳng nhớ đã bỏ ra bao nhiêu tiền để “bao thầu”, nhưng thằng Cháy lại nhớ rất rõ. Nó nhớ hôm thứ tư đã bỏ ra hai nghìn để bao tôi, hôm thứ sáu bỏ ra một nghìn hộ thằng Choác, nhớ luôn cả thứ ba của tuần đầu tiên tháng 12 bỏ ra năm nghìn gánh cho cả tôi lẫn thằng Choác.
Nó không nhớ suông, nó nhớ để đến ngày thứ bảy tuần cuối cùng của tháng 12, tôi và thằng Choác phải bao nó tổng cộng tám nghìn, một nửa chơi điện tử, một nửa khao nộm và cá chỉ vàng nướng. Thằng Cháy rất tử tế khi thông báo trước vài ngày cho bọn tôi chuẩn bị tiền. Cảm ơn Cháy! – Tôi muốn thốt lên như thế. Nhờ nó, tôi được học rằng cuộc sống không gì miễn phí, kể cả là giữa bạn bè.
Về sau, tôi và thằng Choác cũng chơi bài này. Thằng Cháy rất vui vẻ và luôn đưa ra một lời hứa hẹn ở thì tương lai. Cái thì tương lai của nó thường rơi vào thời điểm cách thì hiện tại bảy ngày, mà bảy ngày đủ xóa sổ trí nhớ của bọn trẻ con. Thành thử suốt hồi lớp 6, tôi lẫn thằng Choác chưa bao giờ bắt được thằng Cháy khao bữa nộm hay cá nướng. Nhưng kệ! – Tôi tặc lưỡi, dù gì còn làm bạn với nhau dài, thế nào chẳng bắt được nó khao một bữa. He he!
Tuy vậy, dù chơi với nhau suốt cả năm lớp 6 lẫn lớp 7, tôi chưa hề đến nhà thằng Cháy lần nào. Bọn trẻ con hồi đó rất khoái rủ bạn bè về nhà mình chơi. Nhưng bởi thằng Cháy không rủ mà tôi cũng chẳng hỏi, do đó hai đứa chưa bao giờ qua nhà nhau. Trong suy nghĩ của tôi, nhà thằng này hẳn phải giàu lắm nên mới sở hữu một chiếc lò sưởi. Tại sao là lò sưởi? Số là thế này: thằng Cháy có mượn cái thằng đi du học một cuốn sách. Khoảng nửa tháng sau, thằng du học kia đòi quyển sách thì thằng Cháy bảo sách rơi vào lò lửa mất rồi. Sau đấy, thằng Cháy lại mượn sách của đứa khác và khổ chủ cũng không thể lấy lại, nguyên nhân y như cũ: lò lửa. Tôi dợm nghĩ lò lửa chính là lò sưởi, nếu đúng vậy thì nhà thằng Cháy giàu vãi! Nhưng khi tôi kể chuyện này, thằng Choác khẳng định rằng chẳng có cái lò sưởi nào sất:
– Tao đến nhà nó rồi! Làm đếch có lò sưởi!
– Nhưng nó bảo là đánh rơi sách vào lò lửa mà?! – Tôi cãi.
– Bó tay ông! Lửa với sưởi khác nhau!
– Hay là nhà cô dì chú bác nó có lò sưởi?
– Chịu, biết thế đếch nào được!
Tôi không quan tâm tình hình kinh tế gia đình thằng Cháy hay nhà nó có lò sưởi hay không. Vấn đề là có một dạo thằng Cháy nghỉ ốm, khoảng gần ba ngày. Khỏe khoắn trở lại, nó liền mượn vở tôi chép bài. Thực tình lúc ấy tôi sợ vãi linh hồn. Bài vở toàn mấy môn quan trọng như toán hay tiếng Anh, lỡ mà rơi vào lò lửa là hết đường về quê mẹ. Nhưng bạn bè chẳng lẽ tiếc nhau cái quyển vở? Đắn đo mãi, tôi đưa vở cho thằng Cháy và không quên nhắc nhở nó tránh xa lửa. Tới khi nó gửi trả lại, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Dù vậy, lò lửa không làm ảnh hưởng tình bạn giữa tôi và nó.
Nhưng cuộc sống có những giới hạn mà chỉ cần bạn chạm nhẹ vào nó, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ.