Về quê
Chương 16
Bố tôi đã ngừng công việc đang đứng nhìn tôi đưa tay vuốt ve những nét chạm xung quanh bộ sập.
– Chắc phải tháng nữa bố mới làm xong, bộ này đóng cho ông tiến sĩ trên Hà Nội, chỉ tiếc là không chọn được gỗ ưng ý, đành phải dùng gỗ gụ Nam Phi. Dù vân suối, nhưng lại quá thô, nếu mà là gỗ cẩm lai vân mây sẽ đẹp hơn rất nhiều.
Bố tôi có chút tiếc nuối, bố tôi có tình cảm đặc biệt với gỗ tự nhiên, một khối gỗ chưa cần pha chỉ cần nhìn vết cắt hai đầu là bố tôi đã hình dung được vân gỗ sẽ sắp xếp như thế nào. Gỗ quý bây giờ đã khai thác kiệt quệ, gỗ chủ yếu nhập từ châu Phi, thân to nhưng chất gỗ và vân không thể đẹp như gỗ lâu ngày xưa của các cụ.
Nhận chén nước trong cái chén tử sa men xanh, làm nước chè ánh lên màu xanh non ngon mắt.
– Vân gỗ suối này hợp với trực giống như mình đang ngồi bên bờ suối nghe tiếng trúc vi vu.
Bố tôi cười rất tự và tràn đầy vẻ đắc ý.
– Để chọn được khúc này phải mất mấy tháng, mà bố còn bắt anh rể con phải để bố trọn trước. Những cây gỗ nhập từ châu Phi thân quá to, phát triển nhanh nên các vân quá thẳng, không như những cây gỗ xưa mọc trong núi đá ở ta. Muốn có những tấm gỗ xưa chỉ còn trong các chùa miếu, ở dân gian cũng ít lắm, chẳng ai hiểu giá trị của gỗ, thời bao cấp phá ra đóng tủ, giường lãng phí không biết bao nhiêu mà kể.
Câu bố tôi hay than thở, ông cũng tích được rất nhiều những tấm gỗ ngày xưa mà ông coi như trân bảo. Mà đúng là trân bảo thật, có người đã trả cho tấm gỗ lim ông giữ hàng tỉ đồng.
– Năm nay bố đóng được mấy bộ?
– Bộ này đầu tiên. Bố nhận thêm một bố tứ quý nữa, nhưng chưa tìm đủ gỗ.
Nhấp một ngụm chè, ông đột ngột chuyển chủ đề.
– Cái xưởng gỗ của anh con tiếp quản đi, đừng đi nữa.
Chẳng biết anh tôi bao giờ hồi phục để có thể quay lại làm việc, tôi cũng chẳng biết bao giờ mới có thể bắt tay vào kế hoạch của mình, nhiều khi sự việc xảy ra, nghĩ cũng chẳng kịp.
– Vâng, để con xem.
Tôi cũng chẳng hỏi bố tôi sao không thay anh tôi, ông vẫn còn rất khỏe. Tôi biết bố tôi không hứng thú, tâm huyết của ông là những cái tủ hương, sập gụ, tủ chè, những bộ tràng kỷ.
Uống hết chén chè, bố tôi lấy ra thêm một bộ đồ dục nữa đưa cho tôi và đưa cho tôi tấm gỗ ông đã vẽ. Tự nhiên tôi cảm thấy hứng thú, gật đầu nhận tấm gỗ và xem lại một lần bản phác trên giấy để hình dung hình khối của nét chạm sau đó ngồi đối diện với bố tôi, kẹp tấm gỗ lên bàn chạm và hạ nét chạm đầu tiên.
Cũng phải một lúc tôi mới lấy lại được cảm giác đưa chạm, vẩy cổ tay, lực và hướng gõ búa. Cảm giác trở lại, tôi lia chạm rất nhanh, những tiếng gõ, những cái vẩy cổ tay, đầu chạm ăn vào thớ gỗ dần dần hiện rõ lên trong đầu làm tôi như nhập vào đó, những hình nét dần hiện lên dưới đầu chạm khiến tôi mê say.
Tôi cũng chẳng để ý thời gian, cho đến khi nghe thấy tiếng bố tôi cất lên.
– Chào cháu!
Thu đang đứng trước cửa xưởng nhìn tôi, ánh mắt có chút ngạc nhiên.
– Cháu chào bác. Mời bác lên ăn cơm ạ.
Tiếng bố tôi cất lên, cô mới quay sang nhìn bố tôi, rồi đi đến chỗ tôi ngồi xổm xuống nhìn những hình thù dù vẫn còn thô ráp nhưng cũng đã đoán được hình thù bức chạm. Bố tôi cũng đi đến, tháo cái chèn ra và cầm tấm gỗ lên.
– Cũng được, nhưng mấy nét này vẫn hơi cứng và chưa đủ lực. Nhưng không sao, thêm lần chạm tinh nữa được.
Thu nhìn tôi đăm đăm, sau đó tò mò hỏi.
– Anh cũng biết chạm à?
Tôi cười cười nhìn khuôn mặt có chút hơi nghệt ra của Thu, lấy ngón tay vuốt nhẹ trên sống mũi của cô.
– Thì em bảo anh làm gì?
– Nghịch.
Tôi cũng không trả lời cô, chỉ cười tươi rồi đứng dậy, hai chân có chút tê làm tôi phải duỗi ra mấy lần.
– Đi ăn cơm.
Bố tôi đặt tấm gỗ xuống, vỗ vai tôi và Thu.
Mẹ tôi đang ngồi ở cái tràng kỳ giữa nhà, trên bàn đặt cái mâm đồng có một đĩa tôm rang, đĩa thịt kho tàu đỏ au, đĩa rau muống luộc và bát nước rau lá me nước đỏ hồng. Tôi ứa nước miếng, toàn những món tôi thích.
Tôi ngồi một bên với bố, Thu ngồi đầu bàn cạnh mẹ tôi. Nhận bát cơm Thu đưa, tôi mời nhanh một cầu, rồi đưa đũa gắp một gắp rau chấm vào bát nước mắm cáy có vắt chút chanh đưa lên miệng nghiến ngấu. Năm nào cũng vậy, mẹ tôi kiểu gì cũng muối một vại mắm cáy, mùi mắm cáy không thơm như nước mắm nó hơi gắt và nặng mùi, nhưng lại thanh và quện thêm chút nước chanh vừa thơm vừa đậm đà. Tôi nghiện món nước mắm cáy này của mẹ tôi, thêm thịt ba chỉ luộc, mà ăn với bún vắt và rau kinh giới thì cứ gọi là quắn lưỡi, gấp tỷ lần cái món bún đậu mắm tôm trên thành phố. Xì xụp luôn tay, tôi ăn no căng cứng bụng, húp thêm bát nước rau muống luộc mới ợ một tiếng ngả người xoa bụng.
– Lâu lắm mới được ăn cơm nhà mẹ nấu.
Mẹ tôi cười cười, chỉ sang Thu.
– Thu nấu đấy.
– À… vậy thì là lần đầu được ăn cơm nhà Thu nấu vậy. Không tệ nhé.
Bố tôi nhấp nốt ngụm rượu trong chén cũng buông đũa, tôi ăn vội quên cả chén rượu bó rót. Với tay cầm chén rượu, tôi cụng vào cái ly không của bố tôi, rồi uống ực một ngum to hết chén rượu, mùi rượu ngâm đinh lăng thơm mát lan tỏa khắp khoang miệng.
Thu cũng ăn xong, thu dọn bát vào cái mâm và bê ra bể rửa, mẹ tôi cầm nồi cơm đi theo sau. Bố tôi lấy bộ ấm chén pha một ấm chè mới, sau đó lôi ra bộ điếu bát, tôi tự nhiên lại thèm. Kéo bộ điếu về mình, với tay lấy cái lông thông cái lõ điếu, sau đó cắm ống để thổi sạch cái lõ và thử rít một hơi kiểm tra nước, tiếng cái điếu rít lên ròn rã. Bố tôi đẩy cái lọ thuốc bằng gỗ chạm hình lão ngư về phía tôi, vê một điếu cho vào lõ, lấy cái đóm gỗ bật lửa châm, sau đó để vào cái lõ bập bập mấy hơi cho thuốc bén lửa, tôi nén hơi rít một hơi, mùi thuốc lào đậm đà xộc lên mũi làm tôi lâng lâng sau đó cảm giác lâng lâng càng lúc càng mạnh khi tôi bụm miệng nén khói lại và sau đó phì ra cả miệng và mũi. Tôi say, cả người như bồng bềnh lắc lư làm tôi phải bám chặt tay vào cạnh bàn để giữ người khỏi đổ xuống. Lâu lắm rồi tôi mới lại say, cái nước điếu bố tôi chẳng bao giờ đổ hết nước đi, làm cái vị thuốc càng đậm. Một lúc lâu tôi mới trở lại bình thường, cầm chén nước bố tôi vừa rót uống một hơi. Đã thật, về nhà đã thật.
Bố tôi cũng nhồi một bi, tiếng rít ngắn vang lên bố tôi dùng lại phà ra một ngụm khói, sau đó mới lại rít thêm một hơi dài nữa. Tôi quên không ngắt hơi, làm một hơi luôn nên bị say. Khoan khoái thở ra hết khói thuốc, nhấp một ngụm trà, bố tôi mới thong thả nói.
– Chiều con ra xưởng xem thế nào, bố thấy chị Nguyệt bảo ngoài đó đang loạn.
– Vâng, lát nữa con ra.
Thu và mẹ tôi vừa quay lại, uống chén nước mà bố tôi vừa rót.
– Chiều em có ra xưởng gỗ với anh không?
Tôi hỏi Thu, sợ cô ở nhà buồn.
– Chiều em đi hái vải với bác, anh cứ đi đi.
– Cháu muốn đi với nó thì cứ đi đi, bác đi hái một mình cũng được.
– Không, cháu đi với bác cơ.
– Ừ, vậy được. Ở nhà đi hái vải với bác.
Bắt đầu đến mùa vải, trên đường đi tôi đã thấy những quả vải đã chuyển màu đỏ rực lúc lỉu trên cây, chắc vườn vải của mẹ tôi chín sớm. Mẹ tôi có cái vườn ông bà ngoại cho ở cuối làng, mẹ tôi trồng mấy cây ăn quả na, bưởi, vải, nhãn ngoài đó. Cái vườn trước nhà chỉ có mỗi cây hồng xiêm, sai quả nhưng chưa chín và chủ yếu là rau. Hồi bé, tôi vẫn nhớ thỉnh thoảng bố tôi hay bắt được mấy con rốc đến ăn hồng xiêm, sau đó đem ướp nghệ nướng lên thơm phức, ăn vừa mềm vừa ngọt, còn ngon hơn cả thịt chuột đồng.
Cái xưởng gỗ của anh tôi nằm ở đầu làng có bảy tám thợ đang cắm cúi làm việc, bụi gỗ dính đầy trên tóc, mặt mũi quần áo, chẳng có ai đeo khẩu trang và đồ bảo hộ. Tôi chỉ quen vài người trong số đó và thằng Thực, em họ tôi. Gọi là em nhưng nó hơn tôi năm tuổi, nó là con của dì ruột tôi.
May mà có nó giúp tôi mới hiểu hết cuốn sổ anh tôi ghi chép, lộn xộn chẳng có tí quy củ nào, có nhiều chỗ anh tôi viết còn chẳng luận ra nổi.