Xin lỗi tình yêu
Chương 14
Bây giờ, việc học của tôi đang có chiều hướng tốt đẹp, cũng do thời gian nay tôi chú tâm vào nó hơn, coi như ráng học để khỏi suy nghĩ bậy bạ vậy vả lại tôi và Kim Anh vẫn hằng ngày cùng nhau học trong thư viện đấy thôi, muốn học dở cũng chả được. Dù cho chúng tôi học khác ngành nhưng cũng không phải vì thế mà chúng tôi không dính vào nhau như hình với bóng, dù còn hơi rét Uyển Văn một chút, còn Hạnh thì vẫn vô tư, nghĩ Kim Anh là em họ tôi thật.
Mà thật lòng tôi chỉ xem Kim Anh là em gái thôi, tôi cũng cần một người con gái bên cạnh để mình quan tâm một cách thật trong sáng và để chia sẽ niềm vui nỗi buồn hay cả sở thích nữa. Kim Anh là một cô gái như vậy, một nửa thùy mị của Hạnh, một nửa tinh nghịch của Uyển Văn và một chút bốc đồng, liều lĩnh của tôi. Chúng tôi có thể bên nhau hàng giờ để bình luận về một sự kiện, đọc một quyển sách, nghe một bản rock ballad (cái này tôi dụ em nghe) hay nhạc Trịnh. Tôi càng lúc càng thân em hơn, hơn cả mấy thằng bạn nối khố từ nhỏ nữa. Điều này Uyển Văn không thích lắm. Em cứ la tôi hoài nhưng biết sao được, tôi vẫn nói chuyện với Kim Anh hàng giờ, thi thoảng đe dọa vài chú em mon men lại gần với ý đồ tán tỉnh cô em gái quý hóa của mình. Giang hồ trong trường cứ đồn tôi và Kim Anh yêu nhau, tôi chả quan tâm, không biết Kim Anh có sợ mà xa lánh tôi không nữa, hic.
– Mày học Văn chưa đủ hay sao mà giờ còn thêm môn Anh!
– Tụi bây nghĩ sao thì nghĩ!
Tụi nó nghĩ gì thì kệ, tôi không cần biết, nhưng Uyển Văn nghĩ gì thì tôi phải quan tâm thôi, em lúc nào cũng giận tôi ra mặt, tại mấy thằng bạn hết, nhiều chuyện quá. Em muốn tôi phải giành thời gian cho em nhiều hơn, thì tôi vẫn vậy thôi, có nhín thêm chút thời gian Hạnh bận dạy thêm nên những lúc bên Uyển Văn cũng nhiều, thế mà em vẫn không chịu, như hôm nay chẳng hạn.
– Đi chơi đi anh! Chán quá.
– Chiều nay anh học rồi!
– Nghỉ một bữa chết à?
– Không chết nhưng ngắc ngư!
– Em thấy anh lạ lắm đó! Con Kim Anh có gì mà anh theo nó hoài vậy?
– Bạn thôi mà em!
– Tin nổi không?
– Ghen bóng ghen gió hoài, một lần rồi!
– Ai biết anh được.
Cứ thế đấy, tôi cũng không thích em buồn nên cũng không dám nổi khùng mà cãi bướng, chỉ biết nói ngon nói ngọt cho em vui mà bỏ qua, anh cũng cần có bạn chứ em! Một ngày đẹp trời, gia đình tôi chuẩn bị gả ông cả đi, ba mấy tuổi đầu rồi mà chưa có vợ, ba mẹ tôi giục mãi ổng mới chịu cưới. Nghe đâu chị dâu tương lai của tôi là y tá, chung bệnh viện, hài thật. Đáng lẽ là sang năm ổng mới cưới nhưng qua tết ổng đi nước ngoài tu nghiệp rồi (ba mấy tuổi mà còn tu nghiệp, chuyện lạ) nên phải cưới gấp cho ổng. Anh em còn lại trong nhà đón cái tin đó không được hồ hởi lắm, anh hai thì mất đồng minh, anh ba thì mất người gây lộn, tôi thì hết có dịp len lén chạy xe hơi của ổng, buồn.
Trước ngày cưới mấy ngày, ông anh ba dẫn ổng tổ chức… tiệc độc thân, ăn chơi phè phỡn để chờ ngày ổng lên xe bông. Anh em ngày thường hay đá đểu nhau nhưng dạo này cũng thân thiết lạ, cafe nhậu nhẹt liên tục, chỉ có 4 anh em với nhau và ông cả vẫn trả tiền đều đều. Ông cả nhà tôi là một người rất nghiêm chỉnh và yêu nghề một cách điên cuồng, ổng luôn có mặt thường trực ở bệnh viện và nếu không thì ổng cũng lôi sách y khoa ra ngồi ngấu nghiến đọc một mình. Thế nên ông cả còn chẳng có bồ, chị dâu của tôi là do mẹ tôi mai mối, ổng ừ đại, chắc cũng không thích lắm nhưng ổng lại nghe lời mẹ nên thôi không dám cãi. Ngày đám hỏi của ông cả, tôi cùng gia đình ăn mặc chỉnh tề mà sang họ nhà gái. Gia cảnh của chị dâu cũng bình thường, nhưng neo người, chỉ có mẹ chỉ và chỉ thôi nên anh tôi đành phải đi ở rể, mẹ tôi nói cho chị dâu tiện chăm sóc chị sui.
Nếu thế thì cũng chẳng có gì đáng bàn, bạn chị dâu tôi mới là thứ đáng bàn, bồ cũ anh ba. Khỏi phải nói, mặt ổng méo còn hơn đít xong thủng mà hồi cổ vũ VN đá banh người ta bỏ dọc đường vậy. Tất nhiên, ba mẹ và hai ông lớn không biết, chỉ có tôi là hiểu vấn đề khi cô bạn của chị dâu tôi nhìn ổng như nhìn kẻ thù. Hai người bưng mâm quả cho cô dâu chú rể mà mặt mày nói chung là không có thiện cảm rồi: Một người mặt lấm lét như thằng trộm gà, một người mặt hầm hầm đằng đằng sát khí. Tôi trông mà cười lộn ruột khiến mẹ tôi lâu lâu nhắc: ”Mày làm gì mà cười như khùng vậy út”
Tuy nhiên, tôi chẳng cười ông anh ba được lâu, không phải vì ổng không chịu làm phụ rể. Mà thật ra sau cái ngày đám hỏi, anh ba tôi chối đây đẩy, không chịu làm nữa, mẹ tôi hỏi sao, ổng không dám trả lời, mẹ bắt ổng phải làm cho bằng được, ổng còn bán cái qua cho tôi nhưng may là mẹ tôi không chịu, thằng út biết gì mà làm, nói chung anh em tôi ai cũng sợ mẹ hết nên đành cắn răng mà làm thôi…
Ngày đám cưới ông cả, tôi bận cái áo vest quăng trong tủ cũng lâu, hơi hôi mùi mã nảo một chút nhưng giặt lại thì đâu tới nỗi nào. Nhà Uyển Văn cũng có mặt nữa, tôi chở Uyển Văn đi, thật ra em có thể đi chung với cả nhà nhưng em thích tôi chở hơn. Khỏi phải nói, lúc nào đi chơi hoặc dự tiệc em đều rất đẹp cả, đi bên em tôi cũng thấy tự hào. Em cười đùa nói chuyện rôm rả, thi thoảng cũng hay nhắc khéo tôi về ba cái vụ cưới sinh. Tôi cười buồn và hôn em một cái, em trông dễ thương quá sức.
Không khí buổi tiệc khá vui, khách khứa tới cũng đông đủ, nhạc xập xình người người nâng bia chúc tụng nhau rất hào hứng, tôi cùng Uyển Văn ngồi cạnh nhau thân mật như một đôi uyên ương thỉnh thoảng còn bị mẹ tôi chọc: ”Tụi con nhìn đẹp đôi quá” làm nàng mắc cỡ cúi đầu xuống. Tôi thỉnh thoảng canh me mấy cụ không để ý, hôn em một cái hay khoác eo em, em cũng vui vẻ không nói gì, thỉnh thoảng còn gắp đồ ăn cho tôi hay lén hôn tôi lại. Nhưng đâu phải tôi muốn dành trọn thời gian bên em là được đâu.
Bạn cứ tưởng tượng thế này, khi hai họ và quan khách đang vui vẻ tiệc tùng, chúc tụng cho đôi uyên ương trăm năm hạnh phúc thì có hai kẻ cách nhau 10 tuổi, mặt mày lấm lét ngó nghiêng ngó dọc để tìm cơ hội chuồn về. Hai gã ấy giờ đang ngồi trước sảnh nhà hàng với hai bộ quần áo nhàu nát, chia nhau điếu thuốc cuối cùng với mấy lon bia đã cạn nằm lăn lốc trên bậc thềm. Nói chung là có xảy ra một số xô xát ngoài ý muốn, mà không rõ có phải là ngoài ý muốn không nữa khi anh ba tôi lãnh nguyên đế guốc vào giữa trán trước phòng tiệc, không dám ở lại lâu ổng ôm đầu máu chạy ra, ổng sợ mẹ tôi biết và nhất là làm hỏng đám cưới của ông cả, tôi thấy khi bà bạn của chị dâu tôi kêu ổng ra ngoài, nghi là có biến vội vã ra can cũng lãnh luôn một guốc của chị ấy lúc điên loạn làm tôi té nhào lăn lộn. Hai anh em nhìn nhau cười ha hả. Nói theo cái cách của ông ba tôi là: Tai nạn nghề nghiệp. Tôi thì chả thích tý nào, ăn một guốc vào bả vai cũng đau thật, lâu lâu còn phải lấm lét coi chị ấy có truy sát anh em chúng tôi không nữa.
– Nãy giờ anh đi đâu! chở em về. – Uyển Văn gọi, may mà em không biết cái lý do giờ này tôi ngồi trước cửa khách sạn như chó chực xương.
– Em về với ba mẹ đi! Anh với anh ba có chút chuyện.
Sợ bị ăn guốc là chuyện nhỏ, cùng lắm là đau một tí thôi, về gặp ba mẹ với tấm thân tàn ma dại mới là điều đáng nói, tôi sợ mẹ, anh ba tôi cũng vậy, mà tới ba tôi cũng thế chứ đừng nói ai. Không biết mẹ sẽ xử hai thằng con của mình như thế nào đây? Hai anh em có vẻ như cùng suy nghĩ, mặt anh ba tôi căng thẳng vô cùng, ổng nhìn tôi một cách đầy nguy hiểm.
– Trốn mày!
– Đi đâu?
– Qua nhà thuốc tao ngủ!
Thì đành vậy thôi chứ biết sao bây giờ, qua nhà Hạnh cũng không được, qua nhà Uyển Văn cũng không xong, tiền thì chỉ còn trăm mấy, đành ké hiệu thuốc ngủ một đêm vậy. Nhưng khổ nỗi, tôi không tài nào chợp mắt được ở căn phòng chứa thuốc hôi rình, nóng chảy mỡ và nhất là tiếng ông ba của tôi ngáy như sấm, bà nào chịu được ổng thì hay thật. Mẹ gọi, hai anh em nhìn nhau, biết làm gì bây giờ? Đành lũi thủi dắt nhau đi về. Mẹ tôi đã chờ sẵn, chửi một hồi đến gần sáng mới cho chúng tôi đi ngủ. Đám cưới ông cả mà làm cả hai chúng tôi nhớ mãi, hài thật.