Xin lỗi tình yêu
Chương 34
Uyển Văn và tôi lang thang khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Không hẳn là chúng tôi rảnh rỗi. Hôm nay không phải là ngày chủ nhật hay lễ tết gì cả. Tôi còn nhớ rất rõ, đó là một sáng thứ ba ảm đạm. Nắng vẫn vàng ươm trên những tàng cây xanh rì đang rung rinh theo từng cơn gió nhẹ, xe cộ vẫn tấp nập, tiếng người cười nói vang vọng nhưng thọt thỏm giữa cái xô bồ chen chúc ấy là hai kẻ lạc lõng đang đi một cách vô định qua từng con đường, từng khu phố. Hai đứa không nói với nhau một tiếng nào, bàn tay em vẫn ôm chặt lấy eo tôi, cái trán bướng bỉnh của em gục vào vai tôi và thi thoảng vẫn run lên theo từng tiếng nấc. Hôm nay là ngày ba mẹ em ra tòa. Em không dám đến, không dám chứng kiến cái cảnh gia đình em tan đàng xẻ nghé. Có vẻ như việc em chuẩn bị tâm lý từ mấy tháng trước bây giờ đã trở thành công cốc. Tôi còn nhớ rõ, vào những lần tòa cho hòa giải, em chỉ dám đứng trước cổng tòa án và đưa đôi mắt đỏ hoe nhìn vào trong. Khi đó, trông Uyển Văn bất lực đến tội nhưng em vẫn nuôi trong lòng một hi vọng, một hi vọng mong manh như bọt xà phòng.
– Mình đi đâu đó thật xa đi anh!
– Em muốn đi đâu?
– Em không biết đi đâu cũng được.
Thế là lại lòng vòng. Nhưng buổi trưa nóng quá. Vả lại, khoe cái mặt mít ướt của em ra đường cũng không hay chút nào. Đành về nhà vậy. Về nhà ai? Nhà em thì không được, vì em đang buồn thôi thì về nhà tôi vậy. Uyển Văn bước vào nhà với vẻ mặt thất thần và dáng vẻ vô cùng mệt mỏi. Em ngồi phịch xuống ghế, tay chân rã rời buông thõng theo thân mình. Tôi rót nước ra, đá đã tan từ lâu mà em cũng chẳng thèm để tâm. Mắt vẫn hướng về một khoảng không vô định trước mặt. Tôi ngồi cạnh em, nắm chặt tay em và im lặng. Có lẽ im lặng là thứ tốt nhất cho em, tôi chỉ nhìn em, nhìn mãi vào đôi mắt sâu thẳm đang ngân ngấn chút lệ chưa kịp khô đi. Em nhìn sang tôi, em cười, trông gượng gạo vô cùng. Em đứng dậy, vuốt nhẹ mái tóc, lau vội dòng nước mắt rồi khẽ cuối xuống hôn nhẹ lên má tôi một cái rồi lặng lẽ quay mặt đi.
– Cảm ơn anh nha! Sáng giờ chắc anh mệt rồi, để em vào nấu cơm cho anh ăn.
– Không cần đâu! Em làm gì mà khách sáo quá vậy?
– Ngồi chờ chút em nấu vài món thôi, anh ăn hoài ngoài đường không tốt đâu!
Vậy cũng hay, chắc là em đã nguôi ngoai nỗi buồn rồi. Tôi tự nhủ và nằm dài lên ghế sofa đọc truyện chờ thời. Mùi đồ ăn thơm phức, tôi không tài nào mà nằm im một chỗ được, phải mò vào bếp ăn vụng thôi. Phụ nữ đúng là những bậc thầy, chỉ với một ít thịt bò, một vài củ khoai tây và hành ngò… mà em có thể làm được một bữa thật thịnh soạn và chắc là ngon(mùi thơm thế cơ mà!). Ăn vụng một chút thôi! Đợi em không để ý, tôi nhón món này một chút, món kia một chút và… cái má của em một chút. Em nhăn mặt nhìn tôi nhưng miệng vẫn nở một nụ cười thật tươi.
– Không giỡn, ra ngoài chờ.
– Ăn chút thôi! – tôi nhăn nhó nhìn em.
– Anh ăn hết chút lấy gì ăn nữa, ra đi anh, sắp xong rồi! – Uyển Văn nhìn tôi nhỏ nhẹ nói.
Thế là tôi tiu nghỉu như mèo cụt tai bước ra khỏi cái gian bếp sực nức mùi thơm và vô cùng hấp dẫn. Chút nữa ăn bù vậy, nói vậy thôi chứ nước miếng tôi vẫn chảy ròng ròng, em ác thật, hức! Một lúc sau, em ra hiệu cho tôi vào dọn cơm. Tôi vừa ăn vừa kể chuyện vui, trách nhắc tới các từ khóa: ”tòa án”, ”ly dị”, ”cha mẹ”, ”chia tài sản”, ”con cái”, ”bụi đời”, ”bị kẻ xấu dụ dỗ”… Mà có vẻ như tôi làm hơi thừa, em chẳng mảy may gì là muốn khơi gợi lại chuyện cũ cả. Em chỉ ngồi im trên ghế, nhìn tôi cười hạnh phúc mà quên cả ăn uống.
– Ăn chút gì đi em!
– Em mệt quá, chút nữa em ăn, nhìn anh ăn là em vui rồi.
– Ăn chút thôi! – tôi năn nỉ.
– Em ngán quá! – em khẽ nhăn mặt.
Vậy là một mình tôi ăn hết cả bàn đồ ăn ứ hự. Bình thường tôi vốn vô tâm, chẳng nghĩ gì xung quanh cả, có ăn là mừng rồi. Nhưng bây giờ tôi ăn cũng không thấy ngon nữa, cứ nghẹn ứ ở cổ ấy. Tôi khẽ đút một chút thịt cho em. Lúc đầu em ngạc nhiên lắm, em giật mình tránh đi chỗ khác nhưng rồi thì cũng ngoan ngoãn mà ăn, sáng giờ em đã ăn gì đâu. Tôi ngồi đút cho em ăn cứ như mấy mẹ móm cho con vậy, trông tình cảm vô cùng, hức! Ăn chán thì phải ngủ, ông bà ta dạy thế mà. Nhưng Uyển Văn thì chẳng chịu nghe lời ông bà gì cả, em ngồi im trên ghế xem ti vi. Tôi vội vàng chạy lên phòng lấy mấy đĩa phim (bao gồm cả người nhện), không phải là tôi có ý đồ gì đen tối đâu nhé, tại vì em coi truyền hình cáp thì tôi không thể kiểm duyệt được nội dung thôi, lại dính đến “ba ngọn nến lung linh” thì phiền.
– Có phim gì hay không anh? – em ngạc nhiên hỏi
– Có! – tôi hí hửng lấy mấy cái đĩa ra khoe.
Trái lại với vẻ hồ hởi của tôi, em chỉ liếc sơ qua một cái rồi ôm cái gối, gục đầu vào đó và… ngủ. Có vẻ xem phim hành động hoành tráng của Hollywood với tôi là một việc vô cùng miễn cưỡng đối với em hay sao ấy, em xem như thể là đang đọc sách triết học Mark- Lenin vậy. Kệ tôi coi một mình, đang khúc gay cấn, nhìn qua thấy em đã lim dim ngủ từ lúc nào. Tôi tắt cái ti vi đi, đẩy nhẹ em nằm xuống ghế, cả ngày hôm nay đi mệt rồi! Tôi dựa đầu vào thành ghế, rít điếu thuốc, nhìn ra sân và ngủ khì
Phàm khi đang ngủ thì con người ta rất ghét bị ai đó đánh thức thô bạo. Tôi cũng không ngoại lệ, đang thiu thiu ngủ thì bỗng thấy cái má của mình đau điếng. Giật mình, tôi mở mắt ra và cứ ngỡ là mình đang ngủ ở lớp và bị thằng nào đó phá đám nên có chửi thề vài cái và sừng sộ đứng dậy. Nhưng thay vì là thằng bạn mất dạy nào đó, trước mặt tôi là ông anh hai. Ổng đứng nhìn tôi trông nghiêm nghị vô cùng, chắc làquên cái gì nên mới về nhà đột xuất thế, chứ theo lịch thì hôm nay cả nhà tôi trực. Nhìn tôi một cái rồi ổng liếc qua Uyển Văn, em cũng đã dậy từ hồi nào rồi, đầu tóc rối bù và mặt em đang ngơ ngác nhìn anh em tôi như hai quái vật ngoài hành tinh.
Ông hai đi lên lầu, hai đứa nhìn nhau lè lưỡi, Uyển Văn cúi đầu xuống, mặt nhăn nhó, tay vò vò nếp áo. Một lúc sau, ông hai bước xuống, đi ra khỏi nhà mà không thèm hai đứa một cái, còn lầm bầm trong miệng: ”Thứ con gái mất nết”. Tất nhiên, tôi và Uyển Văn đều nghe rõ mồn một, mặt em hốt hoảng, hai hàng nước mắt em chảy dài trên má. Nhìn em mà xót xa quá, máu nóng của tôi nổi lên. Tôi chạy ra cửa, nắm áo ông hai lại.
– Ông nói gì đó?
– Ai dạy mày cái thói mất dạy đó vậy?
– Ai dạy kệ tôi! Ông cũng không hơn tôi đâu. Cái thứ có ăn học mà nói chuyện ngu như bò.
– Có phải cái con đó dạy mày về nhà ăn nói mất dạy phải không?
– Vậy ai dạy ông mà ông ăn nói ngu như bò vậy?
– Cái thằng ăn bám như mày cũng có quyền nói nữa hả?
– Lỗi tại em hết, anh đừng hỗn với anh hai.
Uyển Văn ở trong nhà chạy vội ra can hai anh em chúng tôi, không là đánh nhau to rồi. Buổi trưa, người ta đã ngủ hết nhưng không phải vì thế mà không có vài kẻ rỗi việc đứng hóng chuyện. Chuyện trong nhà làm ầm ĩ ra cũng chẳng hay ho gì, tôi thả áo ông hai ra, ổng hậm hực dắt xe đi thẳng, chắc là đi méc. Tôi cóc sợ, cùng lắm là chỉ bị chửi vài ba tuần gì đó thôi, cao lắm là tịch thu con xe, không thành vấn đề, không xe miễn đi học, thế thôi. Sợ là sợ cho Uyển Văn, hồi nãy tôi nóng quá làm em bị liên lụy, hi vọng là ba mẹ tôi không kỳ thị em, hic. Đợi ông anh tôi khuất xa khỏi hẻm, em ngồi trên ghế òa khóc nức nở. Tôi không biết phải làm gì cả, lặng lẽ ra trước cửa hút thuốc. Buồn thật, tôi dụi tàn thuốc, ngồi xuống và ôm chặt em vào lòng. Người em run lên bần bật, nước mắt chảy dài ướt đẫm cả áo.
– Tại em hết, em xin lỗi! Anh đừng hỗn với anh hai nữa – Uyển Văn cứ lặp đi lặp lại câu nói ấy một cách vô thức.
Tôi lắc đầu ngán ngẩm và lấy khăn lau nước mắt cho em. Đợi một lúc, tôi dẫn em đi chơi. Coi như là xả xui vậy, em ngồi sau xe tôi cứ như là xác chết, người cứ buông thõng xuống, tay đặt hờ hững lên eo tôi, đầu thì gục hẳn vào vai. Tôi không rõ là ngày hôm ấy đã đưa em đến những đâu, làm những gì, chỉ biết là chúng tôi cứ mải miết lang thang như thể hai kẻ không nhà.
Tới tối, sau khi đã mệt mỏi sau một chuyến hành trình dài, tôi chở em về mà tâm trạng rối bời. Cô giáo đón chúng tôi trước cổng bằng vẻ mặt không được vui cho lắm vì tội dám cả gan chở con gái cô đi chơi cả ngày hôm nay. Tôi nhăn nhó gãi đầu và thanh minh thanh nga cả buổi cô mới hết giận. Hôm nay cô có vẻ buồn, mặc dù đã giấu đi bằng vẻ mặt lạnh lùng nước phát xít nhưng ánh mắt của cô đã tố cáo tất cả. Tôi thương cô quá! Nhưng biết làm gì bây giờ khi chuyện này nằm ngoài khả năng của tôi rồi, đành an ủi cô vài câu rồi chạy xe ra khỏi hẻm. Dù gì thì cũng còn cả một cơn bão đang chờ tôi ở nhà đây! Nhưng có thế nào đi chăng nữa những thứ mà tôi sắp trải qua cũng không thể nào so sánh được với với hoàn cảnh của em và cô bây giờ, tôi tự nhủ và dông thẳng về nhà.
Tới cửa, sát khí cứ sộc thẳng vào mũi làm tôi vô cùng hoảng sợ, chuẩn bị tinh thần cả rồi nên cũng không lấy gì làm lo lắng lắm! Vào nhà, tôi thấy ba mẹ tôi đang ngồi nghiêm nghị trên ghế thẩm phán, ông anh ba đang tựa lưng vào tường nhìn tôi với ánh mắt vô cùng cùng thông cảm, một tay thì khẽ làm dấu number one. Ông anh hai đang ngồi trên ghế phía… bị cáo, mặt như tờ giấy bị người ta vò nát vậy.
– Mày ngồi xuống đó – Ba tôi chỉ tay vào hàng ghế bị cáo.
– Sao mày dám hỗn với anh hai? – tới lượt mẹ tôi thẩm vấn, bây giờ thì hết “con” rồi, chỉ còn “mày”
Theo quy trình xét xử của ba mẹ tôi, hai anh em tôi sẽ phải làm bản tường trình và chuẩn bị nhận án. Sau khi đọc xong lời tự khai của hai đứa, ba mẹ chúng tôi quyết định: Anh hai tôi phải… chép phạt 500 lần câu: ”Con hứa từ nay không gọi Uyển Văn là thứ con gái mất nết nữa hay những câu đại loại như vậy” và 500 lần câu:”Con hứa từ nay không gọi thằng Út là thứ ăn bám nữa hay những câu đại loại như vậy” hạn chót là hai tháng sau phải nộp lại. Ông ba của tôi nghe xong thì ngồi thụm người xuống cười sằng sặc, chắc cũng phải hơn chục năm rồi ba mẹ tôi mới lại sử dụng cái hình phạt oái ăm này (chứ không lẽ đè ra đánh như hồi nhỏ). Tôi cũng rất mắc cười khi nghĩ tới cái hoạt cảnh ông hai ban ngày lên giọng kể cả với người bệnh còn ban đêm lại lúi húi chép phạt dưới ngọn đèn bàn leo lét và cái bụng đang sục sôi căm hận, không biết nó hài hước đến thế nào nhỉ?
– Còn mày! – ba tôi nhìn sang tôi – Mày chép cho tao 500 lần câu: ”Từ nay con không được kêu anh hai ngu như bò nữa hay những câu đại loại như vậy” với lại câu: ”Từ nay con hứa sẽ không trốn học” hai tháng sau nộp
Theo đúng tin thần, hai bị cáo bắt tay nhau rồi phòng ai người ấy về, phiên tòa cũng kết thúc tại đó. Ông anh ba vẫn cười điên dại như khùng (may mà tôi chỉ nghĩ trong đầu chứ không là chép phạt rồi!). Về phòng, cầm máy tính lên bấm coi thử sẽ tốn bao nhiêu tờ giấy đôi đây… tôi vừa nhẩm tính vừa thiu thiu ngủ.
Nói là chép phạt cho vui vậy thôi chứ cho tới tận bây giờ tôi vẫn chưa hoàn thành đủ chỉ tiêu do trên đưa ra, còn tại sao ư? Có nhiều lý do lắm, hạ hồi hãy phân giải.