Yêu trẻ con - Quyển 1

Chương 12



Phần 12

Lần đầu tiên tôi thấy con nhỏ mặc áo dài. Vẻ đẹp ngây thơ của nhỏ như được tăng lên gấp nhiều lần trong tà áo trắng tinh khôi đó. Nhỏ nhẹ nhàng và thướt tha, nhỏ êm đềm và e ấp, như một thiên thần làm rực sáng cả căn phòng tối tăm này. Tôi đoán là con nhỏ vừa đi học về. Nữ sinh cấp 3 ở Đà Nẵng này ngày nào cũng phải mang áo dài hết.

Nhỏ ngại ngùng chào mấy đứa bạn của tôi rồi đặt một cà mèn cơm lên bàn, cảm thấy hơi bối rối khi thấy tôi đã ăn cơm từ bao giờ. Tụi bạn cuống cuồng đi tìm ghế cho nhỏ Linh ngồi, rót nước cho nhỏ Linh uống như thể tôi là một thằng què vô hình trong căn phòng này vậy. Không những thế, tụi nó còn nháy mắt với tôi xuýt xoa:

– Ghê nha.

– Thằng Nhân có người yêu đẹp như thiên thần thế này mà lâu nay giấu anh em nha.

Tôi chỉ nhếch mép cười chả nói gì, vừa ăn cơm vừa nhìn qua nhỏ Linh hỏi:

– Mang cơm lên nữa chi zậy bà nội?

– Con không biết – nhỏ bẽn lẽn nói – con tưởng là không có ai mang cơm cho chú cả.

Nghe tôi với nhỏ Linh nói chuyện, tụi bạn há hốc mồm:

– Ơ, thế là… bà con hả?

– Ờ, cháu tao đấy – Mình trả lời hồn nhiên.

Nhỏ Linh bụm miệng cười khúc khích và chỉ thôi cười khi thấy tôi e hèm một cái. Tụi bạn tôi mắt sáng rực lên, bu lại xung quanh nhỏ Linh trò chuyện làm quen các kiểu. Tôi bận ăn cho xong hộp cơm nên không để ý con nhỏ thỉnh thoảng cứ liếc nhìn tôi. Một lúc sau thấy nhỏ Linh bắt đầu cảm thấy hơi mệt với những câu hỏi của tụi bạn nên tôi quyết định giải thoát cho nhỏ:

– Này nhóc, thế bảo đem qua hỏi bài Lý gì đấy đâu rồi?

Tôi nháy mắt ra hiệu. Con nhỏ hiểu ý nên nói ngay:

– À, dạ, đây nè chú.

Nói rồi nhỏ lôi trong cặp ra cuốn sách Vật Lý 11 và giả bộ nhờ tôi chỉ bài. Tôi nhìn lũ bạn gắt:

– Còn đứng đấy làm gì nữa? Lượn đi cho chú cháu tao học bài.

Tụi nó chầm chậm đi ra khỏi phòng, không quên quay lại phía sau dặn dò:

– Mai tụi tao lại mang cơm cho mày nữa nghen.

Đoạn tụi bạn bước khuất sau hành lang, tôi với nhỏ Linh bật cười ha hả.

Thế là cứ thỉnh thoảng, sau khi đi học về, con nhỏ lại mang một cà mèn cơm qua cho tôi. Lúc đầu tôi nhất quyết bảo con nhỏ đừng mang cơm qua nữa nhưng con nhỏ vẫn cứng đầu, thế rồi tôi mặc kệ nhỏ. Được cái cơm của nhỏ rất ngon, ngon gấp 100 lần cơm của tụi bạn cờ hó nên dần dần tôi cũng không phàn nàn gì nữa, thậm chí còn có phần ngóng chờ cơm của nhỏ. Lần nào không qua được nhỏ cũng đều nhắn tin cho tôi rất chu đáo. Có khi nhỏ đến thăm tôi rồi ngồi luôn ở đấy làm bài tập Vật Lý, có gì không hiểu nhỏ quay qua hỏi tôi, rồi cứ thỉnh thoảng tủm tỉm cười một mình.

Nằm trong bệnh viện chán quá nên một hôm tôi bảo nhỏ Linh mang cho tôi cuốn sách gì đấy để đọc. Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào nhỏ lại mang cho tôi cuốn Mắt Biếc của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi chỉ cần 2 ngày là đọc hết cuốn sách đó, nhưng lại mất đến cả tuần để gặm nhấm nỗi buồn mà nó mang lại.

– Chời ơi, cho đọc cuốn sách gì buồn dữ vậy chời.

Tôi than thở khi trả lại cuốn Mắt Biếc cho nhỏ Linh. Nhỏ cười khúc khích bảo:

– Đây là cuốn con thích nhất của chú Ánh đó ạ. Nó buồn thật chứ. Buồn nên mới nhớ lâu.

Tôi vắt tay lên trán thở dài:

– Lần sau mang cuốn gì vui vui tí đi. Vật Lý hay Hóa học gì đấy cũng được.

Con nhỏ nhe răng cười và nhìn tôi tinh nghịch. Thấy đôi mắt nhỏ, tự nhiên tôi thấy có gì đó chộn rộn trong lòng. Tự nhiên tôi trộm nghĩ, nếu đôi mắt của Hà Lan trong truyện đẹp 1 thì có lẽ đôi mắt của nhỏ Linh phải đẹp 10. Chắc là từ nay tôi sẽ gọi con nhỏ là Mắt Biếc. Cho nó ngầu.

Mấy hôm sau bọn học trò tới thăm tôi. Tụi nó mở đầu cuộc trò chuyện bằng màn khoe chiến tích lẫy lừng lọt tới tận chung kết ở giải bóng đá. Với sự trở lại đầy kịp thời của mấy đứa dự bị, tụi nhỏ không cần đến sự hỗ trợ của tôi cũng có thể chinh phục từng đối thủ và tiến tới trận đấu cuối cùng. Đó là điều khiến tôi rất vui, không phải bởi kết quả mà là bởi cái cách mà tụi nó chiến đấu và chiến thắng. Rất mén lỳ.

Còn Đan Chi cứ liên tục than thở về việc tụi nhóc dạo này nghịch quá. Và mặc dù biết rằng đó chỉ là những lời trách yêu, nhưng tôi cũng phải giả bộ quay qua lườm bọn nhỏ một phát, để tỏ ra là mình vẫn đầy trách nhiệm.

Ngồi chơi một lúc thì cả lũ chào tôi ra về. Đan Chi để lại đồ ăn trưa cho tôi cùng với vài bộ quần áo sạch, nhét đống quần áo cũ của tôi vào túi rồi cũng về nốt, không quên dặn dò tôi nhớ ăn và uống thuốc cho đúng giờ. Tôi gật đầu chào lũ nhỏ rồi nằm vật ra giường, lòng buồn nẫu ruột vì mấy tuần nay cứ loanh quanh trong bốn bức tường bệnh viện, chả có việc gì làm ngoài tán gẫu với bà chị già gường bên, mà những câu chuyện cũng chẳng có gì ngoài “con bé đấy là ai?”. Cái con bé hay đến với một cà mèn cơm ấy, là Mắt Biếc, tôi mỉm cười nói với bà chị già.

Mắt Biếc đến thăm tôi vào buổi chiều hôm đó. Nhưng hôm nay con nhỏ trông rất lạ, không vui vẻ, hồn nhiên như mọi bận. Nhỏ lặng lẽ đưa cà mèn cơm cho tôi, thậm chí chẳng nói một lời nào cho đến khi tôi nuốt hết những hạt cơm cuối cùng. Một nỗi buồn nào đó vương lên đôi mắt biếc, làm tôi không thể không hỏi:

– Hôm nay bị sao đấy?

Nhỏ không cất lời, chỉ khẽ lắc đầu với một nụ cười gượng gạo. “Con vẫn ổn” – chắc là nhỏ muốn nói vậy.

– Nhóc không cần phải giấu anh đâu – tôi nói và nhìn qua cái giường trống trơn của bà chị già, hình như bả đi vệ sinh thì phải – ở đây không có ai cả. Kể anh nghe đi.

Mắt Biếc ngước đầu lên nhìn tôi, nhỏ nói giọng buồn buồn:

– Con đang buồn chú ạ!

– Lại chuyện gia đình phải không? – Tôi hỏi.

Mắt Biếc khẽ gật đầu. Tôi cũng không gặng hỏi thêm gì nữa, chỉ thở dài một tiếng. Có lẽ hôm nay là ngày quốc tế nỗi buồn thì phải. Tôi nhìn qua con nhỏ và bắt gặp đôi mắt đang rưng rưng nước. Sợ con nhỏ khóc tôi bèn an ủi, thực ra là cũng an ủi chính mình:

– Nè, muốn vui không?

Con nhỏ lau nước mắt nhìn tôi thút thít nói:

– Có ạ.

Tôi đưa mắt nhìn nhỏ đầy tinh quái. Cái ý nghĩ đang xuất hiện ở trong đầu khiến tôi cảm thấy phấn khích.

– Mình trốn viện đi chơi đi.

– Trốn viện á? – Con nhỏ tròn mắt nhìn tôi.

– Uhm, đưa nhau đi trốn.

– Không được đâu, bác sĩ la chết.

– Kệ mấy ổng. Mà mấy ổng la anh chứ có la nhóc đâu.

– Nhưng chú đang bị đau, không đi được đâu. Lại đổ bệnh bây giờ.

– Nằm trong viện cả tuần anh mày đang phát ốm đây. Không ra ngoài có khi còn bệnh nặng hơn nữa. Nhóc muốn anh chết sớm à?

Con nhỏ lắc đầu nguầy nguậy rồi rụt rè nhìn ra phía cửa như thể sợ ai đó nghe được. Tôi bật cười xoa đầu nhỏ trấn an bảo mình đi một tí rồi về thôi. Con nhỏ gật đầu.

Thế là cuộc tẩu thoát được tiến hành sau đó mấy phút. Giữa hành lang vắng lặng đến sởn gai ốc của bệnh viện, một cô nữ sinh cấp 3 xinh đẹp trong bộ áo dài dìu một thằng què rón rén bước đi. Tôi bảo con nhỏ cứ tản bộ một cách tự nhiên đừng nhìn trước ngó sau gì cả, ai hỏi thì cứ bảo đi dạo hít khí trời một chút. Tôi chỉ sợ gặp phải mấy cô y tá hay ông bác sĩ trực tiếp điều trị cho tôi, thấy tôi tự tiện rời khỏi phòng với cái chân khập khiễng thế này thể nào cũng bắt tôi nhốt lại. Nhưng có lẽ tôi lo lắng hơi thừa thãi, bởi hai chúng tôi ra đến cổng bệnh viện một cách trót lọt mà không hề có một trở ngại gì.

Thử thách cam go nhất có lẽ là ông bảo vệ. Ổng ném cho tôi một cái nhìn nghi ngờ khi cái chân băng bó của tôi lồ lộ ra trước mặt ổng. Ổng định chạy ra chất vấn thì Mắt Biếc xuất hiện với sự nhanh trí đáng ngạc nhiên của nhỏ:

– Chú nhớ bác sĩ dặn dò gì chưa? Về nhà buổi tối nhớ gỡ băng gạc ra cho thoáng vết thương, xức thuốc vào đầy đủ rồi mai lên khám lại nha.

Con nhỏ giả bộ như thể tôi vừa mới vào bệnh viện khám chân vậy. Còn tôi chỉ đơn giản là diễn nối vở diễn bằng vài câu ậm ừ rồi ngồi lên xe đạp của nhỏ và thản nhiên phóng đi như chẳng có chuyện gì. Cho đến khi cái cổng bệnh viện chỉ còn là một chấm nhỏ phía sau, tụi tôi mới bật cười dữ dội.

Đó là lần đầu tiên nhỏ Linh chở tôi sau một khoảng thời gian tôi làm tài xế bất đắc dĩ của nhỏ. Chúng tôi cứ thong dong trên những con đường vắng lặng cho tới khi ra đến biển. Nhỏ Linh dìu tôi ngồi xuống một con đê chắn sóng rồi nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh. Tôi nhắm mắt hít hà gió biển, đê mê tận hưởng cảm giác thư thái mà mấy tuần vừa rồi bị nhốt trong bệnh viện chẳng có được. Nhỏ Linh lặng lẽ ngồi bên, khua khua đôi chân trong không trung như một đứa trẻ nghịch ngợm bể nước. Tôi quay qua hỏi nhỏ:

– Hết buồn chưa?

Nhỏ nhìn tôi lắc đầu rồi lại im lặng. Tôi cũng im lặng. Sự im lặng kéo dài cho đến khi nhỏ Linh phá vỡ nó:

– Nhiều khi… con chẳng biết làm sao để vừa lòng mẹ nữa.

Nhỏ vừa nói vừa nhìn xa xa về phía những ánh đèn cuối chân trời.

– Con lúc nào cũng không thể làm đúng ý của mẹ được. Như thể mẹ ghét con ấy.

– Tầm bậy – Tôi lên tiếng – Mẹ sao ghét nhóc được. Chẳng qua là mẹ kỳ vọng ở nhóc nhiều quá thôi.

– Chú không hiểu được đâu.

Nhỏ nói với giọng chán nản. Có thể tôi không hiểu chuyện của nhỏ thật, nhưng tôi lại cảm thấy chuyện đó rất bình thường. Bởi tôi cũng đã từng trải qua thời kỳ như thế, cái thời của tuổi mới lớn ẩm ương và nổi loạn, cái thời tôi cũng nghĩ là bố mẹ ghét tôi và luôn áp đặt mình. Nhưng thực ra đó chỉ là cảm xúc của tuổi dậy thì. Rồi nó cũng qua nhanh như bóng nắng chiếu trên tường hoa nhà cũ. Để đến khi lớn khôn và nhớ lại tuổi dậy thì đó, ai cũng bật cười, ai cũng tự cốc đầu mình cho những dại khờ đã qua.

Nhưng đó là tôi nghĩ vậy. Còn chuyện của nhỏ Linh hóa ra lại phức tạp hơn rất nhiều. Sự phức tạp đó tôi sẽ kể sau.

Suốt cả buổi hôm đó tôi chỉ ngồi nghe nhỏ nói, như cái lần nhỏ chat với tôi sau khi bố mẹ không cho học vẽ hơn một tháng về trước. Rồi đột nhiên một cơn mưa quái ác từ đâu ập tới không một lời báo hiệu. Tôi và nhỏ Linh vội vã chạy tới núp dưới những tán dừa. Nhưng những tán dừa thưa thớt làm sao cản nổi cơn mưa. Tôi và nhỏ Linh ướt sũng. Bộ áo dài dính bệt vào người nhỏ Linh và để lộ ra những đường cong hoàn hảo của nhỏ. Đôi gò bồng đảo đầy đặn của nhỏ Linh lồ lộ ra trước mắt tôi khiến tôi lúng túng quay mặt đi chỗ khác. Nhỏ cũng nhận ra điều đó nên bẽn lẽn quay đi, đôi tay ôm trước ngực.

Tôi khẽ liếc nhìn Mắt Biếc. Nhỏ đẹp thật. Mưa dường như gột rửa hết những bụi bặm khiến gương mặt của nhỏ trở nên sắc sảo lạ thường. Nhỏ đưa tay khẽ vuốt những giọt nước mưa chảy dài trên trán. Hai má nhỏ ửng hồng vì lạnh. Đôi môi bỗng nhiên tươi hơn. Và đôi mắt long lanh đến kỳ lạ. Chẳng hiểu sao khi cứ nhìn vào đôi mắt đó, một cảm giác thân quen không rõ từ đâu lại xuất hiện. Cứ như thể tôi đã nhìn thấy đôi mắt nhỏ ở đâu đó nhưng không tài nào nhớ nổi. Hay là hồi trước tôi với nhỏ tông xe nhau, rồi tôi bị mất trí nhớ còn nhỏ thì không, rồi nhỏ cảm thấy tôi tội nghiệp nên quay lại chăm sóc tôi như phim Hàn không nhỉ?

– Anh đã từng gặp nhóc trước kia chưa?

Tôi đột nhiên hỏi nhỏ. Nhỏ nhìn tôi bối rối một lúc rồi ngập ngừng lắc đầu từ chối.

– Thế tại sao nhóc lúc nào cũng thân mật với anh đến vậy?

Tôi hỏi tiếp làm con nhỏ lúng túng trả lời:

– Tại… con quý chú.

– Quý ngay từ cái nhìn đầu tiên à?

– Dạ…

Tôi thở dài nhìn ra bầu trời mưa. Cố gắng tự vấn mình rằng có lẽ tôi nhớ nhầm nhỏ với ai đó trước đây. Dù sao thì điều đó bây giờ cũng chả quan trọng nữa. Điều quan trọng là trời đang mưa rất to, và làm sao tôi với nhỏ về lại bệnh viện được bây giờ.

Ấy thế mà cơn mưa một lúc sau rồi cũng tạnh. Nhưng một lúc thôi cũng đủ làm cho hai chúng tôi ướt sũng cả rồi. Tôi và nhỏ Linh nhìn nhau bật cười rõ to. Hóa ra là một cuộc tẩu thoát thảm hại, giống như hai kẻ tâm thần vừa trốn khỏi trại điên thì đúng hơn.

Đang đứng tần ngần dưới gốc dừa không biết nên làm gì tiếp theo thì đột nhiên có tiếng chuông điện thoại vang lên réo rắt. Tôi giật mình nhớ ra chiếc điện thoại mang theo trong túi quần. Bằng một cách kỳ diệu nào đó, nó vẫn chưa tắt thở dù bị dầm dưới mưa nãy giờ. Tôi lôi chiếc điện thoại ra khỏi túi và nhìn cái tên hiện lên trong cuộc gọi. Ôi, là Đan Chi.

– Anh biến đi chỗ nào rồi vậyyyyyyyyyyy?

Đan Chi hét lên trong điện thoại làm tôi sợ quá suýt nữa quăng mọe nó xuống biển. Tôi lắp bắp trả lời:

– À… à… anh đang… đi dạo tí.

– Anh có bị điên không thế? – Đan Chi vẫn tiếp tục gào lên – Anh trốn viện hả?

– À… không… không… anh chỉ ra ngoài hít thở không khí tí thôi. Anh về liền… Về liền.

Tôi luống cuống tắt ngay điện thoại, vội vã gọi nhỏ Linh trở về:

– Về lẹ nhóc ơi, bị phát giác rồi.

Nhỏ Linh chưa kịp hiểu chuyện gì nhưng cũng vội vàng lấy xe đạp chở tôi quay về. Vừa mới bước vào cổng bệnh viện, đã thấy Đan Chi đứng đó và ném về phía tôi một cái nhìn tóe lửa.

– Anh bị thần kinh à? Có biết là mấy cô y tá đang chạy tán loạn đi tìm anh không?

Tôi đứng gãi đầu cười trừ. Trong khoảnh khắc này thì tốt nhất là không nên biện bạch gì cả. Vì rõ ràng là tôi sai lòi ra đấy. Với cả tôi hiểu nhỏ Đan Chi quá mà, khi mà nhỏ đang giận thì tốt nhất là nên chờ sóng yên bể lặng rồi hẵng giải thích. Chỉ tội cho con nhỏ Linh, nãy giờ cứ đứng nép nép sau lưng tôi không dám hó hé gì, chỉ khẽ đưa đôi mắt long lanh nhìn chị Đan Chi đầy lo lắng.

Đan Chi nhìn thấy điệu bộ tội nghiệp của tôi với nhỏ Linh như thế nên cũng không la gì nữa, chỉ lắc đầu thở dài rồi kêu chúng tôi vào phòng.

– Thôi hai người vào đi. Thiệt tình…

Mấy cô y tá thấy tôi trở về thì mừng như bắt được vàng. Đang định chạy tới mắng cho tôi một trận thì tôi khen mới không gặp mấy tiếng mà mấy bả tự nhiên đẹp hẳn ra thế. Cái mấy bả che miệng bẽn lẽn cười, bảo chưa bao giờ thấy bệnh nhân nào dễ thương như tôi. Cái tôi cũng cười cười. Dễ thương là bản chất của tôi, không gì lay chuyển được.

Chương trước Chương tiếp
Loading...