Chuyện đời lính

Chương 47



Phần 47: Tản mạn chuyện trong rừng

Lâu lắm rồi nay tôi lại được anh em bạn bè cho ít quả này.

Nhìn quả này chắc nhiều người không biết nó là quả gì, nhất là bạn bè trong miền Nam.

Vâng, nó là quả trám đen ạ.

Họ nhà trám này có hai loại trám đen và trám xanh, hay còn gọi là trám trắng để phân biệt với trám đen.

Với những ai từng biết và ăn nó, thì ngon hay dở là tùy cảm nhận mỗi người, nhưng riêng tôi, tôi thấy nó rất ngon, vị bùi bùi giống quả cọ ở Phú Thọ vậy, quả cọ tôi từng ăn một hai lần, nhưng thấy nó không ngon bằng quả trám này.

Loại quả này với tôi còn nhiều kỷ niệm.

Ở Bắc Lào có rất nhiều trám, cả trám đen và trám trắng, người Lào cũng thích ăn loại quả này, họ thường ỏm (cách gọi khi làm mềm nó) nó cho mềm và nấu xôi hoặc kho nó với thịt mỡ, ba chỉ, còn trám trắng thì kho với cá hay phơi se se làm ô mai.

Ở rừng Lào anh em tôi hái quả này, ban đầu không biết hý hửng đem về luộc lên nghĩ là nó sẽ mềm ra rồi ăn, nhưng… luộc cả buổi nó vẫn cứng như đá, không thể gặm nổi, sau mới biết chỉ cần ngâm nước ấm ấm là nó mềm, hay thậm chí cho vào mũ sắt đổ tý nước vào phơi ngoài nắng nó cũng mềm và ăn rất ngon, chứ còn cho vào luộc thì, chỉ để ngắm thôi chứ gặm thì chắc là lợi ơi ở lại răng đi hết.

Khác với quả trám trắng, quả trám đen này không ăn sống được, nó chát tắc cả cổ lại không thể nuốt nổi, nhưng nếu ỏm lên nó mềm rồi thì ăn rất ngon, quả này có loại trám nếp và tẻ nữa, loại nếp thì to hơn và cùi dày hơn, và tất nhiên là ngon hơn rồi.

Còn trám trắng thì khác.

Cây trám trắng ở vùng Lạng Sơn rất nhiều, ngay sân đồn công an thị trấn Bình Gia có một cây, to cổ thụ… nhưng hình như giờ nó không còn nữa.

Nhiều nơi như Cao Lộc, Lộc Bình, Điềm He… thinh thoảng vẫn thấy, điều đặc biệt tôi thấy ở cây trám trắng này là toàn cây cổ thụ, cao tới 25 – 30 mét, sừng sững… thân thẳng tắp, gốc xù xì như gốc cây Gạo vậy, sóc thường làm tổ ở trên cây và tới mùa thì ăn trái.

Ở Lào cũng vậy, ở Phong saly, hay Bokeo Lào, tôi từng nhìn thấy những cây trám phải gọi là “cụ” cây mới đúng, nó to cỡ vài người ôm, gốc thì phải cả chục người ôm không hết và cao tới 3 – 4 chục mét, thẳng tắp sừng sững giữa rừng đại ngàn, đứng dưới gốc nó nhìn lên thấy choáng ngợp vì sự khổng lồ của nó, tới mùa trái nó chín vàng rơi vàng cả một vùng quanh gốc, trên cây thì khỉ, sóc, chim… bu đến ăn, dưới gốc thì chồn, nhím, lợn rừng, hươu nai, cả min cũng tới ăn trái rụng.

Người Lào rất coi trọng những cây to, họ vẫn thường nói cây trám là nơi trú ngụ của ma quỷ, thần linh… giống như cây đa, si… của mình vậy.

Người Lào thường lấy nhựa cây trám này làm hương đen, một loại hương rất đặc biệt họ đốt vào ngày tết, mùi của nó thơm thật khó tả, theo tôi thấy nó còn thơm hơn mùi trầm nữa…

Ngày tết ở đó ngửi mùi hương của họ thấy nhớ nhà muốn khóc luôn được, ở Lạng Sơn ngày xưa tôi cũng thấy loại hương này, nhưng giờ thấy hình như không còn nữa…

Ở Cam thì một lần chúng tôi cũng gặp cây trám này, sâu trong Anlong Veng, ngay lưng dốc lên cao điểm 507, giáp biên giới Thái Lan, anh em tôi lấy dao găm đục lỗ ở thân nó bỏ vào tý muối trắng, vậy là hai ba hôm sau trái rụng tha hồ gặm, nhặt bỏ túi quần túi áo nhựa ra thâm xi như nhựa chuối, lính tráng đói khát, quần áo tả tơi vừa đi vừa gặm những quả trám xanh, ăn chán rồi ném nhau côm cốp vào đầu, cái hột nó nhọn hoắt để dựng ngược lên xong lừa nhau ngồi lên, nó đâm vào mông đau điếng rồi cười lăn lóc với nhau. Loại quả này cũng lạ, ăn xong nó có vị ngọt ngọt trong miệng, nhất là ăn xong uống nước, nước cống cũng thấy ngọt luôn.

Ở rừng nhiều anh em không biết cứ nhầm quả gắm với quả trám, cây gắm thì khác xa với cây trám, cây gắm là loại dây leo, thân gỗ uốn lượn như những con rắn to, nhìn rất ghê, ở Lào hổ thường ăn trái này, chúng tôi vẫn hót phân hổ đem ra suối đãi lấy hạt gắm rồi rang lên ăn, rất ngon, thân nó chặt nhỏ phơi khô sắc uống chống sốt rét khá tốt, quả thì từng chùm như hoa cây giềng dại, có hai loại gắm đỏ và đen, nhím và hươu cũng ăn loại này, đi săn hươu cứ rình ở gần bụi gắm là bắn được hươu, tuy nhiên phải không sợ… ma ?, vì tiếng hươu rừng kêu gọi bạn ban đêm nghe dựng tóc gáy bà con ạ, nó nửa như tiếng mèo gào, nửa giống trẻ con khóc, nửa như tiếng huýt gió… lần đầu nghe thấy trong đêm tôi suýt té ngửa, giữa rừng đêm nghe hươu kêu gọi bạn nó khủng như giữa rừng hoang Campuchia ban ngày bị quạ lườm vậy ? ? ?, những con quạ ở rừng Cam nhiều kinh khủng, đen xì đứng im lìm trên cây mắt gườm gườm xoi mói nhìn người, thỉnh thoảng cất tiếng kêu khàn khàn… quạaaa… quạaaa… úi giời, đang căng thẳng bò trườn mà bất ngờ gặp phát đó nhiều anh tè trong quần, nó gọi là phê chữ ê kéo dài luôn… phê lắm.

Nhiều lần tôi rởn tóc khi gặp những pha như thế, chỉ biết ngóc đầu lên trừng mắt nhìn nó rồi quát khẽ, đm mày cút đi, làm bố giật hết cả mình ? ? ?. Mà lũ quạ cứ bám theo lính rất dai dẳng, chắc có lẽ chúng quen mùi xác chết rồi, súng đạn ầm ầm, các loài thú khác trốn sạch, riêng quạ và kền kền thì bu tới từng bầy đập cánh mùi thối um, bay phần phật trên đầu chúng tôi.

Có một điều khá lạ là không hiểu sao tôi thấy ở Cam cá rất nhiều, sông hồ, mương máng… chỗ nào cũng có cá, cá to lủ khủ. Có nhiều lần tôi đã gặp ở mùa khô, khi những con suối cạn dần nước thì cá lúc nhúc hàng đống, bắt không xuể ăn ngán lè cả lưỡi, có thời điểm thiếu muối, cứ luộc cá rồi nướng cá ăn không có muối nó nhạt phèo, ngắc ngứ, đói thì có cá ăn là tốt lắm lắm rồi, nhưng thiếu muối cũng mất ngon, người thằng nào cũng tanh lè như cá vậy, nằm buồn buồn lấy những cái xương cá lấy dao găm vót rất tỷ mẩn bỏ túi làm tăm xỉa răng, rảnh rỗi sinh nông nổi vậy chứ lính đói hơn vạc có gì ăn mà cần tăm xỉa răng đâu.

Có nhiều nơi mùa khô, cỏ cháy vàng không còn gì để mà có thể hái bỏ vào miệng thay rau cho đỡ xót ruột, anh em vớ cây gì cũng thử xem có ăn được không, tôi thì hay chọn cách nhổ những cây cỏ may, cỏ xước lấy phần non cho vào miệng nhai, buổi chiều nằm giữa đồng cỏ như nằm trong chảo lửa ngửa mặt ngắm mây trời gặm cỏ vắt chân chữ ngũ thả hồn về quê hương cũng có cái thú, kệ bom đạn chết chóc ngày mai, vui được tý nào thì vui, nhiều thằng đói lóp cả bụng, sốt rét rụng hết cả lông mày nhưng vẫn… làm thơ cơ, mà thơ của lính thì nó ối giời ơi kinh khủng khiếp, nhiều “quả” thơ thúi ngửi không nổi, thằng làm xong đọc cho cả bọn nghe, cười mà chảy cả nước mắt nước mũi, đau cả bụng nữa…

Sợ nhất là ở Cam, có nhiều nơi đất đỏ rất lạ, cây còn khó mọc, như kiểu vùng đó nó có khoáng sản gì đó, đất đai đỏ lòm trơ trụi, mùa mưa thì nhão nhoét dính như keo, mùa khô thì bụi mù và cứng khủng khiếp, đào “huyệt” (hố cá nhân) mà bật cả máu tay không đào nổi, đành đào qua quýt như cái ổ chó bới xong nằm đó, nửa người trên nửa người dưới, hố cá nhân như cái hố chôn người nên anh em hay gọi vui là huyệt, nhìn lính tráng rách rưới tả tơi gầy gò bẩn thỉu đúng như cái xác chết, đỏ lòm bụi nằm co ro ngủ trong đó mà rơi nước mắt…

Tất cả qua lâu rồi, nhưng tính tôi hay hoài niệm, miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời… cứ hay nghĩ về những ngày đã qua, lan man vậy…

Chương trước Chương tiếp
Loading...