Chuyện đời lính

Chương 7



Phần 7

Năm 1989, lần đầu đặt chân sang Campuchia, được nghỉ ít ngày khi từ rừng ra, theo chân một người anh một ngày chủ nhật, anh em tôi tới nhà một người bạn của anh chơi. Đó là một người Việt Nam, một người duy nhất sống sót trong một gia đình 9 người đã bị pốt giết sạch. Cha mẹ anh là là người Việt Nam, công chức trong chính quyền VNCH cũ, sau năm 75 họ dắt díu nhau chạy qua Siemriep để sinh sống vì nghe nói những người giải phóng sẽ trả thù… họ hy vọng sẽ thoát được sự “trả thù” nhưng không ngờ rằng đó lại là dấu chấm hết cho gần hết những người trong gia đình họ, chỉ còn lại duy nhất một người sống sót nhờ sự che chở của những người dân tốt bụng.

Anh bạn người Việt này tên Việt là Lợi, khi đó anh đang làm việc trong một cơ quan nôm na như Tái thiết đô thị.

Qua một vài lần chuyện trò, anh ngỏ lời mời chúng tôi về nhà anh chơi. Đó là một căn nhà, đúng hơn là một dãy nhà 4 tầng chạy dài, đã cũ và sứt mẻ vì bom đạn, cạnh một khu trường học, và một sân bóng nhỏ. (Hôm qua quay lại tìm nơi đó, thì mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, giờ là một khách sạn rất lớn và hiện đại, không còn chút dấu vết cũ nào).

Anh Lợi tâm sự với bọn tôi, về khu nhà tôi ở, có thể các anh sẽ có vài bất ngờ nhỏ… hoặc chí ít cũng thỏa chí tò mò đôi chút.

Dãy nhà anh Lợi ở là một cơ quan công quyền cũ của chế độ Lonnon, sau Khơmer đỏ lấy làm nơi làm việc của chúng, có ba dãy nhà cao 4 tầng cả trệt, quay mặt vào một cái sân rộng, có bồn hoa xung quanh khá đẹp và cả một cột sắt để treo cờ, vài hồ cảnh nhỏ phía trước, và một hồ nước to phía sau dãy nhà, rất nhiều cây ăn trái như vú sữa, xoài, lê ki ma, mít… quanh hồ nước to, rậm rịt và um tùm vì bị bỏ hoang không có bàn tay người chăm sóc. Bên con đường nhỏ cạnh toà nhà còn những cây dầu rất to, thẳng tắp cao tới mười mấy hai chục mét… rất đẹp. Nhưng cũng giống nhiều nơi mà có sự hiện diện của chính quyền Khơmer đỏ, không gian âm u và cảm giác lạnh lẽo chết chóc bao trùm…

Ngôi nhà anh ở ngày trước đã từng xảy ra rất nhiều biến cố, nhưng có một biến cố in hằn vào tâm trí anh Lợi nhất, đó là khi Khơmer đỏ lùa dân từ thành phố vào những khu lao động tập trung ở nông thôn, chúng dồn dân lại dưới sân, già trẻ lớn bé… ai có ý định bỏ trốn hay chống cự lập tức bị giết làm gương và xác sẽ bị ném xuống hồ nước to đằng sau. Chỉ trong hai ba ngày hồ nước đã có hơn trăm xác chết bị ném xuống, vài ngày sau những xác đó nổi lên bốc mùi khủng khiếp và quạ bay tới từng đàn đầy thành phố để ăn những xác chết phơi dưới nắng như vậy…

Trong tòa nhà này có ba gia đình người Việt sinh sống, ngoài gia đình anh Lợi, còn hai gia đình nữa, cha mẹ anh Lợi xuất thân là công chức, còn hai gia đình kia, hai người cha là hai sĩ quan trong quân đội VNCH cũ, họ từng là chỉ huy ở những đơn vị chiến đấu chủ lực của chế độ, nên khi thấy những dấu hiệu không lành từ việc dồn dân họ đã vội tìm cách di tản gia đình họ, nhưng không kịp, những người lớn bị bắt ngay và giết lập tức khi biết là người Việt Nam, chỉ còn một người đàn ông và bảy đứa trẻ của hai gia đình, bốn bé gái và ba bé trai lớn nhất khoảng 15 tuổi và nhỏ nhất mới hai tuổi, tại thời điểm đó. Người cha còn lại là một cựu biệt động quân ông vội tìm chỗ để giấu những đứa trẻ… chẳng có chỗ nào ngoài chiếc bể nước phía trên, ông đã giấu những đứa trẻ vào đó… vừa xong đứa cuối cùng thì lính Khơmer tràn lên… lôi ông xuống, tên chỉ huy Khơmer tầm 50 tuổi, cụt một bàn tay và mất một con mắt tra hỏi anh lính, biết chắc kiểu gì cũng bị giết anh cựu biệt động quân nhanh tay móc khẩu rulo nòng ngắn của mình ra nổ trước, viên đạn xuyên trán tên chỉ huy, viên thứ hai trúng giữa mặt một pốt nữ đang ngồi bên bàn giấy bên cạnh… bọn lính quá bất ngờ không kịp trở tay, sau đó chúng bu lại nã súng vào anh cựu lính này khiến cái xác anh như một đống thịt băm nhỏ, còn cái đầu chưa nát hẳn chúng lấy dao cắt rời cắm lên cây cọc giữa sân để làm gương cho những người khác.

Sau khi dồn những người dân đi, những đứa trẻ đã chết đói trong cái bể nước trên nóc nhà, nhưng không chết ngay mà khá lâu sau đó với những cái chết kinh khủng, vì đói nên chúng phải uống nước thay cơm tới khi cạn nước chúng chết từ từ vì đói và hơi nóng từ ánh nắng mặt trời. Mấy năm sau, khi lũ mọi pốt phải tháo chạy vì bộ đội Việt Nam tiến vào Siemriep thì người dân mới được quay trở về nhà cũ của mình. Mấy trăm người đi, chỉ còn chưa tới trăm người còn sống quay lại đây, những người này dọn dẹp lại những căn nhà theo sự chỉ đạo của chính quyền mới, khi tới chiếc bể, mở nắp bên trên ra, lúc đó là chiều tà, những người có mặt kể lại… một luồng hơi trong đó rất mạnh thốc ra lạnh buốt kèm theo một thứ gì đó như làn khói trắng nhanh chóng bay vút vào khu cây cối rậm rạp phía dưới, có tám bộ xương trẻ em chết trong nhiều tư thế… nhưng điều kinh sợ nhất là trong miệng một bộ xương trẻ em còn có có một những đốt xương bàn tay khác… có lẽ những đứa trẻ chết trước phân huỷ, những đứa chưa chết vì đói quá bốc cả xác chết phân huỷ để ăn… nên mới có cảnh những đốt xương tay trong miệng như vậy.

Sau đó thì khu nhà này giống như nhiều khu khác… đủ thứ chuyện ma quái diễn ra suốt thời gian dài, như theo người dân nói thì đêm những linh hồn vật vờ đi dọc hành lang gào rú, hay giữa ban ngày chúng xông vào nhà và tranh đồ ăn với cả những người sống trong đó… đồ ăn đổ tung tóe và thối rữa rất nhanh… Còn ban đêm thì giữa sân rộng đó vẫn còn những bóng ma không lành lặn lò dò bước, hay bò lết dưới đất trong ánh trăng rõ mồn một, những tiếng hét của cả trẻ em và người lớn thỉnh thoảng lại vang vọng trong khu nhà này. Tôi đã được nghe những tiếng hét đó vào một đêm ở đây, đầu tiên là tiếng một người đàn bà, sau đó là tiếng trẻ em kéo dài nghe như tiếng còi vang vọng ngay hành lang trước nhà anh Lợi, tôi mở cửa lao ra ngoài thì ngay lập tức tiếng hét ngưng bặt như cái loa bị mất điện… ban đêm rất nhiều tiếng bước chân râm rập lên xuống cầu thang, có những tiếng chân nhẹ nhàng như tiếng chổi, những tiếng bước nặng như lính duyệt binh, những tiếng như chân trần chạy vút… Ban ngày dù nắng như lửa và nóng hầm hập, nhưng đi ở những hành lang hay nhiều những ngôi nhà bỏ không chưa có ai ở… vẫn thấy lạnh rùng mình và mồ hôi toát ra.

Khi vào những căn phòng bỏ không này luôn có cảm giác như có rất nhiều cặp mắt theo dõi mình, thỉnh thoảng không có gió nhưng trong góc phòng hay buồng kín, hoặc hành lang vẫn có những xoáy gió nhỏ tung bụi rác liên tục bốc lên. Và những luồng gió từ đâu vẫn cuộn lên trong những căn phòng trống hoang lạnh…

Tôi đã lên tận cái bể oan nghiệt đó, nó vẫn bỏ không, người ta không bơm nước vào đó nữa, chỉ có ba bể bên cạnh có nước, nắp bở mở một mùi gì đó trong bể vừa mốc mốc vừa thum thủm, dưới nền vẫn còn những vết nâu nâu mờ mờ, những giấy bùa chú, tàn hương, vàng mã mốc đen còn sót lại, người dân ít lên đây, nhưng lạ là những bậc thang xây bằng gạch lên bể vẫn sạch sẽ như là hàng ngày vẫn có lũ trẻ chơi ở đó.

Ở phía dưới hồ nước thì khác, hồ nước trong vắt chỉ hôm nào trở trời mưa nó mới nổi một lớp váng bọt màu xanh lục và những bong bóng trên mặt, dưới đó vẫn còn hài cốt, cả trẻ em và người lớn, cả những người Việt Nam…

Khu rừng cây xung quanh âm u, trái chín rụng đầy gốc, chỉ có gió xào xạc cùng tiếng chim, ít người dân lui tới đây vì những câu chuyện của những người ở đây kể lạị… đêm đêm rất nhiều những hồn ma vẫn lặng lẽ mò mẫm ở nơi này, nhặt nhạnh những trái chín rụng để ăn…

Người dân ở khu nhà đó có vẻ rất sợ hãi khi nhắc tới Ăngka cụt tay chột mắt đã bị anh cựu lính CH bắn chết đó… phía dưới toà nhà, đằng sau là con đường nhỏ có hàng cây dầu, có một am thờ, tôi có một lần nhìn thấy người dân ra đó thắp hương nhang, và bày đồ cúng bái gì đó, sau khi đến đó hôm thứ hai, ban đêm hai anh em không ngủ mà rủ nhau lọ mọ đi quanh quẩn khu bờ hồ và những hàng cây ăn trái, dơi rất nhiều, ban ngày thì quạ… quạ bay như chim bồ câu trên quảng trường Đỏ ở Nga vậy… rợp trời, đen thui, kêu quang quác khi thấy người.

Đêm ở dưới bờ hồ cảm nhận rất rõ sự lạnh lẽo của âm khí chứ không phải thời tiết, không gian im ắng đặc quánh… anh em tôi ngồi trên một chiếc ghế đá sứt mẻ, im lặng hút thuốc và kín đáo ngó quanh. Tầm 2 giờ, anh T khẽ bấm tay tôi, tôi liếc mắt theo hướng anh vừa hất đầu nhẹ nhẹ… Cách chỗ chúng tôi ngồi chừng 20m, ở đó là mép xuống hồ nước, người ta xây hàng rào thấp cỡ ơn đầu gối chút và những bậc tam cấp dẫn xuống một sân nhỏ sát bờ nước… có hai hình bóng đen thui họ đang loay hoay làm gì đó nhưng lạ là có tiếng khoát nước lũm bũm nhưng mặt nước hồ tuyệt nhiên không hề xao động… Tôi lia mặt lên bờ phía trên, nơi đó có một cây xoài, rất to, thấp, trái rất nhiều, nhỏ thôi chín có màu đỏ đỏ và ngọt như xoài rừng ở Đông nam bộ… ban ngày tôi đã nhặt một trái ăn thử. Ngay dưới gốc cây là chỗ người ta đã chôn những hài cốt vương vãi trong khắp ba dãy nhà này và những hài cốt ở mép hồ này, có một am nhỏ ngay dưới gốc cây… Xung quanh am đó thấy thấp thoáng rất nhiều bóng đen thui thập thò, thập thò… cả to cả nhỏ, khi anh em tôi đứng dậy bước lại gần thì lại chẳng thấy gì, trăng sáng nhưng dưới gốc cây tàn cây che bóng tối hù… tuyệt nhiên không có gì. Thỉnh thoảng trong vườn cây lại có những tiếng rúc rích rất lạ, anh Lợi nói nhiều người dân quanh đây vẫn thường thấy rất nhiều “bóng” ở đó, họ thường nhặt trái cây rụng để ăn… tôi không nhìn thấy, chỉ thấy vài bóng đen lom khom làm gì đó dưới mép nước và thập thò quanh gốc cây.

Lúc quay về, tầm 3 – 4 giờ sáng khi đi qua cái am thờ cả hai giật thót người, giữa đường một bóng người đen thui, cao to đứng sừng sững… hai tay buông thõng thẹo, đầu lắc lư, lắc lư… chúng tôi dừng lại, hai bên nhìn nhau tới mấy phút… rồi thoắt cái cái bóng đó bám lấy cây dầu leo lên rất nhanh với kiểu leo quái dị không phải của con người… hai anh em nhìn nhau vã mồ hôi, anh T lẩm bẩm “đ… biết nó là ma hay quỷ nhỉ”

Hôm sau kể chuyện với anh Lợi và chị Thên vợ anh, người gốc khơme, chị hoảng hốt bảo chúng tôi “Tà đó, tà Sêm chuôl đó” Sêm chuôn chính là kẻ chột mắt bị anh lính nguỵ năm xưa bắn chết, ở đây người dân vẫn kinh sợ con thú đó và phải lập hẳn cho nó một am thờ, rất cầu kỳ với vòm cong và nóc nhọn vút… à… ra là cái am đó thờ tên này, anh T lẩm bẩm, được rồi tối tao xuống.

Tối sau khi ăn uống xong, anh em tôi mò xuống dưới am thờ. Anh T đủng đỉnh lấy bó hương châm lửa sau đó cắm hết xuống bên đường mà không cắm vào bát nhang trong am, sau đó anh đứng trước am thờ dõng dạc, Anh em tao là lính Việt Nam, qua đây chơi, đêm qua có gặp mày rồi, mày là loại thú vật đ… phải là con người nên không cần phải thờ phụng làm gì, hôm nay tao giải tỏa cái miếu của mày cho mày biến luôn, còn quay lại phá dân lành lần sau tao qua tao tìm bằng được mày đóng đinh mày muôn đời dưới đất, nghe chưa (nguyên văn câu anh Tân nói) rồi anh cầm cái túi nãy xách theo, mở ra lấy cây búa 5kg anh thản nhiên vung búa đập bay cái chóp nhọn và những viền cong quanh mái, anh quay ra hất đầu bảo tôi. Làm… tôi còn đang ngơ ngác, thì anh thản nhiên tung chân đá bay bát hương, vung búa đập thẳng vào tấm bia màu đen bên trong… tôi giúp anh đập nốt mấy bức tường… dân đó thấy sự lạ, chỉ dám đứng xa xa ròm, rụt cổ sợ… đám người mỗi lúc mỗi đông và nhích lại gần hơn xem… anh T ngừng tay đứng nói to… Tôi là bộ đội Việt Nam hôm nay đập bỏ miếu thờ thằng chột này, nó không đáng để mọi người thờ, nó còn quấy nhiễu bà con, lần sau tôi quay lại tôi rút gân con thú này, pốt sống tôi còn oánh cho chết, nữa là thằng pot chết này, bà con yên tâm, nó trả thù tôi chịu… xong anh bắt quyết trấn, rồi đủng đỉnh rút thuốc lá châm hút tỉnh bơ trước ánh mắt mọi người. Hai anh em lên nhà chào anh chị Lợi rồi đi, vì xe đang đợi.

Hơn 30 năm rồi, anh Tân vẫn khỏe mạnh bình thường… anh đã về hưu, vui thú điền viên có dâu, rể cháu chắt đầy nhà… tôi vẫn lang thang.

Chuyện đã hơn 30 năm, nay kể lại cho mọi người nghe chơi.

Chương trước Chương tiếp
Loading...