Chuyến xe bus số 13
Chương 34
Trông thấy hai cái quan tài giấy, tôi lập tức nhớ đến gã chủ quán đồ tang lễ, ban ngày đi mua quan tài, hắn đã chọc tôi tức điên, còn chưa tìm hắn tính sổ, hắn đã đến đây để khiêu khích mình.
Lão Lưu nhìn hai cái quan tài giấy thì đột nhiên sắc mặt đại biến. Đã trải qua nhiều chuyện cùng Lưu Khánh Chúc, trước giờ lão luôn giữ một thái độ bất kinh, giờ lại biến sắc như vậy, là lần đầu tiên trông thấy. Không hiểu thế nào, tôi đẩy tay lão, hỏi: “Lão Lưu, ông sao thế, hiếm khi thấy sắc mặt ông khó coi như vậy.”
Lưu Khánh Chúc giơ cây gậy chỉ chỉ vào hai cái quan tài, nói: “Không ngờ ở một nơi nhỏ bé, lại có đồ vật tổn hại âm đức như thế này!”
Tôi kinh ngạc: “Lão Lưu, đây chẳng phải chỉ là hai cái quan tài giấy thôi sao, có gì khác nhau, hơn nữa tôi thấy tay nghề gấp giấy cũng không cao.”
Lão Lưu nhìn tôi, trầm giọng nói: “Ngươi đã thấy ai bán quan tài giấy bao giờ chưa? Hơn nữa âm khí trên hai cái quan tài này rất nặng, hình như nó từng được bồi táng.”
“Bồi táng?”
Tôi sửng sốt, hỏi tiếp: “Ý ông, hai cái quan tài này được đào dưới mộ lên?”
Lão Lưu gật đầu: “Bồi táng quan tài giấy rất hiếm thấy, được chôn cùng với quan tài gỗ của chủ nhân, chủ nhân chết càng oan thì oán khí càng mạnh, thời gian càng lâu, âm khí càng nặng.”
Nghe lão Lưu nói, tôi nổi da gà: “Lúc sáng tôi và cháu trai của Lý thẩm đi mua quan tài, thấy gã chủ chướng mắt, còn cãi nhau với hắn vài câu, không ngờ hắn lại ngấm ngầm giở trò!”
Vừa nói tôi vừa nhấc chân định đá hai cái quan tài đi. Lão Lưu vội giơ tay cản lại: “Đừng manh động, thứ này mang sát khí chết người, không phải cứ tùy tiện vứt đi là xong đâu!”
Nói xong, lão bảo tôi vào phòng kiếm tấm vải, gói hai cái quan tài mang vào trong sân.
“Lão Lưu, mang nó vào sân là xong à? Đây cũng gọi là xử lý sao?”
“Không có cách nào tốt hơn để xử lý quan tài giấy. Lý do nó không bị phân hủy trong mộ là bởi được nuôi dưỡng bằng âm khí, phơi nó dưới ánh mặt trời hai ngày, nó sẽ tự phân hủy.”
“Thế nếu không xử lý, nó sẽ có hậu quả gì?”
“Thứ này âm khí nặng nề, hơn nữa sát khí chết người, ai mà không đủ vận khí sẽ chết oan uổng!”
Nói xong câu này, lão trầm mặt đi vào phòng. Vốn dĩ vừa mới biết rõ bí mật của Quan Quân, đang nghĩ ngày mai có thể quay về lật bài ngửa với lão Vũ, ai dè giờ lòi ra hai cái quan tài giấy, lại phải đợi hai ngày sau khi nó phân hủy mới được đi.
Sáng hôm sau, lão Lưu bèn bảo tôi dẫn đến cửa hàng đồ tang gặp gã chủ quán. Đang trên đường đi thì gặp đám đưa tang nhà Lý thẩm, đoàn người mặc áo trắng khóc không thành tiếng, khiến ai cũng thương cảm, Lý Cương đi phía trước, bên cạnh anh ta là một bé gái chừng năm, sáu tuổi.
Con bé không khóc, lúc đi ngang qua người tôi nó còn mở to mắt nhìn, đến khi đoàn đưa tang qua hết, nó vẫn ngoái đầu lại ngó tôi.
Một lát sau thì chúng tôi đến cửa hàng đồ tang lễ phía đông, cửa lớn mở toang, trong sân bày ngay ngắn bốn cỗ quan tài cùng một ít hình nhân. Lão Lưu từ lúc vào sân thì cứ cau mày, tôi lo lắng hỏi: “Lão Lưu, ông nhìn thấy vấn đề gì?”
Lưu Khánh Chúc không nói chuyện, cất bước đi vào trong cửa hàng. Nhà không rộng lắm, vừa vào cửa, chất đầy những vòng hoa tang, bên trái có một cánh cửa nhỏ, chắc là phòng ngủ của gã chủ. Hôm qua vội về, cũng không để ý, góc hành lang chất hàng không được rộng, hóa ra còn để một cái quan tài màu đen.
Cỗ quan tài đen này có sự chênh lệch lớn so với bốn cỗ quan tài trong sân. Kích cỡ dài hơn mấy phân, phía bên ngoài cũng được trạm khác những hình vẽ quái lạ. Đang định lại gần xem thì lão Lưu túm chặt lấy tay tôi, quay đầu đang định trách móc bỗng đột nhiên phát hiện, gã chủ đang đứng ở cửa, nhìn chúng tôi chằm chằm.
“Ai da, đây chẳng phải tiểu ca hôm qua ư, sao, đến mua gì à?”
Gương mặt gã lấm la lấm lét, lúc nói chuyện, thi thoảng lông mày còn nhướn lên, khiến người đối diện khá là khó chịu. Tôi hậm hức đáp trả: “Tới tính sổ. Tối hôm qua có phải ngươi gửi hai cái quan tài giấy đến chỗ ta?”
Gã chủ hàng nghe thế thì tỏ ra vô tội, cười nói: “Tiểu ca, cậu nói đùa. Nhà tôi trước giờ đều làm quan tài gỗ, lấy đâu ra quan tài giấy?”
Vừa định mở mồm chửi thì lão Lưu xua xua tay, nhìn thẳng vào mắt gã, nói: “Bồi táng quan tài giấy tổn hại âm đức lắm, nếu ngươi không muốn chết quá thảm, thì dừng lại đi!”
Dứt lời, Lưu Khánh Chúc rảo bước ra bên ngoài, tôi vội chạy theo, lúc xoay người đi ra còn quay đầu lườm gã một cái. Nhưng khoảnh khắc này, ánh mắt chợt lướt qua cỗ quan tài màu đen, tôi bất giác thấy nó động đậy…
Ra khỏi cửa, lão Lưu cứ cắm đầu đi về phía trước, tôi bước nhanh lên, hỏi: “Lão Lưu, không sai được, tối qua chính là hắn đặt hai cái quan tài giấy trước cửa.”
Lão Lưu lắc lắc đầu: “Trên người hắn không có âm khí, không phải hắn đặt.”
Câu trả lời của lão hoàn toàn nằm ngoài dự kiến. Gã chủ cửa hàng tang lễ này, sự xảo trá lộ rõ trên mặt, không phải hắn thì là ai được?
Lão Lưu không giải thích nhiều, chỉ nói là có thời gian, lại phải đi một chuyến. Trên đường về nhà trưởng thôn, lại đi qua cái cây liễu đại thụ, vừa hay thì gặp bà lão họ Quan đã cho chúng tôi ở nhờ. Bà lão cõng cái bao tải phình phình trên lưng, bước đi vội vã. Vốn vẫn luôn thấy bà lão đáng thương vì sống cô độc một mình, nhưng từ khi nghe trưởng thôn nói, tôi không còn cảm tình với bà ấy nữa. Bà cụ cũng chẳng thèm ngẩng đầu nhìn chúng tôi, đi qua chỗ rẽ vào nhà.
Trưởng thôn nghe chúng tôi bảo ở lại nốt hai ngày nữa sẽ đi thì rất vui, bữa cơm còn cố ý gắp thêm thứ ăn. Rượu uống mấy ly, trời cũng đã tối, chúng tôi vừa tán gẫu vừa xem TV.
Chợt nghe bên ngoài cửa lớn có tiếng gọi trưởng thôn, lát sau thì một thanh niên xông vào, mồ hôi đầm đìa nói: “Không hay rồi trưởng thôn, chú Trương phía thôn Tây cũng xảy ra chuyện!”
Chén rượu vừa nâng lên, lập tức đặt xuống bàn.
“Xảy ra chuyện gì, cậu nói rõ xem nào.”
“Lúc tôi chú Trương xuống nhà kho lấy đồ, hình như cũng bị rắn cắn!”
Nghe dứt lời, trưởng thôn vội đứng dậy chạy nhanh về phía nhà chú Trương. Quả nhiên chú Trương cũng chết y như dì Lý, phía dưới tai có hai dấu răng nhỏ xíu. Đám đông bận rộn chuẩn bị tang lễ, chợt có người ngoài sân kêu: “Cái quan tài giấy này ở đâu ra?”
Tôi với Lưu Khánh Chúc vội chạy ra xem, trên nóc tủ trong nhà kho, có một cái quan tài nhỏ được gấp bằng giấy. Mà cái quan tài này chính là cái tôi nhìn thấy trước cửa phòng tối qua, quan tài giấy bồi táng!
Lý Cương cũng ở đây, trông thấy thì kinh ngạc nói: “Hôm qua trong kho nhà tôi cũng có cái này, còn tưởng là ông chủ quán đồ tang mang đến.”
Hai vụ án mạng đều xuất hiện quan tài giấy, đám thôn dân vừa nghe thì thần sắc hoảng sợ.
Sáng hôm sau, mặt trời vừa lên lão Lưu đã thần thần bí bí thu xếp đi đến nhà bà cụ thôn Tây. Tôi cũng chẳng kịp hỏi, vội vàng đi theo. Ban ngày khác ban đêm, gan tôi cũng to hơn, đi vào trong sân, ghé cửa sổ nhìn, thấy bà lão đang ngủ.
Người già thường sinh hoạt rất có quy luật, gần 10h sáng mà bà lão vẫn còn ngủ thật ít thấy. Lão Lưu cũng nhìn thoáng qua cửa sổ rồi đi ra, tôi hỏi: “Lão Lưu, bà cụ ngủ thì có gì mà phải đến xem chứ?”
Lão Lưu ẩn ý nói: “Ngươi không thấy bà ấy mặc quần áo ngủ sao? Ta đi dặn nhà Trương gia và nhà Lý gia phơi quan tài giấy, ngươi nhớ lát nữa lại đến một chuyến nhé!”
Tôi chả hiểu gì cũng gật đầu.
Ăn cơm trưa xong, đầu giờ chiều, lão Lưu liền đi xử lý những cái quan tài giấy trong thôn, tôi theo lời lão dặn, lại chạy tới nhà bà lão lần nữa.
Lạ một điều là, bà lão vẫn đang ngủ. Trong lòng thắc mắc, ngủ nguyên ngày, tối qua bà ấy bị mất ngủ à? Quay về, trên đường gặp khá đông thôn dân đang túm tụm bàn tán, sắc mặt có vẻ hoang mang, tôi bèn ghé lại hóng hớt.
Vừa nghe thấy thì liền giật mình, từ tối qua đến giờ, chỉ một ngày mà trong thôn có tới 5 nhà phát hiện quan tài giấy. Hai hộ đầu tiên nhà họ Lý và họ Trương đã có người chết, điều này khiến người dân trong thôn không khỏi hoảng sợ.
Lão Lưu thì càng vội vã hơn, tự mình đến từng nhà phát hiện quan tài giấy để giúp xử lý. Rất nhanh một ngày nữa lại trôi qua…
Tối đến, lão Lưu còn chưa ăn đã lôi tôi ra ngoài, tôi khó hiểu hỏi: “Lão Lưu, nói rõ trước đã, đi đâu?”
Lão trầm mặt xuống: “Đến nhà bà lão họ Quan!”
Đây đã là lần thứ ba trong ngày đến nhà bà lão, hai lần trước bà ta đều đang ngủ, chuyện này làm tôi cảm thấy nhàm chán.
Tới nơi, nấp sau đống cỏ khô, tôi ngáp một cái định tựa vào đống cỏ mà nhắm mắt nghỉ ngơi, chợt lão Lưu đẩy đẩy tay: “Nhìn kìa!”
Bò dậy xem thì thấy cuối cùng bà lão cũng đã đẩy cửa bước ra ngoài. Bà ta vẫn mặc bộ quần áo lúc sáng, sau lưng đeo cái bao tải, vội vội vàng vàng đi về phía triền núi hướng tây. Chưa kịp mở mồm hỏi thì lão Lưu nói: “Ngươi có nhớ trưởng thôn đã từng nói, bà lão này tình thần không tốt, thường lên núi bới mộ không?”
Tôi mở to hai mắt, gật đầu: “Nhớ, tôi còn ăn thịt bà ta nấu. Chẳng lẽ bà ấy lên núi bới mộ tìm thịt ăn?”
Lão Lưu lắc đầu: “Ta hỏi trưởng thôn rồi, trong thôn gần đây nhất chỉ có hai người chết là chú Trương và dì Lý, trước đó ngày nào bà lão cũng lên núi, theo ta đoán thì không phải là đi tìm thịt!”
Đang nói chuyện thì bà lão đã vòng qua chỗ rẽ nơi cây liễu, tôi với lão Lưu vội đuổi theo. Đi theo một hồi, quả nhiên bà lão lên một khu toàn mộ phần. Có điều phần lớn ở đây đều là mồ mả tổ tiên lâu đời, thậm chí còn có mộ hoang không bia đá. Những người chôn dưới các nấm mộ này sớm đã phân hủy chẳng còn gì, bà lão không phải đi tìm thịt thật, vậy bà ta bới mộ nhằm mục đích gì?
Hai chúng tôi nấp rình xem, chẳng bao lâu bà lão đã bới một ngôi một lên, lấy bên trong ra thứ gì đó. Tôi cố gắng nhướn cao cổ lên nhìn, hóa ra không phải cái gì khác, mà chính là thứ khiến lòng người hoang mang mấy hôm nay, quan tài giấy bồi táng!
Lão Lưu khẽ gật đầu: “Quả nhiên là ta đoán đúng.”
Tôi cũng bừng tỉnh đại ngộ: “Hóa ra không phải gã chủ quán tang lễ giở trò thật, đều là do bà lão này bới ra, nhưng vì sao bà ấy lại mang quan tài giấy đặt vào nhà người ta.”
Lão Lưu lắc đầu, nói một câu khiến tôi giật mình: “Ngoài bà ta và tên chủ quán kia, trong thôn còn có một người chuyên phụ trách việc giao quan tài giấy!”