Cô gái đi xe đạp điện
Chương 10
…
“ Mày là khắc của cả cái nhà này, rồi chúng tao đến mạt vận vì mày thôi… ” – Mẹ chỉ thẳng tay vào mặt nó xỉ vả.
“Số cậu không hợp thổ, sau 2 giáp thì không bao giờ có thể ở trong nhà được quá nửa năm… Gia đình nên tính chuyện cho ra ở riêng…” – Mụ đồng cốt nói giữa làn khói mờ mờ ảo ảo của hương trầm trong phủ X, phủ của tất cả các dân anh chị đất Hà Thành đều phải qua thắp hương vái tổ trước khi lập nghiệp… Nhà nó vẫn giữ thói quen đến đây xem điều hay sự dở.
“ Mày khôn mày lớn thì bước ra khỏi nhà tự kiếm ăn, đừng ở đây phá nữa rồi kéo cả nhà chết theo mày, cútttt…” – Chị nó mắt mòng mọng nước vừa nói vừa nấc…
Tất cả những hình ảnh ấy xoáy sâu vào đầu, quay loạn lên như chong chóng, nó cảm giác như mình đang tụt xuống một hố sâu thẳm và hút, tay chân cứng đờ, mắt tối dần và nghẹt thở. Nó muốn vùng vẫy, muốn nói gì đó, muốn biện minh với mọi người, nó đang làm gì? Nó đã làm gì để mọi người phải xua đuổi nó? Nó muốn gào lên rồi như có bàn tay ai đó bóp nghẹt lấy cổ họng.
Chát!…
Mặt nó đau rát nóng bỏng… hai mắt mở bừng, nhìn cái ánh mờ mờ xuyên qua rèm trên cửa sổ… nó tạm thời chưa thể đoán được giờ là chiều hay sáng. Đưa cánh tay lên quệt ngang trán… ướt sũng. Nó với tay tắt cái điều hòa đang ở mức 16 độ, thảo nào lạnh quá, lạnh tận tới xương sống lưng.
– Mày đừng để lạnh quá thế, 26 độ thôi, cảm lạnh đi mẹ nó bây giờ.
– Em đắp chăn lông mà. Kệ em. – Nó dụi mắt càu nhàu. Cố cãi vớt thêm.
– Tiền điện ai trả? Tháng vừa rồi 5 triệu tiền điện đấy, mày liệu mà…
– Tháng sau chị đưa em 5 triệu tiêu thôi, còn đâu để mà đóng tiền ăn với tiền điện, được chưa? – Chưa để chị nó hết câu nó đã hậm hực cắt lời, mới sáng sớm mở mắt ra đã chạm tới chuyện tiền nong.
– Đấy là tao nói thế, dạo này mày bóng đè hơi nhiều đấy. – Chị thấy nó căng đành đánh trống lảng.
– Vầng.
– Hay đi xem đổi hướng giường.
– Vẽ chuyện, để tiền ấy để đóng tiền điện.
– Mày rõ dở hơi…
– Chị này… – Nó tự nhiên lại thở dài – Năm nay em 24 phải không?
– Cả mụ là 25 rồi.
– Thế là trên 24… – Nó nhìn vào … tường nhưng ánh mắt xa xăm.
– Thì sao? Tính đánh đề hả? Nam thò nữ thụt, sinh dữ tử lành.
– Không – Nó bỏ qua cái câu đùa châm chọc của chị – Tại dạo này em thấy mơ cái gì đúng cái đấy. Chẳng biết sao nữa, cứ như cái điềm…
– Hay giờ lên phủ thắp hương với chị đi?
– Nhưng em buồn ngủ quá – Nó lại phụng phịu nằm cắm mặt xuống giường, chổng mông lên giời.
– Đi… Từ lúc về tới giờ mày chưa lên lễ tạ đâu đấy – bà chị kéo tay nó lôi xềnh xệch ra khỏi giường như lôi cái bị rách.
Cuối cùng thì phần vì chị lèo nhèo quá nhiều bên tai, phần vì cái đức tin vào ma quỷ thánh thần cũng khiến nó phải dậy mà lò dò chuẩn bị vào phủ.
Phủ là một tòa nhà 7 tầng tọa lạc trên 1 con phố cổ ở nội thành. Cả 7 tầng nhà ấy được chủ nhân của nó ưu tiên cho việc thờ phụng với các phòng riêng biệt giữ các chức năng khác nhau. Hầu đồng, bói, xem quẻ, xem tướng, thờ phụng, giải hạn, làm lễ, xem phong thủy… đều nằm hết ở đây. Tầng trên cùng là ban thờ các loại, nó đi một vòng dọc từ ban sơn trang qua ban mẫu rồi vòng sang tam bảo, trần triều và quan âm bồ tát, căm hoa, thắp hương dâng lễ, thay nước ở mấy cái chén cáu bẩn đen ngòm và tự nghĩ “ Thánh sẽ uống nước bằng cái này sao”…
Không khí nóng và ngột ngạt, cảm giác khó thở hơn bình thường như có hòn đá tảng đè lên ngực mỗi khi nó ở đây… không đúng hơn là giống cảm giác mỗi lúc bị bóng đè. Chị nó lí giải cho cái cảm giác đó là vì âm khí ở đây nặng, vong lởn vởn khắp nhà, nó hy vọng là không phải thế không chắc nãy giờ nó dẵm lên chân cả chục vong rồi, vong lại quở thì bỏ bố…
– Năm nay có hạn lớn đấy – Bà đồng già nheo nheo mắt nhìn nó.
– Cháu năm quái nào chả có hạn.
– Kiên, ăn nói tử tế – Chị quắc mắt nhìn nó thì thầm, rồi quay sang nhỏ nhẹ – Cả hai chị em cháu hả bác?
– Cả hai đứa, thằng này bị họa sát thân, chú ý sau lưng có kẻ đâm lén, còn mày họa tai ương thôi nhưng khổ tâm đấy.
– Có làm lễ được không hả bác?
– Lễ lạt chỉ là cái cớ bình tâm, tai ương đi qua là không tránh khỏi, có người biết trước thì lo sợ, có kẻ biết trước thì vững tâm đối mặt. Không giải được đâu.
Nó bắt đầu chả quan tâm vào mấy câu nói của mụ đồng già nữa mà quay sang ngắm nghía “điện”, nó sợ ma, nhưng ít mê tín. Mẹ nó và chị thì khác, cực tín cơ mà lại đéo sợ ma. Mấy cái câu nói của bà ấy đối với nó ngang mấy định lý toán học hay vật lí gì đó, có nghĩa là sẽ không tiếp thu vào đầu được mấy. “Mẹ tổ, con mãng xà kia to vật, không biết bằng nhựa hay là giấy bồi nhỉ? Kinh chưa, nhìn cái lớp vàng mạ kia ảo ảo, thế mà lần trước bà ấy chém là dát vàng thật hết hơn 3 chỉ. Đùa chứ, hương trầm thơm vãi, trầm thật hay trầm giả ấy nhở? Lúc nào bảo mẹ mua đốt cho sang bàn thờ”… Đấy mới chính là những suy nghĩ đang hành hung tâm trí nó lúc bấy giờ…
“Tít tít tít…”
Tiếng điện thoại của nó nổi bật hơn cả giữa không gian tĩnh lặng tràn đầy tiếng thì thầm thủ thỉ như vong của bà chị với mụ đồng già. Chị nó nhăn mặt còn bà ấy khẽ lầm bầm đủ cho 2 chị em nghe thấy về phép văn minh lịch sự chốn công cộng. Nó giả vờ ngượng nghịu gãi đầu, gãi tai rồi cắp mông ra ngoài đọc tin nhắn.
“ Anh đang làm gì?” – “áo trắng” nhắn, đệch, nó cũng không hiểu là trong lúc say sưa hay là ngáo ngơ gì mà nó lưu số điện thoại con ranh ấy là “áo trắng” – tí nữa đổi.
“ Đang đi lễ? Làm sao?” đang định gửi tin nhắn xong nó lại thấy áy náy khi tỏ thái độ với sự quan tâm của con bé một cách cụt ngủn và cục cằn thế nên đành thêm câu hỏi vớt “ Thi tốt không?”
“ Dạ tốt”
“ Thế mày nhắn cho tao làm gì? Trả thẻ hay đòi túi”
“ Dạ không, em không được nhắn tin ạ?”
“ Tốt nhất là thế”
“ Anh có rảnh không?”
“ Không, làm sao?”
“ Không sao ạ, em hỏi thế thôi”
Nó rút điện thoại ra gọi thẳng:
– Nghe tao nói này, tao không biết mày đang nghĩ cái đéo gì, nhưng tao và mày hoàn toàn không có quan hệ gì với nhau, hiểu không? Đừng có lăn tăn vì chuyện tao nói mày giống đứa nào, hay là hôm ấy tao làm gì mày? Mày đừng có lèo nhèo nhắn tin hay gọi điện cho tao, tiền cảm thấy không trả được thì tao cho. Thế nhé, tao không muốn dây vào mấy loại tiểu thư như chúng mày.
Rồi nó hậm hực cúp máy một cách vô lí.
“ Tít tít tít”
“ Em xin lỗi…”
Dai như đỉa đói, nó rủa thầm. Rồi tắt sụp nguồn đi xong quay lại phòng với chị, thấy chị chắp chắp vái vái đặt mấy tờ 500 xanh lè vào đĩa, nó đoán chừng mình lại chậm chân, buổi đi lễ có lẽ đã thành công mỹ mãn.
Trên đường về nhà nó mới bật máy lên, may mắn là không có cuộc gọi nhỡ nào. Thực ra thì cũng chẳng có, việc làm ăn của nhà bấy lâu nay do mẹ và chị nắm giữ, sim của nó chẳng hơn cái rác là mấy, nếu có gọi nhỡ thì cũng không phải là cuộc điện thoại quan trọng hoặc là của mẹ, hoặc là của chị hoặc là nhầm máy, à mà thiếu giờ thì cũng có thể là của một đứa giời ơi đất hỡi nào đó.
“Tít…tít…tít…”
Chị ngó qua một cái rồi hỏi…
– Lại con kia à?
– Vâng, dai như đỉa đói. – Nó lẳng cái điện thoại ra ghế sau chả buồn đọc.
– Tao đọc nhé?
– Tùy chị.
– “Em đợi anh ở chỗ cũ, em đang buồn quá, chẳng biết nói với ai, nếu anh không đến cũng đừng mắng em nữa nhé, em cảm ơn nhiều” – Chị nó dõng dạc đọc to.
– Thôi xóa hộ em.
– Hôm qua đi gặp nó à?
– Vầng.
– Có vui không?
– Không.
– Nói thật nhé.
– Sao ạ?
– Cứ thấy nhắc tới nó mặt mày lại hơi cười cười.
– Không có đâu chị.
– Tại sao chứ?
– Sao cái gì? Em bảo không sao mà.
Im lặng
– Thực ra – rồi nó lại là người lên tiếng trước – Em thấy con bé ấy cũng chẳng giống, chị có biết không khi em thấy nó ở trường, mặt nó non choẹt và khác hoàn toàn, chẳng qua lúc đấy, cái lúc mà nó xuất hiện, cái lý do mà nó tới đấy cứ như là được dàn xếp sẵn, giống y như ngày xưa, rồi hoàn cảnh gia đình, rồi cái trường nó học cũng thế, mọi thứ y hệt… khiến em cứ ngờ ngợ, thật ra nó không hề giống, không hề giống chút nào – nó lẩm bẩm một mình – hoặc có cái gì đó giống cũng rất gượng ép… Đờ mờ, em dài dòng vãi lờ, đại khái em không muốn quan tâm.
– Ừ, tùy thôi.
– Haizzz… – Nó thở dài.
– Thế có qua với em nó chút không?
– Để làm gì ? Chị dở hơi à?
– Nếu đã không coi nó là gì thì đừng suy nghĩ quá như thế, coi như là đi gặp một đứa em đi, tao thấy nó cũng có chút gì đó…à ừm…lạ lạ.
– Thôi em nhường chị.
– Thế để tao đi.
– Vầng.
– Chỗ cũ là chỗ nào?
– Biết được nó, cứ như là em với nó hẹn hò nhiều lắm rồi ý, có 3 lần gặp nhau 1 ở bar, 1 ở quán phở 1 ở quán trà sữa.
– Alo, em đang ở đâu?
Nó giật bắn cả mình khi thấy con chị tự tiện dùng cái điện thoại của nó đang vừa ngó đường, vừa định buông vô lăng giật lại thì bà ấy đã né người ngoài tầm tay của nó ừ ừ mấy câu rồi vất vội máy ném trả nó.
– Mượn tí, hì hì.
– Chị bỏ cái thói dùng chung đồ người khác đi nhé, em không thích. – Nó hằn học.
– Điện thoại tao mua mà, mày thông cảm tý. – Chị lại cười cầu tài.
Nó không nói gì bấm cửa kính ôtô cầm con điện thoại toan ném ra ngoài đường, chị nhìn thấy trợn ngược mắt nhanh tay vồ lấy ném ra ghế sau, quát inh ỏi:
– Mày làm cái gì thế? Điên à?
– Nếu vì là của chị mà chị thích là gì thì làm thì để em ném mẹ nó đi còn hơn.
– Tao xin lỗi được chưa? – Chị quát, rồi bà ấy cốc đầu nó – Mày như là tới tháng ý – Đưa tao ra quán trà sữa xem con dở hơi kia thế nào.
– Biết thế.