Cuối đời học sinh

Chương 18



Phần 18

Sau những ngày mưa tầm tã ấy là không khí thoáng đãng về ban ngày, rồi se lạnh về đêm. Tôi cũng dần dần hòa nhập với không khí mới lạ của trường tiểu học, sáng dậy sớm dụi mắt rồi đạp xe đi học, tạt qua tiệm tạp hóa mua cái bánh mì ngọt ngọt, ra chơi thì trốn tìm, đánh bài Magic, bắn bi… trưa về thì vào ông bà ăn cơm, chiều lại đi học.

Trưa nay đi học về thấy bố ở nhà đang hì hục cặm cụi với mấy chú cùng phân xưởng dưới nhà kho, tôi quẳng cặp rồi tò mò lần xuống. Một mô hình nhà sàn bằng tăm tre xung quanh là cây cối, có cả con suối róc rách chảy lên cái cội nước rồi lại trôi xuống cái hút nước bằng nhựa, đèn nháy nhấp nháy dưới thảm cỏ xanh biếc điểm thêm vài tảng đá sỏi to tướng dưới sân nhà sàn…

– Các chú với bố trưa nay không đi làm ạ? Đây là cái gì mà đẹp thế bố?

Bố tôi lau mồ hôi rồi cười nói:

– Mô hình trung thu tối nay đem dự thi ở nhà máy đấy, hôm nay Rằm trung thu con không biết à?
– Thằng cu lớn phết anh S nhỉ, lại đây chú cho kẹo này!

Ngậm kẹo trong mồm mà say sưa ngồi ngắm nghía công trình tinh xảo các chú với bố tôi bày trên cái kệ cao ngang đầu, bố tôi đi dây nốt rồi pha nước chè, nấu thức ăn. Mấy chú cắm cúi nào là làm hàng rào, nặn những con trâu bằng đất sét, chú thì vẽ trang trí mây và mặt trời kèm theo đèn led lấp lánh…

Hóa ra tối nay là trung thu, nhà máy tổ chức Tết trung thu rất hoành tráng, nào là hát hò, thi thố trò chơi dân gian, thi vẽ, thi làm mô hình (phân xưởng bố tôi thi môn này), làm đèn kéo quân, múa lân rồi nhiều thứ nói chung là rất vui, đám trẻ bọn tôi được thoải mái ăn bánh kẹo chơi bời đến khuya mà bố mẹ không cấm. Thảo nào chiều nay tôi được nghỉ học, mải mê nói chuyện nên quên mất cô giáo nói lý do nghỉ, giờ về mới biết.

Ăn vội bát cơm rồi qua nhà anh Kiên hóng chuyện, ông đang ngồi ăn cơm thấy tôi qua thì mở cửa cho tôi vào, bật TV lên hai anh em nghe nhạc rồi bàn nhau giờ tụ tập đi theo đoàn múa lân tối nay, bàn xong chạy qua nhà anh Hoàng Sa mua mặt nạ, súng nước, bóng nước và một số vũ khí để chuẩn bị cho đêm trung thu ướt át.

Đang bơm bóng (bóng nước nhé, đéo phải bóng cười) thì mẹ vào làm tôi giật mình.

– Lại bày trò đúng không? Tối nay mà bẩn về ăn roi đấy nhé!

Giấu phắt khẩu súng nước ra sau lưng, tôi cười hề hề xí xóa:

– Đâu, con bơm hộ các anh thôi, con chỉ xem thôi mà! À bố đâu rồi hả mẹ? Có con với mẹ với Đức ăn cơm thôi à?
– Bố mày đem mô hình đi dự thi trong nhà máy rồi, tắm rửa ăn cơm rồi mặc quần áo sạch sẽ để đi trung thu cho sớm, trống đang rộn rã ngoài bãi đất kia kìa!

Bãi đất trống cạnh hồ bọn tôi hay đá bóng giờ đang dựng rạp rồi linh đình đèn, trống, nhạc tùm lum khiến không khí trở nên náo nhiệt vô cùng, mấy con sư tử đang tập múa khua khua làm đám trẻ bỏ cả cơm ra vui chơi.

Tôi đá xong bát cơm, chào mẹ con đi xem sư tử sớm rồi cầm súng, mặt nạ tôn ngộ không, một túi bóng nước chạy bạt mạng qua nhà anh Kiên. Hai anh em bọn tôi tư trang đầy đủ, đạp xe qua chỗ hẹn (nhà văn hóa) rồi tụ họp với đám trẻ con các thôn đang hừng hực khí thế ra trận.

Trong khu quân sự này có tổng cộng 8 thôn, thêm 2 thôn ngoài nữa là 10 thôn, tôi và đám thôn 6 đã đầy đủ, An thì cầm khẩu súng nước to tướng, anh Kiên cũng không kém, còn có cả bình đựng dự phòng, tôi thì cầm khẩu lục bé tẹo bắn đủ ướt đít quần vì nhiệm vụ chính là báo đàm với đứng sau pháo thủ dọn đường cho team tấn công.

Đàm phán một lúc phân chia lãnh thổ rồi bắt đầu trận chiến, bọn tôi được khu sân khấu trước tôi hôn Ánh nên khá thơm, do anh Kiên oẳn tù xì thắng.

Lật cái bàn hội nghị xuống làm lá chắn, tôi ngồi cánh gà bên trái tay lăm lăm quả bóng nước căng tròn mà đợi thời cơ. Đám thôn 8 của thằng Thái hùng hổ xông lên rền vang cả toà nhà, từ mé phải sân khấu ầm ầm tiếng hô xung trận kèm theo một loạt bom nước oanh tạc vào sân khấu bọn tôi, anh Kiên cầm khẩu súng xung phong làm cả bọn nhào lên ăn thua. Tôi cũng căng cơ mà liên tục nã trả lại bóng nước, Toạc toạc từng đợt bóng qua lại làm bọn Thái từ từ lùi ra khán đài, chớp thời cơ tôi tay cầm bóng, tay cầm súng mà phun như mưa về phía bọn nó, cả lũ đang hăng máu thì bọn thôn 10 từ trên tầng hai ăn hôi ném đợt bom dữ dội vào trận địa khiến bọn Thái chạy tụt quần, bọn tôi thì trăn trối tìm chỗ núp do hết đạn với thấm mệt. Tạm hoãn binh chờ thời, khi nạp đạn xong ông Hoàng Sa xung phong lật đổ cái bàn mà dẫn đội thoát khỏi sân khấu nước ướt sũng, xuyên làn mưa bom mà tiến thẳng lên tầng 2 khi địch đã suy kiệt sức lực, không cho thôn 10 kịp nạp đạn bơm nước, bọn tôi áp đảo làm tầng 2 như lũ tràn bờ đê, chiến thắng ngoạn mục, thôn 10 đã bị loại.

Nhìn anh em trong đội ai cũng ướt mà trên môi vẫn nở nụ cười, bọn tôi chấp nhận lời đầu hàng của địch rồi tịch thu vũ khí, tiến xuống lầu 1 diệt thôn 2 đang tử thủ trong nhà kho, sau đó tiến ra sân quyết chiến với các thôn khác. Tuy nhiên thôn 5 do chọn được nhà vệ sinh, không phải lo về đạn dược với lại chiến thuật khôn ngoan nên đã đánh du kích rồi sau đó chiến thắng mà chẳng tốn tẹo công sức nào! Cả bọn cười vui rồi phân chia tù binh, vũ khí. Giả vờ ký hiệp ước gì gì đó rồi mỗi thôn một ngả đi xem múa lân khi quần áo đã tương đối khô và đầu tóc cũng thế!

Trời đã xẩm tối, tiếng trống rộn rã ngoài bãi đất trống kéo chúng tôi vào một cuộc vui mới, ngoài đường lộ dân chúng đang nô nức kéo nhau theo đoàn múa lân, ùn ùn cười nói rồi cầm xô chậu gõ inh ỏi (cảnh tượng hệt như đi bão ấy) Bọn tôi hòa vào mà reo hò khản cả cổ, đoàn lân đi từ cổng nhà máy đến trạm gác rồi tiến ra thị trấn sau đó sẽ quay đầu đến bãi đất trống trong xã để dự trung thu. Tôi, Thái, Vinh và Ánh, Nhi cùng mấy đứa nữa trong lớp, trong thôn xóm chạy lên trước cái đầu sư tử mà trêu ông múa lân, chạy lùi lại mà xoa bụng ông địa, bọn tôi đeo lên cái mặt nạ tôn ngộ không, mặt nạ ma quỷ, trư bát giới, mặt nạ siêu nhân… đi trêu đùa nhau suốt chặng đường mà không biết mệt.

Loáng cái đã hết tiết mục múa lân, bấy giờ tất cả mọi người từ già trẻ lớn bé đều tụ tập ở sân đất trống, nghe chị Hằng và chú Cuội kể sự tích trung thu, ca hát âm nhạc rồi xem kịch. Sau đó thì chấm điểm làm ông sao, làm trại hè, à quên chưa kể. Trại hè này là bên trường học trong vùng tổ chức, học sinh và giáo viên mỗi lớp ở trường cấp 2 sẽ làm 1 trại, trại sẽ đa dạng chủ đề như làm mô hình bên nhà máy bố tôi…

Theo chân ban tổ chức qua từng trại, trại thì treo ảnh Bác, trại thì đề tên nhà máy để bợ đít hay sao í, trại thì bày hoa quả khắc đủ mọi hình thù, trại thì theo mô típ mọt sách với những tủ sách ngất ngưởng như thư viện đề chữ học nữa học mãi, trại thì giàu có nào là đèn nào là nhạc inh ỏi…

Đến lượt chấm điểm mô hình của từng phân xưởng, mặc dù phân xưởng bố tôi làm vô cùng công phu, tuy nhiên vẫn ở hạng ba sau mô hình nhà máy 1: 1000, Mô hình chiến khu Việt Bắc… và nhiều mô hình đẹp nữa như là mô hình máy bay xe tăng đủ kiểu.

Bọn tôi háo hức nhất là phần phá cỗ, bọn trẻ khắp nơi ùa về như quân Mông Cổ, kể cả bọn ngoài thị trấn cũng thèm khát cái không khí đoàn kết này mà bỏ trốn vào chung vui với chúng tôi, bánh kẹo hàng tấn đổ ra từng cái chiếu, bọn tôi ngồi khoanh chân mà đánh chén, ăn chán thì lấy hoa quả ném nhau và hậu quả thì thằng ăn bạt tai, thằng thì mẹ kéo tai từ đây về đến nhà @@

Mẹ bồng thằng Đức kéo tôi qua ông bà phá cỗ rồi cả ba đi dạo vòng hồ ngắm Tết trung thu. Về đến nhà cũng khá khuya, bố tôi chưa về do đang cùng anh em phân xưởng nhận thưởng giải ba. Ngoài đường cũng vãn vãn người, tuy nhiên đoàn múa lân vẫn rất tùng tùng bên hồ.

Vừa đánh răng thì các ông mặt tưng bừng đi vào nhà, bố tôi tay xách con gà, các chú cũng lỉnh kỉnh đồ nào là xôi, thịt, thậm chí nửa cái thủ lợn khệ nệ mâm bát rượu bia, rải chiếu giữa nhà liên hoan ăn mừng. Tôi tỉnh cả ngủ vào mâm ngồi xơi, mẹ thì khá mệt nên kéo cu Đức vào phòng đi ngủ. Thế là hết đêm trung thu đầy ắp hạnh phúc của tôi, tuổi thơ sao mà vui vẻ đến thế!

Chương trước Chương tiếp
Loading...