Đầy tớ
Chương 3
Ấy mà ông chú cũng đã lân la làm quen với chú Sáu, hai người hợp cạ đến lạ.
Không biết có phải ông chú này có tài ăn nói hay không đây.
Mà như vậy thì mọi chuyện đã ổn xong xuôi. Nó tính là ngày mai lên đường, việc trì hoãn cũng lâu rồi, trễ cả tuần lận.
Tối đến nó tính chuyện rồi thưa cha nó.
Còn ông chú thì nghe tin thế cũng buồn trong lòng. Liền kéo cả hai ra túp lều trước sông ngồi nhậu. Có cả rượu lẫn con gà nướng nóng hổi, thiệt không biết kiếm ở đâu ra.
Ông chú này xưng hô tên là Thông, hành nghề buôn bán. Cái đó là nói với cha nó.
Còn bây giờ khi cả hai ngồi hàn huyên với nhau, lời lẽ lại dễ chịu hơn.
“Ơn cứu mạng này biết bao giờ mới trả hết đây…”
“Chú à, việc đó chỉ là việc bình thường mà thôi, không cần phải trả lễ đâu…”
“Cũng vậy nhưng giờ trong người không còn đồng nào lại ăn nhờ ở đậu, thật là áy náy hết sức…”
Nó cười nhẹ nhàng. Gạt ra một bên.
“Chú à, chuyện đời vẫn luôn là vậy, sau này có gì quay lại trả lễ.”
Thế rồi Thông lại hớp miếng rượu, lòng nghĩ vẩn vơ.
“Chú em sáng mai là phải đi đúng chứ, việc ở đợ làm nô cho tụi phú hộ không phải chuyện dễ dàng gì…”
Câu này có vẻ kinh nghiệm đầy mình đây.
Nó cười hề hề mà thôi. Chỉ bởi nó vẫn chưa có kinh nghiệm bao giờ.
Rồi Thông lại hỏi.
“Chú em có tính làm nghề gì chưa?”
Nó thật thà.
“Tài không có chỉ được cái khỏe mà thôi, làm sao đây”
Tự nhiên Thông lại im bặt, rồi như nghĩ ngợi gì đó.
“Anh rất mến chú em, giúp cho anh thoát được cửa tử, nghề của tụi anh xem trọng chữ tín, tình nghĩa là trên hết. Tại đây hai anh em mình kết nghĩa huynh đệ, em thấy thế nào?”
Nó cười rạng rỡ:
“Được, anh em mình kết nghĩa huynh đệ”
Rồi cả hai uống chén rượu, cúi người về mé sông mà quỳ lạy thề thốt.
Trống điểm canh hai…
“Bây giờ chúng ta đã là anh em, tình nghĩa khăn khít gắn bó, Huynh không còn giấu giếm chi nữa… Thú thực với đệ việc ta té sông để dạt về đây…”
Rồi Thông bắt đầu kể…
‘Tối đó ta cùng với đồng hương của mình tính trèo vô nhà tên quan nọ.
Hắn là tên ác ôn trong vùng, của cải đều giấu kín trong phòng, ta cải trang làm người bán hàng rong nhiều lần dò xét động tĩnh, một lần ta khui được việc hắn cất giấu vàng sau phòng chứa đồ.
Kế hoạch đã định, tối đó khuya giờ Tí canh ba ai nấy đều ngủ say.
Bọn ta tính kế đột nhập, nào ngờ đâu, đồng hương xảy chân vỡ ngói, khiến việc cả đám bại lộ.
Tức thì bọn ta chia nhau ra tẩu thoát, ta trên đường bị truy đuổi gắt gao quá liền liều mạng nhảy xuống sông, bơi được gần vào bờ thì nước chảy siết, đập đầu vào mẻ đá bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy thì đã thấy nằm ở đây.
Việc đến đây đã hết.
Cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo, đó là đạo. Không phản bội anh em, đó là nghĩa.’
Như nghe kể một hồi xong, đầu óc như muốn ù cả đi.
Nhưng rồi nó nghĩ lại, nghèo đói như nó hóa ra chẳng phải là bị lũ giàu có bóc lột đấy sao, bọn quan lại thì của cải chất đầy, những người như đại ca chẳng phải là thế lực đứng lên chống lại lũ cường hào ác bá đấy sao.
Nó liền cúi mình.
“Đại ca quả thực tài giỏi hơn người, tiếc là đệ đi sớm quá chẳng kịp học nghề của huynh…”
Thông liền đỡ nó, giọng an ủi.
“Đệ chớ lo, ta hành nghề đi đây đi đó, ắt có duyên sẽ gặp lại”
Rồi hai người lại cười ha hả. Cuộc vui kéo dài đến quá khuya.
Sáng hôm sau…
Cha nó tiễn nó ra bến đò, hai cha con bịn rịn mãi không thôi, còn đại ca nó thì an ủi nó.
“Đệ yên tâm, ta tuy đi đây đó nhưng lúc nào rảnh sẽ ghé thăm chăm lo cho cha đệ”
“Cảm ơn huynh, đệ trông cả vào huynh”
Rồi nó mới bước xuống bến đò, tay nải chỉ có độc mỗi bộ áo thay thế đã cũ sờn.
Qua được bên mé sông thì đến đường lộ chính.
Như bắt xe ngựa, ngồi chen giữa đám đông. Ngựa chạy hết hai canh mới đến nơi.
Cha nó chỉ nó rồi, khi đến nơi cứ hỏi người ta, cụ thể hỏi nhà ông Ba Huỳnh là được.
Nó dừng lại bên vệ đường, tầm mắt nó vút theo các cánh đồng lúa bạt ngàn thẳng cánh cò bay.
Không biết mấy công đất này thuộc về ai, chắc phải là người có thế lực lắm.
“Giờ phải tìm nhà lão già mới được, phải cuốc bộ thôi” – nó lẩm bẩm.
Một ông chú dắt trâu đi tới, nó mới ướm hỏi:
“Chú à, cho con hỏi nhà ông Ba Huỳnh ở đâu vậy?”
Ông chú mới ngạc nhiên:
“Sao mày nói vô lễ thế!”
“Mày phải gọi là ông hội đồng Huỳnh”
Ôi, hóa ra lão già là ông hội đồng sao, ông anh của cha nó là ông hội đồng quyền cao chức trọng đấy sao.
Nó vội cúi mình:
“Dạ con cũng không biết ạ, con lỡ mồm dại…”
Rồi ông chú mới chỉnh lại, giọng lầm bầm:
“Mày đến làm tớ cho nhà ông hội đồng chứ gì?”
“Dạ?”
“Nhìn cái điệu bộ của mày, cái tướng như trâu của mày là tao biết rồi. Chỗ mày đang đứng đất mày đang thấy ruộng mày đang xem đều là của ông hội đồng Huỳnh cả”
Nó mới há mồm, ôi sao mà lão già này lại giàu có đến thế. Của cải như vậy ăn ba đời còn không hết à.
“Coi, giờ mày đi hết cái đường này. Mày thấy cái nhà to bự nhất là của ông hội đồng Huỳnh đấy”
Nó cúi người, giọng rối rít:
“Hì hì con cảm ơn chú…”
“Có gì đâu, tao cũng như mày, cũng dân làm thuê cả, miễn có chén cơm là được rồi”
Chỉ khổ cho nó phải cuốc bộ thêm quãng khá xa nữa. Khiếp thật đất gì rộng thế.
Càng gần tới nơi nó lại để ý cây cối lên nhiều hơn, đường xá vắng vẻ quá. Nhưng rồi nó mau chóng biết cái vắng vẻ này là vì sao, đơn giản quá mà bởi nó đã vô đất của ông hội đồng Huỳnh.
Rồi trước mặt nó hiện ra một biệt phủ. Đỉnh ngói chạm khắc hình rồng, ngậm ngọc phun châu.
Phía sau vẫn chưa thấy rõ. Sân vườn rộng lại có cả hồ cá.
Nguy nga, bề thế quá.
Cổng chính cũng lớn nữa, tuy mở nhưng Như không dám vào bằng đường chính. Nó lách vào cổng phụ.
Đột ngột tiếng chó sủa vang lên, một con chó lông hung đen bóng nhào tới sủa vào mặt nó.
Tiếng inh ỏi làm sao.
Rồi một tiếng quát phía đằng xa vọng tới. Con chó cụp đuôi lại.
Một người đàn ông đi tới, bộ dạng là người làm. Tuổi tầm bốn mươi, áo quần cũng như nó.
Ông chú hỏi nó:
“Mày là ai đến đây chi?”
“Dạ con đến làm ạ, ông hội đồng đã dặn”
“À ra mày là họ hàng đấy sao, tao nghe qua rồi. Thôi mày đi theo tao gặp ông.”
Nó lủi thủi theo sau ông chú.
Qua hỏi han nó biết tên ông chú là Liên, vợ con đều làm trong nhà này cả.
Người làm cũng lên đến mười người, già trẻ đều có.
Nó bước vào sảnh chính, một cảnh tượng nguy nga đập vào mắt nó, nào là bàn ghế nào tủ hương đều chạm trổ rồng phượng tinh xảo quá.
Trần nhà đầy thanh gỗ ước chừng tuổi quá trăm. Cột xà cũng đều loại gỗ quý. Cả nội thất trong nhà đều là thứ dữ cả. Đúng loại trọc phú.
Cuối cùng người nó muốn gặp cũng tới. Ông hội đồng Huỳnh chứ ai. Cả cô con dâu Tuyết Ngọc Mai cũng đứng kế bên nữa, ánh mắt nhìn nó sắc lẹm.
Lão nhìn nó, rồi hỏi han vài câu, tỏ cái sự trách móc:
“Sao mày đến trễ vậy con?”
Chà cái này là sự cố rồi, nó đành phải thú thật thôi.
“Dạ chẳng là có người gặp nạn gần sông, cha con cứu được, thành ra trễ nải mấy hôm”
Lão mới hết quở trách, liền khen:
“Cứu một mạng người như xây bảy tòa tháp, vậy là có phước đó”
Rồi lão nhìn nó:
“Thôi mày cũng tới đây rồi, thằng con độc nhất của tao vài tháng nữa mới về tới… Tao tính để mày hầu nó, còn bây giờ thời gian như này thì tao sẽ cho mày công việc khác… Tao biết mày chèo thuyền giỏi, nhưng về đây rồi thì không cần nữa. Mày còn tài lẻ nào không?”
Nó cúi người:
“Dạ con làm việc chi cũng giỏi chỉ có đầu óc là không lanh lợi thôi”
“Thế mày không biết chữ à?”
“Dạ xưa nhà chưa nghèo khổ, con cũng học được mặt chữ, cũng biết đếm tiền cốt không dễ bị lừa ạ”
“Ờ ngó vậy là mày cũng sáng dạ đấy con”
Thế rồi cô con dâu đứng bên thì thầm vào tai lão to nhỏ. Xong lại đứng thẳng người lên.
Rồi lão chốt cho nó một câu.
“Thế bây giờ tao cho mày đi xách nước buổi sáng, buổi chiều thì lấy củi nấu nước. Mày có thấy nhọc không?”
Hóa ra cái chuyện phân công người làm trong nhà đều do Ngọc Mai quản cả.
Nó đành chắp tay, cung kính không bằng tuân lệnh:
“Dạ bẩm ông, chuyện đó có nhọc chi”
Rồi lão cười hề hề, xua tay đuổi nó đi.
“Dạ dạ con xin lui…”
Nó nối gót theo chú Liên ra sau nhà. Mắt không quên liếc sang cô con dâu, dường như thần giao cách cảm hay sao mà cô cũng liếc lại nó, ánh nhìn sắc lẹm với vẻ khinh khi…
Gian nhà phía sau chia ba mặt, Khu cho người nhà ông hội đồng, khu kế bên là nhà tắm, đối diện là nhà bếp, phía sau tuốt miệt vườn là nhà cho tụi người ở như nó.
Chia thành từng nhà nhỏ tách hẳn so với nhà ông hội đồng.
Nó được chú Liên dẫn vô căn nhà lá độc mỗi giường tre, nhu cầu gì thì có dòng sông kế bên mà xả.
Chú Liên dặn dò:
“Ông hội đồng đã dặn mày rồi, mày nên nhớ… Sáng sớm mày tới giếng chỗ vườn, múc đầy rồi gánh đổ trong lu, đi lại khoảng mười lu là đầy. Chiều thì mày lượm củi, không có thì vác rìu bổ củi. Cất thành bó để sau bếp. Nhớ là lúc nào cũng phải đầy đủ đấy. Nấu cho người nhà lẫn đám làm ngoài đồng lúc nào cũng nhiều cả.”
Nghe xong Như tái mặt, hóa ra cái việc của nó nặng nhọc quá, tưởng chỉ lo cho vài người thế mà giờ lại hóa ra phục vụ cho nhu cầu mấy mươi người.
Cái này quả là không dễ nuốt trôi à.
Chú Liên dặn dò nó ăn uống giờ nào rồi ngủ nghỉ mấy giờ dậy ra sao.
Rồi chú chốt hạ.
“Mày nhớ phải lễ phép đàng hoàng, trong nhà có cô con dâu ông hội đồng, mày phải gọi là mợ hai, không được gọi tên trống không, dẫu cho mày có là họ hàng đi nữa cũng vậy. Còn cậu hai nữa, khi nào về thì mày cũng biết xưng hô sao rồi. À còn vợ trẻ của ông hội đồng nữa. Mày phải gọi bằng bà nghe chưa. Không được tùy ý gọi nhỏ hơn.”
Ôi sao lắm điều lắm chuyện lắm phép tắc thế nhỉ.
Nó đành gật đầu lia lịa, cái chuyện này với nó ban đầu thì khó. Nhưng rồi sau này quen rồi lại dễ thôi. Đơn giản thôi mà, nó chỉ cần kiệm lời, cứ câm như hến với vâng vâng dạ dạ là được. Ấy gọi là công thủ toàn diện đó.
Sáng hôm sau…
Hôm nay là một ngày làm việc mới của nó, gặp ai nó cũng chào, chủ yếu là làm quen với người làm trong nhà. Nhưng có vẻ sự có mặt của nó cũng không có gì mới mẻ cho lắm, giống như việc người mới vô người cũ ra là việc thường xuyên trong nhà lão già vậy. Mà như vậy thì cũng có gì đâu, nó chỉ cần chuyên tâm làm việc là được rồi, cố gắng kiếm tiền thôi.
Trong môi trường này phạm lỗi sai thì sẽ bị trách phạt, nặng thì bị đuổi, thế là mất tiền công. Nó chỉ cần lưu ý là được, không cần phải vướng chân hay làm phiền ai cả. Dân gian có câu “ngu si hưởng thái bình” mà.
Nó múc nước, đôi vai trâu húc gánh hết vai này đến vai kia, chân nó cứ đảo bước đều đều, chẳng mấy chốc cũng đổ đầy toàn bộ lu, việc này quả là nhọc à nha.
Gánh xong cũng gần đến trưa, nó ngồi nghỉ mệt uống nước, rồi tranh thủ chờ đến giờ cơm thôi.
Thế rồi cái sự rảnh rỗi của nó cũng bị người nhà ông hội đồng bắt gặp.
Một giọng nói của nữ nhân vang lên:
“Mày có vẻ rảnh rỗi quá nhỉ?”
Nó nhìn lên, thì ra là con dâu lão già, mà bây giờ nó phải gọi là mợ hai rồi.