Đời học sinh - Quyển 3

Chương 104



Phần 104

Tuy nhiên chỉ kịp suy nghĩ đến đó, lần này Lam Ngọc đã bắt được ánh mắt lén lút của tôi. Nàng nhíu mày nhìn tôi một lúc lâu rồi nhẹ nhàng gấp cuốn sách lại:

– Mặt Ngọc có dính gì à?

– Không… à có!

Tôi lưỡng lự nhưng sau cùng lại chọn trái với ý nghĩ trong đầu. Lam Ngọc ngạc nhiên:

– Dính gì cơ?

– À dính… cái đẹp!

– Hở? Sao không phủi dùm Ngọc?

Nàng cười tủm tỉm hỏi dồn:

– Tại nó dính luôn rồi, lấy không được!

– Đúng là mặt gian nói đểu!

Nàng lại lắc đầu cười trừ với câu nói nửa đùa nửa thật của tôi. Và chính tôi lúc đó cũng phải tự khen bản thân vì màn ứng đáp quá tuyệt vời.

Nhưng sau câu nói đó, hai đứa tôi lại chìm vào khoảng lặng. Tôi chẳng biết mở lời như thế nào dù có hàng đống chuyện muốn nói cùng nàng. Và cả chuyện con gấu bông nữa, tôi luôn muốn trao lại cho nàng vào một dịp nào đó nhưng cổ họng tôi như có một que củi, nó chắn ngang mọi lời nói muốn thoát ra cửa miệng. Nhưng sau cùng, chính Lam Ngọc lại làm việc đó, nàng ấp úng:

– Phong này…

– Sao, có chuyện gì?

– Cảm ơn Phong về sô cô la nha! Ngon lắm!

Vừa nghe, que củi trong họng tôi như biến tan đi. Nó làm tuôn trào những câu nói khỏi họng tôi:

– Thật chứ, Phong cứ tưởng là sẽ khó ăn lắm!

Ấy thế mà nàng lại gật đầu làm tôi suýt ngất, nhưng nhanh chóng sao nàng lại xoa dịu ngay cái ý nghĩ đó:

– Lúc đầu thì đúng là có khó ăn thật! Nhưng là vì Ngọc thích ăn ngọt hơn chứ không phải tại sô cô la Phong làm dở đâu. Thực sự thì chúng rất ngon!

– Ừ hề hề, tưởng Ngọc thích ăn đắng. Nhưng không sao mai mốt Phong sẽ làm cho nó ngọt hơn!

Nàng lại không nói gì, nhưng tôi đã có được câu trả lời từ hai bầu má ửng hồng của nàng. Nó như hâm nóng trái tim nhiệt huyết của tôi. Thật rạo rực và cồn cào.

Cũng vừa lúc đó thầy Tuấn từ từ đi vào lớp. Trông nét mặt của thầy không vui như mọi hôm vẫn giảng bài cho chúng tôi. Nhìn có vẻ như chuẩn bị thông báo cho bọn tôi một tin nào đó khủng khiếp lắm vậy.

Mà đúng là khủng khiếp thật. Ngay khi vào lớp, thầy đã nghiêm giọng làm cho cả lớp yên ắng như đang trong một cuộc họp khẩn cấp:

– Thầy xin thông báo với các em 2 tin, một tin buồn và một tin vui! Các em muốn nghe tin nào trước!

– Tin vừa vừa đi thầy!

Chẳng cần nhìn cũng biết đo chính là giọng cũng thằng Kiên lảng. Và vẫn như mọi khi thầy đều nhíu mày hâm he:

– Em Kiên! Trật tự vào, thầy trừ điểm hạnh kiểm em đấy.

Và cũng như mọi khi, nó liền khoanh tay kê cằm lên bàn một cách ngoan ngoãn. Thầy lại nói tiếp:

– Thôi được thầy thông báo tin buồn trước vậy! Theo như những gì thầy hiệu trưởng đã thông báo xuống thì năm nay chúng ta sẽ không tổ chức cắm trại nữa!

Một tiếng ồ nhỏ vang trong không khí yên ắng. Nhưng do đã được chuẩn bị trước là tin buồn nên tất cả vẫn trông chờ vào tin vui mà thầy định nói sắp tới.

Và không để chúng tôi chờ đợi lâu, thầy hằn giọng rồi tiếp tục:

– Còn tin vui là thay vào đó trường sẽ tổ chức một giải đá banh lớn cho cả nam lẫn nữ của toàn trường. Giải nhất rất giá trị đấy!

Như đã được tập huấn từ trước, bọn liền hò reo sung sướng như vừa được nhặt tiền từ trên trời xuống và chính tôi lúc này cũng cảm thấy khoan khoái lạ thường. Nhưng chỉ có điều là vẫn chưa đến mức la làng la xóm như tụi nó.

Tuy nhiên tôi cũng chẳng lo gì cái tụi này, cả lớp tung hô chỉ một lúc rồi lại im bặt vì bây giờ tất cả đều có chung một câu hỏi trong đầu đó chính là phải chọn ai đá?

Tất nhiên nếu cho tôi lựa chọn tôi vẫn sẽ lựa chọn được đá với Huy đô, Khanh khờ, Toàn phởn và cặp bài trùng Bình, Tú. Vì tôi cảm thấy đó chính là đội hình mạnh nhất mà tôi có được khi đi đá bánh với mấy tụi trong xóm. Còn bây giờ là đã giải của lớp, có muốn mượn cầu thủ cũng chẳng được nữa, vả lại con trai lớp tôi bây giờ đã nhiều, không còn khan hiếm như xưa nên việc đó càng bất khả thi hơn. Do đó bọn tôi phải tự chọn đội hình từ chính lớp mình.

Nghe đến đá banh thì thằng con trai nào chả mê. Thế là bọn nó giơ tay quyết liệt để giành cho được một xuất trong đội hình chính. Sau một lúc bàn tán sôi nổi, bọn tôi cũng chọn ra được những gương mặt được cho là biết đá nhất gồm: Tôi, Toàn phởn, Khanh khờ, Khang đinh, Tiến lớp trưởng, thằng Hiếu lớp phó học tập, ngoài ra còn có thằng Tuyên và Kiên lảng nằm trong danh sách dự bị.

– Ê, còn tao đâu tụi bây?

Phú nổ trố mắt khi không thấy tên nó trong danh sách. Và ngay lập tức được Toàn Phởn giải đáp:

– Mày à, có bao giờ đi đá với lớp đâu mà than?

– Vậy là mày không biết tao rồi. Ngày nào mà tao không đi đá với cầu thủ nổi tiếng!

Đến lúc này Toàn phởn mới xị mặt xuống:

– Thôi dẹp, mày chơi game chứ gì! Hèn chi nghe toàn mùi thuốc súng!

– Bậy rồi, nó sài thuốc nổ chứ không bao giờ sài thường thường như thuốc súng đâu.

Tôi cười xòa vỗ vai Phú nổ. Nó giẩy nẩy ngay:

– Vậy chớ chẳng lẽ tao ngồi không coi tụi bây đá à?

Khang đinh đột nhiên vỗ đùi một tiếng:

– A, hay là mày vào đội cổ vũ đi!

Ý Khang đinh nói đó chính là đội cổ vũ của lớp được lập ra để cổ vũ tinh thần cho các cầu thủ mỗi khi có trận đấu giải. Lúc đầu Phú nổ cũng ngờ ngợ không dám vào. Nhưng khi biết đội có nhiều mấy nường xinh tươi trong lớp, nó liền gật đầu ngay tốc xẹt mà chẳng cần ai bắt ép.

Về khoảng khác bọn tôi còn lưỡng lự không dám cho thằng này tham gia, nhưng về khoảng hô hào cổ động tôi tin chắc sẽ chẳng có ai bằng cái mồm dẻo của thằng này cả. Thế nên khi vừa nghe nó gia nhập đội cổ vũ, cả đám bên đấy đã tôn nó lên làm đội trưởng luôn.

Còn bên nữ thì có vẻ khó hơn. Xét về độ nhiều chuyện thì chắc lớp tôi là bá đạo nhất nhưng xét về bóng bánh thì còn phải coi lại. Nhìn sơ qua cả lớp thì tôi chỉ chấm được có vài người như Lam Ngọc nhỏ Thu và nhỏ Tiên vượn, còn lại thì toàn là tiểu thư chân yếu tay mềm, khó có thể đá trái banh đi xa được huống chi là việc chuyền chính xác. Cho nên về khoảng nữ lớp tôi không đặt kì vọng cao, chỉ cọ xát là chính.

Như vậy việc chọn người coi như đã xong, chỉ còn việc luyện tập để ráp đội hình cho nhuần nhuyễn nữa là được. Nhưng đó là công việc lâu dài. Bọn tôi đã quyết định nghỉ xả hơi hết ngày hôm nay để lấy tinh thần chuẩn bị cho buổi luyện tập ngày mai cũng là buổi quan trọng nhất để quyết định đội hình chính thức.

Còn bây giờ, tôi ung dung ra về mà trong lòng cực kì phơi phới. Vì tính ra tổ chức đá banh cũng không phải là tệ, đó cũng là một môn sở trường của tôi. Vả lại tôi cũng thấy hơi ngán khi tham gia cùng một lúc nhiều trò. Chi bằng cứ nhắm thẳng một môn mà tiến có lẽ sẽ gây cấn hơn nhiều.

Cứ thế tôi ung ung cho đến bãi giữ xe của trường thì tình cờ bắt gặp Lam Ngọc cũng ở đó. Nàng vẫn chưa lấy xe ra về mà chỉ đứng thẫn thờ hết ra rồi lại vào. Trông nàng như một người đang tìm thứ gì đó mà chính mình cũng không nhớ.

Thấy lạ, tôi bèn chạy đến hỏi:

– Này Ngọc, có chuyện gì vậy?

Gặp tôi, nàng có hơi ngạc nhiên nhưng vẫn chưa đủ để đánh bay đi lớp ủ rủ trên mặt. Nàng trầm giọng đáp:

– Không có gì đâu! Ngọc về ngay ấy mà!

– Sao lại không có gì, Phong thấy Ngọc đi qua lại nhiều lần lắm rồi đấy!

Không để cho nàng kịp trả lời, tôi vội kéo nàng đến băng ghế đá gần đó tiếp tục dò hỏi:

– Sao, nói cho Phong nghe xem là chuyện gì?

Trước ánh mắt thành khẩn của tôi. Nàng chỉ thở dài một hơi rồi đáp gỏn lọn:

– Ngọc không muốn về nhà, chán lắm!

– Sao lại không muốn về nhà, còn dì vú của Ngọc mà?

Tuy nhiên nàng vẫn lắc đầu:

– Không đâu, buổi trưa cho đến chiều dì vú thường qua thăm mẹ Ngọc lắm!

– Sao, mẹ Ngọc vẫn chưa về nhà nữa à?

– Ừ, ba ngọc vẫn thế!

Nàng thở dài nhìn về khoảng sân mênh mông nơi được phủ một lớp nắng vàng đượm. Những cơn gió thi thoảng vẫn nhẹ nhàng tháo những chiếc lá vàng trên cây đặt xuống đất một cách chậm rãi.

Giờ tôi đã biết lí do vì sao mà nàng không muốn về nhà. Lam Ngọc vẫn là một cô gái. Mà cô gái bình thường thì vẫn biết buồn, biết vui, biết cô đơn khi chẳng có ai bên cạnh. Tôi cũng đang trong hoàn cảnh đó nên rất hiểu cảm nhận của Lam Ngọc hiện giờ. Và nếu như không sợ bị mang tiếng lợi dụng, có lẽ tôi đã ôm chằm lấy nàng từ lâu. Nhìn nàng tôi dò hỏi:

– Vậy giờ Ngọc tính làm sao?

– Chắc là về nhà thôi, còn đi đâu được!

– Hay Phong sang nhà Ngọc chơi hen?

Vừa dứt câu, một dòng điện liền chạy qua người tôi. Tôi biết mình đã hố khi đề nghị với nàng như vậy. Cơn mưa tự trách bắt đầu rơi lộp độp trong lòng tôi, nó to dần khiến cho cả mặt tôi nóng ran lên.

Lam Ngọc như cảm nhận được điều đó, nàng nghiêng mặt xuống để nhìn rõ vẻ mặt lúng túng của tôi hiện giờ. Điều đó chẳng khác nào tiếp thêm gió để cơn mưa tự trách trong lòng tôi biến thành bão tố. Và một khi bão tố đã nổi lên, tôi không chắc là mình có thể trụ vững được.

Nhìn tôi một hồi, nàng cười đùa:

– Phong vừa hỏi đó phải không?

– À… phải!

Dĩ nhiên chẳng thể nào tôi đáp khác được.

Có lẽ vì thấy bộ dạng sắp quỵ đến nơi của tôi, nàng che miệng cười xòa:

– Vậy thì Phong về nhà thay đồ đi rồi qua cũng được!

– Hả?

Tôi hỏi như thể không tin vào tai mình.

– Thì Phong vừa bảo sang nhà Ngọc mà, về thay đồ đi rồi qua, nhớ là đừng có ăn cơm đấy!

– À ừ, Phong sẽ qua ngay!

– Thế nhé, Ngọc về đây!

Nàng nhanh nhẹn vào bãi dắt xe ra rồi phi thẳng ra cổng. Tôi thậm chí có thể cảm nhận được mùi hoa lily vẫn còn thoang thoảng.

Chương trước Chương tiếp
Loading...