Đời học sinh - Quyển 4
Chương 34
Cứ tưởng sau khi tát tôi xong, nàng sẽ bỏ đi một mạch và ném lại cho tôi những câu oán trách nàng hàng tấn dỗi hờn. Nhưng không, nàng vẫn đứng đó một cách lặng lẽ, thỉnh thoảng có vài tiếng nấc cất lên như đang kìm nén dòng cảm xúc tuôn trào. Tôi thèm được nhìn mặt nàng lắm nhưng tôi không dám ngước đầu lên, tôi sợ bất cứ cử động nào cũng tôi đều phá tán bầu không khí yên ắng vào lúc này.
Và rồi Lam Ngọc lại đặt bàn tay của nàng lên má tôi.
“Sẽ lại là một cái tát nữa chăng?”
Tôi nhắm mắt chờ đợi cú tát đau đớn nữa từ nàng.
Nhưng thật lạ, nàng chỉ để hai bàn tay áp vào má tôi mà không làm gì hơn nữa. Lúc đầu tôi có hơi bối rối với hành động của nàng nhưng chỉ trong một chốc lát, hơi ấm từ bàn tay của Lam Ngọc nhanh chóng lan tỏa khắp khuôn mặt làm tôi tan chảy ra như những thanh sôcôla tôi từng ăn lúc bé.
Nàng vẫn giữ tư thế đó một lúc lâu cho đến khi những cơn gió thoảng cuốn từng lớp sương đêm vắc vẻo trên vai của tôi và Lam Ngọc từng lớp ươn ướt. Nàng bất chợt bỏ tay ra khỏi mặt tôi. Cảm giác lúc đó giống như có ai vục vào mặt tôi một gáo nước lạnh. Trống quơ, lạnh ngắt.
Cảm giác đó không đọng lại trong người tôi quá lâu, vì chính Lam Ngọc lại một lần nữa nun nóng cả người tôi bằng một giọng nói chẳng thể trìu mến hơn:
– Phong mệt chưa, để Ngọc dìu Phong xuống nha?
Như chưa thể tin vào những gì mình nghe thấy, tôi đánh bạo ngước nhìn nàng như thể xác nhận lại đây có phải Lam Ngọc thường ngày của tôi không. Và chắc chắn câu trả lời sẽ là phải.
Nhưng tại sao nàng lại khác quá? Ẩn chứa sau nụ cười tươi tắn trên gương mặt của nàng lúc này là những gì? Sự tuyệt vọng, chán nản, căm phẫn hay nổi buồn da diết?
Tôi không biết. Và tựa như những cơn gió tôi cứ lướt xa xăm vào ánh mắt nàng, đôi môi của nàng và cả hai má bầu bĩnh của nàng nữa. Tự nhiên tôi muốn véo nó quá chừng!
Lam Ngọc không có vẻ gì là đọc được những suy nghĩ trong đầu tôi, nàng cứ giục:
– Trễ rồi, Phong muốn ở trên này suốt đêm à?
– À ừ, trễ rồi xuống thôi!
Tôi thều thào không biết đang nói với nàng hay đang tự nói với chính mình. Tôi chỉ biết, khi tôi đón nhận đôi vai ấm áp của nàng, câu hỏi đó cũng đã tan theo những cơn gió, cuốn đi cùng với hương hoa lily đến nơi nào không biết.
Lam Ngọc ra về, để lại trong tôi những câu hỏi không thể nào giải thích được. Và cho đến khi đã nằm yên vị trên giường, nó vẫn đeo bám tôi một cách day dẳn. Cú tát của Lam Ngọc đã nguội đi trên mặt của tôi từ lâu, nhưng nó không biến mất mà di căn xuống tim tôi từ lùc nào. Tôi chỉ biết đến khi tôi nhận ra, tim tôi đã đau thắt khôn nguôi.
Lại một lần nữa tôi đã làm Lam Ngọc phải khổ. Nàng đã khóc nức nở trước mặt tôi. Thế nhưng đáp lại nàng là một sự vô tâm, một sự bất lực. Giá mà phút chót nàng không mỉm cười với tôi mà thẳng thừng tát tôi thêm một cái nữa rồi bỏ mặt tôi ở trên sân thượng thì tôi có lẽ đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Nhưng suy cho cùng tất cả cũng là lỗi của anh phải không bé gấu?
Sáng hôm sau như đã nói trước đó, con bé Mi đã đến rước tôi đi học. Nhưng do những suy nghĩ mông lung vào đêm hôm qua… tôi ngủ như chết.
Ba tôi bước vào phòng, đá vào chân giường vài cái:
– Phong dậy! Có con nhỏ nào kiếm mày kìa!
Bình thường thì tôi đã dậy ngay, nhưng trong cơn mê ngủ, tôi nói với giọng lè nhè như mấy ông bợm nhậu:
– Ba nói với nó đợi con xíu đi!
– Thiệt hết nói nổi cái thân mày. Không biết chừng nào mới ra hồn!
Ông tặc lười rồi hậm hực bước ra khỏi phòng. Tôi biết với cái chân gãy này ba tôi không thể đét vào mông tôi được, tôi mặc nhiên tận dụng lợi thế đó mà ngủ lấy ngủ để, ôm cái gối ôm cứng khư khư mà ngủ.
Lúc sau lại nghe tiếng chân vào phòng, nhưng lần này tiếng chân có vẻ nhẹ hơn và từ tốn hơn. Tôi chắc chắn đây là con bé Mi, có lẽ do chờ lâu quá nên nó đã vào phòng tôi xem xét.
Thoạt đầu con bé Mi còn kêu khẽ:
– Anh Phong, dậy đi học!
Thấy không ăn thua, con bé xòe bàn tay nhỏ nhắn của mình vỗ vào mặt tôi bồm bộp:
– Dậy đi anh, trễ giờ bây giờ?
Tôi lại trùm chăn kín mặt ngủ tiếp. Trong cơn mơ, tôi thấy mình đang bắt cá ở dòng sông quen thuộc ở dưới quê nội. Tôi bắt được một con cá rô to đùng nhưng nó lại dùng đuôi vẫy vào mặt tôi bành bạch.
Con bé Mi đâu biết chiến công oai hùng của tôi lúc đó. Nó cầm góc mền giật mạnh một cái. Tôi nghe lạnh cả người liền mở mắt bừng tỉnh:
– Ơ… ơ… con cá.
Thấy con bé đứng ôm khư khư cái mền, mặt mày bí xị, tôi vội gãi đầu chữa thẹn:
– À hì hì, Mi đó hả, chào buổi sáng nghen!
– Anh còn ở đó nữa, gần trễ giờ học rồi! – Ngọc Mi nhíu cặp chân mày như muốn dính vào nhau.
– À ừ, đợi anh xuống nhà dưới thay đồ đã!
– Thiệt tình, lần sau có vậy nữa em đi học luôn đó!
Dù nói như vậy nhưng con bé vẫn nhẹ nhàng choàng tay tôi sang vai nó dìu tôi từng bước xuống bật cầu thang không đợi ba tôi phải lên giúp.
Được đi gần với con bé như thế này, tôi tự nhiên đâm rối. Bờ vai của con bé mềm quá, ngay cả mùi hương của con bé nữa, nó làm tôi quên hẳn cái chân gãy của mình. Nhờ khoảng cách gần như vậy, chiếc kẹp tóc hình hoa thiên diên vĩ lại hiện rõ trước mặt. Tôi say mê ngắm nó đến nỗi đã tới trước cửa nhà tắm lúc nào không hay:
– Em chỉ giúp anh tới đây thôi đó, mau lên đi em chờ ở phòng khách!
Quần áo chỉnh tề đâu vào đó, tôi lật đật chống nạn theo con bé ra cổng miệng phân bua:
– Hề hề, tại tối qua anh thức khuya quá.
– Em cũng thức khuya học bài nhưng đâu có trễ như anh!
Làm sao mà so sánh giữa việc thức khuya học bài của con bé với việc thức khuya suy nghĩ chuyện “đại sự” của tôi được, việc của tôi sử dụng chất xám nhiều lắm chứ. Nhưng mà tôi không muốn phải đôi co thêm với con bé, vì tôi biết có đôi co thêm thiệt thòi vẫn về phần tôi, khổ ghê!
Việc vác cặp nạn tới trường cũng không có gì quá khó khăn đối với tôi. Lúc trước tôi còn đẩy xe lăn đến trường cơ mà. Nhưng đúng thật là không có tai nạn nào giống cái tai nạn nào. Cứ mỗi lần như vậy đến trường, những cặp mắt săm soi lại dán vào tôi một cách khó chịu. Nếu như không có một ai đi cùng tôi như bé Mi lúc này, tôi không chắc là mình có dám đến trường hay không?
Đi gần đến lớp con bé bỗng giật tay áo tôi:
– Một lát chuyện của Bảo để em giải quyết được rồi, anh cứ ở lớp nghỉ ngơi đi!
– Nhưng một mình em không sao chứ?
– Em chỉ thua anh có 1 tuổi thôi mà, có phải con nít đâu!
– Nhưng…
– Không nhưng nhưng cái gì hết, anh không nghe lời em sao? Với lại cái chân anh như thế này, theo em lại hỏng hết chuyện.
Với lập luận chắc như đinh đóng cột đó, tôi không tài nào nặng ra thêm một cái cớ để đòi đi theo con bé cả đành miễn cưỡng gật đầu mà mặt mày bí xị.
Con bé có lẽ đọc được suy nghĩ trong đầu tôi, nó cười hiền:
– Anh đừng lo, mọi chuyện sẽ ổn thôi mà!
Nhận được món quà buổi sáng là nụ cười rạng ngời của con bé. Tôi phần nào nguôi ngoai mà chống cặp nạn nặng nề vào lớp.
– Sao rồi, hạnh phúc quá hả?
Vừa vào đến nơi, Toàn phởn ở bàn dưới đã cà khịa lên.
– Hạnh phúc cái đầu mày chứ hạnh phúc, không thấy tao khổ thế nào hả!
– Chậc, gãy chân mà được con gái chăm sóc như mày tao cũng muốn gãy!
Toàn phởn vuốt cằm, mặt nó khinh khỉnh lên làm tôi phát cáu:
– Muốn gãy không tao ném mày xuống lầu cho mày toại nguyện.
– Ớ hề hề, thôi tao còn yêu đời lắm!
Toàn phởn cười giả lả thoái lui, nhưng rồi nó nhìn vào một khoảng không sau lưng tôi tròn mắt:
– Gì đây, mày đi đâu đấy?
Tôi cũng lật đật nhìn theo ánh mắt của nó và ngạc nhiên khi thấy Phú nổ đang lò dò chui vào chỗ kế tôi, vốn đang là đương kim chỗ ngồi của Lam Ngọc. Tất nhiên tôi liền chặn nó ngay từ cửa khẩu:
– Đi đâu qua đây thế mày?
– Thì qua đây ngồi chứ sao? – Nó chưng hửng.
– Chỗ mày ở đâu mà qua đây ngồi?
Có vẻ như nó đã mường tượng ra được câu hỏi của tôi, cơ mặt của nó giản ra chút đỉnh nhưng rồi như vừa nghĩ ra được một chuyện gì đó, mặt nó lại vênh lên:
– Xời, tao mới nẹt một phát bà Ngọc sợ quá chạy qua kia ngồi luôn!
– Xạo đi mày, mày mà dám xớ rớ vào Lam Ngọc!
– Thiệt, chứ mày nghĩ coi sao tao qua chỗ ngồi mày được?
Nếu thằng Phú nổ này bịa ra một chuyện nào khác cho cái lí do nàng bỏ tôi qua bàn khác ngồi, chắc có lẽ tôi đã tin như sấm dậy. Còn đằng này nó lại bịa ra một chuyện ngay cả tôi muốn tin cũng không được. Tôi biết nó cũng như mấy đứa con trai khác, có cho vàng nó cũng không bao giờ dám lại gần Lam Ngọc nói chuyện quá nửa phút. Do vậy tôi càng tự tin:
– Láo đi, mày có dám thề những gì mày nói là sự thật không?
– Tưởng gì, tao thề với mày luôn, tao mà có nói láo ra đường cho tao bị xe cán đi.
– Được, ngon…
– Mà xe đồ chơi…
– Chơi chơi cái đầu mày!
Tôi điên tiết cốc cho nó một quả vào đầu làm nó thất kinh ôm đầu la bài hãi:
– Trời ơi, thằng Phong nó giết tao, bớ… cứu!
– Tao không giỡn nữa nghe Phú, mày nói cho tao biết coi!
Chừng thấy tôi đã nổi xung thiên tới nơi nó mới bình giọng:
– Rồi rồi, nói thì nói! Bà Ngọc vừa nãy qua chỗ tao kêu đổi chỗ!
– Gì, rồi Ngọc có nói gì nữa không?
– Có, nói là từ nay về sau cứ ngồi ở chỗ của mày, để nhỏ nói với thằng Tiến sắp xếp chỗ ngồi lại!
Cơ thể tôi lúc này dường như đã chết đi một nửa. Mặc cho thằng Phú cứ khều vai tôi dò hỏi, tôi chỉ xem nó như một thứ gì đó nằm ngoài tâm trí. Trong đầu tôi lúc này chỉ có hình ảnh của Lam Ngọc cùng vô vàn những câu hỏi. Tại sao nàng lại đổi chỗ? Có phải nàng muốn tránh mặt tôi không? Nàng ghét tôi rồi sao?