Đời học sinh - Quyển 4
Chương 60
Ở đây giờ này chỉ con đám Phú nổ vẫn đơ mặt chẳng hiểu mô tê gì. Đợi bóng dáng Toàn phởn mất hút trên cầu thang bọn nó mới khều vai tôi:
– Ê, vụ án gì vậy mày?
– Nói chung là khó nói lắm, tốt nhất tụi bây không nên biết thì hơn!
– Sao không?
– Muốn ăn cuốn sách lên đầu như thằng Toàn à?
– Ờ cái đó thì thôi, hề hề!
Dẫu vậy cả bọn vẫn không khỏi tò mò điều gì đang xảy ra ở trên đó. Thế nên không chỉ mình tôi mà cả bọn Phú nổ đều rón rén lên mấy bậc cầu thang gần phòng hóng hớt.
Chăm chú nghe ngóng được một lúc, Phú nổ vuốt cằm:
– Tao nghe tiếng sột soạt!
Khanh khờ bác:
– Bậy rồi, phải là tiếng ộp ẹp!
Kiên lảng từ sau chen vào:
– Không phải, tụi bây sai hết rồi!
– Chứ tiếng gì?
– …
– …
– Tiếng bụng tao sôi.
– Sôi tía cưng!
Cả đám xúm lại cốc cho thằng Kiên mấy cốc nhừ tử làm nó ôm đầu bay xuống ghế sofa lầu dưới tru tréo không ra tiếng.
– Tụi bây đứng ở đây để tao lên nghe ngóng cho, có gì tụi bây khiêng tao xuống liền nghen!
Tôi đưa ngón trỏ lên miệng ra dấu.
– Xời, yên tâm! Bọn anh sẽ tiếp viện cho!
Tuy nhiên khi tôi vừa đặt bước đầu tiên lên bậc, ở trên lầu ở phát ra tiếng mở cửa lạch cạch.
Tôi hốt hoảng quay xuống:
– Chết cha, tụi nó xuống rồi… ơ!
Vừa định kêu gọi chi viện, tôi hoảng hồn vì giờ này không còn một ma nào sau lưng, bọn nó đã tháo chạy xuống ghế sofa lầu dưới từ lúc nào. Với chiếc chân bó bột, tôi không tài nào chạy nhanh được đành ở lại nghiến răng lườm tụi Phú nổ cháy mắt.
– Ơ, sao anh Phong lại ở đây?
Ngọc Mi tròn mắt khi thấy tôi đang đứng ở lưng lửng cầu thang không biết là đang leo lên hay xuống. May thay trong lúc cấp bách, não tôi vẫn hoạt động trơn tru như cái máy truyền tín hiệu xuống miệng:
– À, tại anh thấy lâu quá nên muốn lên xem có chuyện gì không.
– Láo toét, rõ là đang hóng hớt! – Toàn phởn đi sau bỉu môi bơm đểu.
– Hóng hóng cái… ớ ơ… hớ hớ, sao mày đi cà nhắc vậy Toàn!
Vừa định cãi lại nhưng ngó thấy cái tướng đi cà nhắc của nó, tôi thích thú cười đểu.
– Sao trăng gì, tao bị vấp trúng tủ đồ thôi!
Toàn phởn lập tức vẽ chuyện. Nhưng có cận viễn loạn mù cũng nhận ra được nó vừa bị bé Phương cho một cú dẫm bàn giò huyền thoại. Nhìn con bé đi kế bên cứ cười cười là hiểu.
Quyết trả thù, tôi trêu đểu tới bến Cà Mau:
– Vấp tủ hả, hế hế! Hay có ai dẫm nhầm vào giò mày.
– Dẫm gì, đứa nào dám dẫm tao đâu!
– Hèm!
Toàn phởn vừa thị uy, bé Phương liền hắn giọng một cái làm nó hoảng vía mặt mũi xanh lè xanh lét không dám nói một câu nào.
Vừa định trêu đểu thêm câu, Ngọc Mi đã vội ngăn:
– Thôi anh, sự việc mới vừa êm xuôi thôi đó!
– À ừ, anh biết rồi!
Trở lại với bàn học, việc đầu tiên tôi thực hiện chính là cốc vào đầu Phú nổ một cú tóe lửa làm nó la chí chóe:
– Bà nậu mày, sao cốc đầu tao?
– Ai biểu mày chơi xỏ tao!
– Bậy rồi, không phải tụi tao bỏ mày đâu! Tao chỉ cài mày vào đội hình đối phương do thám thôi, có chuyện là tụi tao chạy à nhầm tụi tao ứng cứu mày liền!
– Láo đi, tụi bây mà ứng cứu cái nổi gì, hại tao thì có!
– Xời, thấy mày không sao nên tụi tao mới không ra tay đó!
– Thôi dẹp đi hen!
– Được rồi mấy thím, chúng mình tập trung vào chuyên môn đi! – Toàn phởn vỗ tay điều động.
– Đúng rồi, nãy giờ xảy ra đủ thứ chuyện nên mình chưa ôn được gì, bây giờ bắt đầu ôn nghiêm túc thôi!
Bé Phương cười tíu tít đồng lòng với Toàn phởn mà quên đi rằng những rắc rồi nãy giờ đều xuất phát từ nó.
Thế là bọn tôi lại tiếp tục guồng quay ôn thi của mình. Hôm nay bọn tôi ôn môn Toán, vốn là một trong những môn quan trọng nhất vì nó là môn hệ số 2, song song với môn ngữ văn.
Ngọc Mi có lẽ khá giỏi môn này, nó chỉ lấy vở ra xem đi xem lại những phần nó cho là quan trọng rồi lại nhìn sang phía cuốn vở của bé Phương như muốn xem trước chương trình học vậy.
Còn bọn tôi tất nhiên là phải lặn hụp trong cái mớ kiến thức rối nùi như bòng bong mà chẳng tài nào tìm ra được lời giải. Đã vậy Toàn phởn là một thằng thích cù nhây.
Gặp khó về một bài toán, tôi hỏi nó:
– Ê mày, tìm giới hạn của bài này sao?
Toàn phởn thoáng liếc nhìn bài tập tôi đang chỉ, đáp gỏn lọn:
– Bằng 1!
Tôi tức tối:
– Đệt, sao bằng 1!
Nó vẫn bình thản:
– Thì nó bằng 1!
– Nhưng tại sao?
– Giờ tao hỏi mày nè, 1+1 bằng nhiêu?
– Bằng 2!
– Tại sao nó vậy?
– Thì tự nhiên nó vậy!
– Thì vậy đó!
Tôi thí đều muốn phun lửa tới nơi:
– Hai cái đó đâu có liên quan, vào thi mày ghi đáp án không cho bị 0 điểm à?
– Ố hô! Thì ra là mày hỏi bước làm à, sao không nói sớm tao chỉ cho!
Tôi tức tối nghiến răng trèo trẹo:
– Mày hay lắm Toàn!
Nếu không nể tình nó đang chỉ bài tôi thì chắc tôi đã cốc vào đầu nó mấy cái cho bỏ tật cù nhây. Nhưng nghĩ lại lúc nãy tôi cũng trêu đểu nó vài câu nên thôi. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Mà cái có qua có lại này đúng là thốn gì đâu!
Bọn tôi học bài đến chừng 5h chiều thì bắt đầu giải tán ra về vì bụng đã kêu ồn ột. Hôm nay chắc là do học chung với người đẹp như Ngọc Mi nên Phú nổ không giở mửng cũ đòi giải trí ra tru tréo, tiết học vì vậy mà suôn sẻ hơn.
Cả đám ra về. Tôi hiển nhiên vẫn ngồi trên xe của Ngọc Mi như mọi thường. Hôm nay con bé khá vui, chỉ mới đi được một đoạn nó đã bắt chuyện:
– Đúng là học nhóm vui ghê anh ha!
Tôi khoái chí chém thêm:
– Hề hề, bọn anh năm nào tới kì thi cũng học nhóm như vậy đó!
– Hi, thích ghê!
Chợt nhớ lại cách Ngọc Mi tạo cảm tình với bé Phương, tôi hỏi:
– Nè, hồi trưa em đã nói gì với Ngọc Phương vậy?
– Hì, cũng hông có gì đặc biệt đâu. Em chỉ gọi anh Toàn hỏi về sở thích của chị Phương rồi theo đó mà trò chuyện thôi. Do biết được chị Phương đang đọc Harry Potter nên em lấy quyển có sẵn ở nhà tặng chị ấy đó!
Tôi gật gù:
– Đúng là thông minh thật, Ngọc Mi có khác!
– Hi, không phải đâu anh. Chỉ do chị Phương cũng là một người hiền lành, ngây ngô nên em mới dễ tiếp cận thui. Anh Toàn đúng là may mắn khi gặp chị Phương đó!
– Ừ, đúng thật là người như bé Phương giờ chẳng còn mấy ai.
– Mà nè, tại sao chị Phương gọi anh bằng anh, hai người cùng tuổi mà!
– À đã xảy ra một số chuyện trong quá khứ, và bé Phương đã kết nghĩa anh em với anh!
– Hì, ra vậy!
Con bé chỉ mỉm cười rồi không hỏi gì thêm. Tôi ngạc nhiên:
– Em không muốn biết thêm à?
Ngọc Mi lắc đầu:
– Hi, không! Chuyện ở quá khứ cũng đã xảy ra rồi, em không muốn biết làm gì, quan trọng ở hiện tại mình sống như thế nào thôi.
– Ừ, em nói cũng phải!
Con bé tiếp tục mỉm cười:
– Vì vậy tranh thủ mấy ngày còn lại, mình cố gắng anh nhé!
– Ừ, chắc chắn rồi.
Tôi buồn buồn đáp lời Ngọc Mi. Không phải tôi buồn vì câu nói của con bé mà buồn vì không còn bao lâu nữa con bé sẽ lại về ở chung với nội và liệu cho đến lúc đó tôi có còn được gặp con bé hay không…