Đời học sinh - Quyển 5
Chương 49
Hôm nay cả đám bọn tôi đều mặc đồ hết sức đơn giản. Chỉ quần sà lỏn, áo thun cũ cùng mấy rổ tre to khủng bố. Vì sắp sửa đây, bọn tôi sẽ tự tay mò ốc ở con kênh này để bổ sung vào nguyên liệu nấu ăn cho bữa tiệc.
Khỏi phải nói, khúc kênh này luôn là một nơi màu mỡ để những đặc sản sông nước phát triển như ốc, cua, ghẹ và cả cá nữa.
Do thế, chỉ cần chèo ra xa bờ một tí, chúng tôi bắt đầu nhảy tỏm xuống kênh để lặn hụp mò những con ốc vùi mình ở dưới đáy.
Tụi thằng Khánh lúc nào cũng là một đám nhí nhố, chỉ mò được một lúc, tụi nó đã nhộn cả lên.
Khởi đầu là thằng Khánh. Đang mò ốc, nó đột nhiên kêu thằng Mậu lại:
– Ê Mậu, lại đây coi tao mò được gì nè!
– Đâu!
– Đây nè!
Thằng Mậu vừa kê mặt lại, thằng Khánh đã móc một nắm sình lên tọng vào mặt làm nó hoảng hồn tru tréo:
– Bà mẹ mày Khánh chơi tao hả?
Và để đáp trả lại cú lừa của thằng Khánh, thằng Mậu lặn xuống nước rồi ngoi lên với một nắm sình to tổ bố trên tay. Lần này nó không giở trò dụ khị như thằng Khánh nữa, mà nó ụp luôn đóng sình đó vào đầu thằng Khánh làm nó la bài hãi:
– Đệt, sao mày chơi cục chà bá thế? Thích chiến à?
Bỗng chốc từ một buổi mò ốc, hai tụi nó đã biến thành cuộc chiến chọi sình cực kì khốc liệt, ngay cả tôi đã chủ động lội ra tránh xa cuộc chiến nhưng cũng bị vài cục sình lạc đạn táp thẳng vào đầu.
Có lẽ vì thấy không khí vui vẻ như thế nên Ngọc Lan ở trên xuồng lúc này cũng háo hức:
– Cho em tham gia với, hihi!
Thôi em tranh thủ hái lục bình với chị em bà Nhung đi, chứ tụi này quậy như thế biết bao giờ mới mò ốc xong.
Hôm nay ngoài Ngọc Lan ra còn có chị em nhỏ Nhung đi theo đảm nhiệm công việc hái lục bình về nấu ăn. Dù gì hai chị em nhà đó cũng xuất thân từ miền quê sông nước nên việc chèo thuyền, câu cá ngắt lục bình là chuyện thường ở huyện. Tôi hoàn toàn yên tâm khi cho Ngọc Lan đi cùng họ.
Nhỏ Nhung nghe tôi nói vậy cũng rút sào lên:
– Vậy thôi mấy ông cứ mò ốc đi, tụi tui chèo ra khúc kênh kia bứt tiếp chứ ở đây bị mấy ông phá bấy nhầy hết rồi còn hái được nữa đâu. Kẻo lại bị lạc đạn nữa!
– Ừ, bà chèo cẩn thận nhen! Tui giao cục cưng của tui cho chị em bà đó!
– Thấy ghê hông, còn cục cưng nữa! Em chèo đi luôn khỏi trả chị Lan lại cho anh, lêu! – Con bé Linh le lưỡi trêu.
Nhìn con bé Linh như vậy tôi cũng mừng. Tinh thần của nó đã dần ổn định lại sau biến cố với tụi bạn thằng Thạch Sanh. Tôi biết nó là một cô gái mạnh mẽ. Những chuyện thế này không thể nào làm ảnh hưởng đến nó quá lâu.
Nhưng cũng vì mạnh mẽ như vậy tôi mới lo sợ rằng, một thằng khờ khờ, ù lì như thằng Khánh có đủ sức làm lay chuyển con bé hay không. Thằng Khánh rất giống với Huy đô, đều yêu một cô gái rất có cá tính và một chút bướng bỉnh, lạnh lùng.
Nhưng tính ra thì thử thách đối với thằng Khánh còn dễ thở hơn với Huy đô. Nó không phải đương đầu với một Lam Ngọc lạnh lùng và cực kì kỉ luật. Chắc chắn một ngày nào đó bé Linh sẽ hiểu được tình cảm của thằng Khánh.
Trở lại với việc chuẩn bị tiệc cho buổi chào mừng tụi thằng Toàn.
Cuối cùng thì đám con trai bọn tôi cũng đã mò đủ số ốc như dự định. Nhưng hệ quả thì người ngợm thằng nào cũng lấm lem bùn sình cho trận chiến chọi sình lúc nãy.
Tôi tất nhiên không theo bất kì phe nào mà chỉ cố gắng né thật nhiều đạn lạc của tụi nó nhất có thể. Ấy thế mà dù đã trổ tài phản xạ né đòn, tôi vẫn không tránh khỏi việc bị lĩnh vài phát đạn của tụi thằng Khánh đến đau rát.
Còn về phía nhóm Ngọc Lan. Khi trở về, trên xuồng đã chất đầy vừa lục bình vừa hoa nhìn thật bắt mắt. Ở trên tay Ngọc Lan còn cầm theo lủng lẳng đến 4 – 5 con cá ngát.
Thấy tôi, nàng giơ lên như cười tít:
– Em câu được nè, giỏi hông?
Tôi nhíu mày nghi hoặc:
– Thật không? Em mà câu được nhiêu đây cá hả?
Bé Linh liền lên tiếng chứng minh cho Ngọc Lan:
– Phải đó anh! Số cá này chị Lan câu được đó, hay ghê!
Tôi gật gù:
– Hừm, đúng là chérie của anh có khác, hề hề!
– Xí, do em hay chứ liên quan gì đến chérie của anh, lêu! – Nàng cũng tinh nghịch thè lưỡi trêu tôi.
Bên phía thằng Khánh cũng muốn lấy le với bé Linh, nó bưng một rỗ đầy ốc ra cho con bé:
– Em coi nè! Cả buổi sáng mò ốc của anh đó!
Con bé che miệng cười:
– Hì! Tưởng cả buổi sáng anh chơi chọi sình chứ!
Bị con bé bắn trúng tim đen, thằng Khánh chói nguậy:
– Đ… đâu! Lúc em chèo xuồng đi là tụi anh mò ốc tiếp rồi, ai rảnh mà chơi mấy trò trẻ con đó ha tụi bây?
– Khụ… khục!
Tuy là đứng về phe của thằng Khánh nhưng cả đám vẫn không kìm nỗi nhưng tiếng khục khịt do nhịn cười làm thằng Khánh hơi giật mình.
Nó tằn hắn hỏi lại:
– Hèm! Tao hỏi có phải không?
– Ờ, phải phải!
Có lẽ bé Linh đã biết tẩy của thằng này, con bé nheo mắt tinh nghịch:
– Nhưng em thì thích chơi chọi sình hơn! Mà tiếc là tụi anh đâu có thích chơi trò đó!
Thế là từ một thanh niên nghiêm túc, thằng Khánh quay ngoắc 180 độ:
– Thật thì tụi anh vẫn còn thích chơi chọi sình lắm! Hôm nào em theo tụi anh chơi cùng hen!
Và đúng như dự đoán của tôi, lần này con bé đã quay ngoắc:
– Thôi! Em suy nghĩ lại rồi! Trò đó trẻ con lắm, lại dơ nữa, về bị ba mẹ đánh cho coi!
– Ặc.
– Hahaha! Cho mày bỏ tật mồm mép nha con! – Cả đám ôm bụng cười bò không ngớt nước mắt.
Không biết trút cục quê vào đâu, thằng Khánh quay sang đám thằng Mậu gắt:
– Tụi mày im hết coi! Lớn rồi mà cứ nhoi nhoi như con nít vậy?
Tụi thằng Mậu cũng không vừa, nó cười đểu bật lại:
– Tụi bây nhìn xem giờ ai đang loi nhoi kìa!
– Đệt! Dám nói xéo tao hả? Tụi bây chán sống rồi!
Thế là bỏ rổ ốc lại, thằng Khánh xăn quần rượt tụi thằng Mậu chạy khắp rẫy ca cao gần nhà nội tôi làm chó sủa inh ỏi cả một vùng.
Trưởng thành ư?
Thú thật, tôi chỉ thích đám thằng Khánh và những đứa trong xóm chỉ mãi như thế này mà thôi. Vô ưu, vô lo suốt ngày rong chơi ngoài đồng với những mùa bóng bánh, mùa thả diều dường như bất tận.
Dù mai đây tụi nó sẽ lớn và sẽ có những thế hệ tiếp theo thay thế bọn tôi duy trì những mùa bất thành văn đó. Nhưng qua bao nhiêu năm về quê nội và nhìn thấy sự đổi thay dần đều ở đây, tôi chắc chắn một điều rằng sẽ không có một thế hệ trẻ con nào đẹp hơn cái thời trẻ con của bọn tôi và sẽ không có một đồng bò, một rẫy ca cao nào nhộn nhịp và đầy ấp tiếng cười nhiều như thế nữa. Nhớ gì đâu!