Mùa hạ đầu tiên
Chương 35
Sáng hôm sau, 5h30 Diệp đã đến nhà tôi. Hai đứa cùng qua nhà bé Phương chở tủ mang đến trường, rồi lại tới nhà bé Tú chở bàn ghế quay lại trường.
Bày biện đâu đó, thấy vài lớp khác trang trí cho gian hàng của mình khá cầu kỳ tốn kém, nhìn lại lớp mình, tôi bất giác bật cười. Chỉ vỏn vẹn hai bộ bàn, một cái tủ và cái bàn gỗ nhỏ Ngân đem xuống để bếp gas mini với thực phẩm. Dù sao đó cũng là chiến thuật, một kế hoạch dài hơi tôi đã lên từ trước.
Xong xuôi hết trời vẫn còn khá sớm, mới 6h30, để Diệp ở lại bếp núc với mấy đứa, tôi ra ngoài ăn sáng. Chở Diệp suốt sáng nay nhưng tôi không tài nào mở lời hỏi hay đánh giá được điều gì từ em. Em vẫn vậy, trong thái độ với tôi không hề có chút thay đổi. Không ngại ngùng, không giữ kẻ, vẫn vui tươi, thoải mái và quyến rũ như xưa. Cứ giống như hôm qua tôi chưa hề gửi em bất kỳ câu hỏi nào. Em chỉ chia sẻ với tôi rằng em không thích thơ văn cho lắm, vậy nên em viết không giỏi. Và vì viết không giỏi nên em hiếm khi viết một điều gì.
Lúc đó tôi lại quá ngốc để hiểu rằng, điều đó nghĩa là em sẽ không viết thư trả lời. Trong trí óc của chúng ta có những điểm mù nhất định. Bởi là điểm mù nên đôi khi có những thứ sờ sờ ra đó nhưng chúng ta cứ mãi loay hoay đi tìm, rồi để lạc mất…
Người ta nói yêu thơ thường lãng mạn…
Em lãng mạn vậy mà chẳng yêu thơ…
Anh biết thế nhưng vẫn cứ đợi chờ…
Vẫn viết thơ gửi cho người ta đọc…
Đúng 7h sáng hôm đó cô Ngọc lên phát biểu khai mạc ngày hội. Tiếp sau là phần vui chơi của bọn tôi. Công việc đã phân công đâu ra đó nên sáng nay, ngoài dự thi cờ tướng tôi có khá nhiều thời gian rảnh. Rủ thêm ku Liêm, 2 đứa lang thang khắp các gian hàng lân la chém gió. Đến gian hàng của 11/8, thằng Liêm gặp bé Linh nên nói chuyện lâu hơn, tôi đứng nhìn qua gian hàng 11/10, thấy Thương trong bộ váy suông màu hồng nhạt thêu ren dưới đầu gối cứ tất tả chạy ngược chạy xuôi. Gian hàng của Thương bán cóc ổi xoài lắc, toàn những món tôi ghiền. Nhưng không hiểu sao cân nhắc tới lui một lát tôi lại thôi, không dám ghé vào.
Đang nhìn em một tay lo toan mọi thứ, vài giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt khả ái, vài lọn tóc ngỗ nghịch không chịu vào nếp mà cứ rũ xuống lòa xòa trước đôi mắt nâu biếc, vẻ đẹp rạng ngời này đã một thời khiến tôi điên đảo cả thần hồn… Giật mình nghe ku Liêm gọi, tôi vội vã quay lại đi xem thằng Mạnh đẩy gậy.
Bước vào một vòng tròn nhỏ đường kính tầm 3m, không hiểu nó bốc thăm sao đó may mắn vượt qua vòng loại vào thẳng vòng trong. Đối thủ của nó là thằng Đạo lớp 11/3. Thằng này cũng to con nhưng nếu xét ra vẫn thua thằng Mạnh một bực vì người nó mỡ là nhiều, hơn nữa thấp hơn thằng Mạnh nên sải tay và chân cũng ngắn hơn.
Cây gậy tre vừa vặn được mỗi đứa cầm một đầu vào tư thế chuẩn bị. Có 4 vòng tròn như vậy để một lúc có thể diễn ra 4 vòng đấu. Thầy Hưng dạy thể dục hô to bắt đầu, cả sân trường hò reo sôi động như cổ vũ một trận túc cầu cỡ lớn.
Thằng Mạnh lấy thế tấn chắc nịch, không vội dụng sức, chỉ toan phòng thủ. Sau gần một phút gườm ghè, thấy đối phương cũng chả có gì muốn đẩy tới, nó tính toán gì đó rồi lui nhẹ chân lấy trớn trong một thảng, vận hết lực bung về phía trước. Bất ngờ vì bị đà lui của thằng Mạnh làm cho thế thủ bị hớ, lại tiếp tục nhận được cú thúc gậy trời giáng, thằng Đạo bật hẳn ra khỏi vòng. Cả lớp tôi vỗ tay reo hò hú óa đủ kiểu.
Thời gian ngày hội chỉ diễn ra trong buổi sáng nên không nghỉ ngơi, nó tiếp vào bán kết. Lần này đối thủ của nó là một anh 12 to cao tầm tầm, 2 bên cân chạng. Bước vào vòng, nó nhờ bé Minh cho mượn 2 miếng nhấc nồi lót vào đầu thanh tre, rồi nắm chặt đầu đó đưa xuống dưới bẹn, tay còn lại vươn đến nắm ngay vào dải băng đỏ cột làm mốc ở giữa. Tư thế hơi lạ, chắc nó đọc được trong tài liệu tôi gửi. Đối thủ thấy tư thế đó cũng lạ nên hai mắt cứ nhíu nhíu ra vẻ khó hiểu, sau đó một tay nắm đầu tre để vào ngay hông, người hơi nghiêng. Thầy Hưng hô bắt đầu, anh kia vận hết sức lao lên như mãnh thú, vừa hay gặp bức tường chắc nịch của thằng Mạnh chắn ngang. Mặt không biến sắc, còn ra vẻ cười nham hiểm và đưa mắt quan sát đối thủ.
Võ học có câu “mạnh dùng sức, yếu dùng thế.” Thằng Mạnh thì vốn mạnh như cái tên của nó rồi, nhưng dường như nó chưa dụng đến sức mạnh đó. Theo quan sát của tôi, thế đứng của nó vừa hay triệt tiêu hoàn toàn lực đẩy của đối thủ. Tay trái dưới bẹn tạo nên điểm khóa đầu gậy vào trọng tâm cơ thể, tay phải nắm giữa gậy tạo nên thế kéo giữ cơ thể luôn vững vàng, đôi chân tiếp xúc hoàn toàn với mặt đất giữ ma sát tuyệt đối là điểm tựa không thể lùi.
Đợi thêm vài phút mặc cho đối thủ ra sức đẩy, khi thấy anh kia vừa dừng lại nghỉ mệt, nó nhích nhẹ hai chân lên một bước khiến đối thủ phải ra sức tấn trụ. Thấy khó khăn nó lại đứng im, rồi cứ thế, vài giây nó lại nhích một bước, đẩy dần đẩy dần đối thủ ra khỏi vòng, mặt vẫn không biến sắc, tiến thẳng vào chung kết.
Tự tin thằng Mạnh chắc chắn giật giải, tôi quay lại nói bé Phương lát tới phần thi nhảy dây thì cho lớp tham gia, vui là chính được rồi, không phải áp lực.
Bé Ngân lúc này đang nấu nướng bên dưới với Tâm, Minh, Diệp và 2 cô thực tập. Tôi tiến lại nhắc nó nhớ phần thi văn nghệ. Xong đâu đó, tôi lên sân khấu đánh trận bán kết.
Minh Thành đúng là thằng khôn lỏi. Nó tìm mọi cách để né tôi. Có 4 kỳ thủ vào bán kết, đáng ra phải bốc thăm để chia cặp thì đằng này, không hiểu sao thầy Thanh chỉ định thẳng ai đấu với ai. Vậy là nó đấu với thằng nào đó khối 10 như nó, còn tôi gặp phải anh Nhân lớp 12/1. Mà việc thi đấu với ai tôi cũng chả quan trọng lắm. Đằng nào cũng phải đánh bại tất cả mới mong giành quán quân.
Bước vào trận cờ, tôi nhận được đi tiên. Nhìn mặt đối thủ tự tin quá nên tôi cố tỏ ra vẻ sợ sệt cho đối thủ chủ quan luôn. Kiêu binh tất bại. Tôi giả vờ xếp nhầm quân tịnh qua quân mã. Anh Nhân buông liền câu áp đảo quần hùng:
– Vô tới đây mà xếp nhầm quân, toát mồ hôi rồi hả em?
– Oh, dạ… hihi… – tôi làm bộ gãi đầu gãi tai ra chiều lo lắng lắm.
Dụng tiên bằng nước thúc chốt ở lộ 3 (cờ tướng có 9 lộ, chốt ở lộ 1 3 5 7 9). Đây là nước thăm dò cực sắc nét. Vừa chưa dụng các quân có lực như xe pháo mã để linh hoạt tác chiến, lại tiến chốt một nước đè chốt cùng lộ của đối phương nhằm khóa thế xuất của trận bình phong mã.
Có vẻ chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa của nước này, đối thủ cười nhẹ ra chiều khinh khỉnh rồi ra thế trận thuận pháo. Không nghĩ ngợi nhiều, tôi chống tịnh lộ giữa dĩ bất biến ứng vạn biến. Anh Nhân đi tiếp mã tấn để chuẩn bị xuất xe quá hà. Tôi phớt lờ nước đó cho ảnh chủ quan càng thêm chủ quan, đưa mã dạt biên đặng chuẩn bị xuất xe. Vài nước sau đó là màn tấn công tới tấp của đối phương. Tôi vờ vừa suy nghĩ vừa lau mồ hôi chống đỡ, vừa âm thầm đưa đối phương vào trận địa pháo của mình.
Hút hết phần lớn quân công của đối phương băng sông tấn công vào cánh phải, tôi giữ pháo vào thế mai phục khóa tướng chiếu bí. Mãi mê tấn công, thấy cờ tôi vững như bàn thạch, phải thêm quân để phá thành, còn quân xe duy nhất giữ nhà ổng cũng đem lên chắn ngang chân sỹ phục chuẩn bị lấy mã cảm tử tông vào để xe chiếu bí. Nước cờ khá hiểm nhưng lại chậm một bước. Tôi đẩy pháo xuống chiếu khiến đối phương phải hạ sỹ. Quân mã hững hờ nằm gai nếm mật chờ thời đã có đất dụng võ, tôi đẩy mã từ lộ 6 sang lộ 7 chiếu tiếp ép tướng phải ngoi lên. Tôi tiếp tục thoái pháo một nước kẹp mã chiếu bí trong sự ngỡ ngàng của anh Nhân.
Trận bán kết bên kia cũng kết thúc với phần thắng nghiêng về Minh Thành.
Hai đứa ngồi vào trận chung kết. Vì là chung kết nên sẽ đánh ba trận, ai thắng 2 thì vô địch.
Quan sát sắc diện đối phương thấy khá bình tĩnh. Khí chất cũng ổn định, lại nắm quân tiên. Trận này tôi bắt đầu tập trung hết 10 thành công lực. Trong cờ tướng, nếu hai bên cân cờ và cao tay, việc nắm được nước tiên là lợi thế khá lớn.
Minh Thành ra nước đầu bằng cú thúc chốt lộ 3 như tôi khi nãy. Thoáng giật mình, khai cuộc bằng nước này chỉ có 2 trường hợp, 1 là không biết đánh nên thúc bừa, 2 là đã qua trường lớp và nghiên cứu chuyên sâu. Mà đối thủ đã loại hết tất cả vào đến chung kết, rõ ràng không thể thúc bừa được. Tôi đẩy mã lên đưa vào thế bình phong. Đối phương lùi pháo một nước ra thế công đầy sát khí bằng cặp trùng pháo. Đây là thế đánh chí mạng đối với tôi vì tấn công vào điểm yếu của bình phong mã. Tôi đẩy tiếp mã phía bên đối diện lên đặng xuất xe cánh qua hỗ trợ. Qua 10 nước khai cuộc, thế cờ của tôi chỉ còn nước chống đỡ. Nhưng đối phương lại lộ ra điểm yếu.
Cờ tướng là môn dụng trí cực nhiều. Đánh một nước phải tính tới động tĩnh của đối phương sẽ đi theo những hướng nào và đặt ra chừng đó phương án để hóa giải. Phàm bậc cao thủ, bước qua năm nước khai cuộc đã nhìn ra thế thắng của mình hoặc ém cờ cầu hòa. Nếu 2 tay cân cờ đối nhau chan chát, trận đấu vào tàn cuộc sẽ đánh giá được sự sáng tạo và thâm hiểm của đối phương.
Phải tôi là Minh Thành vào lúc này, rõ ràng cờ tôi như cá nằm trên thớt. Nhưng dường như Thành không nhận ra điều đó. Nó cứ mãi loanh quanh lui tới, công không ra công thủ không ra thủ, vừa đánh vừa sợ thua nên không dám nhất kích tất sát.
Hóa ra nó dụng cờ khai cuộc cực chuẩn nhưng học hành chưa tới nơi tới chốn nên khi đối phương cố thủ qua trung cuộc, về tàn cuộc nó đuối thấy rõ, nước đi cũng vì thế mà trở nên mất tính sáng tạo cũng như quyết đoán.
Nói là nói vậy, mặc dù đuối nhưng cờ của nó vẫn lợi thế vô cùng với liên hoàn pháo ở lộ giữa và xe mã hỗ trợ có thể nhập cung phá thành lấy tướng bất cứ lúc nào.
Thủ thêm một chút, thấy đối phương cứ cà quần tôi đâm nổi máu nóng, xách pháo nã thẳng vào sỹ chuyển qua thế công. Đây là nước được ăn cả, ngã về không. Vì khi quyết đánh nước này, nếu Minh Thành đi cờ thủ chuẩn mực, tôi chắc chắn sẽ thua. Còn nếu đi sai một nước, phần thắng trong tay tôi ngay. Ghét cái là nó đi chuẩn mực thật. Và tôi nếm thất bại đầu tiên.
Điều quan trọng không phải là bạn chiến thắng hay thất bại, vì đó là chuyện thường của binh gia. Vấn đề quan trọng là bạn chiến thắng như thế nào và thất bại ra sao. Tôi mất nước tiên nên bị dồn ép quá đâm ra nóng máu mà chơi kiểu xanh cỏ hoặc đỏ ngực. Nhưng tôi kịp nhận ra khi đưa cờ về tàn cuộc, Minh Thành chỉ còn là con báo không nanh vuốt.
Qua trận thứ hai, tôi vừa thua nên nắm thế đi tiên. Nhích đúng chốt lộ 3 như đối thủ, khai cuộc qua 5 nước vào thế cân bằng. Tôi ép đối phương đổi quân liên hoàn để bỏ qua trung cuộc vào thẳng tàn cuộc. Hai bên còn mỗi tịnh sỹ phòng thủ. Tôi có xe mã lợi chốt, Minh Thành chỉ còn xe mã. Trận đó tôi thắng nhanh trong sự chống đỡ vô phương của thằng Thành.
Đến trận thứ 3, Minh Thành mồ hôi đã lấm tấm trên trán. Có lẽ nó biết tôi đã nhìn thấy điểm yếu của nó khi cứ liên tục ép đổi quân đưa cờ về tàn cuộc, mặt nó biến sắc thấy rõ. Cố tránh né vẫn không sao thoát được. 2 bên mất hết xe pháo còn đúng song mã bay nhảy và đàn chốt hỗ trợ. Biết đôi phương không dám mạo hiểm, luôn cố không thua trước khi tìm đường thắng nên tôi thong dong đưa cặp mã kiềng nhau lại rồi quan sát đợi thời cơ. Nó cũng không vội tấn công mà quan sát giống tôi.
Trận thư hùng kéo dài đã đến gần trưa, các thầy cô và mấy đứa biết chơi cờ lại quan sát ngày càng đông. Cô Ngọc thúc thầy Thanh mau kết thúc để lấy sân khấu thi văn nghệ. Là đàn anh, cứ dùng dằn mãi thế này thật chẳng đáng mặt đàn anh chút nào, cân nhắc đôi chút, tôi quyết định ra đòn mở rộng cổng thành, đẩy tướng lên một nước mời gọi chiếu bí.
Nhìn thấy nước đi táo bạo này, nó ngồi suy nghĩ gần 5ph không dám động thủ. Tôi biết với tính cách không thua trước khi thắng của nó, khi không hiểu được ý đồ đối thủ nó tuyệt không dám manh động. Và với nước vừa rồi, nó suy nghĩ đến nửa ngày cũng không nhìn ra được huyền cơ bên trong. Vì cơ bản bí hiểm ở đây là không hề có bất cứ bí hiểm gì. Tôi đưa tướng lên ra kiểu mời gọi mà tim cũng đập thình thịch. Nếu nó chiếu đúng thì tôi thua chắc. Nhưng nếu nó chiếu nửa vời kiểu vừa công vừa thủ, thả được tướng qua lộ 4, lợi dụng mặt tướng tôi sẽ thắng ngay.
Chắc chắn nó không đủ bản lĩnh để làm vậy đâu. Vì nó đang nghĩ không phải tự nhiên tôi đưa tay chịu trói. Hẳn tôi đang nhử nó, nó sẽ chiếu nhứ một cái rồi rút về thủ lại thôi. Chắc chắn sẽ vậy – tôi thầm tự nhủ.
Thấy đối phương suy nghĩ lâu quá tôi khích:
– Chiếu đi em. Anh sắp thua rồi.
– …
– Thấy nó im lặng, tôi khích tiếp – Trận đấu lâu quá nên anh chấp nhận tự thua đó.
– …
Bị khích quá, nó đưa tay cầm con mã trong sự mừng thầm của tôi. Nếu chiếu mã rồi về thủ lại, tướng tôi di qua lộ 4, nó chết chắc.
Bỗng đâu 1 bàn tay cản lại. Nhìn lên thì ra thầy Đồng. Có lẽ nghe tôi khích đàn em tội nghiệp nên đâm ra bực ghé vào quân sư: Chiếu mã là thua, đẩy chốt vào.
Nghe lời này như sấm đánh ngang tai. Nếu nó biết tôi vừa dùng hư chiêu chứ thật ra không có gì cả, nó nhích chốt vào khóa tướng tôi ra lộ 4, mã tôi không lui về được, tướng lại vừa hay đẩy lên mất nước, ván này tôi cầm chắc thất bại.
Nhưng tôi cũng không dám phản đối thầy vì nếu phản đối chỉ càng làm lộ thêm chân tướng bên trong.
Dù vậy, tất cả cũng đã quá trễ. Minh Thành vốn hay cờ và thật sự đã qua trường lớp. Nó nhìn những sát chiêu tôi dùng để hạ mấy đứa ở vòng loại và khí chất con người tôi tỏa ra từ đôi mắt nên bị áp chế tinh thần. Và sự áp chế đó khiến nó nghĩ mãi nước lên tướng mời gọi kia của tôi không thông. Nó sợ tôi đang ẩn sát chiêu nào đó nên không dám vọng động. Nhưng lời thầy Đồng vừa nói như thức tỉnh nó ra khỏi cơn mê. Rõ ràng nếu tướng tôi không ra được lộ 4, dù nó không thắng tôi tôi cũng không có đường chiếu bí nó. Vậy là nó đẩy chuột khóa lộ 4 như lời thầy.
Mấy đứa lớp tôi xôn xao cả lên vì trận thi đấu bị phá vỡ bởi người thứ 3. Nhưng nhìn đồng hồ thấy đã gần 10h nên tôi xua tay rồi đứng dậy nhận thua. Chỉ giành được giải nhì cờ tướng về cho lớp.
Thằng Thành cũng có vẻ áy náy nên xin phép bắt tay tôi. Tôi cười tươi vui vẻ rồi hỏi em học cờ từ khi nào. Lúc đó nó mới thật thà kể rằng nó học từ năm lớp 3 và đã 2 lần quán quân giải trẻ ở Quận.
– Em nhất giải trẻ quận nhưng xém thua anh ở giải trường. Anh bắt bài tốt quá, nếu anh đi tiên 2 trận chắc em thua.
… Bạn đang đọc truyện Mùa hạ đầu tiên tại nguồn: http://truyen3x.xyz/mua-ha-dau-tien/
Giải nhì cờ tướng của tôi cùng với giải nhất đẩy gậy của ku Mạnh đã giúp lớp tôi có được 2 trong 15 vị trí giải thưởng của trường. Đúng là không ra về tay không như kế hoạch. Hơn nữa, bọn tôi còn được một bữa no nê cá viên chiên với khoai tây ế.
Sáng chủ nhật hôm sau họp bí thư toàn trường chuẩn bị cho ngày hội trại kỷ niệm thành lập đoàn. Vì hội trại 3 năm mới tổ chức một lần nên cô Ngọc chuẩn bị rất kỹ lưỡng, mời cả anh Sanh huấn luyện viên quốc gia và anh Hưng phó bí thư Quận đoàn về dự.
Anh Sanh huấn luyện kỹ năng cho bọn tôi từ hè lớp 10 tới giờ nên tôi biết rõ. Còn anh Hưng là bạn cùng học khóa khiêu vũ thành phố với chú Thành nên tôi cũng có gặp mấy lần.
Gặp Thương ngoài bãi gửi, em nheo mắt lại nhìn tôi ra ý trách:
– Hôm qua tới lớp Linh rồi, vài bước nữa qua lớp Thương chơi cũng không qua, vậy mà gọi là bạn.
– À, hi, thấy Thương vất vả tới tới lui lui, vô cũng không có ai tiếp nên thôi á.
– Thấy người ta vất vả không thương sao?
– Giật mình vì câu hỏi này, tôi bối rối – À, cũng… cũng có…
– Có sao không qua giúp một tay?
– Giúp… V biết làm gì để giúp…
– Thôi bỏ đi. Lần sau nếu thấy Thương tội thì giúp được không?
– Tất nhiên! Chắc chắn là được! – Tôi trả lời một lúc đến 2 câu khẳng định.
– Hứa nhé!
– Ừ. Hứa!
Cô bạn lắm chiêu lại làm khổ tôi nữa. Bao nhiêu lần nói chuyện rồi nhưng không hiểu sao mỗi khi đối diện tôi chưa bao giờ thôi bối rối.
Lý trí và con tim ít khi hòa hợp. Khi lý trí lấn át thì con tim phải nhún nhường, khi con tim bộc phát thì lý trí phải im lặng. Và cảm xúc của tôi khi đối diện Thương đã lấn át đi những suy nghĩ nhanh nhạy sắc bén tôi vốn có. Hoặc cũng có thể em mang phong thái nói chuyện ở một cấp độ khác tôi, nhỉnh hơn hẳn, vậy nên tôi gần như rơi vào thế bị động hoàn toàn.
Hai đứa tôi cùng nhau vào họp trong ánh nhìn soi mói của cả phòng. Ngay cả ánh mắt của Linh cũng tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy sự lạ này.
Bước vào chỗ ngồi quen thuộc, vài phút sau cô Ngọc cùng anh Sanh và anh Hưng cũng vào. Đưa tay ra hiệu cả phòng ngồi xuống, cô Ngọc giới thiệu sơ qua rồi bắt đầu.
Hội trại năm nay sẽ diễn ra vào hai ngày 21, 22/3, nhằm vào thứ 6 và thứ 7, có một ngày chủ nhật nghỉ ngơi lấy lại sức sau hai ngày vui chơi thả cửa.
Địa điểm cắm trại là công viên nước thành phố Đà Nẵng. Năm 2008 là năm cuối cùng công viên nước còn hoạt động, sau đó được dỡ bỏ để bắt đầu xây dựng làng thể thao Tuyên Sơn với các địa điểm nổi tiếng như nhà thi đấu Đĩa Bay, Helio Center hay Công Viên Châu Á.
Hội trại gồm các hạng mục thi đua riêng biệt như cổng lều trại, trò chơi lớn, trò chơi nhỏ, phát thanh trại, kiến thức đoàn, văn nghệ, nhảy lửa, đôi nhảy đẹp…
Anh Sanh, anh Hưng, cô Ngọc, cô Quyên, thầy Hưng ở trại chỉ huy, sẽ đi chấm điểm tất cả các phần.
Mỗi lớp cử ra một tiểu trại trưởng, hai sao đỏ để hỗ trợ trước, trong và sau trại. Ghi rõ họ tên hai sao đỏ gửi lên cho cô Quyên.
Điểm tổng kết toàn đoàn không được tính nếu đơn vị nào không tham gia đầy đủ tất cả các phần thi.
Riêng kỷ luật trại bao gồm vệ sinh xung quanh, âm thanh, ứng xử với các trại khác sẽ có hệ số 2.
Hơn hai tiếng phổ biến các nội quy và tiếp nhận ý kiến của bí thư các lớp thì cuộc họp mới kết thúc.
Ra về, Thương níu tay áo tôi lại khẽ nói:
– Nhớ giúp Thương với nhé!
– Hi. V hứa mà. Mà sao Thương lo quá vậy?
– Tại thấy V làm bí thư sao nhàn nhã quá, lớp lúc nào cũng có giải. Hôm qua cứ tới lui vui chơi còn đánh cờ nữa. Hix…
– À, hôm qua lớp Thương có giải gì không?
– V thấy đó, chạy tới chạy lui làm đủ thứ cuối cùng ra về tay không, âm cả quỹ lớp.
– Thấy ánh mắt em cụp lại nhìn xuống đất ra chiều buồn bã, bỗng nhiên tôi thấy dường như mình có lỗi gì đó nặng nề lắm. – Sao Thương lại ôm đồm hết vào người chi vậy?
– Lớp Thương khó bảo lắm… – em vừa nói vừa tiu nghỉu.
– Nếu việc gì mình cũng đứng ra làm thì gánh sao cho hết. Lớp trưởng cũng phải hỗ trợ, ban chấp hành đoàn cũng phải chung tay, như vậy mới hoàn thành tốt được.
– Thương khẽ thở dài – Thương cũng muốn vậy. Nhưng nói mấy đứa không nghe.
– Suy nghĩ chốc lát, thật sự nếu không tạo cho lớp một cái uy nhất định hoặc thân thiết vui tươi với mọi người như một gia đình, thì việc nói mọi người cùng hỗ trợ sẽ thật sự rất khó. Đây là việc dông dài ngày tháng, hơn nữa cá nhân đó phải có khả năng phân việc mới có thể làm tốt chứ không thể ngày một ngày hai, nói làm là làm ngay được. Cảm giác muốn được che chở trong tôi bỗng nổi lên – Có gì Thương cứ alo V, V hỗ trợ hết mình.
– Cảm ơn V! – Em nói nhưng vẫn không vui thêm chút nào…
– Thương sao vậy?
– Sắp tới có thi đôi nhảy đẹp, chắc V lại nhảy với Diệp, nhỉ?
– … – Tôi đớ ra không biết trả lời sao với câu hỏi này.
– Im lặng một khoảng em tiếp – Lớp Thương không biết ai nhảy đây…
– …
Tiễn em về gần tới nhà tôi mới quay xe lại. Con đường nhựa xanh thẫm màu biển vẫn trải dài tít tắp. Từng chùm Hoàng Yến vàng nhạt vẫn lặng im ủ rũ. Từng mảng mây trắng vẫn bồng bềnh vô định. Và cảm xúc, cảm xúc vẫn là thứ quá khó để chi phối. Từng vòng xe quay nhanh như tiếng lòng tôi đang rối bời trăm mối. Phải chi ngày đó đừng uống nhầm một ánh mắt, cơn say đâu thể lởn vởn mãi bên người. Mang trong tim một nỗi lòng chôn chặt, trách thời gian sao mãi chưa đến nơi…
Em quay lưng vào nhà, nỗi buồn trong ánh mắt đó vẫn quấn quanh lấy người tôi chứ không vào theo cô chủ nhỏ. Nếu niềm vui từ nụ cười Diệp mang đến cho tôi sự thoải mái thì ánh buồn cuối đuôi mắt Thương mang đến cho tôi cảm giác được là người che chở, bảo vệ. Đôi bờ vai gầy nấp dưới tà áo trắng phẳng phiêu làm tôi thấy tim mình như thổn thức…
Người ơi đừng bới lòng tôi mãi…
Chút thương chưa mới cũ lắm rồi…
Mến yêu dẫu có đành quay gót…
Có chăng còn chút lỡ làng thôi…
Tôi chợt nhận ra tình cảm tôi dành cho Thương vốn mãnh liệt hơn tôi tưởng. Khi không có Diệp bên cạnh, ánh buồn trong mắt em giam giữ những suy nghĩ trong tôi chỉ quẩn quanh tà áo trắng ấy. Tôi bỗng muốn hét lên cho thỏa nỗi lòng kìm nén bấy lâu. Giá như Thương đừng xuất hiện, hoặc giá như Diệp đừng chuyển lớp, hay giá như tôi đừng vội vàng… Sao không ai đó nói rõ cho tôi biết rằng họ thích tôi, họ mến tôi, thậm chí họ yêu tôi. Để tôi có thể dứt khoát mà trao đến họ tình cảm tôi bề bộn chất thành từng đống trong góc phòng chật hẹp.
Ai cũng chỉ im lặng, còn tôi thì lại quá ngu ngốc. Như kẻ khờ cứ đi lang thang trong vườn hoa tình ái đầy hương thơm trái ngọt, muốn ngắt ngắt không đành, muốn ngửi ngửi không trọn. Rốt cuộc tôi đang có cả hai hay chẳng có gì?
Nếu mọi thứ ngược lại hoàn toàn. Thương cố làm quen tôi, cố làm cho tôi thích em ấy, xong đâu đó rồi quay lưng. Kiểu như các bạn trẻ bây giờ hay gọi là thả thính. Sau đó lại quen một anh chàng nào khác. Thử hỏi con tim tôi có nhói đau không…
Vậy… Con tim em có đang nhói đau không…