Mùa hạ đầu tiên
Chương 36
Về đến nhà, tôi lôi ngay quyển sổ tay ra lên kế hoạch cho hội trại. Cánh cửa phòng ngăn cách tôi với thế giới bên ngoài nhưng không cản được ánh buồn của đôi mắt nâu biếc đó vào phòng. Tôi không tài nào tập trung làm được điều gì.
Còn 12 ngày nữa thôi là đến hội trại. Chưa đầy hai tuần. Công việc đầy ra thúc giục bộ não tôi phải hoạt động, thúc giục cơ thể tôi phải ngồi vào bàn. Nhưng bản thân tôi chỉ muốn nằm dài lên giường, mệt mỏi, bất lực. Tôi đang bất lực trước cảm xúc của chính mình. Từ trong tâm khảm, đôi mắt em dường như vẫn chưa thôi thấu tôi vào tận tâm can gan óc.
Không cho phép mình suy nghĩ thêm nữa, bật dậy khỏi giường, chống đẩy liên tục cho đến lúc mệt nhoài. Tôi đang cần sự tỉnh táo, đang cần sự minh mẫn để viết kế hoạch cho công việc đã đến cận kề. Nghe nói thể dục giúp não bộ tiết raendorphins, chất làm giải tỏa sự căng thẳng, tăng cường hứng khởi, giảm cảm giác khó chịu. Nhưng tôi chống đẩy đến lúc tay không còn chút sức lực, tim đập liên hồi, ánh mắt đó vẫn không buông tha.
Tiếp tục vào nhà tắm vặn hết cỡ vòi nước, cảm giác mát lạnh quấn lấy cơ thể khiến đầu óc tôi trống rỗng. Lên ăn trưa rồi về phòng, đôi vai gầy với tà áo dài trắng cứ quẩn quanh làm não bộ tôi tê liệt, tôi thiếp đi, rồi say sưa đến hơn 3 giờ chiều.
Tỉnh dậy bởi giọng nói của mẹ:
– Bé Diệp gọi cho con kìa, xuống mà nghe máy.
Thật đúng lúc. Nếu không có cuộc điện thoại này có lẽ tôi đã quên mất sự hiện diện của ai kia.
– Sáng đi họp mệt lắm hay sao mà ngủ nhiều vậy bí thư ơi? – Em quan tâm.
– À, cũng không có gì đâu, chỉ là về hội trại sắp tới thôi. Bao nhiêu là việc làm V đau đầu quá.
– Đau đầu hả? Hôm nay rảnh, chiều Diệp chạy ra rồi mình đi ăn bánh kẹp cho vui.
– Lát V đá bóng, vậy tầm 6h Diệp nhé, được không?
– Ok bí thư. Hihi, đá bóng đừng có ham quá mà chấn thương đó nha.
Vu vơ vài câu, em tắt máy. Tôi bỗng thấy nhẹ người hơn một chút. Chẳng phải trong lòng tôi tự có quyết định cho mình rồi sao? Thôi thì… Thôi thì Thương cũng như Trâm vậy. Tôi có thể là người che chở, tôi có thể cho em điểm tựa, nhưng tôi sẽ không vì em mà sẵn sàng quay lưng với thế giới.
Mà cũng chắc gì nỗi buồn trong em từ tôi mà ra? Biết đâu em đang mệt mỏi với bộn bề việc học, áp lực với bao nhiêu công tác đoàn, và những điều đó làm em mệt mỏi, chán chường, nên ủ rũ…
Tối hôm đó là một buổi tối đầy vui tươi. Khi bên Diệp, nụ cười rạng rỡ của em làm tinh thần tôi phấn chấn thấy rõ. Phần thi đôi nhảy đẹp hiển nhiên tôi và em tham gia. Điệu bắt buộc của phần thi là Tango. Điệu tự chọn là một trong ba bản Cha cha cha, Rumba, Slow. Nhạc do trường quy định và gửi về trước để các thí sinh tập luyện.
Rõ ràng lớp tôi có ưu thế hẳn về phần này. Vừa không cần phải luyện tập thêm nhiều, vừa có khả năng cao cạnh tranh giải nhất.
Tối đó tôi về nhà với tinh thần vô cùng phấn chấn. Một phần do nói chuyện với Diệp làm tôi vui tươi hẳn lên. Phần còn lại do suy nghĩ trong tôi bắt đầu có chút thông thoáng. Nỗi buồn của Thương không hẳn vì tôi mà ra. Rõ ràng em coi tôi là bạn cơ mà. Và nếu là bạn, chắc chắn tôi là một người bạn tốt. Tôi bắt đầu lên kế hoạch và phân việc cụ thể cho chương trình hội trại.
Mục tiêu là giải nhất toàn đoàn. Nhưng điều quan trọng hơn phải làm sao đó cho tất cả các thành viên trong lớp đều được tham gia một phần gì đó của 2 ngày hội.
Tôi liệt kê tất cả các phần thi cần đầu tư giật giải hoặc chỉ cần tham gia là đủ.
Đầu tiên là cổng trại. Cổng trại hệ số 2, thêm nữa bao năm tham gia đoàn đội tôi lưu về máy không biết bao nhiêu các cổng trại tuyệt vời nên tôi đặt mục tiêu phải nhất cổng trại. Thế là với khả năng hội họa tương đối của mình, tôi lấy bút ra vẽ mẫu cổng trại ưng ý, rồi lên danh sách các món cần chuẩn bị. Nào là tre, ván ép, cờ phướng cho đến dây dừa, dây thép, cây đinh tôi cũng lên chi tiết không sót một thứ, kể cả chi phí hợp lý để mua các thứ đó và thời gian hoàn thành.
Đã không hơn thua thì thôi. Còn khi xác định hơn thua, bạn phải là thằng chuyên nghiệp nhất! Và sự chuyên nghiệp, tự tin đến từ một quá trình lên kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng, chi tiết, đầy đủ.
Sau cổng trại là lều chính. Phần này cũng chiếm vị trí quan trọng trong việc giành lấy đánh giá tốt từ trại chỉ huy. Tôi thêm thắt các ảnh đẹp về thành phố Đà Nẵng, ảnh hoạt động đoàn của lớp làm trang trí. Thêm cả bảng Morse, Semaphore, các gút dây kỹ năng, các kỹ năng sơ cấp cứu dựng lên để tạo thêm tính đa dạng cho lều chính. Phần này tôi giao hoàn toàn cho bé Phương. Tôi còn ghi rõ nó phải chuẩn bị 2 tấm drap trắng, 4 tre dài 2m, bàn ghế, ảnh Bác để dựng lều.
Tiếp theo là lều phụ. Đây là nơi nghỉ ngơi, ăn uống của lớp. Thêm cả trú mưa trú nắng cũng ở trong đây nên tôi lên phương án thuê lều bộ đội. Nhưng sau khi cân nhắc, chi phí cao, lại tốn nhiều công dựng, thêm nữa khá bịt bùng, tôi tay đổi sang thuê bạc đám cưới ngũ sắc. Dùng một cây tre dài 5m làm trụ giữa và căng dây cột vào các cọc đất, bên dưới lót bạc. Vừa nhẹ chi phí, lại vừa thông thoáng, mát mẻ.
Múa hát tập thể tôi giao cho ku Sen nằm trong BCH và bé Minh lớp phó văn thể mỹ phụ trách. Bài hát bắt buộc là “thanh niên làm theo lời bác”, “cha cha cha tập thể”, bài tự chọn là “chiến binh ca vũ khúc”. Tôi ghi rõ 2 đứa phải chọn ra 10 đôi nam nữ của lớp sẽ đi tập ở trường theo lịch, rồi về đánh đĩa các bài nhạc tập lại cho lớp.
– Nhưng ta chọn mà nó không múa thì sao? – Thằng Sen lo lắng.
– Nó không múa thì cho nghỉ, chọn đứa khác. Múa là “được” múa chứ không phải “bị” múa. Thật ra được tham dự, được cống hiến, được lựa chọn và được chú ý là mong muốn của hầu hết mấy đứa trong lớp. Vậy nên xử lý không được cứ để ta nói chuyện.
Về phần trò chơi nhỏ gồm các trò như kéo co ngược, đổ nước vào chai, nhảy bao bố, họa sĩ mù, bước chân đoàn kết, bóng rổ dưới nước, nấu cơm võng, đập niu, cưỡi ngựa ăn bánh… tôi giao hoàn toàn cho bé Ngân. Nó có tính tự kỷ luật và trách nhiệm cao, chắc chắn nó sẽ chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ tôi đã ghi cụ thể ra giấy. Còn về kế hoạch tập luyện và tập trung vào trò nào để lấy giải, tôi nói “phần nào làm được thì làm, không làm được nói ta một tiếng, cơ mà làm được rồi cũng phải báo lại ta kế hoạch nghe.”
Trò chơi lớn không ai khác ngoài tôi với bé Phương phụ trách. Trong trường lúc đó, ngoài chị Ngọc Trang và anh Thanh Sơn của khối 12, tôi tự tin không ai qua tôi về mật thư và mật mã. Còn xét về kỹ năng đoàn tổng hợp, cứ cho tôi là ếch ngồi đáy giếng cũng được. Nhưng trong cái giếng đó, tôi là số 1.
Tôi viết ra một danh sách gồm Huy, Thành, Quân, King, Mạnh, Danh, Bích… các đứa lạnh lẹ và có đầu óc trong lớp, rồi giao cho bé Phương in các tài liệu để lên kế hoạch huấn luyện kỹ năng cho tụi bạn đặng giật giải phần thi này. Tôi còn nói rõ bé Phương không huấn luyện tổng hợp mà phải đi vào chi tiết, chuyên môn hóa sản xuất chứ không phải đa dạng hóa sản xuất. Để thằng Huy thuộc làu Semaphore, thằng Thành thuộc làu Morse nhận tín hiệu. Thằng King lanh lẹ sẽ tham gia các thử thách trong trò chơi lớn với tôi. Thằng Quân cẩn thận thì kiểm tra mật thư và hỗ trợ mật thư, ghi chép dấu đi đường, tín hiệu. Bé Bích nhỏ con, nếu kịch bản trò chơi lớn có thương binh hay bệnh binh, nó sẽ được hóa trang. Nhẹ nhàng, dễ bồng, dễ cõng. Thằng Mạnh và Danh mạnh khỏe, lo khuân vác các dụng cụ, lúc cần thì tham gia trò chơi luôn.
– Sao không chọn bé Trinh? – Bé Phương lên tiếng hỏi.
– Bé Trinh có công việc của nó rồi.
Vì chương trình có thi phát thanh và tiếng hát qua sóng phát thanh diễn ra đồng thời với trò chơi lớn. Tôi giao Trinh và Nhân phụ trách phần này. Từ viết bài phát thanh, luyện giọng đọc, căn thời gian quy định, đánh đĩa, hát đoạn nào cho phù hợp. Tôi tự tin giao cho Trinh kèm bản kế hoạch và không nhắc nhở gì thêm.
Phần tìm hiểu kiến thức đoàn, tôi ra nhà sách mua một quyển kiến thức đoàn, chủ yếu các thông tin về ngày thành lập, ngày kỷ niệm, các đời bí thư, các sự kiện quan trọng… rồi đưa cho bé Minh học. Những ngày tháng tôi còn quen Minh năm lớp 10, tôi biết Minh có khả năng ghi nhớ cực tốt. Vậy nên việc này Minh đảm nhiệm, tôi tin sẽ có giải.
Phần hóa trang biểu diễn và hóa trang nhảy lửa tôi giao cho Trang lùn, thằng Đông, bé Vi và thằng Mạnh. Đông và Vi sẽ hóa trang nhảy lửa. Vì tôi biết 2 đứa này có tham gia hoạt động đoàn tại địa phương, mạnh dạn, vui tính, nên tự lên kế hoạch, tự sáng tạo. Còn Trang lùn và thằng Mạnh tôi hướng đến mục đích của cuộc thi hóa trang biểu diễn là độc và lạ. Bé Trang thì 3m chia đôi, thằng Mạnh thì cao to múp míp, hai đứa lại hài hài vui vui, chỉ có chuẩn.
Văn nghệ tuyên truyền ca khúc cách mạng, sau gần 20 phút cân nhắc, tôi giao nó riêng cho ku Nhân. Lớp đã quá nhiều việc, và để cố cho ai cũng phải tham gia phần thi gì đó, nhưng cũng phải cố gắng tận dụng sở trường của từng đứa, tôi đã kê ra nát óc khả năng phân việc của mình. Nếu bây giờ lập một đội múa phụ họa để thi cùng tiếng hát của ku Nhân, lớp thật không đủ năng lực, mặc dù phần này cũng hệ số 2. Đã chơi thì xác định tới bến, còn không chơi thì điểm xuyến cho vui được rồi. Vậy nên tôi không đặt nặng phần này lắm.
3 giờ sáng. Nằm vật ra giường, tạm hài lòng với kế hoạch đưa ra, tôi nhắm mắt và thiếp đi trong sự mỏi mệt của tư duy, sự nặng nề của cảm xúc – vì nếu tôi vì chuyện cắm trại đã mệt thế này, liệu Thương sẽ mệt đến mức nào nữa…
Trưa hôm sau đến lớp, giờ ra chơi, tôi gọi bé Phương, bé Ngân và đội ngũ BCH đoàn, thêm cả mấy đứa được phân công nhận việc, bảo tụi nó ra về ở lại họp.
Tan học, tôi trình bày chi tiết những hoạt động của hội trại, rồi gửi tờ giấy tôi đã ghi tỉ mỉ công việc cụ thể của từng đứa cho tất cả. Nào là những thứ cần chuẩn bị, cách thực hiện, thời gian thực hiện… Sau đó cùng bàn luận, đưa ra ý kiến, xem có cách nào hay hơn, ngắn hơn, hay tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn không. Vì tôi luôn tin rằng, tam ngu thành sáng, biết nghe người thì thông, còn tự mình thì tối. Đến tận 5h20 cuộc họp mới tạm ổn, mấy đứa lật đật chạy đi học thêm. Tôi giữ lại thêm chút và nói to:
– Còn một việc nữa, nếu nhất toàn đoàn thì khi nào liên hoan?
Bé Phương nghe xong cười mỉm rồi lắc đầu: Ta nghi ngờ về điều đó. Nhưng ta tin mi!
… Bạn đang đọc truyện Mùa hạ đầu tiên tại nguồn: http://truyen3x.xyz/mua-ha-dau-tien/
Vậy là tôi bắt đầu lao vào công việc.
Ngày 11/3 là ngày khởi động cho tất cả khi cuộc họp đã thống nhất mọi thứ.
Giờ ra chơi, tôi giữ tụi bạn ở lại trong lớp rồi bắt đầu trình bày kế hoạch hội trại. Minh và Sen ghi tên các cặp đôi múa hát tập thể ra trên bảng.
Đội ngũ làm trại ngày mai, 7h30 sáng tập trung tại nhà Xuân Vi để làm. Ba Vi là thợ mộc, dụng cụ tương đối đầy đủ, có gì nhờ vả cũng ổn, nhà lại có sân rộng, tre trúc cũng gần nên dễ dàng trong việc vận chuyển.
Ngoài những thành viên đăng ký làm trại ra, các bạn còn lại, nếu thích hay rảnh rỗi cứ lên chơi, đây là thời gian vui vẻ và tuyệt vời của cả lớp.
Hết ra chơi lại trúng tiết tin học của thầy Chinh – chủ nhiệm tạm thời lớp tôi bây giờ, vậy là bọn tôi được thầy cho thêm thời gian để triển khai kế hoạch kỹ hơn.
Sáng hôm sau, mới hơn 6h thằng Minh chạy xộc vô phòng tôi gọi cửa. Bật dậy vò đầu rồi đi xuống rửa mặt. 15ph sau tôi và nó đã ăn bánh bèo ngay đầu cầu Cẩm Lệ. Nó háo hức bao nhiêu, tôi cũng háo hức như vậy.
Từ dạo vì học hành sa sút, được chuyển lên ngồi bên cạnh ku Thành, trước mặt là bí thư, sau lưng là lớp trưởng kèm cặp, nó tiến bộ thấy rõ.
Tính tình thằng này cũng xởi lởi, vui vẻ, hòa đồng nên bọn tôi cũng nhanh chóng thân nhau.
Nhà nó trên nhà tôi một đoạn, thành ra mỗi sáng đi làm trại, tiện đường, nó ghé nhà gọi tôi dậy rồi hai đứa cùng đi vô Hòa Xuân. Sáng nào cũng vậy, tới ngay đầu cầu, bọn tôi lại dừng xe vào ăn bánh bèo và mần ly sữa đậu nành.
Bánh bèo thì ngon thật. Nhưng ăn mãi cũng ngán. Vậy mà bọn tôi vẫn ăn. Vì đúng như cái tên, giá nó bèo thật. Hai đứa tôi, 17 bẻ gãy sừng trâu. Ăn như tằm ăn lên. Mỗi đứa sơ sơ 20 chén. Tinh bột nhiều làm no lâu, dai sức, thêm ly sữa mát lạnh là quá đủ năng lượng cho một ngày căng tràn sức sống.
Vào đến nhà bé Vi. Hẹn 7h30 nhưng mới 7h10, tất cả đã gần như đông đủ. Tôi bắt đầu tập hợp lại rồi phân công.
Vẫy vẫy tờ A4 vẽ hình cổng trại trước mắt tụi bạn, tôi nói:
– Chúng ta sẽ làm cổng trại thế này.
– Không đẹp. – Thằng Đông lên tiếng.
– Biết nó cũng có tham gia đoàn địa phương, tôi ôn tồn – Mi có mẫu khác hả, hay muốn sửa chỗ nào?
– Không, ta chỉ thấy không đẹp nên nói thôi.
– Thấy nó có vẻ khó chịu, tôi cố nhìn vào mắt để phán đoán – Nếu thấy không đẹp thì phải chỉ rõ không đẹp chỗ nào.
– Ta nghĩ làm hai bên hai trụ đứng, ở giữa đan tre làm cầu, có thể đi được bên trên luôn. Vậy được hơn.
– À, vậy cũng hay, nhưng rất tốn kém, lại không được đánh giá cao về hình thức…
– Sao mi biết? – Nó lớn tiếng cắt lời.
– Thấy nó có vẻ chống đối, tôi dừng lại, suy nghĩ một thoáng. Nếu chưa quyết định được bản vẽ thì chưa triển khai công việc được. Nó cứ tiếp tục thế này, đẩy ra thì không được, theo ý nó cũng không xong, chi bằng dung hòa. – Vậy bây giờ, ta làm một nửa, mi làm một nửa.
– Là thế nào?
– Nghĩa là ta làm trụ bên trái, mi làm trụ bên phải, làm thêm đoạn nối giữa hai trụ.
– Nó suy nghĩ gì đó rồi gật đầu.
Thở phào nhẹ nhõm. Bởi nếu nó lắc đầu, chưa ra trận đã chém tướng, tôi không đành. Còn nếu theo ý nó hoàn toàn, không hợp lý. Tôi chỉ lùi 1 bước, rồi dùng giọng nói nhẹ nhàng nhưng đôi mắt dứt khoát để nó hiểu, đó là sự lựa chọn duy nhất.
Và nó vẽ cho tôi xem trụ bên phải theo ý của nó. Tôi nhìn rồi lẩm nhẩm tính toán số lượng tre, sau đó cả bọn lên xe đi “lấy hàng”.
Bé Vi chỉ chỗ cho bọn tôi đến chặt. Cách nhà nó tầm 2km. Mượn chiếc xe bò của ba bé Vi. Tôi, thằng Thành, Nhân, Mạnh, Tuyển, Minh, Danh, Đông, Sơn, Quang, Đức, Sen… bắt đầu hành trình lao vào cái “khó nhất trên đời” này.
Ông bà ta đã đúc kết “khó nhất chặt tre, khó nhì de gái”. Ý là tán tỉnh một người con gái còn dễ hơn chặt được một cây tre. Và tôi thì tán gái còn trầm trầy trầm trật, huống gì…
Nhưng may mắn cho bọn tôi, hì hục cả buổi mới được hơn 8 cây, thầy Chinh đã đến lăn xả vào cộng việc này. Thầy với thằng Đông bắt thang leo lên rồi đạp gai lao vào giữa bụi tre, lúc thì dùng rựa, lúc lại dùng cưa, đẩy tới đẩy lui, chặt lấy chặt để đến tận 11 giờ mới kiếm được tầm 20 cây. Thấy đã đủ số lượng, lại sắp đến giờ học, tôi lên tiếng báo rồi thu nhặt chất lên xe đẩy về.
Vì là nhà bà con của bé Vi nên bọn tôi không phải mua. Nhưng lấy không cũng không đặng, tôi rút ra 50k gửi lại bác chủ nhà xong chạy ra hỗ trợ anh em.
Xe bò chất được 15 cây đã không thể chất thêm. Vậy là bọn tôi lấy mấy cây còn lại cột vào mấy chiếc xe đạp rồi kéo về.
Trời tháng 3, miền Trung nắng chưa rắn rỏi nhưng đã đủ làm cả bọn mệt lả. Tốn công sức chặt tre, rồi khuân tre, lại là cả đám công tử bột, mới đẩy được 2/3 đường đã thở hễ hả. May sao lúc đó trời kéo mây đen và đổ một cơn mưa như trút nước. Cơn mưa này làm đất mát mẻ hẳn đi, làm bọn tôi tỉnh táo, phấn chấn vui vẻ hẳn lên, nhưng cũng làm đường lầy lội khó đi hơn.
Dầm chân dưới con đường đất sũng nước, bọn tôi đứa kéo đứa đẩy đứa hò reo í ới. Những nụ cười trong vắt, những đôi mắt an nhiên, những giọng nói hào sảng. Hồi đó Omo có bài quảng cáo “đẩy đẩy đẩy, dầu nhớt đây, đẩy đẩy…” bọn tôi cứ vừa hát vừa cười vang dậy cả một cánh đồng. Sức lực cũng vì thế mà thêm phần dai dẳng.
Viết đến đây, những kỷ niệm đó vẫn bồi hồi hiện về như nguyên vẹn trong trí nhớ. Con đường mưa năm đó đã được tân trang theo diện nông thôn mới. Cả khu làng xóm Hòa Xuân bây giờ, qua quy hoạch cũng đã thay da đổi thịt hoàn toàn, không còn là miền quê với lò gạch mái tranh, với lũy tre giếng nước, với sân hợp tác xã đá bóng mà bọn tôi lăn lộn thuở nào. Nhưng chừng đó gương mặt bạn tôi vẫn còn đây. Tương lai thì vô định. Chỉ có hiện tại với quá khứ mới mang đến cho chúng ta niềm vui khi trải nghiệm, khi nhớ về…
Đến nhà Xuân Vi cũng đúng giờ trưa. Không kịp ăn, cả bọn lao vào thay đồ rồi phóng đến lớp. Mặt mũi thằng nào thằng nấy như vừa đi mần ruộng về, lấm lem, bơ phờ, đói lả nhưng hồn hậu…
Sáng hôm sau, thằng Minh lại đến gọi tôi í ới. Hai đứa vẫn 40 chén bánh bèo rồi tới nhà Vi. Tôi mang theo đinh, dây thép, dây dừa… bắt đầu công cuộc dựng trại.
Bên cổng của tôi có ku Thành, Tuyển, Minh, Sen, Danh, Nhân giúp đỡ. Bên thằng Đông có thằng Ân, Sơn, Quang, Đức, King, Mạnh phụ trợ.
Đến gần trưa, Diệp mang theo thịt heo, mít non, giá và bún tới. Cái này tôi nói Diệp trưa hôm qua khi giờ ra chơi mấy đứa xuống căn tin ăn bánh mì ngọt chống đói.
Vừa đến nơi, bật chân chống xuống, tà áo dài đó đã mang đến cho tôi một tâm thế phấn khởi vô cùng. Ánh mắt em nhìn tôi như âu yếm, nụ cười em trao tôi như mật ngọt…
Vô nhà sửa soạn dụng cụ, em mang ra cho tôi cốc nước trong sự ghen tị của tụi bạn. Rồi em lại đi vô. Lục đục gì đó trong bếp đến tầm 11h30, em ra gọi cả bọn vào ăn trưa.
Hồi đó bọn tôi coi món bún xì dầu được phi hành tỏi ăn kèm với giá trụng hay mít trộn đã là cái gì đó sơn hào hải vị lắm rồi. Nay lại thêm cả mắm nêm và thịt heo luộc, thật không thể nào diễn tả được độ ngon lành của nó nữa, đặc biệt hơn khi vừa đói, vừa mệt, lại được ăn quây quần bên nhau, và với riêng tôi, được chính bàn tay người con gái ấy làm cho.
Chiều hôm đó đến trường, giờ ra chơi, Thương qua lớp gọi tôi ra nhét vào tay mảnh giấy rồi về.
Mở ra đọc, Thương nói không biết sắp xếp công việc hội trại thế nào nên nhờ tôi giúp. Lớp Thương chưa chuẩn bị gì cả.
Quay xuống nhìn Diệp, thấy dường như em không để ý đến cuộc gặp gỡ vừa rồi, tôi lấy cuốn sổ tay ra, đứng dậy đi qua lớp Thương.
– Thương xem trong này nha, V có ghi rõ bảng phân công công việc của lớp V trong đó, Thương cứ xem rồi tùy vào tình hình lớp mà sắp xếp.
– Lát nữa về gặp Thương tí được không?
– Suy nghĩ một thoáng, lát về có hẹn Diệp lên nhà để tập nhảy, tôi cân nhắc thời gian, thấy không kịp nên đành từ chối – Thương cứ alo V nhé, chiều nay V bận mất.
Quay lưng thật nhanh tránh đi đôi mắt em nhìn vào, tôi bước vội về lớp như cố gắng chạy trốn. Nếu ánh mắt đó chạm vào trái tim tôi, tôi sẽ lại đóng băng một lần nữa…
Nhưng đến lớp, ánh mắt Diệp lại làm tôi như bốc cháy…